III. Hiệu quả tính theo tổng chi phí
3.1.6. Phân tích thuận lợi, khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn Huyện Thống Nhất
trại chăn nuôi heo trên địa bàn Huyện Thống Nhất
Thuận lợi
Huyện Thống Nhất là huyện thuộc tỉnh Đồng Nai, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, giáp tỉnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh nên có một thị trường tiêu thụ rộng lớn về thịt heo, điều này rất thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phầm với số lượng lớn.
Dễ dàng tiếp cận được với kỹ thuật công nghệ tiên tiến nên nâng cao được hiệu quả trong sản xuất. Đặc biệt phần lớn các chủ trang trại có độ tuổi còn trẻ và là nam giới (chiếm 83,2%) nên mạnh dạn hơn trong việc đầu tư và ứng dụng KHKT mới.
Là địa bàn có nhiều cơ sở chế biến thức ăn gia súc nên rất thuận lợi trong việc lựa chọn thức ăn cho phù hợp và hiệu quả. Hơn nữa trên địa bàn Huyện gần với Nhà máy chế biến thực phẩm D&F (huyện Trảng Bom), sử dụng dây chuyền công nghệ được coi là hiện đại nhất ở Việt Nam hiện nay, công suất chế biến đạt 2.000 con gà và 100 con heo mỗi giờ, điều này rất thuận lợi trong việc chế biến thịt heo đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để có đủ điều kiện xuất khẩu ra các nước phát triển trên thế giới, đây cũng là một cách để mở rộng thêm thị trường tiêu thụ.
Huyện có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát triển ngành trồng trọt như lúa (sản lượng đạt 14.211,9 tấn), bắp (sản lượng đạt 16.688,1 tấn)… (Niên giám thống kê Huyện, 2011), đây là nhân tố quan trọng đảm bảo cho địa phương đủ lương thực thực phẩm cho con người và cho chăn nuôi trong đó có chăn nuôi heo.
Chăn nuôi heo là ngành chăn nuôi truyền thống, lâu đời, người chăn nuôi đã có nhiều kinh nghiệm. Đó là một thuận lợi lớn trong quá trình chăn
nuôi, phát triển đàn heo của Huyện.
Phát triển chăn nuôi heo nhanh và lớn nên các dịch vụ chăn nuôi cũng phát triển theo. Nổi bật là các dịch vụ bán giống, bán cám, xuất heo cho các trang trại chăn nuôi. Hiện nay, nhiều đại lý thức ăn chăn nuôi cho chịu thức ăn đến khi bán heo thì hoàn trả, nhưng giá thức ăn sẽ tính cao hơn giá bán trả tiền ngay.
Một thuận lợi nữa không thể không kể đến là các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về phát triển chăn nuôi heo theo hướng hàng hóa.
Khó khăn
Mặc dù chăn nuôi heo có nhiều thuận lợi để phát triển nhưng nó cũng gặp không ít khó khăn làm ảnh hưởng đến kết quả và hiệu quả chăn nuôi heo. Sau đây là một số khó khăn mà người dân tại địa phương đang gặp phải:
Qua phân tích kết quả của các trang trại chăn nuôi heo thì chi phí thức ăn tính bình quân cho một trang trại chiếm đến 62,4%, trong khi đó các trang trại ở các nước phát triển như Braxin, Thái Lan, Trung Quốc… thì tỷ lệ chi phí thức ăn trong tổng chi phí của họ chỉ chiếm từ 50 - 55%. Điều này cho thấy giá thành thức ăn ở nước ta còn rất lớn so với các nước khác nên sẽ làm cho hiệu quả kinh tế chăn nuôi heo của các trang trại giảm.
Qua phân tích trên cũng cho thấy quy mô đàn heo cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của trang trại, cụ thể trang trại có quy mô vừa đạt hiệu quả cao nhất, nhưng qua số liệu điều tra thì hiện đang có đến 34/45 trang trại (chiếm 75,55%) quy mô nhỏ, cũng qua khảo sát cho thấy 57,9% hiện đang khó khăn về vốn. Như vậy các trang trại này cần có thêm sự hỗ trợ về vốn để tăng quy mô đàn lên nhằm nâng cao hiệu quả hơn.
Hiện nay tỷ lệ heo trong các trang trại chiếm 48% tổng đàn của toàn Huyện, điều này cho thấy số hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ trên địa bàn Huyện còn chiếm tỷ lệ lớn, nên khi dịch bệnh xảy ra thì rất dễ bị lây dịch bệnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ làm cho hiệu quả kinh tế chăn nuôi heo giảm.
Qua phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất nói trên cho thấy loại chuồng có ảnh hưởng đến năng suất, các trang trại sử dụng chuồng hiện đại cho năng suất cao hơn đồng thời cũng cho hiệu quả cao hơn. Theo số liệu điều tra cho thấy trong 45 trang trại được điều tra thì chỉ có 16 trang trại có chuồng heo hiện đại, còn lại 29 trang trại đang sử dụng chuồng không hiện đại (loại chuồng tận dụng và không có máy móc thiết bị đầy đủ, không có thiết bị làm mát…..). Để đầu tư cho chuồng trại thì các chủ trang trại cần phải có số vốn lớn, điều này không dễ đối với các chủ trang trại vì vốn tự có thì có hạn còn vốn vay thì bị hạn chế số tiền vay, lãi suất vay cao và thủ tục vay phức tạp. Và qua đây cũng cho thấy trình độ cơ giới hóa trong chăn nuôi heo còn thấp chất lượng sản phẩm chưa cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế chăn nuôi heo.
Hiện nay, các chủ trang trại chăn nuôi heo chủ yếu là tự học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi qua anh em, bạn bè chăn nuôi giỏi, qua sách báo, qua ti vi… các buổi học tập kỹ thuật tập huấn chăn nuôi heo chưa được tổ chức thường xuyên tại địa phương. Một số trang trại chăn nuôi với quy mô lớn được các công ty cám mời đi tập huấn, nhưng con số này chiếm tỉ lệ rất ít. Trong khi chăn nuôi heo hiện nay có rất nhiều dịch bệnh, không nắm vững về kỹ thuật chăn nuôi, khiến heo có nguy cơ mắc bệnh dịch cao hơn, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả kinh tế chăn nuôi heo. Việc tập huấn kỹ thuật cho người dân là vấn đề quan trọng và cần thiết ngay bây giờ.