Dòng tâm lí thể hiện âm mưu thâm độc

Một phần của tài liệu Nghệ thuật thể hiện tâm lý nhân vật trong chữ A màu đỏ của Nathaniel Hawthorne (Trang 55)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Dòng tâm lí thể hiện âm mưu thâm độc

Miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật là một phương diện quan trọng trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn, gắn liền với miêu tả ngoại hình và miêu tả hành động. Điều đó cũng có nghĩa là tính tất yếu trong hành động thường liên quan chặt chẽ với tính tất yếu trong diễn biến nội tâm của nhân vật. Ở đây khái niệm “nội tâm” chỉ toàn bộ cuộc sống bên trong của nhân vật. Đó là những tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác, những phản ứng tâm lí của bản thân nhân vật trước cảnh ngộ, tình huống mà nhân vật chứng kiến hoặc trải nghiệm trên bước đường đời.

Dòng chảy tâm lí là trạng thái tâm trí hoạt động mà trong đó cá nhân thực hiện một hành động chìm trong dòng cảm xúc và sự tập trung nguồn năng lượng, tham dự một cách toàn vẹn trong quá trình hoạt động diễn ra.

59

Được đưa ra bởi Miha’ly Csikszentmihalyi, đây là một khái niệm trong nhánh tâm lí học thực chứng (hoặc "tâm lí học tích cực”) đã được tham chiếu rộng rãi trong các lĩnh vực khác. Theo Csikszentmihalyi, dòng chảy tâm lí là động lực được tập trung toàn vẹn. Đó là một dạng nhúng sâu tâm trí và có thể tạo nên một dạng sử dụng toàn vẹn những xúc cảm cho quá trình thực hiện thao tác cũng như học tập. Trong dòng chảy, các cảm xúc không chỉ được dung chứa và truyền dẫn mà còn được kích hoạt, tập trung và điều hướng theo từng thao tác hiện tại. Dấu hiệu nhận ra dòng chảy là khi con người có một cảm giác tận hưởng tức thời, thậm chí là phấn khích cao độ khi thực hiện một hành động, dù trạng thái này cũng được mô tả như một sự tập trung sâu, kể cả những xúc cảm hay cảm thức bản thân của con người, vào một hoạt động nào đó. Các khái niệm gần với trạng thái tinh thần này có thể kể đến là: sống trong hiện tại, tập trung phi thường, tâm điểm, hoà điệu, bừng cháy, thông suốt, cuộn chảy.

Khi một người đang trong trạng thái “dòng chảy” thì sẽ bị choán toàn bộ tâm trí vào việc đang làm mà buông mất sự thức nhận về tất cả mọi thứ khác: thời gian, con người, giải trí, thậm chí cả những nhu cầu thể lý cơ bản. Nhân vật Roger Chillingworth đang ở chìm đắm trong dòng chảy tâm lý với những âm mưu thâm độc, tất cả phục vụ cho khát vọng cháy bỏng là tìm ra kẻ tình địch của đời mình.

Nhân vật Roger Chillingworth được Nathaniel Hawthorne khắc họa với một chiều sâu bên trong. Từ tính cách đến tư duy, tất cả như một điểm qui tụ mà từ đó có thể giải thích được mọi biểu hiện muôn màu, muôn vẻ sinh động bên ngoài của nhân vật. Thoạt tiên, lão “cố gắng tìm cách tranh thủ cảm tình thân thiện và lòng tin của người giáo sĩ nhạy cảm”, tỏ ra “rất lo lắng trước tình trạng sức khỏe của vị mục sư chăn dắt phần hồn của mình” [30; tr.190], sau đó lão “hết sức muốn chú ý xem xét tính cách và

