Bi kịch của nhân vật đau khổ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật thể hiện tâm lý nhân vật trong chữ A màu đỏ của Nathaniel Hawthorne (Trang 72)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.1.Bi kịch của nhân vật đau khổ

Chữ A màu đỏ là câu chuyện về cuộc đời một người phụ nữ phạm tội

ngoại tình – Hester Prynne. Từ đầu đến cuối cuốn sách, tác giả không hề chỉ ra đích danh tội này, nhưng người đọc nào cũng có thể nhận biết. Điều này có nghĩa là tác giả không có chủ ý nói về tội ngoại tình mà muốn trình bày những hệ lụy mà phạm nhân phải gánh chịu do tội lỗi đó gây ra. Hester Prynne đã phải chịu những đắng cay dằn vặt, những ám ảnh khủng khiếp vì tội ngoại tình của mình.

“Tội” là một khái niệm tôn giáo, trong khi “mặc cảm tội lỗi” là một thực tại tâm lí, một trạng thái cảm xúc. “Mặc cảm tội lỗi” dẫn đến sự hối hận. “Mặc cảm tội lỗi” và sự hối hận có thể là không lành mạnh, thậm chí là bệnh tâm thần, và khác với “tội”. Nhưng thường có mối liên hệ giữa

76

“mặc cảm tội lỗi” và “tội” theo nghĩa là: “tội” có thể kèm theo một “mặc cảm tội lỗi”.

Để hiểu rõ “tội” nghĩa là gì, phải xác định “tội” trong tương quan với khái niệm “lỗi”. Hai khái niệm “tội” và “lỗi” không nằm trên cùng một bình diện. “Lỗi” là một khái niệm luân lý; nó chỉ định một hành vi đáng chê trách dưới cái nhìn của ý thức bởi vì nó xúc phạm đến con người; nó gợi sự tiếc nuối và lòng ăn năn.

“Tội” là một khái niệm có tính chất tôn giáo và Kinh Thánh. Đó là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, một sự thiếu hụt tình yêu Thiên Chúa làm tổn thương mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Chúng ta nhận biết mình là tội nhân không phải bằng cách tự soi mình, nhưng bằng việc chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. “Tội” dẫn đến sự hối tiếc, nghĩa là sự đau khổ vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa.

Tội lỗi rõ ràng là một vấn đề quan trọng trong cộng đồng Thanh giáo giữa thế kỷ XVII ở Mĩ, nó liên quan đến pháp luật. Trong tiểu thuyết này, tác giả đã đưa ra một hệ thống các tội lỗi. Roger Chillingworth theo đuổi trả thù được coi là một “tội lỗi tồi tệ nhất” so với niềm đam mê đã dẫn Hester Prynne và Arthur Dimmesdale đến tội ngoại tình. Các nhân vật rơi vào tình thế tội lỗi phải bị con người trên thế gian trừng phạt dù nhận ra tội lỗi đó hay không, mà đúng hơn là bị trừng phạt bởi Chúa Trời sau khi chết. Phạm tội lỗi được xem là cố ý thì hình bóng đen tối của quỷ sẽ đè nặng lên linh hồn con người. Dù các tội lỗi đó được diễn ra trong bí mật, nhưng dường như cuốn tiểu thuyết muốn nhấn mạnh đến tác hại của nó lên tâm hồn những con người đó cũng như bầu không khí bao quanh họ.

Một trong những thủ pháp được vận dụng thường xuyên nhất trong

Chữ A màu đỏ chính là dùng lời nửa trực tiếp. Cụ thể là trong lời của

77

Người kể chuyện thường xuyên trần thuật lại câu chuyện bằng giọng điệu, nội tâm của nhân vật. Hình thức này khiến cho nhà văn có thể tái hiện tự nhiên dòng tâm tư của nhân vật mà còn khiến tác phẩm biến hóa, nhiều giọng điệu.

Phần dẫn nhập câu chuyện Chữ A màu đỏ nói đến giàn xử tội, nơi Hester Prynne phải chịu nhục nhã trước dân cư địa phương. Cấu trúc giàn xử tội gồm bộ giàn dựng bằng gỗ trên một khoảng đất trống, thường là trước nhà thờ chính hoặc quãng trường trung tâm, riêng trường hợp trong truyện này là khu chợ ngoài trời. Mặt sàn của giàn xử tội được nâng cao khoảng vai người hoặc hơn, để tội nhân theo các bậc thang bước lên rồi đứng trên một cái bục, cho mọi người chung quanh có thể nhìn thấy rõ.

