Nước Mỹ là nơi có kinh tế trang trại rất phát triển. Năm 1950 ở Mỹ có 5.648.000 trang trại và có xu hướng giảm dần về số lượng. Năm 1960 còn 3.962.000, năm 1970 còn 2.954.000 và năm 1992 còn 1.925.000. Như vậy số lượng trang trại từ 1950 đến 1992 giảm bình quân là 2,6%. Trong khi đó diện tích bình quân của trang trại cũng tăng lên, năm 1950 là 86 ha, năm 1960 là 120 ha, năm 1970 là 151 ha và năm 1992 là 198,7 ha, diện tích trang trại tăng bình quân hàng năm 2%.(Nguyễn Điền,Trần Đức 1993)
Ở Châu Âu, năm 1950 có 453.000 trang trại, đến năm 1987 giảm xuống 254.000 trang trại. Tốc độ giảm bình quân hàng năm là 2,1%. Nước Pháp năm1955 có 2.285.000 trang trại, năm 1993 còn 801.400 trang trại, tốc độ trang trại giảm bình quân hàng năm là 2,7%. Diện tích bình quân của trang trại qua các năm có xu hướng tăng lên (nước Anh năm 1950 là 36 ha, năm 1987 là 71 ha, ở Pháp1955 là 14 ha, năm 1985 là 35,1 ha, ở Cộng hoà Liên Bang Đức năm 1949 là 11 ha,năm 1985 là 15 ha, Hà Lan 1950 là 7 ha, năm 1987 là 16 ha) (Ban vật giá chính phủ,2000)
Như vậy, ở các nước tư bản Tây Âu và Mỹ, số lượng trang trại đều có xu hướng giảm, quy mô trang trại lại tăng lên.
Ở Châu Á, kinh tế trang trại trong nông nghiệp chịu sự chi phối của điều kiện tự nhiên, dân số nên có những đặc điểm khác với trang trại ở các nước Âu - Mỹ về nhiều mặt, đặc biệt là về số lượng và quy mô trang trại. Điều đáng chú ý là các nước và lãnh thổ ở khu vực Châu Á, do đất canh tác trên đầu người vào loại thấp nhất trên thế giới, hiện nay bình quân có 0,15 ha trên đầu người, điển hình là các nước và lãnh thổ Đông Á, diện tích đất đai
nông nghiệp bình quân đầu người vào loại thấp nhất trên thế giới như Đài Loan (0,047 ha), Malaixia (0,25 ha), Hàn Quốc (0,053 ha), Nhật Bản (0,035 ha), trong khi đó ở các quốc gia và lãnh thổ này dân số đông nên có ảnh hưởng đến quy mô trang trại (Ban vật giá chính phủ,2000)
Phần lớn các nước Châu Á nền kinh tế còn ở trình độ thấp đang trong giai đoạn tiến hành công nghiệp hoá. Trừ một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và lãnh thổ như Đài Loan... có nền kinh tế phát triển nên tác động của công nghiệp vào nông nghiệp của trang trại rất mạnh mẽ. Ở Nhật Bản, năm 1950 số trang trại là 6.176.000, năm 1993 là 3.691.000. Số lượng trang trại giảm bình quân hàng năm 1,2%. Diện tích trang trại bình quân năm 1950 là 0,8 ha, năm 1993 là 1,38 ha, tốc độ tăng diện tích bình quân hàng năm 1,3%, ở Đài Loan, năm 1955 số trang trại là 744,000 năm 1988 là 739.000. Tốc độ trang trại giảm bình quân 0,02%. Diện tích trang trại bình quân năm 1955 là 1,12 ha năm 1988 là 1,21 ha. Tốc độ tăng diện tích trang trại bình quân hàng năm 0,2%, ở Hàn Quốc, năm 1953 có 2.249.000 trang trại, năm 1979 giảm xuống 1.172.000 trang trại. Số lượng trang trại giảm bình quân hàng năm 0,7%, diện tích bình quân của trang trại tăng bình quân hàng năm là 0,9% (Ban vật giá chính phủ,2000).
