2.3.1.1 Tuân thủ chặt chẽ, nghiêm ngặt các quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng
Maritime Bank đã xây dựng hệ thống văn bản pháp chế chặt chẽ quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng bám sát nội dung của QĐ 493, QĐ 18 và các quyết định, thông tư, công văn,… của NHNN. Hệ thống văn bản pháp chế đầy đủ, rõ ràng được bổ sung, sửa đổi liên tục, kịp thời với những văn bản của NHNN đã tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng của Maritime Bank chính xác, hiệu quả.
Hệ thống văn bản pháp chế của Maritime Bank không chỉ tuân thủ đầy đủ các quy định của NHNN mà bên cạnh đó Maritime Bank còn có những điểm quy định chặt chẽ hơn trong nghiệp vụ phân loại nợ, trích lập dự phòng
trong ngân hàng. Cụ thể:
+ Quy định chặt chẽ hơn trong việc phân loại các khoản nợ theo phương pháp định lượng. Nếu trong QĐ 493, QĐ 18 các khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ gốc và lãi quá hạn và thu hồi đầy đủ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn sẽ được cho vào nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) thì trong QC.RR. 010 Maritime Bank quy định thời gian quá hạn của các khoản nợ đủ tiêu chuẩn là dưới 7 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc các khoản nợ quá hạn từ 7 ngày đến 10 ngày sẽ bị xếp vào nhóm 2 (Nợ cần chú ý) mặc dù theo quy định của NHNN có thể các khoản này vẫn được xếp vào nhóm 1. Đây là điểm mới trong quy định của ngân hàng nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, siết chặt hơn việc phân loại nợ vào các nhóm nợ rủi ro thấp.
+ Maritime Bank quy định thời gian thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng theo tháng trong khi đó quy định của NHNN chỉ bắt buộc thực hiện việc phân loại nợ hàng tháng đối với các khoản nợ xấu, việc phân loại các khoản nợ đủ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý và thực hiện trích lập dự phòng có thể thực hiện hàng quý. Việc thu hẹp chu kì thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng giúp cho Maritime Bank tiến gần hơn với thông lệ quốc tế, góp phần thực hiện quản lý tốt hơn chất lượng tín dụng cũng như kịp thời nắm bắt, dự phòng cho các khoản rủi ro tín dụng, đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng.
Bên cạnh đó Maritime Bank còn tuân thủ chặt chẽ các quy định về thời gian nộp các báo cáo, đáp ứng kịp thời yêu cầu thông tin từ các cơ quan quản lý của NHNN. Đó cũng là một trong những yếu tố nâng cao chỉ số tín nhiệm giúp Maritime Bank vinh dự được NHNN công nhận là một trong các ngân hàng thuộc nhóm 1.
2.3.1.2 Xây dựng bộ phận thẩm định giá độc lập nâng cao hiệu quả nghiệp vụ phân loại nợ và trích lập dự phòng
Theo cơ cấu tổ chức bộ máy cùng với các quy định trong hoạt động, Maritime Bank đã xây dựng cơ cấu tổ chức các đơn vị hỗ trợ. Khối Tác nghiệp tín dụng được thành lập với chức năng: Định giá, quản lý TSBĐ, kiểm soát hạn mức tín dụng, kiểm soát cấp tín dụng từng lần đối với các khách hàng của các ngân hàng chuyên doanh. Trung tâm hỗ trợ tín dụng trực thuộc khối tác nghiệp tín dụng chịu trách nhiệm trong việc thẩm định TSBĐ của khách hàng.
Sau khi thu thập đầy đủ hồ sơ về TSBĐ yêu cầu định giá TSBĐ được gửi cho trung tâm hỗ trợ tín dụng,. Tại đây cán bộ định giá TSBĐ chịu trách nhiệm khảo sát thực tế tài sản, lập báo cáo định giá và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả định giá. Do đó TSBĐ được đánh giá, thẩm định một cách chuyên nghiệp, độc lập với các bộ phận cấp tín dụng, kết quả thẩm định mang tính khách quan và độc lập. Việc thành lập đơn vị định giá TSBĐ riêng không những đảm bảo tính chuyên môn hóa cao trong quy trình cấp tín dụng, giảm thiểu rủi ro tín dụng cho ngân hàng mà nó còn góp phần nâng cao hiệu quả và tính chính xác trong công tác phân loại nợ và trích lập dự phòng.
