Yếu tố tâm linh và tôn giáo trong tiểu thuyết

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh vào tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua hai tác phẩm Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng Ngàn (Trang 130)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.2. Yếu tố tâm linh và tôn giáo trong tiểu thuyết

Yếu tố tâm linh và vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo là một phương diện được đề cập trong nhiều tiểu thuyết từ sau thời kì Đổi mới. Khai thác đời sống tâm linh với những giấc mơ, những mộng mị, mê sảng giúp nhà văn hiểu được những điều sâu thẳm, ấn kín nhất trong tâm hồn con người. Đời sống tâm linh trong cõi sâu thẳm của thế giới tinh thần vô cùng phức tạp gắn liền với nhu cầu sám hối và khát vọng được sống trong bình an, hạnh phúc. Những giấc mơ, những cơn ác mộng trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly là phương tiện hữu hiệu để nhà văn có thể “bóc, tách” đời sống nội tâm phức tạp của nhân vật. Cơn ác mộng gặp Nghệ Hoàng vào canh ba của Quý Ly là nỗi ám ảnh “tội lỗi” cũng như thể hiện nhu cầu được giãi bày. Cảm giác ám ảnh khôn nguôi của Quý Ly còn biểu hiện trong giấc mộng “Khuôn mặt bôi vôi”. Và đúng như lời giải mộng của Sử Văn Hoa, những chi tiết trong giấc mộng đã thể hiện lo lắng mà ông muốn cố che giấu mọi người, che dấu cả với chính bản thân mình: sự phản đối của kẻ sĩ. Giấc mộng tuổi thơ gặp bóng hình con ma Ngọc Lan thi thoảng lại trở về trong Trừng. Con ma Ngọc Lan xinh đẹp, dịu dàng, hiền lành với “nón thúng quai thao”, “váy lụa” và “hài cườm” đã ban phát cho Nguyên Trừng những phút giây diệu kì và thần tiên nhất. Thế giới mộng tưởng ấy khác hẳn cõi

thực đầy âm mưu, thoán đoạt của “cơn bão tố cung đình” mà lòng Trừng luôn phải phiền muộn. Giấc mơ Ngọc Lan là niềm khát khao sự yên bình, sự sẻ chia và đồng cảm trong trái tim nhân vật.

Thay vì xác lập vị trí trung tâm của nhân vật trong đời sống xã hội bằng việc dịch chuyển dần vào đời sống tâm linh là thay đổi quan trọng trong quan niệm văn chương của các nhà văn đương đại. Trước đó, văn học truyền thống do những hạn hẹp và định kiến dường như rất ít nói về tâm linh. Sự mở rộng quan niệm nghệ thuật vào thời kì Đổi mới cho phép nhà văn khám phá phần vô thức, ẩn ức trong thế giới tinh thần vô cùng phức tạp của con người. Nhân vật Khẩn (Ngồi), Tính (Thoạt kỳ thuỷ) của Nguyễn Bình Phương ngoài việc hiện hữu ở thế giới thực còn sống trong thế giới mộng ảo. Sống giữa đời thực nhưng “tôi” trong Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh luôn bị ám ảnh bởi những kí ức.

Những ước mơ thầm kín, những dày vò, nỗi sợ hãi, sự ám ảnh của ký ức và cả niềm hy vọng, nỗi phiền muộn, v.v, … của nhân vật đã được các nhà văn khám phá qua yếu tố tâm linh. Tâm linh còn gắn liền với vấn đề tín ngưỡng và tôn giáo. Huy Ninh công chúa trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly và niềm sùng tín đạo Phật tạo nên cảm giác an lành và tĩnh tại. Người phụ nữ ấy đến với niềm tin tôn giáo để được xoa dịu nỗi phiền muộn từ bàn tay của đức Phật từ bi. Và chính cái tâm đạo Phật trong bà lại trở thành một thứ “tín ngưỡng” để người chồng sám hối và ăn năn. Những giáo lí tốt đẹp ở tín ngưỡng tôn giáo vào một số hoàn cảnh có thể tạo thành chỗ dựa tinh thần to lớn khiến con người có thể vượt qua được những “rạn vỡ”, “khủng hoảng” trong cuộc đời. Trong Mẫu thượng ngàn, đời sống tâm linh gắn liền với những lễ hội, những huyền thoại, tín ngưỡng văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ hội mùa xuân ở Cổ Đình là lễ hội lớn của cả vùng cứ ba năm mới có một lần. Lễ hội Kẻ Đình là dịp để những người dân quê sống lại những kí ức linh thiêng từ huyền thoại ông Đùng bà Đà. Núi ông Đùng bà Đà cùng câu chuyện đậm tính phồn thực mà người dân vẫn lưu truyền luôn ẩn giấu những điều lạ lùng. Nơi ấy, vào “mùa trải ổ” khi những tàn tro cuối cùng làm biến mất hai gương mặt hình nhân khổng lồ, tất cả

