6. Cấu trúc luận văn
1.2.1. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương
Trong đời sống văn học đương đại những năm trở lại đây, nhắc tới nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nhiều độc giả yêu văn học sẽ nhắc ngay tới hai tác phẩm Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn của ông. Hiện nay, tại căn nhà số 36 trên ngõ Trần Khát Chân thuộc quận Hai Bà Trưng Hà Nội, nhà văn ở tuổi thấp thập cổ lai hy vẫn tiếp tục dự định cho những tác phẩm mới của mình.
Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1932 tại phố Huế Hà Nội, từng đỗ tú tài Toán, học Đại học Y khoa Hà Nội. Thời trai trẻ, Nguyễn Xuân Khánh được biết đến là một người rất say mê âm nhạc. Bước vào ngưỡng tuổi hai mươi, Nguyễn Xuân Khánh ra vùng tự do tham gia vào lực lượng quân đội. Trong quãng thời gian quân
ngũ này, năm 1955, Nguyễn Xuân Khánh đã viết những tác phẩm đầu tiên. Năm 1957, truyện ngắn Một đêm của tác giả được giải thưởng cuộc thi truyện ngắn đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (giải nhì không có giải nhất). Từ đó, văn chương đã gắn bó với ông như một duyên nghiệp, như một sự tình cờ mà số phận với những ngả rẽ bất ngờ đã đặt nó vào lòng tay. Vào khoảng năm 1960, tác giả của tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn được chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhưng ở con người mang nhiều tư chất nghệ sĩ như nhà văn dường như không thể phù hợp với một môi trường làm việc quy phạm và chuẩn mực của quân đội. Từ năm 1962, sau khi in tập truyện ngắn đầu tay có tên Rừng sâu
và bị kỉ luật [4], ông tạm ngừng sáng tác. Tuy nhiên, nhà văn vẫn ấp ủ cho những dự định văn chương của mình và sẽ viết trong một thời điểm thích hợp. Năm 1969, Nguyễn Xuân Khánh về hưu sớm và không xuất hiện trong đời sống văn học. Đây là quãng thời gian ông sống lặng lẽ với văn chương dù có “viết một số cuốn nhưng vì lí do tế nhị nên ký bút danh khác” [19]. Để đối diện với cuộc sống thường nhật, Nguyễn Xuân Khánh đã lao vào cuộc sống mưu sinh bằng những nghề từ “cao sang” cho tới “mạt hạng” nhất (dịch sách, thợ may, bán máu, nuôi lợn, thợ khóa, gác nhà kho, v.v.). Nhưng cũng chính thời gian này đã tạo cho ông thêm nhiều sự trải nghiệm trong cuộc sống, một tầm suy nghĩ sâu sắc và kho tri thức, vốn văn hoá phong phú từ những trang sách mà ông vẫn âm thầm nghiền ngẫm. Từ đáy sâu tâm hồn mình, Nguyễn Xuân Khánh vẫn dành cho văn chương một ví trí đặc biệt thậm chí tới mức “linh thiêng” không bao giờ xoá bỏ.
Hiện nay, ngoài các tác phẩm được xuất bản rộng rãi trong những năm gần đây như Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Nguyễn Xuân Khánh còn là tác giả cuốn tiểu thuyết Miền hoang tưởng và một cuốn tiểu thuyết chưa được xuất bản, chỉ có bản in trên mạng với nhan đề: Trư cuồng. Đây cũng là những sáng tác thể hiện nhiều tâm huyết của tác giả trong hành trình sáng tạo nghệ thuật. Một điểm chung có thể nhận thấy ở hai tác phẩm này là tính chất huyền hoặc, giàu tính triết lý về những vấn đề có liên quan trực tiếp đến đời sống con người. Và qua tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn, người đọc thêm một lần nữa tìm thấy mối liên hệ
trong quan niệm và sáng tác nghệ thuật của nhà văn. Ngoài ra, tại các thư viện lớn, tác phẩm của ông sáng tác từ trước những năm 70 vẫn được lưu giữ như Rừng sâu
(1963), truyện ngắn Người lính gác – in trong tập Hoa mua (1963), Lá thư Hà nội (1967), Mưa quê (2003). Yêu văn chương, không chỉ sáng tác, nhà văn còn lặng lẽ dịch những tác phẩm văn học mà ông thấy yêu thích. Các tác phẩm dịch của ông phải kể tới như Những quả vàng (1996) của Nathalie Saraute, Lời nguyền cho kẻ
vắng mặt (1996) của Tahar Jelloun, Nhận dạng nam (1999) của Elizabeth Badinter,
Năm tuần trên khinh khí cầu (2002) của Jules Verne, Nữ hoàng Sissi (2003) của Anne Francoise Loiseau. Và trong tương lai, “gốc mai già xù xì” (nói như cách nói của nhà văn Văn Chinh) ấy vẫn dự định ấm ủ những nụ vàng chờ ngày kết trái.
