III Các phương pháp kiểm tra đánh giá:
c. Sử dụng thí nghiệm và các phương tiện trực quan trong kiểm tra miệng:
Có thể dùng ba cách sau đây:
Cách thứ nhất: HS làm thí nghiệm hóa học hay sử dụng các phương tiện trực quan theo
trình tự trả lời trên cơ sở câu hỏi GV đưa ra.
Thí dụ: - Dựa vào hình vẽ hãy trình bày thí nghiệm điều chế clo (GV có hình vẽ bộ dụng cụ điều chế clo ở bảng hay ở giấy).
- Dựa vào sơ đồ hãy trình bày các công đoạn sản xuất axit sunfuric,…
Ưu điểm của cách một: Cho phép thầy đánh giá khả năng hiểu sâu kiến thức của HS. Hạn chế: Có thể đánh giá cao kiến thức của HS.
Cách thứ hai: Sau khi trả lời xong, HS sẽ làm thí nghiệm hóa học hay sử dụng phương
tiện trực quan. Có thể coi như HS trả lời hai lần câu hỏi đã cho: lần đầu tiên không dùng các phương ttiện trực quan, sau đó sử dụng chúng để làm sáng tỏ những điều vừa trình bày.
Khi ứng dụng cách thứ nhất HS có thể dựa vào mẫu các chất, các bảng, tranh vẽ và làm thí nghiệm để nhớ những điều đã học mà nếu không có chúng thì họ không nhớ được; hơn thế các em còn có thể biết thêm được một số kiến thức mà trước khi sử dụng các phương tiện trực quan thì các em chưa biết.
Khi dùng cách thứ hai, ta có thể tránh được hầu hết các thiếu sót của cách thứ nhất. Bằng cách so sánh câu trả lời của HS trước khi sử dụng thí nghiệm và các phương tiện trực quan với
câu trả lời của chính HS đó sau khi làm thí nghiệm hoặc sử dụng phương tiện trực quan để minh hoạ, GV có thể nhận rõ được trình độ kiến thức thực sự của HS, tránh được việc đánh giá cao hay quá thấp.
Ưu điểm của cách này là kiểm tra được khả năng hiểu biết, nhớ kiến thức của HS. Hạn chế: Chưa kiểm tra được việc vận dụng kiến thức của người học.
Cách thứ ba: Cách thứ nhất và thứ hai trên đây không đủ để xác định xem HS có kĩ năng
vận dụng kiến thức như thế nào trong những điều kiện đã thay đổi. Để thấy rõ kĩ năng này cần ra cho HS những bài tập vận dụng kiến thức trong đó có những bài tập thực nghiệm.
Thí dụ: Có thể ra những bài tập kiểu sau:
- Khi nghiên cứu cấu tạo lò cao, sau khi HS trình bày cấu tạo của lò, thầy giáo yêu cầu em đó xem xét một số hình vẽ sơ đồ lò cao, trong đó ở mỗi hình vẽ đều có chỗ sai. HS phải phát hiện ra chỗ sai và cho biết sai như thế nào.
- Vẽ một dụng cụ tương tự như dụng cụ đã học hoặc khác về hình dáng bề ngoài, nhưng giống về nguyên tắc hoạt động (Chẳng hạn vẽ các dụng cụ khác nhau hoạt động theo nguyên tắc của bình kíp), cũng có thể cho HS giải những bài tập thực nghiệm. Khi quan sát cách HS giải bài tập thực nghiệm này, GV có thể hiểu rõ hơn trình độ vận dụng kiến thức của từng HS.