III Các phương pháp kiểm tra đánh giá:
b. Các yêu cầu sư phạm về cách tổ chức kiểm tra miệng:
+ Người GV phải hình dung được rõ ràng những nhiệm vụ cơ bản đối với công tác kiểm tra đánh giá kiến thức nói chung và những nhiệm vụ đối với hình thức kiểm tra miệng. Có thể nêu ra hai nhiệm vụ cơ bản sau đây đối với kiểm tra miệng.
- Tạo điều kiện thuận lợi để HS có thể bộc lộ một cách tự nhiên và đầy đủ nhất những hiểu biết của họ.
- Dựa vào những câu trả lời miệng và hoạt động thực hành của HS mà phát hiện ra được tình trạng thật của kiến thức và kĩ năng của họ.
+ Sau khi đặt câu hỏi chung cho cả lớp cần cho HS một thời gian nào đó để chuẩn bị câu trả lời rồi mới gọi một HS lên bảng trả lời. Cần chú ý rằng người HS lúc được gọi lên bảng để trả lời câu hỏi là họ đang ở trong một hoàn cảnh đặc biệt làm họ ít nhiều lo lắng. Để có thêm thời gian cho HS chuẩn bị câu trả lời người GV đã áp dụng cách tổ chức sau: không chỉ gọi một HS lên bảng mà gọi hai hoặc ba HS cùng lên bảng. Trước tiên GV nêu câu hỏi cơ bản chung cho cả lớp rồi gọi một HS lên chuẩn bị trả lời miệng hay viết lên bảng đen. Sau đó GV nêu câu hỏi thứ hai cho cả lớp và gọi HS thứ hai. Cũng làm như vậy đối với HS thứ ba.
Khi HS được gọi lên đầu tiên đã chuẩn bị xong thì GV cho phép trả lời trước. Tuy vậy nếu em thứ hai hoặc thứ ba lại chuẩn bị xong trước và tỏ ra bình tĩnh, khá hơn thì có thể cho các em này trả lời trước. Trong lúc đó hai HS kia tiếp tục chuẩn bị: Viết lên bảng các công thức phương trình hoá học, giải các bài toán. Nhờ được chuẩn bị trước, HS có thể trình bày kiến thức của mình một cách nhanh chóng và đầy đủ hơn. Như vậy phương pháp này tạo điều kiện cho HS có kĩ năng trả lời một cách có suy nghĩ mà không hấp tấp vội vàng.
+ Thái độ cách cư xử của GV đối với HS có ý nghĩa to lớn trong khi kiểm tra miệng. Sự hiểu biết của GV về cá tính HS, sự tế nhị và nhạy cảm sư phạm trong nhiều trường hợp là những yếu tố cơ bản giúp thấy rõ thực chất trình độ kiến thức và kĩ năng của HS được kiểm tra.
GV cần lắng nghe câu trả lời, biết theo dõi hoạt động của HS và trên cơ sở đó rút ra kết luận về tình trạng kiến thức của HS. Trong thực tế có một số GV hoá học đã không có sự lưu tâm cần thiết khi nghe HS trả lời. Trong thời gian HS trả lời có một số GV lại đi kiểm tra vở của các HS trong lớp hoặc ghi chép gì đó. Điều đó chứng tỏ GV chưa chú ý đúng mức tới câu trả lời của HS và có ảnh hưởng tới tâm lí trả lời của HS: khi nhìn sự lơ đãng của GV đối với câu trả lời của mình, HS sẽ mất dần tinh thần trách nhiệm đối với câu trả lời và sau đó mất cả hứng thú trả lời.
Còn tệ hại hơn thế nếu không có lí do cần thiết mà GV lại ngắt câu trả lời của HS khi các em trình bày thiếu hay nhầm lẫn một điều gì đó. Trong khi kiểm tra miệng, có một số GV khi thấy HS phạm phải một số sai sót, đã ngắt lời HS, uốn nắn ngay tức khắc. Trái lại một số khác cho rằng phải im lặng, chờ cho HS trả lời xong rồi mới uốn nắn những lệch lạc. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy rằng cần căn cứ vào tình hình cụ thể để giải quyết vấn đề này. Cùng một sai sót của HS nhưng trong điều kiện này thì phải uốn nắn ngay mà trong điều kiện khác lại phải chờ đến khi các em trả lời xong. Nếu HS chỉ đơn thuần nhầm lẫn thì có thể uốn nắn ngay vì sẽ không làm HS đi lệch khỏi dàn ý của học mà còn giúp em đó lấy lại bình tĩnh sau khi đã bị các bạn trong lớp cười ồ lên sau khi nói sai. Nhưng nếu không phải nhầm lẫn mà hiểu sai hay lẫn lộn thì nên để HS trình bày hết những hiểu biết của họ. Cần chống thái độ quá dễ dãi, mà phải nghiêm khắc đúng mực và khách quan trong khi kiểm tra kiến thức. Nếu HS không trả lời được câu hỏi đặt ra hoặc chưa hoàn thành những bài làm ở nhà thì phê phán, cho điểm kém rồi cho về chỗ mà không nên để các em đứng quá lâu ở cạnh bảng.
Để thấy rõ tình trạng thực sự về kiến thức của HS có thể áp dụng “thủ thuật biểu tượng phản diện”. Thí dụ: GV nêu câu hỏi “Em hãy định nghĩa ôxit”. Nếu HS trả lời: “Ôxit là hợp chất mà phân tử gồm hai nguyên tố”, thì GV viết lên bảng công thức NaCl và hỏi tiếp: “Đây có phải là ôxit không? Nó là hợp chất gồm hai nguyên tố như em đã định nghĩa”. Lúc đó, HS sẽ dễ dàng thấy rằng mình định nghĩa chưa đầy đủ và vội vàng bổ sung thêm: “Ôxit là hợp chất mà phân tử gồm hai nguyên tố, trong đó một nguyên tố là ôxi”. Như vậy có thể đánh giá là kiến thức của HS chưa đầy đủ, chính xác. Nhưng nếu HS không nhận ra được kiến thức thiếu chính xác, không phát biểu được định nghĩa đầy đủ về ôxit thì đánh giá là HS chưa hiểu.
Có một số GV hóa học đã áp dụng cách kiểm tra phối hợp như sau: Sau khi chỉ định hai hoặc ba HS lên bảng chuẩn bị trả lời, GV yêu cầu tất cả HS còn lại chuẩn bị trả lời vào giấy nháp một câu hỏi khác (Viết và cân bằng một số phương trình phản ứng hoặc bài tập,…). Sau đó GV thu một số bản nháp sẽ chữa ngay sau khi các HS được gọi lên bảng trả lời xong. Đấy là một trong những cách tạo điều kiện cho HS được tích cực làm việc trong giờ học, nhưng cần chú ý đến trình độ của HS và khả năng của bản thân GV mà vận dụng cho thích hợp, không nên lạm dụng.