60

những nét đặc biệt của người bề trên” [30; tr.192]. Với bản năng của một con thú dữ rình mồi, Roger Chillingworth “cố gắng đi sâu vào tâm khảm người bệnh, đào bới trong những quy tắc xử thế của anh, dò hỏi tọc mạch những điều trong ký ức của anh, thăm dò mọi thứ bằng cách sờ soạng thật cẩn thận…” [30; tr.195]. Hắn tin rằng có “một điều bí mật” mà “chắc chắn phải có”, “gã nghi ngờ rằng ngay cả thực chất bệnh hoạn của phần thể xác Dimmesdale cũng chưa bao giờ bộc lộ cho gã biết” [30; tr.196], “gã bỗng thấy có một sự lôi cuốn ghê gớm, một thứ nhu cầu bức bách thật là quyết liệt mặc dù vẫn nằm dưới cái vẻ bề ngoài trầm tĩnh, túm chặt lấy gã và sẽ không bao giờ buông thả gã cho đến khi gã phải hoàn thành mọi mệnh lệnh của nó. Bây giờ thì gã đào bới trong tâm hồn chàng mục sư khốn khổ, như một người đi tìm vàng, hay nói cho đúng hơn, như một gã đào huyệt moi móc trong một ngôi mộ, hòng tìm một báu vật chôn cùng tử thi, nhưng có thể là cuối cùng chẳng tìm thấy gì ngoài sự chết chóc và rữa nát”. Đôi khi, chàng mục sư để lộ một vài điều mơ hồ nào đó, Roger Chillingworth ngay lập tức bám lấy: “Con người này, mà ta cho là trong sáng, con người có vẻ như hoàn toàn sống với giá trị tinh thần, lại kế thừa từ bố hay từ mẹ một bản tính thú vật mạnh mẽ. Ta hãy đào sâu thêm vào mạch này” [30; tr.202]. Nhân vật học giả biến thành một kẻ đáng khinh, do bản chất những hành động, suy nghĩ tối tăm của lão.

“Xung đột nghệ thuật là nhân tố cơ bản tạo nên bản sắc của cấu trúc tác phẩm… Và sự đa dạng của xung đột sẽ làm xuất hiện sự đa dạng của kết cấu tác phẩm. Có xung đột biểu hiện qua sự đè nén, giằng co, cưỡng ép giữa các thế lực. Có xung đột được nhận diện bằng sự đấu trí căng thẳng giữa hai tính cách. Có xung đột thể hiện bằng cuộc tranh luận về chính kiến giữa những tính cách đang tìm cách thuyết phục nhau bằng lí lẽ của mình. Lại có xung đột diễn ra giữa hai mặt của một tính cách, tạo nên sự giằng xé

61

bên trong nội tâm nhân vật” [57; tr.24]. Tuy nhiên, những xung đột bên trong nhân vật Roger Chillingworth trong Chữ A màu đỏ đã kết thúc ngay sau khi gã gặp Hester Prynne trong buồng giam. Lão thất vọng khi chỉ tìm thấy những đức tính tốt đẹp của chàng mục sư, nhưng lại nhanh chóng quay đi để dò theo một mạch mới. “Gã dò dẫm đi theo một cách lén lút, đặt từng bước thận trọng, cẩn thận dè chừng, như một tên trộm lẻn vào một căn buồng…” [30; tr.203]. Những độc thoại của Roger cho thấy bản chất thâm hiểm tột cùng của lão. “- Đã đi tới nước này thì cũng tốt – Roger Chillingworth tự nói với mình, trong khi gã nhìn theo chàng mục sư với một nụ cười thâm hiểm - Chẳng có gì mất mát. Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ trở lại là bạn bè của nhau thôi mà. Nhưng thế đấy, anh chàng này dễ xúc cảm sôi sục và dễ mất bình tĩnh đến nhường nào. Đã thế với một sự sôi sục này thì lại cũng thế với một sự sỉ nhục khác mà thôi. Hắn ta đã làm một điều ngông cuồng, cái anh chàng Dimmesdale ngoan đạo này, vì cái tính dễ xúc cảm của hắn.” [30; tr.213]. Đến giai đoạn này, Roger Chillingworth đã tập trung tất cả sức lực và tinh thần để tìm bằng được sơ hở của Arthur Dimmesdale.