Do bình quân ruộng đất thấp nên ở một số nước và lãnh thổ Châu Á, Nhà nước đã quy định mức hạn điền với nông dân như ở Nhật Bản, Hàn Quốc (không quá 3 ha) Ấn Độ (không quá 7,2 ha). Ở Nhật bản năm 1990 số trang trại dưới 0,5 ha chiếm 41,9%, từ 0,5% ha đến 1 ha chiếm 30,7% trên 1 ha chiếm 25,6%. Ở Hàn Quốc năm 1985 diện tích trang trại dưới 0,5 ha chiếm 29,7%; từ 0,5 đến 1 ha chiếm 34,7% trên 1 ha chiếm 35,6% (Trần Đức,1995).
Như vậy ở Châu Á nói chung hiện tượng tích tụ ruộng đất diễn ra chậm nên tình trạng phân tán manh mún ruộng đất cũng là một trong những trở ngại
trong vấn đề phát triển kinh tế trang trại. Trong sự phát triển kinh tế trang trại gia đình, vấn đề tích tụ ruộng đất để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh không chỉ chịu sự tác động từ cạnh tranh, phân hoá mà còn chịu tác động từ chính sách luật pháp của Nhà nước.
1.2.2. Tình hình phát triển trang trại ở Việt Nam
Kinh tế trang trại đã xuất hiện khá lâu trong nền nông nghiệp hàng hóa và hiện nay nó đang tiếp tục phát triển đa dạng trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Bởi lẽ, như nhà triết học Hêghen người Đức đã từng nói: cái gì hợp lý thì nó tồn tại và phát triển.
Thật vậy, ở nước ta ngay từ những năm 60, ở miền Bắc, Đảng và nhà nước đã có cuộc vận động nhân dân vùng đồng bằng có mật độ dân cư đông đi xây dựng nông trang nơi các vùng đất hoang ở trung du, miền núi. Trong thời kỳ này cùng với phong trào hợp tác hóa nên gọi là nông trang tập thể và sau đó được sát nhập vào các hợp tác xã hoặc nông lâm trường quốc doanh. Ở miền Nam trong thời kỳ Pháp thuộc, Mỹ ngụy ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên, với các chính sách hạn điền 10 ha/hộ kinh tế trang trại cũng phát triển mạnh. Ở Tây nguyên bên cạnh những đồn điền cao su, cà phê, chè ... của thực dân Pháp kinh tế trang trại của nông dân cũng phát triển. Sau giải phóng năm 1975 các trang trại cũng được tập thể hóa vào hợp tác xã, hoặc sát nhập vào các nông, lâm trường quốc doanh (Ban tư tưởng văn hoá Trung ương, 2002).
Từ sau khi phong trào hợp tác xã nông nghiệp bị giảm sút, sản xuất nông lâm ngư nghiệp gặp nhiều khó khăn, kinh tế hộ nông dân đã được khẳng định vị trí, vai trò trong đường lối phát triển nông nghiệp ở nước ta. Trong quá trình phát triển một bộ phận kinh tế nông hộ đã tiến lên sản xuất nông sản hàng hoá theo mô hình kinh tế trang trại ở các vùng từ đồi núi, đồng bằng và
ven biển với nhiều loại hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp khá phong phú và đa dạng cụ thể như sau:
Vùng đồi miền núi nước ta từ Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây nguyên và Đông Nam Bộ có quỹ đất trống đồi núi trọc. Đất đai và khí hậu hợp với trồng rừng, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc... Những năm gần đây xuất hiện nhiều hộ nông dân đi vào sản xuất hàng hoá hình thành nên các trang trại trồng rừng, trồng cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, điều, chè, quế ... ở Yên Bái cho thấy hơn 60% giá trị kim ngạch xuất khẩu là sản xuất hàng hoá từ khu vực trang trại. Toàn tỉnh Yên Bái có 45,55% trang trại thiếu từ 5-25 lao động, vùng trồng rừng kinh tế đạt 60.000 ha, góp phần đưa độ che phủ cao 31,5%. Huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang đi lên kinh tế trang trại từ cây vải thiều, huyện Vân Yên (Yên Bái) phát triển kinh tế trang trại từ cây quế; huyện Đắc Trung (Lâm Đồng), Đắc Min (Đắc Lắc) phát triển trang trại từ cây cà phê, huyện Bình Long (Bình Phước), Bến Cát (Bình Dương) phát triển kinh tế trang trại từ cây cao su (Trần Kiên, 2000).