2.3.1.3 Nghiệp vụ hạch toán phân loại nợ, trích lập dự phòng tập trung, kịp thời
Từ đầu năm 2013 việc hạch toán nghiệp vụ phân loại nợ và trích lập dự phòng tại Maritime Bank được thực hiện tập trung tại Trung tâm quản trị kế toán hội sở chính làm giảm đáng kể thời gian hạch toán kế toán và mang lại độ chính xác cao. P.GSRRTD là đầu mối tập hợp và gửi yêu cầu hạch toán kế toán ngay trong ngày làm việc đầu tiên của tháng. Kế toán hội sở chính chịu trách nhiệm hạch toán số liệu phân loại nợ hiệu lực vào ngày cuối tháng trước đảm bảo số liệu phân loại nợ tại ngày cuối cùng của tháng chính xác, khách quan.
Bên cạnh đó số liệu trích lập dự phòng được P.GSRRTD tổng hợp và được bóc tách chi tiết theo từng đối tượng khách hàng gắn liền với từng
phòng giao dịch và ngân hàng chuyên doanh. Kế toán hội sở chính chịu trách nhiệm hạch toán chi tiết quỹ dự phòng theo thông tin bóc tách chi tiết hiệu lực trong tháng. Việc hạch toán chi tiết quỹ dự phòng cho từng đối tượng khách hàng cho phép việc quản lý, theo dõi, giám sát cụ thể và chi tiết hơn đồng thời cũng giúp Maritime Bank kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý rủi ro tín dụng kịp thời hơn và chính xác đến từng đối tượng khách hàng.
2.3.1.4 Góp phần quản trị rủi ro tín dụng, giảm thiểu tổn thất trong hoạt động tín dụng, làm lành mạnh, minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng
Kết quả phân loại nợ và trích lập dự phòng giai đoạn 2011- tháng 6/2014 đã góp một phần quan trọng trong việc quản lý chất lượng tín dụng, một giải pháp cơ bản để quản trị rủi ro tín dụng của Maritime Bank. Căn cứ vào kết quả phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro của khách hàng giúp Maritime Bank đưa ra các công cụ quản trị rủi ro tín dụng hiệu quả từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng nói riêng và hoạt động của toàn ngân hàng nói chung. Vai trò nghiệp vụ phân loại nợ và trích lập dự phòng của Maritime Bank thời gian vừa qua được thể hiện:
+ Góp phần chuẩn hóa quy trình tín dụng: Việc phân loại nợ và trích lập DPRR tín dụng giai đoạn 2011- tháng 6/2014 đã chỉ ra nhiều ưu nhược điểm trong quy trình tín dụng hiện hành của Maritime Bank. Kết quả phân loại nợ một phần phản ánh những thiếu sót còn tồn tại đòi hỏi bản thân ngân hàng hoàn thiện các quy trình tín dụng, đảm bảo hoạt động tín dụng hiệu quả.
+ Xây dựng chính sách tín dụng phù hợp: Báo cáo phân loại nợ đã chỉ ra được cơ cấu tín dụng của Maritime Bank phân loại theo đối tượng khách hàng, loại hình doanh nghiệp, ngành nghề hoạt động, thời hạn tín dụng,… Từ đó đưa ra các đánh giá và định hướng phát triển hoạt động tín dụng, lựa chọn được phân khúc thị trường với các khách hàng hoạt động trong các ngành
nghề phù hợp với thời hạn tín dụng hợp lý.
+ Nâng cao hiệu quả các khâu trong hoạt động tín dụng: Kết quả phân loại nợ thể hiện được chất lượng các khoản tín dụng chi tiết cho từng khách hàng, tạo tiền đề, kinh nghiệm cho Maritime Bank dự phòng rủi ro trong hoạt động tín dụng cũng như cân nhắc khi ra quyết định đối với những khoản tín dụng mới phát sinh.
+ Nợ xấu trong phân loại nợ, số dư các quỹ dự phòng phản ánh chất lượng tín dụng của ngân hàng. Nợ xấu phát sinh một phần cũng do sự yếu kém trong quản lý cũng như sự sai sót, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của cán bộ nhân viên. Do vậy công tác phân loại nợ và trích lập dự phòng đã góp một phần quan trọng trong công tác cảnh báo rủi ro đạo đức trong hoạt động tín dụng. Từ đây nâng cao được ý thức và chất lượng đào tạo của đội ngũ cán bộ nhân viên tại Maritime Bank tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngân hàng.
Trong thời gian vừa qua, việc phân loại nợ và trích lập DPRR tín dụng đầy đủ và đúng hạn đã giúp chi nhánh đánh giá đúng về chất lượng tín dụng để có kế hoạch, biện pháp xử lý kịp thời. Việc xử lý các khoản nợ kịp thời dựa trên kết quả phân loại nợ giúp lành mạnh hóa tình hình tài chính, làm sạch bảng cân đối của ngân hàng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng lợi nhuận. Kết quả phân loại nợ và chi phí DPRR được đưa vào báo cáo thường niên đã góp phần làm giảm bớt yếu tố can thiệp của nhà nước, minh bạch hóa hệ thống tài chính theo chuẩn mực quốc tế.