Trong nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật, đôi mắt không chỉ là cơ quan thị giác mà còn là cửa sổ tâm hồn, biểu thị một cách phong phú đời sống nội tâm, nụ cười cũng là một dấu ấn gây ấn tượng sâu đậm. Ở nhân vật Roger Chillingworth, đôi mắt, cái nhìn được miêu tả tới 22 lần, nụ cười, cái cười được miêu tả 17 lần với những sắc thái tình cảm rất tinh vi, nó bộc lộ những suy nghĩ âm thầm hiểm độc mà lão đang ấp ủ. Roger Chillingworth nói chuyện với chàng mục sư bằng đôi mắt “ngời lên một ánh tinh ranh sắc sảo” [30; tr.211], tiếp tục công việc theo dõi sức khỏe chàng mục sư mà gã làm hết mình với thái độ hoàn toàn thiện ý, “nhưng mỗi lần rời khỏi căn buồng người bệnh khi kết thúc một cuộc thăm hỏi, bao

62

giờ trên môi gã cũng hiện ra nụ cười bí ẩn và nghi hoặc. Nụ cười ấy không hề lộ ra trước mặt Dimmesdale, nhưng hiển hiện thật rõ ràng khi gã vừa bước qua ngưỡng cửa” [30; tr.214]. Khi khác, nó lại là nụ cười che giấu âm mưu đen tối: “Hình như lão muốn và cố ý ngụy trang cái vẻ đó đi bằng một nụ cười, nhưng nụ cười ấy lại phản thùng lão, nó gượng gạo nhăn nhở trên mặt lão như trò hề khiến cho người ta lại càng thấy rõ tâm địa đen tối của lão hơn” [30; tr.261]. Chi tiết đôi mắt, nụ cười lặp đi lặp lại góp phần bộc lộ tâm lí nhân vật, vừa đảm bảo cho nhân vật tính định hình cụ thể, vừa có ý nghĩa định danh rất rõ.

Những bước ngoặt tinh thần làm thay đổi cuộc sống và số phận con người được Nathaniel Hawthorne chú trọng và thể hiện rất cụ thể qua độc thoại nội tâm. Roger Chillingworth thay đổi rõ rệt khi phát hiện ra Arthur Dimmesdale chính là kẻ tình địch bấy lâu lão tìm kiếm. “Dưới cái bề ngoài điềm đạm, nhẹ nhàng, trầm tĩnh là thế, điều đáng sợ là đáy sâu tâm địa của lão già bất hạnh này chứa đựng một sự hiểm ác thầm kín” [30; tr.216]. Lão “hình dung ra một cuộc trả thù còn thâm độc hơn bất kỳ một hành động báo cừu nào mà một người trần đã từng trút vào đầu kẻ thù cho hả”. Nó dẫn lão đến chỗ “biến mình thành một người bạn tin cẩn nhất” của chàng mục sư. Và mục đích của lão chính là ‘khống chế anh tùy thích”, “khuấy động một cơn đau nhức nhối” ở tình địch, bởi “nạn nhân của gã đã mãi mãi mãi nằm đấy trên giàn tra tấn, chỉ cần nắm đươc cái lẫy mấu chốt điều khiển bộ công cụ tra tấn: cái lẫy ấy gã đã biết rõ” [30; tr.217]. Tất cả những điều đó được thực hiện bằng sự khôn ngoan tinh quái với những toan tính chi tiết của Roger Chillingworth. Nó bộc lộ sự hiểm ác tột cùng của nhân vật.

Những độc thoại nội tâm, cảm xúc, thái độ của nhân vật đã chỉ ra sự chuyển biến tâm lí rất rõ giữa một Roger Chillingworth đầu tác phẩm với một Roger Chillingworth hoàn toàn đổi khác khi đã nắm được sự thật về

63

mục sư Arthur Dimmesdale.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật thể hiện tâm lý nhân vật trong chữ A màu đỏ của Nathaniel Hawthorne (Trang 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)