Đến với văn chương một cách không chủ định nhưng nghiệp văn lại đã gắn bó với ông như một duyên nghiệp. Mặc dù trên con đường đến với lâu đài văn chương không phải lúc nào cũng dễ dàng mà có lúc phải trải qua những thăng trầm, mất mát thậm chí cả những “thất bại” trong đời nhưng ông đã không hề nản lòng rời bỏ niềm đam mê với văn chương. Điều gì đã giữ lại cho ông niềm tin và niềm say mê ấy? Một trong những nguyên nhân quan trọng ấy chính là những kí ức và khát vọng tuổi thơ với rất nhiều dư vị. Nguyễn Xuân Khánh có một tuổi thơ thiếu vắng tình cảm người cha, mồ côi cha từ năm còn rất nhỏ (5, 6 tuổi). Sống cùng mẹ và gần gũi với những người phụ nữ ruột thịt xung quanh mình đã sớm tạo cho Nguyễn Xuân Khánh một sự nhạy cảm. Hình ảnh những người phụ nữ ruột thịt và nỗi cô đơn chan chứa cùng niềm khát khao thầm kín sâu thẳm của họ chính là một nhân tố quan trọng tạo nên giọng điệu tâm hồn của nhà văn, tạo nên sức ám ảnh tự nhiên trong văn chương của ông. Niềm say mê văn học và khát vọng hướng tới cái đẹp của Nguyễn Xuân Khánh lớn lên trong không khí văn học đô thị và sớm có dịp tiếp cận với những tác phẩm văn chương hiện đại đầu thế kỉ XX. Chính những sáng tác của một thế hệ các nhà văn như Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, v.v. đã tiếp thêm tình yêu văn chương và cung cấp cho ông vốn tiếng Việt phong phú. Thêm vào đấy, những năm tháng trên ghế nhà trường, trong môi trường quân đội, hoạt động văn nghệ, Nguyễn Xuân Khánh được trau dồi, rèn luyện về ý thức cách mạng, tiếp nhận
từ lí thuyết đến hoạt động thực tiễn tư tưởng Mácxít. Ngọn nguồn “rèn luyện cho nhà văn nghị lực, ý chí tranh đấu, chống lại cái ác” [21] một phần cũng chính nhờ sự tác động sâu sắc của lí luận Mácxít.
Một đời người, một đời văn – nếu nói một cách công bằng – Nguyễn Xuân Khánh là người có những vất vả trong đời riêng và “thiệt thòi” trong văn chương. Tuy nhiên, ông đã sống một cuộc đời đầy kiên trì và luôn cố gắng để nuôi dưỡng mãi niềm đam mê với văn chương. Trong nghiệp viết của mình, chính ý chí tự lập, ham học hỏi được rèn luyện từ rất sớm trong tuổi thơ nhiều kí ức và môi trường học tập, công tác cùng sự tiếp nhận vốn tri thức, văn hoá và rất nhiều những trải nghiệm trên đường đời, v.v. đã tạo nên những thành công cho nhà văn. Cho tới hôm nay, dù với khối lượng tác phẩm không nhiều nhưng bằng những gì mà ông đã thể hiện trong đời sống văn học và những thành công của những sáng tác tiểu thuyết những năm gần đây, Nguyễn Xuân Khánh xứng đáng được vinh danh như một gương mặt tiểu biểu của tiểu thuyết đương đại Việt Nam.
1.2.1. Hai tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn
Năm 2000, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh xuất hiện trở lại trong đời sống văn học bằng tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly. Ngay sau đó, tiểu thuyết Hồ Quý Ly đã được Hội đồng Chung khảo cuộc thi tiểu thuyết 2000 – 2004 đánh giá cao với số phiếu tuyệt đối và giành Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Để đến được với Giải thưởng văn chương năm 2000, tiểu thuyết Hồ Quý Ly đã được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh “thai nghén” trong suốt gần ba thập kỉ. Tác phẩm được “khởi thảo từ những thập niên 60 và và viết lại trong thập niên 90” [93].
