0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (130 trang)

Tiềm năng phát triển du lịch làng quê

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN DU LỊCH LÀNG QUÊ VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG GIÁP HÀ NỘI GÓP PHẦN THU HÚT KHÁCH DU LỊCH VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG (Trang 43 -43 )

6. Bố cục của luận văn

2.1. Tiềm năng phát triển du lịch làng quê

2.1.1. Tổng quan về vùng đồng bằng sông Hồng

Đồng bằng sông Hồng (hay châu thổ sông Hồng) là một vùng đất rộng lớn nằm ở khu vực hạ lưu sông Hồng bao gồm 10 tỉnh và thành phố: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Đồng bằng sông Hồng được hình thành trong quá trình bồi đắp phù sa của sông Hồng và sông Thái Bình. Chảy trên vùng đồng bằng, hai sông này chia ra làm nhiều sông nhánh, các nhánh này càng ra gần biển càng tỏa thành nhiều nhánh nhỏ hơn. Sông nhánh nào cũng được bọc giữa hai dải đất cao và hẹp chạy song song với lòng sông. Dải đất cao đó được gọi là các gờ sông và các gờ sông này được cấu tạo bằng vật liệu thô hơn do nước lũ khi tràn qua bỏ lại. Gờ sông càng ra phía biển càng thấp dần. Giữa các sông nhánh là các vùng đất thấp ngập nước mà người ta quen gọi là những ô trũng. Điển hình nhất là các ô trũng Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, ô trũng Nho Quan...

Bờ biển của vùng này phẳng và thoải mặc dù bị gián đoạn nhiều chỗ bởi các cửa sông và cửa lạch. Hiện nay, các dòng sông vẫn tiếp tục tải phù sa bồi đắp và đồng bằng Bắc Bộ vẫn tiếp tục được mở rộng về phía biển, có nơi tiến ra biển với tốc độ lớn như ở vùng biển Nam Định...

Toàn bộ miền đồng bằng sông Hồng nằm trên một lớp đá kết tinh cổ, loại giống nền đá ở vùng Đông Bắc. Cách đây 200 triệu năm, vào cuối đại Cổ sinh, lớp đá này bị sụt xuống. Vào thời đó, biển lên đến quá Việt Trì ngày nay, tiến sát các vùng đồi Bắc Giang, Bắc Ninh, Phúc Yên, Nho Quan. Cửa sông Hồng lúc đó ở Việt Trì.Chế độ biển kéo dài trên 170 triệu năm. Các trầm tích Neogen lắng xuống làm cho vịnh biển thu hẹp lại. Lớp trầm tích này có nơi dày đến 3.000 mét. Trên cùng là lớp phù sa Holocen dày từ 80 đến 100 mét ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, và càng xa trung tâm thì càng mỏng dần.

Tuy nằm ở vành đai khí hậu nhiệt đới nhưng vùng đồng bằng sông Hồng chịu ảnh hưởng sâu sắc của chế độ gió mùa tạo nên một mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều với hướng gió chủ yếu là gió Đông Nam và đặc biệt là có một mùa đông lạnh, ít mưa với hướng gió chính là hướng Bắc và Đông Bắc. Đặc điểm này đã chi phối mạnh mẽ đến tính chất mùa vụ của hoạt động du lịch. Thêm vào đó, khí hậu, thời tiết của lãnh thổ này có nhiều biến động với những diễn biến phức tạp.

Khí hậu của vùng đồng bằng sông Hồng so với các nơi khác là ấm áp hơn với nhiệt độ trung bình hàng năm từ 230

C - 240C, lượng mưa trung bình từ 1.600 - 1.900mm và mùa mưa thường từ tháng 5 đến tháng 10. Các tháng cuối năm và đầu năm thời tiết đẹp, trời ấm áp, khô ráo, dễ chịu rất thích hợp với các hoạt động lễ hội, du lịch. Ngay trong vùng cũng có những sự khác biệt về khí hậu giữa vùng đồng bằng châu thổ và vùng trung du. So với vùng đồng bằng, vùng trung du có lượng mưa lớn hơn và thường có nhiều cơn giông nên mưa nặng hạt hơn. Nhiệt độ ở vùng trung du lại thường có biên độ cao hơn đồng bằng chừng 1-2o

C.

Đồng bằng sông Hồng là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất của gió mùa Đông Bắc, trung bình mỗi năm chịu ảnh hưởng của 20-25 đợt gió mùa Đông Bắc. Đây cũng là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của bão, tập trung từ tháng 6 đến tháng 9, đặc biệt là ở vùng ven biển Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa. Những ngày bị ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và bão thời tiết chuyển xấu, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch.

