Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực của cộng đồng

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch làng quê vùng đồng bằng sông Hồng giáp Hà Nội góp phần thu hút khách du lịch và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống (Trang 94)

6. Bố cục của luận văn

3.4.3.Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực của cộng đồng

Để phát triển du lịch làng quê, một trong những giải pháp hàng đầu là nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư địa phương về tầm quan trọng của bảo tồn và phát triển tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn gắn liền với việc giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho tập thể và cá nhân các thành viên trong cộng đồng.

Nâng cao nhận thức cho cộng đồng là truyền đạt cho mọi người nhận thức đầy đủ và hiểu biết về các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến du lịch, đến bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường. Trên cơ sở đó mọi người dân nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ đối với việc bảo tồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn; ý thức trách nhiệm về các dịch vụ du lịch mà họ cung cấp cho khách du lịch và về nghĩa vụ đóng góp cho sự nghiệp phát triển du lịch ở địa phương. Để thực hiện được các vấn đề trên, các địa phương cần làm tốt các công việc sau:

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục (thông qua tập huấn hoặc phát thanh) cho cộng đồng địa phương (đặc biệt là lực lượng lao động thường xuyên tham gia cung cấp các dịch vụ du lịch) chủ trương chính sách, pháp luật có liên quan đến du lịch; đến luật bảo vệ tài nguyên và môi trường…để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi người đối với việc bảo vệ tài nguyên môi trường và đối với các sản phẩm du lịch cung cấp cho khách du lịch.

- Tổ chức cho cộng đồng tham gia thảo luận, bàn bác các kế hoạch phát triển du lịch trước mắt và lâu dài, từ đó mọi người nhận thức được trách nhiệm,

nghĩa vụ đóng góp về vật chất và tinh thần cho phát triển du lịch. Những kế hoạch phát triển du lịch được mọi người tham gia góp ý này, khi triển khai thực hiện sẽ phát huy được vai trò của cộng đồng trong tiến trình thực hiện kế hoạch phát triển du lịch của địa phương.

- Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị chất lượng các sản phẩm cung cấp cho khách du lịch.

Chất lượng sản phẩm du lịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bảo đảm uy tín của điểm tham quan và hiệu quả kinh doanh của hoạt động du lịch của địa phương. Vì vậy, trước hết cần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về chất lượng sản phẩm do địa phương sản xuất ra đem bán cho khách du lịch. Phải tập trung sản xuất sản phẩm các ngành nghề truyền thống, đặc thù của địa phương như hàng thủ công mỹ nghệ có chất lượng, chế biến các món ăn truyền thống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khoẻ cho khách du lịch và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, vận chuyển và hướng dẫn phục vụ khách du lịch.

Hơn nữa, vì rất nhiều khách du lịch làng quê là người nước ngoài nên việc đào tạo ngoại ngữ, trước hết là tiếng Anh cho những người làm du lịch là rất cần thiết. Hàng năm nên tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm quản lý và hướng dẫn du lịch ở một số nơi có hoạt động du lịch làng quê phát triển. Ngoài ra cũng cần hỗ trợ kinh phí đào tạo đối với các đối tượng quản lý và nghành nghề mang tính đặc thù như: sơ cấp y tế, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy.

Đặc biệt phải quan tâm đến đào tạo nguồn lao động gián tiếp. Một biện pháp mang lại hiệu quả cao trong hoạt động du lịch làng quê là nên khuyến khích việc thu nhận và đào tạo hướng dẫn viên là người địa phương. Nếu được đào tạo tốt họ sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực giúp du khách hiểu thêm về văn hoá, phong tục, lối sống của cộng đồng địa phương. Cần giáo dục cho đội ngũ lao động cộng đồng về văn hoá giao tiếp thái độ ân cần, niềm nở, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách.

Sở Văn hoá thể thao và Du lịch Hà Nội nên liên kết với khoa Du lịch của các trường đại học lớn trong cả nước để tổ chức các lớp học về du lịch làng quê cho những thuyết minh viên, nhân viên bán hàng, chụp ảnh, vận chuyển khách. Hiện

nay, khoa Du lịch trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn- Đại học quốc gia Hà Nội đã cử giảng viên về dạy lớp học về kỹ năng hướng dẫn khách cho người dân ở một số làng xã (Ví dụ: xã Gia Vân- Ninh Bình) và bước đầu đã đem lại hiệu quả.

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch làng quê vùng đồng bằng sông Hồng giáp Hà Nội góp phần thu hút khách du lịch và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống (Trang 94)