Nước ta có vùng ven biển dài hơn 2000 km từ Móng Cái đến Hà Tiên có nhiều eo biển, bãi triều, đầm phá, rừng ngập mặn với tổng diện tích trên 400.000 ha và vùng lãnh hải rộng lớn có điều kiện để phát triển nuôi trồng, khai thác hải sản. Về nuôi trồng hải sản tôm cua, cá, sò huyết.. đến 1997 có 15.666 trang trại nhỏ từ 1ha đến 5 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, 139 trang trại có quy mô từ 5ha - 20ha và 15 trang trại tư bản tư nhân có quy mô lớn hơn. Hiện nay, đang phát triển các trang trại nuôi tôm trên cát khá phổ biến ở khu vực Duyên Hải miền trung.
Theo kết quả điều tra nông nghiệp nông thôn và thuỷ sản năm 2001, như quy định của Tổng cục thống kê về tiêu chuẩn trang trại thì đến ngày 1/10/2001, cả nước có 61.017 trang trại. Cơ cấu các loại trang trại: cây hàng
năm có 21.756 trang trại (chiếm 35,66%), cây lâu năm có 16.578 trang trại (chiếm 27,17%), nuôi trồng thuỷ sản có 17.016 trang trại( 27,69%), lâm nghiệp có 1.668 trang trại (chiếm 2,73%), kinh doanh tổng hợp là 2.240 trang trại (chiếm 3,67%). Các trang trại đã sử dụng 369,6 ngàn ha đất và mặt nước, bình quân một trang trại 6,08 ha đất và mặt nước đang sử dụng. Các trang trại đã sử dụng 168.134 lao động của gia đình chủ trang trại và 206.067 lao động thuê mướn ngoài, bình quân 1 trang trại có 6,13 lao động. Tổng vốn đầu tư của các trang trại là 8.294,7 tỷ đồng, bình quân một trang trại 135,9 triệu đồng vốn sản xuất. Tổng thu của các trang trại là 5.360,9 tỷ đồng, bình quân một trang trại 87,85 triệu đồng, tỷ suất hàng hoá 92,6%. Thu nhập bình quân một nhân khẩu của hộ chủ trang trại là 584 ngàn đồng, cao gấp 2,5 lần thu nhập bình quân một người lao động ở nông thôn.
Nhìn chung, kinh tế trang trại ở ta được hình thành từ rất sớm. Tuy nhiên, do những đặc điểm phát triển kinh tế của nước ta qua các thời kỳ khác nhau mà mô hình này có những giai đoạn phát triển theo những xu thế khác nhau, có lúc mất đi, có lúc phát triển nhanh. Đặc biệt trong những năm gần đây, kinh tế trang trại có tốc độ phát triển nhanh chóng cả về số lượng với nhiều thành phần kinh tế tham gia, nhưng chủ yếu vẫn là trang trại gia đình nông dân và một số tỷ lệ đáng kể của gia đình cán bộ, công nhân, bộ đội, công an đã nghỉ hưu. Nhìn chung kinh tế trang trại ở nước ta phát triển mạnh ở 3 vùng: đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, sông Hồng và Tây Nguyên.