Vùng đồng bằng sông Hồng có một mạng lưới sông ngòi khá dày đặc, các sông lớn chảy qua có diện tích lưu vực trên 1.000km2

như sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Mã... Các sông này có tiềm năng rất lớn về cung cấp nước, làm thủy lợi, làm đường giao thông và cung cấp thủy sản. Đồng thời cũng có thể khai thác để phục vụ mục đích du lịch.

Đáng kể nhất trong các sông ở vùng đồng bằng là sông Hồng. Phần sông chảy qua địa phận của vùng dài tới hơn 200km. Lượng nước và phù sa của sông lớn nhất miền Bắc. Tổng lượng nước trung bình lên tới 114.000m3

và tổng lượng phù sa trung bình là 100 triệu tấn/năm. Phù sa làm nước sông đỏ ngầu quanh năm

và là loại phù sa rất màu mỡ (lượng đạm 14g/m3, lượng mùn 2,76-3,48g/m3, độ PH trung tính). Về tới khu vực Trung tâm, sông phân thành nhiều nhánh nên mới kịp thoát nước khi mùa lũ ập đến.

So với sông Hồng thì sông Thái Bình nhỏ hơn nhiều. Sông Thái Bình do sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam hợp lại mà thành. Nước sông trong và ít phù sa. Phù sa sông Thái Bình có lượng kali ít hơn, có độ PH thấp hơn so với phù sa sông Hồng (4,2-6,0) và có lượng lân vừa phải.

Vùng đồng bằng sông Hồng còn có một diện tích khá lớn các hồ chứa nước tự nhiên và nhân tạo. Đáng chú ý là các hồ chứa nước lớn có nhiều phong cảnh đẹp, khí hậu tốt có thể khai thác phục vụ du lịch như các hồ chứa nước nhân tạo Hòa Bình (Hòa Bình), Suối Hai, Đồng Mô (Hà Tây), Đại Lải (Vĩnh Phúc) và hồ tự nhiên như Hồ Tây (Hà Nội)...

Tài nguyên nước ngầm ở vùng đồng bằng sông Hồng cũng khá phong phú. ở nhiều nơi tầng chứa nước vỉa lỗ hổng các trầm tích đa nguồn gốc tuổi Holoxen độ sâu không quá 15m (Hải Dương, Hưng Yên) còn ở độ sâu 65-80m và 95- 125m là ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hà Nội.

Tổng trữ lượng nước ngầm cũng không giống nhau ở phức hệ chứa nước khe nứt, độ sâu trên 100m, lưu lượng thấp chỉ khoảng 12m3/ngày. ở các nơi tầng chứa nước là cát kết, bột kết, có lưu lượng rất cao, thường từ 12.000m3

- 70.000m3/ngày. Đồng bằng sông Hồng nằm trong vùng Bắc Bộ - nơi hội tụ của 3 luồng thực vật rừng tiêu biểu:

- Luồng thực vật Vân Nam - Hymalaya. - Luồng thực vật Bắc Bộ - Nam Trung Hoa. - Luồng thực vật ấn Độ - Malaixia.

Do đó giới thực vật ở đây vô cùng phong phú với hàng trăm họ, gần 500 chi và trên 800 loài nhưng hiện nay chỉ còn một số không lớn tập trung ở các khu bảo tồn tự nhiên. Hệ thực vật bao gồm thực vật nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới với nhiều loài gỗ quý mọc thành quần thụ như lim xanh, táu mật, sến, các loại quý hiếm như pơmu, lát hoa, giổi xương v.v...

Tuy nhiên các loại rừng giàu và rừng trung bình không đáng kể, chủ yếu là rừng nghèo, rừng phục hồi, rừng hỗn giao và một ít rừng tre nứa, rừng trồng, ngoài ra là đất trống đồi núi trọc do bị khai thác và tàn phá nặng nề.

Ở vùng đồng bằng sông Hồng có 30 khu rừng đặc dụng, trong đó có 4 vườn quốc gia, 14 khu bảo tồn thiên nhiên và 12 khu rừng văn hóa lịch sử và môi trường. Trong đó, đáng kể nhất là 4 vườn quốc gia - nơi có đa dạng sinh học cao nhất và đặc biệt, khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Thủy đã được công ước Ramsar chấp nhận và hiện nay đây là vùng ngập nước duy nhất của Việt Nam được ghi vào danh sách Ramsar.

Các loài động vật tự nhiên ở đây vốn rất đa dạng và phong phú, do môi trường sống ngày một bị thu hẹp nên cũng ngày càng ít đi. Đa dạng về thành phần loài chỉ có ở một số khu bảo tồn tự nhiên. Tuy nhiên, ngay cả ở các khu này, nhiều loài động vật tự nhiên cũng đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2011 dân số của vùng là 21,6 triệu người, chiếm 23,01% dân số cả nước. Đa số dân số là người Kinh, một bộ phận nhỏ thuộc Ba Vì (Hà Nội) và Nho Quan (Ninh Bình) có thêm dân tộc Mường.