Người đọc tìm thấy ở Hồ Quý Ly thời khoảng đầy biến động của lịch sử dân tộc (cuối Trần sang Hồ) với những nhân vật lịch sử và tâm sự của họ đã trở thành vấn đề tranh cãi chưa hẳn đã đồng nhất từ trước đến nay. Với tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh đã thể hiện cách đánh giá mới, khách quan hơn về triều đại nhà Hồ, về nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly với bi kịch của người cải cách đi trước
thời đại, … Nổi bật trong tác phẩm là mối mâu thuẫn giữa hai phe phái: phe Hồ Quý Ly và phe “phù Trần”. Nhân vật trung tâm trong tác phẩm - Hồ Quý Ly được soi chiếu dưới góc nhìn của các nhân vật khác để “lộ ra” những mảng sáng và mảng tối trong tâm hồn. Bên cạnh đó, một hệ thống các nhân vật với đủ các tầng lớp các giai tầng với các mối quan hệ cùng các toan tính, âm mưu, các mối mâu thuẫn giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa tham vọng quyền lực và tình cảm cá nhân, v.v. đã tạo nên một tác phẩm đa sự kiện, đa tuyến nhân vật, chứa đựng nhiều nội dung và mang những giá trị tư tưởng mới mẻ. Thông qua các sự kiện, nhân vật lịch sử, tác giả cũng đồng thời gửi gắm những tâm sự của mình về những vấn đề trong cuộc sống hiện tại của con người hôm nay: bảo thủ và đổi mới. Hồ Quý Ly còn cho thấy vốn kiến thức lịch sử, văn hoá, vốn ngôn ngữ và tâm hồn tinh tế của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trong việc bộc lộ thế giới nội tâm con người, tả cảnh và vận dụng các giai thoại, các truyền thuyết dân gian, v.v. Với những nét độc đáo và đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật, Hồ Quý Ly không những đạt giải thưởng về văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000 mà còn đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, Giải Thăng Long của UBND TP Hà Nội.
Năm 1959 trong thời kì đi trại sáng tác, Nguyễn Xuân Khánh viết cuốn tiểu thuyết về một làng quê thời kháng chiến chống pháp có nhan đề Làng nghèo nhưng không được in. Bất chấp thất bại đầu tiên đó, nhà văn vẫn suy ngẫm về nội dung của câu chuyện trong tiểu thuyết Làng nghèo với mục đích sẽ tiếp tục viết về cái làng ấy trong một cuốn tiểu thuyết khác tại một thời điểm thích hợp. Năm 2000, trên cơ sở bản thảo cuốn Làng nghèo, tác giả đã viết Mẫu thượng ngàn. Tác phẩm Mẫu thượng ngàn
đã nhận được giải cao nhất trong lĩnh vực văn xuôi 2006 của Hội Nhà văn Hà Nội.
Mẫu thượng ngàn là một biến thể hoàn toàn mới so với Làng nghèo xưa và ra
đời vào chặng đường chín chắn nhất của đời nhà văn. Cuốn tiểu thuyết đã đề cập tới nhiều vấn đề mới mẻ trong thời kì tiếp biến văn hóa Pháp – Việt. Để tác phẩm dung chứa hết được nội dung và các suy tư của mình, nhà văn đã dời bối cảnh câu chuyện từ một làng kháng chiến khi bị quân Pháp xâm chiếm tại Hà Nội sang một ngôi làng
trong cuộc giao lưu văn hóa Việt – Pháp ở vùng trung du. Chính trong hoàn cảnh ấy, mỗi cá nhân sinh ra lớn lên từ mảnh đất mang đậm dấu ấn của miền quê Bắc bộ sẽ tự bộc lộ những cách ứng xử trước thời cuộc, trước lịch sử. Làng Kẻ Noi hiện lên đậm đà cốt cách của một làng Việt giữa những biến động mà ẩn sâu trong tiềm thức văn hoá làng và cao hơn là gốc văn hoá vẫn mãi trường tồn phát triển. Điều đặc biệt nhất trong cuốn tiểu thuyết là sự tràn ngập các yếu tố folklo, các tín ngưỡng văn hoá, tín ngưỡng “phồn thực”. Mẫu Thượng ngàn đã đề cập tới nhiều vấn đề mà từ trước tới nay ít các sáng tác văn học dám mạnh bạo bày tỏ. Tác phẩm đã đưa ra cái nhìn mới về thời thuộc Pháp, không chỉ có người Việt Nam mà đời sống của những người Pháp ở thuộc địa, người Việt theo Ki tô giáo cũng được miêu tả, lần đầu tiên có một tiểu thuyết viết về đạo Mẫu và tục lên đồng, những thứ mà trong một thời gian dài, số đông cộng đồng vẫn coi là mê tín dị đoan,v.v.
