Tính đa loại giọng

Một phần của tài liệu Nghệ thuật thể hiện tâm lý nhân vật trong chữ A màu đỏ của Nathaniel Hawthorne (Trang 36)

6. Cấu trúc luận văn

1.3.1. Tính đa loại giọng

Lời người kể chuyện trong tiểu thuyết Nathaniel Hawthorne được đặc trưng trước hết ở tính đa loại giọng. Ngôn ngữ trần thuật, hay lời gián tiếp trong Chữ A màu đỏ được tổ chức hết sức phức tạp: chồng chất nhiều tầng bậc, đan xen pha trộn nhiều thứ tiếng nói (ngôn ngữ bên trong, ngôn ngữ bên ngoài); tiếng nói tác giả, tiếng nói người kể chuyện ngôi thứ nhất (nhân vật tôi), tiếng nói nhân vật thứ ba vô hình… Đây là một sự cách tân đặc sắc, độc đáo, hiện đại của văn phong Nathaniel Hawthorne.

Trong Chữ A màu đỏ, người đọc không dễ dàng tách biệt đoạn nào trong lời người kể chuyện thực sự là tiếng nói của tác giả, đoạn nào là tiếng

40

nói của người kể ngôi thứ nhất, đoạn nào đích thực là tiếng nói nội tâm nhân vật. Trong trường đoạn diễn tả tâm lí nhân vật Hester Prynne khi đứng trên bục bêu tội nhân, người kể chuyện miêu tả dòng cảm xúc và tâm trạng của Hester Prynne với những ký ức nối đuôi nhau liên tiếp hiện ra một cách logic. “Dù có thể là như vậy hay không, bục bêu lúc này vẫn là một điểm cao cho chị đứng nhìn lại toàn cảnh của quá khứ, toàn bộ con đường đời của chị từ thuở ấu thơ tràn đầy hạnh phúc. Đứng trên cái bục khốn nạn này, chị nhìn thấy lại làng quê của chị, bên nước Anh cổ, thấy lại ngôi nhà bố mẹ, một ngôi nhà xây bằng đá xám, đã tàn tạ, đầy vẻ nghèo nàn, nhưng còn giữ được bên trên khung cửa một hình gia huy đã phai mờ, biểu tượng của một dòng dõi trâm anh cổ xưa. Chị nhìn thấy lại khuôn mặt phụ thân chị, với vầng trán quả cảm, chòm râu bạc đáng kính xòa xuống cổ áo xếp nếp kiểu cũ thời nữ hoàng Elizabeth I. Chị cũng nhìn thấy lại gương mặt mẫu thân chị, biểu hiện dạt dào một tình cảm âu yếm luôn lưu tâm theo dõi và lo lắng… Và cuối cùng, những cảnh kế tiếp chuyển thay nhau đó nhòa đi, và trước mắt chị hiện ra trở lại thực tại phũ phàng giữa nơi họp chợ của khu định cư Thanh giáo, với toàn bộ dân trong thành phố tập trung đứng đấy, mọi con mắt nghiêm khắc của họ đang chĩa vào chị…” [30;tr.99]. Dòng liên tưởng đưa Hester Prynne trở về quá khứ, với hình ảnh người cha, người mẹ, hình ảnh ngôi nhà, hình ảnh người chồng học giả dị dạng. Đồng thời, dòng cảm xúc lại đưa Hester Prynne quay trở lại thực tại phũ phàng. Tuy nhiên, câu văn sau đó tác giả chuyển lời kể qua giọng khác: “- đúng thế, chĩa vào chị, Hester Prynne - ”. Loại giọng này không còn là giọng khách quan hướng đến độc giả nữa, đây là giọng của một người thứ ba nào đó đứng ra khẳng định với Hester Prynne về sự thực hiện hữu. Nhưng sau đó, lại dường như là lời độc thoại nội tâm của Hester Prynne “Có thực như vậy không?”. Tiếp đến, lại một câu kể khách quan

