6. Cấu trúc luận văn
3.2.2. Tâm lí giằng xé trong cái nhìn về cuộc đời
Tiểu thuyết không thể thiếu nhân vật, vì đó là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực. Nhân vật văn học là hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, không phải là bản sao đầy đủ mọi biểu hiện của con người, mà là một sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi tài năng và công sức của người nghệ sĩ. Theo M.Gorki, điều chủ yếu nhất của nghề viết văn là miêu tả con người cho sinh động. Cái khó không phải là nặn bức tượng mà là tạo hồn cho bức tượng, sao cho đứa con tinh thần của mình có được sức sống lâu bền với thời gian.
Một nhân vật văn học điển hình bao giờ cũng mang tính cách, số phận riêng. Những chi tiết có giá trị góp phần thể hiện đặc điểm tính cách nhân vật thường là lai lịch, ngoại hình, ngôn ngữ, cử chỉ, hành động. Các chi tiết bình thường nhỏ nhặt làm nên hình hài và tính cách nhân vật được nhà văn chú
81
trọng. Nhân vật được miêu tả từ nhiều yếu tố như: mái tóc, hàm răng, điệu cười, ánh mắt, dáng đi, quần áo, trang sức cùng những cử chỉ nhỏ nhặt của một con người bình thường. Bao giờ những nhân vật đặc sắc trong văn học cũng là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật đầy sáng tạo của nhà văn.
Nhân vật Hester Prynne là thành công đặc biệt của Nathaniel Hawthorne trong nghệ thuật tiểu thuyết. Ở chị có một sức mạnh phi thường và khả năng đương đầu với những khó khăn trong cuộc đời. Khi đặt những bước chân tự do đầu tiên từ ngưỡng cửa nhà tù đi ra, “chị cảm tưởng như có một sự tra tấn thực sự hơn là trong buổi bị đưa đi diễu…”. Và chị phải “huy động không màng đắn đo toàn bộ sinh lực” để đương đầu với nó [30; tr.128]. Hester Prynne quyết định ở lại Niu Inglơn mà “không một người bạn nào giữa trần gian dám giáp mặt chị” [30; tr.133]. Bị gạt ra khỏi cộng đồng có lẽ là tận cùng nỗi thống khổ mà một con người phải gánh chịu.
Ngôn ngữ trần thuật của nhân vật là lời trực tiếp của nhân vật trong tác phẩm, là thứ ngôn ngữ được miêu tả. Đó thực chất cũng là ngôn ngữ của tác giả nhưng tác giả để cho nhân vật tự giãi bày về mình. Ngôi kể của nhân vật trần thuật là ngôi thứ hai, thứ ba nhưng vẫn được trần thuật ở ngôi thứ nhất, xưng tôi trong đối thoại. Thông qua đối thoại, nhà văn để cho các nhân vật trần thuật về cuộc đời của mình, phát biểu những suy nghĩ, chiêm nghiệm của mình. Điều này làm nên yếu tố tự truyện của nhân vật. Hester Prynne nhẫn nhục chịu đựng nỗi đau đớn ê chề trước sự ghê sợ, khinh bỉ và nhục mạ của mọi người. Chị không bỏ đi nơi khác mà tiếp tục ở lại giữa mảnh đất đã ruồng rẫy chị, coi đó là một định mệnh.
Thủ pháp xây dựng nhân vật qua miêu tả hành động được Nathaniel Hawthorne đặc biệt chú ý. Đây là thủ pháp thường thấy trong nghệ thuật tiểu thuyết, tuy nhiên dưới ngòi bút của Nathaniel Hawthorne, nó vẫn phát huy hiệu quả. Trong tác phẩm văn học, nếu quá lạm dụng và chỉ chú ý đến
82
hành động nhân vật mà bỏ qua đời sống tâm lí thì nhân vật dễ trở thành loại “nhân vật chức năng”. Loại nhân vật chức năng thường ít có đời sống nội tâm, đặc điểm của nhân vật thường cố định, ít thay đổi trong toàn bộ câu chuyện, nhân vật thường rơi vào tình trạng khô cứng, một chiều. Thủ pháp miêu tả hành động sẽ bổ sung cho những thủ pháp khác để tạo nên hiệu quả nghệ thuật.