Nhân vật Hester Prynne khi đứng trên bục bêu tội nhân mang dòng cảm xúc và tâm trạng đặc biệt với những ký ức nối đuôi nhau liên tiếp. Những kí ức ấy hiện ra một cách logic: “Dù có thể là như vậy hay không, bục bêu lúc này vẫn là một điểm cao cho chị đứng nhìn lại toàn cảnh của quá khứ, toàn bộ con đường đời của chị từ thuở ấu thơ tràn đầy hạnh phúc. Đứng trên cái bục khốn nạn này, chị nhìn thấy lại làng quê của chị, bên nước Anh cổ, thấy lại ngôi nhà bố mẹ, một ngôi nhà xây bằng đá xám, đã tàn tạ, đầy vẻ nghèo nàn, nhưng còn giữ được bên trên khung cửa một hình gia huy đã phai mờ, biểu tượng của một dòng dõi trâm anh cổ xưa. Chị nhìn thấy lại khuôn mặt phụ thân chị, với vầng trán quả cảm, chòm râu bạc đáng kính xòa xuống cổ áo xếp nếp kiểu cũ thời nữ hoàng Elizabeth I. Chị cũng nhìn thấy lại gương mặt mẫu thân chị, biểu hiện dạt dào một tình cảm âu yếm luôn lưu tâm theo dõi và lo lắng… Và cuối cùng, những cảnh kế tiếp chuyển thay nhau đó nhòa đi, và trước mắt chị hiện ra trở lại thực tại phũ phàng giữa nơi họp chợ của khu định cư Thanh giáo, với toàn bộ dân trong thành phố tập trung đứng đấy…” [30; tr.99]. Hester Prynne ôm con

78

nhỏ trên tay, cảm xúc pha trộn khi nhớ về quá khứ êm đềm tươi đẹp và đối diện với hiện thực phũ phàng.

Dòng liên tưởng của nhân vật được Nathaniel Hawthorne miêu tả hết sức logic. Liên tưởng đưa Hester Prynne trở về quá khứ, với hình ảnh người cha, người mẹ, hình ảnh ngôi nhà, hình ảnh người chồng học giả dị dạng. Đồng thời, dòng cảm xúc lại đưa Hester Prynne quay trở lại thực tại đau đớn, “mọi con mắt nghiêm khắc của họ đang chĩa vào chị - đúng thế, chĩa vào chị, Hester Prynne - ”. Sự thực hiện hữu trước mắt Hester Prynne. Nhưng sau đó là lời độc thoại nội tâm của Hester Prynne “Có thực như vậy không?”. Nội tâm đau đớn đến mức “chị ghì đứa con vào ngực mình một cách hung tợn đến nỗi nó kêu lên một tiếng; chị cúi xuống nhìn vào chữ A màu đỏ, thậm chí đưa ngón tay sờ, để khẳng định với mình rằng đứa bé và nỗi ô nhục của chị là có thực”. Ngay sau đó, câu khẳng định “Đúng rồi! Chúng đều là những sự thực hiển nhiên ở chị lúc này - mọi thứ khác đều tan biến hết” [30; tr.101] như là lời khẳng định của Hester Prynne với chính mình về sự thực hiện hữu. Hiện thực đời sống là một sự thật trần trụi với những tàn phá, hủy diệt, mất mát, đau thương…

Nỗi lòng đau khổ của Hester Prynne được miêu tả chi tiết trong hầu hết những lần nhân vật xuất hiện. Trong nhà giam, khi gặp người chồng Roger Chillingworth, nghe những lời kết tội của lão, “tuy đang trong tâm trạng hết sức chán nản, Hester Prynne cũng không thể chịu đựng nổi nhát đâm ngọt sắc này vào dấu hiệu của nỗi hổ nhục trong chị” [30; tr.123]. Với Hester Prynne, “rồi đây trên nấm mồ của chị, mối ô nhục mà chị phải mang theo đến cùng tới đó sẽ là tấm bia duy nhất kỉ niệm cuộc đời của chị” [30;tr.130]. Chị bị cột chặt vào nơi đây “bằng một sợi dây xích sắt kiên cố, nó cọ xát làm bầm loét đến tận đáy tâm hồn chị, nhưng không bao giờ có thể rứt đứt được” [30; tr.131].