41

hướng về độc giả: “ Chị ghì đứa con vào ngực mình một cách hung tợn đến nỗi nó kêu lên một tiếng; chị cúi xuống nhìn vào chữ A màu đỏ, thậm chí đưa ngón tay sờ, để khẳng định với mình rằng đứa bé và nỗi ô nhục của chị là có thực”. Ngay sau đó, câu khẳng định “Đúng rồi! Chúng đều là những sự thực hiển nhiên ở chị lúc này - mọi thứ khác đều tan biến hết” [30;tr.101] vừa như là lời Hester Prynne, vừa là lời nhân vật thứ ba vô hình đang thuyết minh về nội tâm Hester Prynne.

Trong tác phẩm này, khi kể về các nhân vật, Nathaniel Hawthorne cũng có cách lồng ghép ý thức nhân vật vào lời văn của mình một cách tự nhiên. Ở đoạn văn kể về sự giày vò của mục sư Arthur Dimmesdale, tác giả khéo léo lồng ghép vào lời văn tự sự ba loại giọng. Đầu tiên là giọng kể khách quan của tác giả: “Không thể tưởng tượng là sự tôn kính ấy của quần chúng đã giày vò anh nhức nhối đến nhường nào. Trong lòng anh có một động lực chân thành thôi thúc anh tôn thờ sự thật, và coi tất cả những cái gì không có chất thiêng liêng của sự thật, tức chẳng khác gì thiếu sự sống bên trong của chúng, đều chỉ giống như những hình bóng hư ảo và hoàn toàn không có chút trọng lượng hay giá trị nào”[30; tr.222]. Ngay sau đó, lời văn chuyển thành lời nhân vật tự vấn, là lời văn pha trộn giữa giọng tác giả với giọng văn của ý thức nhân vật mỗi lúc một nổi đậm lên “Vậy thì chính anh là cái gì? Một thể sống có thật? Hay chỉ là hình bóng hư ảo nhất trong tất cả mọi hình bóng?”, nhưng vẫn với lối lồng ghép, pha trộn một cách tự nhiên các loại giọng. Thậm chí trong một câu mà phần đầu có dáng dấp giọng người kể chuyện, phần sau có dáng dấp giọng của nhân vật “Khi đứng trên bục giảng kinh, anh những ao ước nói ra được, nói thật to cho mọi người biết rõ anh là cái gì”. Tiếp đó lại là nội tâm của nhân vật “Tôi, mà mọi người nhìn thấy trong bộ quần áo đen này của nhà tu hành. – Tôi, kẻ bước lên bục giảng thiêng liêng, ngước khuôn mặt nhợt nhạt lên trời,

42

đảm nhận trách nhiệm thay mặt cho tất cả các người giữ mối quan hệ với Thượng đế tối cao…” [30; tr.223]

Tính phức tạp của ngôn ngữ trần thuật ở đây không chỉ là sự xuất hiện nhiều giọng trong một giọng, nhiều tiếng nói trong một tiếng nói, mà còn là ở sự chuyển hóa qua lại một cách tự nhiên từ giọng này qua giọng khác, để tạo ra một sự giao thoa, nhưng vẫn trên gam màu chung là giọng trần thuật. Đặc sắc, biến hóa và sinh động nhất trong các loại giọng kể đó là sự chuyển hóa từ lời trần thuật của tác giả sang lời độc thoại nội tâm của nhân vật, là sự chuyển hoá từ lời độc thoại nội tâm nhân vật sang lời trần thuật của tác giả. Sự chuyển hoá đó thật độc đáo và nhuần nhuyễn, khiến ta không thấy tác giả đang thuyết minh về nhân vật mà chỉ thấy tác giả đang gợi cho nhân vật tự ý thức về mình.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật thể hiện tâm lý nhân vật trong chữ A màu đỏ của Nathaniel Hawthorne (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)