Sự thành công và các giải thưởng cao của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội v.v là những bằng chứng ghi nhận những giá trị đặc sắc trong hai tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn trong đời sống văn học. Chính vì lẽ đó, hai tác phẩm có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt và có vị trí quan trọng đời văn của tác giả. Nó không chỉ minh chứng tài năng văn chương của Nguyễn Xuân Khánh mà còn là sự bù đắp (dù có hơi chút muộn màng) cho người “khai sinh” và “tái sinh” ra nó. Thông qua hai tác phẩm, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng đã góp một tiếng nói riêng trong quá trình cách tân thể loại của tiểu thuyết đương đại Việt Nam.
1.2.3. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn qua đánh giá của giới nghiên cứu, phê bình và dư luận nghiên cứu, phê bình và dư luận
Ngay khi ra mắt lần đầu, tác phẩm Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã tạo nên một sức hút đặc biệt với bạn đọc. Sự hấp dẫn từ hai tiểu thuyết không chỉ được đo đếm qua số lượng người đọc mà còn được biểu hiện cụ thể qua một loạt bài viết, bài phỏng vấn đăng trên các tạp chí nghiên cứu, các báo chuyên ngành, các đặc san hay nhật báo, những bài viết đã cho thấy sự quan
tâm của giới nghiên cứu phê bình, báo chí và giới truyền thông tới nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và sáng tác của ông.
Đáng chú ý là các bài viết của các nhà nghiên cứu, phê bình như Phạm Xuân Thạch, Đinh Công Vĩ, Phạm Xuân Nguyên. Trong một cái nhìn khái quát về nhóm tiểu thuyết khai thác đề tài lịch sử, TS. Phạm Xuân Thạch đã đề cập tới tiểu thuyết
Hồ Quý Ly trong một diện rộng có sự soi chiếu với sáng tác của nhiều tác giả tiểu
thuyết đương đại. Nhà nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh tới các yếu tố chi phối tới cấu trúc làm thay đổi cốt truyện của một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử trong đó có tiểu thuyết Hồ Quý Ly: sự thay đổi trật tự thời gian, giới hạn tiểu thuyết trong những điểm khủng hoảng, sự linh loạt trong việc thay đổi ngôi trần thuật dẫn tới sự đa dạng về giọng trần thuật (lời nhân vật, lời người trần thuật, lời gián tiếp tự do – sự pha trộn giữa lời người trần thuật và lời nhân vật), cách xây dựng hình tượng nhân vật. Tác giả cũng đồng thời đề cập tới vấn đề sự thực và tính chân thực trong tiểu thuyết lịch sử. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly đã đề cập tới rất nhiều vấn đề mang ý nghĩa lịch sử có mối quan hệ mật thiết với cuộc sống của con người hiện tại. Cái đích cuối cùng của một cuốn tiểu thuyết như Hồ Quý Ly không phải là một đáp án cho một nghi án lịch sử. Cuốn tiểu thuyết với “dày đặc những nhân vật với tư cách là những lập trường tư tưởng, những ẩn dụ tư tưởng” [94]. Chính hình thức kết cấu đó sẽ đặt ra hàng loạt vấn đề mang ý nghĩa thời sự trong tác phẩm. Hồ Quý Ly là một tác phẩm chứa đựng nhiều các tư liệu lịch sử nhưng cao hơn tác phẩm là những suy tư về lịch sử, lấy những vấn đề lịch sử để phản chiếu lại cuộc sống của con người hôm nay. Nếu như TS. Phạm Xuân Thạch phân tích bản chất kết cấu hình thức và nội dung tư tưởng ở tác phẩm Hồ Quý Ly nhằm hướng tới một sự tổng hợp chung về nhóm tiểu thuyết khai thác đề tài lịch sử trong văn học Việt Nam đương đại thì TS Đinh Công Vĩ lại dành sự quan tâm vào riêng tiểu thuyết Hồ Quý Ly qua bài viết Về
tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh. Tác giả khẳng định Hồ Quý Ly là
một tiểu thuyết “mới lạ” khác hẳn những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử trước đó. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã chọn một thời điểm lịch sử nhiều biến động gắn với hệ thống những nhân vật lịch sử. Nhân vật Hồ Quý Ly hiện lên trong cái nhìn đa chiều
qua nhiều góc độ từ các nhân vật khác nhau trong tác phẩm. Tác phẩm Hồ Quý Ly
đã thể hiện tầm hiểu biết văn hóa sâu sắc của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Bài viết