Lời của người kể chuyện

Một phần của tài liệu Nghệ thuật thể hiện tâm lý nhân vật trong chữ A màu đỏ của Nathaniel Hawthorne (Trang 34)

6. Cấu trúc luận văn

1.3.Lời của người kể chuyện

Lớp lời văn là cấp độ đầu tiên của cấu trúc tác phẩm văn chương. Nhờ nó mà toàn bộ thế giới nghệ thuật được định hình, ý đồ nghệ thuật được “cụ thể hóa” thành thế giới hình tượng. Lớp lời văn của tác phẩm được tổ chức

38

theo hai nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là nguyên tắc ngôn ngữ. Nguyên tắc thứ hai, nguyên tắc nghệ thuật, tức là quy tắc xây dựng hình tượng, tác phẩm nghệ thuật thẩm mĩ. Hai nguyên tắc này hòa quyện vào nhau trong quá trình nhà văn sáng tạo ra tác phẩm và hiện hữu trong tác phẩm văn chương. Mặc dầu, văn chương là nghệ thuật, mà nghệ thuật là hư cấu, là ước lệ, nó không phải là bản thân đời sống. Ngôn ngữ của nó, do đó cũng không phải là ngôn ngữ đời sống. Nhưng các nhà ngôn ngữ học trong quá trình luận chứng cho quy luật ngôn ngữ dân tộc thường lấy các câu văn trong tác phẩm văn chương làm dẫn chứng minh họa. Điều đó nói lên rằng lời văn trong tác phẩm văn chương chẳng những hoàn toàn tuân thủ quy luật ngôn ngữ, mà còn là mẫu mực cho quy luật ấy. Mặt khác, cùng xây dựng trên cơ sở của quy luật ngôn ngữ, nhưng lời văn của tác phẩm văn chương và lời văn của tác phẩm phi văn chương lại có những năng lực tác động không giống nhau. Khác với năng lực tác động của lời văn tác phẩm phi văn chương, năng lực tác động của tác phẩm văn chương được đặc trưng bởi tính thẩm mĩ, năng lực thẩm mĩ. Năng lực thẩm mĩ đó không đơn giản ở chỗ tác phẩm văn chương từ ngữ bay bướm, hoa mĩ, câu văn chải chuốt, lời văn có cánh. Điều quan trọng là ở sức hấp dẫn, lôi cuốn tình cảm người đọc khi họ cảm thụ cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài do ngôn ngữ xây dựng nên [7; tr.198].

So với các nghệ thuật khác, chất liệu ngôn từ của văn chương rất độc đáo: vừa là phương tiện miêu tả, vừa là đối tượng miêu tả. Cũng giống như âm thanh trong âm nhạc, màu sắc trong hội họa, kim loại, gỗ đá trong điêu khắc, ngôn ngữ là chất liệu xây dựng hình tượng văn học. Mỗi loại hình tượng nghệ thuật không tồn tại vô hình mà tồn tại hữu hình trên cơ sở một thứ chất liệu nhất định. Nhờ ngôn từ mà các hiện tượng đời sống ngoài ngôn ngữ được tái hiện. Không có ngôn từ thì cũng không có thế giới hình

39

tượng văn chương. Song, hình tượng văn chương khác với hình tượng của các loại hình nghệ thuật khác là ở chỗ nhân vật biết nói năng. Con người trong văn chương là con người có lời nói. Trong quá trình dùng ngôn từ để tạo nên những hình tượng, nhà văn phải sáng tạo và để nhân vật sản sinh lời nói. Mỗi nhân vật mang một loại lời nói riêng phù hợp với tính cách của mình. Một tác phẩm văn chương là một hệ thống, một tổng thể những phát ngôn của các nhân vật. Văn bản tác phẩm văn chương là một hệ thống những giọng điệu khác nhau của con người. Mỗi nghệ thuật có cách riêng để khắc họa tính cách nhân vật. Với văn chương, lời nói là điều kiện tiên quyết để nhà văn khắc họa tính cách nhân vật. Như vậy, ở đây, ngôn từ là đối tượng miêu tả [7; tr.200].

Nghiên cứu thi pháp lời văn nghệ thuật chính là tìm hiểu bằng con đường nào, lí do nào đã “làm cho phát ngôn trở thành thơ” (Jacobson). Nghiên cứu thi pháp lời văn nghệ thuật tiểu thuyết Nathaniel Hawthorne là nghiên cứu cách thức sử dụng phương tiện ngôn ngữ để sáng tạo nghệ thuật, tạo nên được hiệu ứng thẩm mĩ mạnh mẽ và độc đáo của Chữ A màu

đỏ.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật thể hiện tâm lý nhân vật trong chữ A màu đỏ của Nathaniel Hawthorne (Trang 34)