79

Bản chất của mặc cảm tội lỗi được diễn tả rõ ràng bởi từ “cắn rứt”. Như từ này gợi lên, mặc cảm tội lỗi là một sự “cắn rứt” của tâm lí. Nó diễn ra như thể con người tự tấn công mình bởi vì đã thất vọng về chính mình sau một thái độ hoặc hành động nào đó. Mặc cảm tội lỗi tạo ấn tượng như đang đứng trước một toà án nội tâm. Hester Prynne sống giữa cộng đồng mà mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, và thậm chí là cả sự lặng thinh của những người chị đã tiếp xúc đều có hàm ý, và thường là biểu lộ rõ, rằng chị bị ruồng bỏ. “Chị thấy mình cô độc đến mức như thể là chị sống ở một thiên thể khác, hoặc là quan hệ với cõi thiên nhiên chung bằng những cơ quan và những tri giác khác biệt hẳn với mọi kẻ còn lại của loài người” [30; tr.138]. Hester Prynne bị tách ra khỏi mọi quyền lợi về tinh thần, chị hiểu rõ thân phận của mình, nhưng “ngưởi ta cứ vạch ra mà đay mà nghiến, bằng thứ thái độ xúc phạm thô lỗ nhất điểm vào đúng huyết yếu nhất, khiến mỗi lần như vậy tâm trạng nhạy cảm của chị buốt nhói như bị một vết thương đau mới” [30; tr.138]. Từ đầu đến cuối, “Hester Prynne luôn luôn đau đớn đến khủng khiếp khi cảm thấy một đôi mắt của con người nhìn vào cái dấu hiệu nhục nhã. Điểm đau chả bao giờ chai đi được, trái lại, dường như nó lại mỗi lúc càng thêm nhạy cảm dưới sự tra tấn hàng ngày” [30; tr.140].

“Nhân vật văn học bao giờ cũng là một cấu trúc thống nhất cao độ” [57; tr.34]. Trong Chữ A màu đỏ , nhân vật Hester Prynne vốn mang ám ảnh về nỗi hổ nhục đau đớn suốt bảy năm trời, dù cuối cùng chị đã vượt lên chính mình, chị muốn “biến đổi nỗi thống khổ kéo dài bao lâu nay thành một thứ niềm vui chiến thắng… Thứ rượu cuộc đời từ nay trở đi nâng lên môi chị phải là thứ rượu nồng đậm ngọt ngào và tạo niềm phấn chấn, đựng trong chiếc cốc bằng vàng dát ngọc”, nhưng trong lòng Hester vẫn mang nỗi ám ảnh không nguôi, “nếu không được thế thì chị sẽ lại rơi vào tình trạng suy sụp rã rời không thể tránh khỏi khi phải nuốt hết cả cặn của chén

80

tận khổ mà lâu nay người ta đã chuốc cho chị” [30; tr.357]. Và khi nhìn Arthur Dimmesdale bước qua với vẻ kiêu hãnh, được bao bọc trong âm thanh vang lừng của tiếng nhạc, thì “tinh thần chị đổ sụp xuống khi trong óc nảy ra ý nghĩ rằng chắc hẳn tất cả chỉ là ảo ảnh” [30; tr.366]. Rõ ràng, Hester Prynne đã phải trải qua những nỗi khổ đau khủng khiếp nhất mà một người đàn bà phải gánh chịu.

Nathaniel Hawthorne xây dựng nhân vật Hester Prynne với diễn biến rất đặc biệt trong chiều sâu tâm lí. Ở nhân vật xuất hiện những dòng suy nghĩ, những lời tự vấn sâu sắc về cuộc đời. Quá khứ, hiện tại, tương lai đồng hiện, chất chứa thành một khối trĩu nặng. Nhân vật chịu sự giằng xé trong tâm lí với những day dứt về quá khứ, dằn vặt về hiện tại, lo lắng cho tương lai. Hester Prynne là kiểu nhân vật nữ có số phận bất hạnh, phải đương đầu với cuộc sống đầy khó khăn và những đau khổ tột cùng trong đời sống nội tâm.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật thể hiện tâm lý nhân vật trong chữ A màu đỏ của Nathaniel Hawthorne (Trang 72)