Tâm lí chế ngự lòng căm hận

Một phần của tài liệu Nghệ thuật thể hiện tâm lý nhân vật trong chữ A màu đỏ của Nathaniel Hawthorne (Trang 51)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2. Tâm lí chế ngự lòng căm hận

Nhân vật Roger Chillingworth trong Chữ A màu đỏ là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo gắn liền với ý đồ tư tưởng của nhà văn trong việc nêu lên những vấn đề của hiện thực cuộc sống. Betông Brecht cho rằng: "Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là những bản dập của những con người sống mà là những hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả".

Nhân vật văn học hết sức đa dạng và phong phú. Những nhân vật được xây dựng thành công bao giờ cũng là những sáng tạo độc đáo, không lặp lại. Tuy nhiên, xét về mặt nội dung tư tưởng, kết cấu, chất lượng miêu tả...,

55

có thể thấy những hiện tượng lặp đi lặp lại tạo thành các loại nhân vật khác nhau. Ðể nắm bắt được thế giới nhân vật đa dạng, phong phú, có thể tiến hành phân loại chúng ở nhiều góc độ khác nhau.

Xét từ góc độ nội dung tư tưởng hay phẩm chất nhân vật nói chung, nhân vật phản diện là đại diện cho lực lượng phi nghĩa, cho cái ác, cái lạc hậu, phản động, cần bị lên án. Roger Chillingworth trong Chữ A màu đỏ

chất chứa sự căm hận trong lòng đối với kẻ phụ tình và kẻ cướp tình. Khi chứng kiến vợ mình ôm đứa con nhỏ đứng trên bục tội nhân, lão đã đồng tình với hình phạt cái dấu ô nhục trên ngực mà vợ phải mang: “ả sẽ thành một bài thuyết giáo sống để cảnh cáo tội lỗi, cho đến khi cái chữ ô nhục kia được khắc lên mộ chí của ả”. Hơn thế, lão quyết tìm ra bằng được kẻ tình địch: “Nhưng chỉ giận là cái tên tòng phạm với ả lại không bị trừng trị. Ít nhất thì hắn ta cũng phải đứng trên bục bêu bên cạnh ả. Nhưng thế nào người ta cũng sẽ tìm ra hắn! - Chắc chắn sẽ tìm ra hắn!” [30; tr.106].

Cảm xúc hay tình cảm là một hình thức trải nghiệm cơ bản của con người về thái độ của chính mình đối với sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan, với người khác và với bản thân. Sự hình thành cảm xúc là một điều kiện tất yếu của sự phát triển con người như là một nhân cách. Cảm xúc có nhiều loại: cảm xúc đạo đức, cảm xúc thẩm mỹ, cảm xúc trí tuệ,... Một đặc trưng của cảm xúc là có tính đối cực: yêu và ghét, ưa thích và không ưa thích, xúc động và dửng dưng... Cảm xúc như là sự rung động về một mặt nhất định của con người đối với các hiện tượng nào đó của hiện thực: “gã đã đưa mắt nhìn người đàn bà đứng trên bục… Mặt gã tối sầm lại vì một cơn xúc động mãnh liệt” [30; tr.103]. Cảm xúc có đặc điểm là mang tính chất chủ quan. Nhưng nhân vật Roger Chillingworth không để cảm xúc ghen tuông lấn át: “Tuy nhiên sức mạnh của lý trí gã tức khắc kìm xúc cảm ấy lại, nên có thể xem như vẻ mặt của gã vẫn bình thản, trừ một

56

khoảnh khắc nào đấy mà thôi. Chỉ trong một thoáng, những nét chấn động ấy hầu như không thể nhận thấy được nữa, và cuối cùng lặn hẳn vào bên trong gã” [30; tr.103]. Mục đích của Roger Chillingworth là tìm cho ra nhân vật bí ẩn – cha của đứa trẻ do Hester Prynne sinh ra: “Gã đáp, vẫn với cái giọng lạnh lùng như ban nãy. - Mụ hiểu biết ta ít đến thế sao, Hester? Đâu phải là ta thường có những ý đồ nông cạn như vậy? Dù cho ta có muốn trả thù, thì để đạt được mục đích này, còn có biện pháp tốt hơn nào là cho mụ sống, - cho mụ thuốc thang chống lại tất cả những gì tai hại và hiểm nguy đến sinh mệnh mụ, - để cho sự ô nhục nung đốt này vẫn có thể tiếp tục bốc lửa trên ngực mụ?” [30; tr.121].