những người có mặt trong lễ hội dường như rơi vào khoảng lặng mênh mông trước khi cùng hoà nhập vào sự sống bất tận của thiên nhiên. Vào mùa lễ hội, những người dân quê lại xuôi dòng sông Son tìm về với Mẫu. Con người như được thoát khỏi tục luỵ trần gian chỉ còn ánh đèn, ánh nến, tiếng đàn, tiếng hát và nỗi siêu thoát ở những giá đồng. Đấy là những khoảnh khắc con người được giải thoát, được an bằng và được thăng hoa về tâm hồn.

Có thể nói, bao trùm và thấm đẫm trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn là màu sắc tâm linh, tôn giáo và sự huyền hoặc. Ngôi chùa đổ và phép trừ tà lạ lẫm của ông Hộ Hiếu gợi cảm giác bí ẩn về một thế giới thần linh. Thế giới linh diệu của hoa cỏ, suối nguồn và bạt ngàn cây rừng của xứ xở nhiệt đới dường như ở đâu cũng có những “âm hồn” khiến những tâm hồn Pháp quốc như Rénee, Pierre trở nên bị thu hút và những kẻ đi cai trị trở nên e dè, sợ sệt. Philippe không thể hiểu nổi vì sao phép phù thuỷ của Hộ Hiếu lại chữa được căn bệnh điên cho Pierre cũng như vì sao Mùi – người đàn bà An Nam lại mê ngồi đồng đến thế. Khi Mùi hầu đồng cô trở thành một con người khác hẳn. Trong tâm trí của Nhụ và Điều, hình bóng của các cô áo đỏ áo xanh “đánh võng tít trên cây đa”, “vào những hôm thanh vắng” thuộc về một thế giới khác hẳn đời sống trần gian, đó là các cô hầu của thánh, thần chứ không phải ma. Và không gian tâm linh nơi gốc đa thiêng “phải đến trên ba trăm tuổi” ở Cổ Đình khiến một người như Philippe luôn không tin những người dân nhỏ bé xứ thuộc địa này lại có tôn giáo phải sợ hãi. Những chiếc bình vôi trắng toát treo ở những rễ đa tựa như những chiếc đầu lâu như ẩn chứa một thế giới của các âm hồn cũng tràn ngập nộ khí. Nhiều tập quán của người dân như cách thức tiến hành đám ma trùng tang bà Cả Cỏn, cảnh đám ma vùng đồng chiêm hay chi tiết huyền hoặc về những linh hồn áo trắng trong ảo giác của Pierre, v.v. đã góp phần biểu hiện đậm nét tính chất bí ẩn trong thế giới tâm linh, tín ngưỡng văn hoá con người.

Như vậy, khai thác yếu tố tâm linh và tôn giáo trong tiểu thuyết giúp nhà văn phá chiều sâu vô tận trong đời sống con người. Đời sống tâm linh với giấc mơ, mộng tưởng hay gắn liền với những phong tục tập quán truyền thống không phải là

những hành động mê tín dị đoan hay chủ nghĩa duy tâm. Đặc biệt, yếu tố tâm linh và tôn giáo đã tạo nên hiệu quả thẩm mỹ riêng cho tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn. Qua các sáng tác này, người đọc tìm thấy những vẻ đẹp, những giá trị đích thực của những hoạt động văn hoá dân gian trong đời sống tinh thần người Việt Nam.

Một phần của tài liệu Những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh vào tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua hai tác phẩm Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng Ngàn (Trang 130)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)