Về mặt cơ cấu dân cư, bộ phận cư dân nông thôn vẫn còn chiếm số lượng lớn, bằng khoảng 46,5% dân số nông thôn trong cả nước. Mặt khác vùng đồng bằng sông Hồng cũng là nơi tập trung nguồn lực lao động nhiều nhất. Và đây cũng là khu vực có sự phát triển kinh tế năng động nhất. Tính năng động trong phát triển kinh tế vốn là đặc trưng nổi bật của vùng này trong suốt quá trình lịch sử. Đồng bằng sông Hồng là trung tâm văn minh nông nghiệp sớm nhất nước ta. Sự ra đời sớm của các nền kỹ thuật sản xuất, công nghệ và các mối giao lưu trao đổi, buôn bán là những yếu tố dẫn đến việc hình thành những trung tâm đô thị đầu tiên, làm cơ sở quan trọng cho việc hình thành nhà nước Việt cổ. Kể từ đầu công nguyên, vùng trung tâm sông Hồng luôn luôn là vùng quần cư quan trọng bậc nhất của đất nước. Chính ở đây, những đô thị cổ đầu tiên đã ra đời. Đầu tiên là Cổ Loa, Mê Linh, Đại La, Hoa Lư, rồi đến Thăng Long, Phố Hiến. Nền kinh tế

càng phát triển thì quá trình đô thị hóa diễn ra càng nhanh và quy mô đô thị càng lớn.

Với đặc điểm trên,văn hóa nói chung và hoạt động lễ hội nói riêng ở vùng đồng bằng sông Hồng phản ánh khá đầy đủ đời sống tâm linh, tư tưởng triết học và bản sắc văn hóa Việt Nam. "Đồng bằng sông Hồng là quê hương của hội làng, hội vùng, hội của cả nước; là cái nôi của lễ hội nông nghiệp và lễ hội mang nội dung lịch sử - văn hóa ở tầm quốc gia" (Huỳnh Khai Vinh: "Chấn hưng các vùng văn hóa Việt Nam" nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995, trang 154). Cho nên dù có những khác biệt nhất định, song các loại hình lễ hội Bắc Bộ ít nhiều đều mang tính đại diện cho cả nước. Đây chính là một trong những điểm chủ yếu hấp dẫn du khách đến với vùng đồng bằng sông Hồng.

Vùng đồng bằng sông Hồng là nơi có Thủ đô Hà Nội và nhiều đô thị lớn như Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, v.v. vì vậy hạ tầng xã hội phát triển với hệ thống giao thông, cung cấp điện, nước, bưu chính viễn thông, v.v. khá đồng bộ. Các tuyến đường giao thông huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với các các đô thị lớn của vùng; nối vùng với các lãnh thổ khác trong cả nước bao gồm QL1, QL2, QL3, QL5, QL6, QL10, v.v; các đường bay quốc tế và trong nước với sân bay Nội Bài; tuyến đường sắt Bắc Nam; tuyến đường sông dọc các sông Hồng, Thái Bình; v.v. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội nói chung và hoạt động phát triển du lịch nói riêng.

Qua phân tích tổng quan về vùng đồng bằng sông Hồng có thể thấy đây là lãnh thổ có nhiều điều kiện phát triển du lịch nói chung và du lịch làng quê nói riêng bởi sự đa dạng phong phú về các giá trị tư nhiên và văn hóa. Đặc biệt cơ sở hạ tầng của vùng là khá đồng bộ và phát triển so với các lãnh thổ khác với trung tâm vùng là Thủ đô Hà Nội nơi có cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài - một trong hai cửa khẩu hàng không lớn nhất của Việt Nam cho đến thời điểm này.

Đứng từ góc độ điều kiện cho phát triển du lịch làng quê thì có thể thấy nông nghiệp hiện vẫn được xem là thế mạnh kinh tế của vùng; đa số người dân trong vùng là làm nghề nông và sống ở vùng nông thôn.

Một trong những hạn chế cơ bản về điều kiện tự nhiên đối với phát triển du lịch ở khu vực phía Bắc nói chung và vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng là tính mùa được xác định bởi đặc điểm khí hậu. Tuy nhiên yếu tố hạn chế này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến du lịch làng quê bởi những sản phẩm du lịch chính của loại hình du lịch này là tham quan trải nghiệm các giá trị văn hóa làng quê Việt, nếp sống truyền thống của người dân.

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN DU LỊCH LÀNG QUÊ VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG GIÁP HÀ NỘI GÓP PHẦN THU HÚT KHÁCH DU LỊCH VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG (Trang 43 -43 )

×