Có thể nhận thấy ở nhân vật này khả năng kiềm chế cảm xúc rất đặc biệt, bởi mục đích của lão là làm cho kẻ thù đau đớn nhất: “Tại đây, nơi cùng trời cuối đất hoang vắng này, tôi sẽ dựng lều trú ngụ, bởi vì ở nơi khác thì tôi chỉ là kẻ lang thang, tách biệt khỏi mọi sự quan tâm của con người, còn ở đây tôi tìm thấy một người đàn bà, một người đàn ông và một đứa trẻ, giữa ba người đó với tôi có những mối dây ràng buộc chặt chẽ nhất. Những mối dây ấy dù là yêu thương hay thù hận, dù là phải hay trái, không thành vấn đề. Cô và những người của cô, Hester Prynne đều nằm trong tay tôi. Tôi sẽ ở nơi có cô và có hắn!” [30; tr.126]. Lão đe dọa Hester Prynne, không cho chị nói ra tung tích của lão, lão nắm rõ tâm lý của Hester luôn lo lắng bảo vệ cho người tình bí mật: “Cô chớ có nhìn nhận tôi bằng một lời nói nào, bằng một dấu hiệu gì, bằng một vẻ mặt nào. Đừng có hở ra điều bí mật về tôi, nhất là cho tên đàn ông đồng lõa với cô. Nếu cô không làm đúng lời tôi dặn thì hãy coi chừng! Thanh danh của hắn, địa vị của hắn, sinh mệnh của hắn nằm trong tay tôi! Coi chừng!” [30; tr.126]. Như vậy, ngay từ những giây phút đầu tiên gặp lại Hester Prynne, Roger Chillingworth đã mang sẵn ý định tìm gặp để trả thù tình địch. Nhân vật

57

này có khả năng kiềm chế cảm xúc ở mức cao nhất, mục đích cuối cùng là trả thù. Khi nhìn thấy “một vẻ kỳ lạ trong đôi mắt gã”, Hester lo lắng: “Phải chăng anh nhử cho tôi mắc vào một điều cam kết sẽ mang tai họa cho linh hồn tôi?”, thì lời đáp lửng lơ cùng cái cười nham hiểm đầy ẩn ý của Roger Chillingworth đã bộc lộ tất cả những ý định độc ác của lão: “Linh hồn của bà ư? Không phải đâu! – Gã lại mỉm cười, trả lời. – Không! Không phải cho linh hồn của bà!” [30; tr.127].

Nhân vật Roger Chillingworth xuất hiện, hình thành đủ bộ ba trong diễn biến xung đột của câu chuyện. Lão buộc vợ thề không bao giờ để lộ tung tích của lão. Lão đội cái tên giả, xuất hiện giữa cộng đồng Thanh giáo với danh nghĩa một thầy thuốc. Lão bắt đầu một cuộc săn tìm tình địch để báo thù. “Gã chọn phương sách rút bỏ tên gã khỏi danh sách của loài người và biến mất tăm khỏi cuộc đời, không để lại dấu tích gì về những mối quan hệ và những điều quan tâm trước đây của gã, như thể thực sự gã đã nằm xuống đáy đại dương”. Roger Chillingworth sẵn sàng xóa tên mình, tự coi như mình biến mất giữa cuộc đời vì “một mục đích mới cũng hình thành; mục đích mới này đen tối, quả như vậy nếu không phải là tội lỗi, nhưng đủ uy lực để huy động toàn bộ sức mạnh của mọi tài năng của gã” [30; tr.186]. Sự biểu hiện hợp lí và sâu sắc nội tâm góp phần rất lớn tạo nên sức sống của nhân vật. Nói như L.Tônxtôi: "Mục đích chính của nghệ thuật là nói lên sự thật về tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được". Ðể làm được điều đó, nhà văn phải hiểu sâu sắc cuộc sống và con người, nắm bắt được những biểu hiện và diễn biến dù nhỏ nhặt nhất đời sống bên trong của nhân vật. Phân tích những diễn biến tâm lí của Roger Chillingworth khi cố gắng chế ngự lòng căm hận để tìm ra bằng được kẻ tình địch giấu mặt, Nathaniel Hawthorne đã bộc lộ tài năng của một cây bút tinh tế có khả năng khám phá chiều sâu

58

tâm lí con người.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật thể hiện tâm lý nhân vật trong chữ A màu đỏ của Nathaniel Hawthorne (Trang 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)