Nhân vật văn học không chỉ đơn thuần độc thoại mà phải hành động, phải đối thoại. Hành động làm nên chân dung của nhân vật. Nhân vật tồn tại qua hành động. Phương pháp xây dựng nhân vật qua miêu tả hành động và lời nói góp phần đáng kể vào việc thể hiện tính cách nhân vật. “Chị đã bị dày vò liên tục trong trăm ngàn trường hợp khác nhau bởi vô vàn cơn đau nhức nhối mà bản án mãi mãi có hiệu lực của pháp đình Thanh giáo đã quỷ quyệt trù tính bắt chị phải chịu đựng”, nhưng chị vẫn bước vào nhà thờ ngày chủ nhật với hy vọng “được cùng mọi người hưởng phần ơn phước trong nụ cười của Chúa” [30; tr.139]. Những hành động của nhân vật Hester Prynne được tác giả Nathaniel Hawthorne miêu tả rất sinh động với những bước phát triển rõ rệt về tâm lí.
Thể hiện tính cách nhân vật qua miêu tả hành động là một thủ pháp cơ bản trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Để thể hiện rõ nét tính cách của nhân vật Hester Prynne, Nathaniel Hawthorne rất chú ý trong việc mô tả hành động. Hành động là những việc làm cụ thể của nhân vật trong các quan hệ ứng xử với các cá nhân vật khác nhau và trong những tình huống khác nhau của cuộc sống.
Ở nhân vật Hester Prynne diễn ra sự đấu tranh nội tâm rất mạnh mẽ và sâu sắc. Trí tưởng tượng của chị phần nào bị tác động bởi nỗi đau kì lạ và cô quạnh, thỉnh thoảng chị cảm thấy chữ A màu đỏ đã phú cho chị một giác quan mới. “Chị tin vào một điều, - ôi, chị rùng mình run sợ khi tin vào điều
83
này, nhưng vẫn cứ tin, không thể nào dừng được”. Hester tin rằng cái biểu tượng chị đang mang trên ngực đã truyền cho chị một khả năng giúp chị nhận biết được tội lỗi giấu kín trong lòng người khác. Chị kinh hoảng về những điều phát hiện ra qua khả năng giao cảm ấy. Người phụ nữ bất hạnh ấy tin rằng “cái vỏ bề ngoài trong trắng của người đời chỉ là sự dối trá, rằng nếu ở đâu sự thực cũng bị phô bày ra nguyện vẹn, thì chữ A màu đỏ sẽ cháy bùng trên ngực của biết bao người chứ chẳng riêng gì trên ngực của Hester Prynne” [30; tr.141]. Nhân vật đã “đấu tranh quyết liệt để tin rằng không có một kẻ đồng loại nào giữa cõi trần này lại lỗi lầm đến như chị” [30; tr.143]. Vật vã với những mâu thuẫn, giằng xé nội tâm, Hester Prynne thực sự là nạn nhân của chính mình và của xã hội Thanh giáo khắc nghiệt.
Nhân vật là một phương tiện đặc biệt quan trọng để thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Đặt các nhân vật, tính cách vào trong những mối quan hệ đối lập, mâu thuẫn là một phương thức để nhà văn khám phá, phát hiện những vấn đề xã hội sâu sắc trong đời sống vốn rất sinh động và phức tạp, qua đó làm nổi bật được vấn đề, tư tưởng sâu xa trong tác phẩm. Vì vậy, để thể hiện vấn đề tư tưởng, nhà văn rất hay lí giải và xây dựng hệ thống nhân vật theo lối đối chiếu các tính cách bằng sự đối lập, tương phản. Nathaniel Hawthorne đã làm nổi bật những mâu thuẫn bên trong nhân vật Hester Prynne, với những suy nghĩ giằng xé giữa tội lỗi của bản thân và thế giới xung quanh, cũng như những chiêm nghiệm về cuộc đời.