Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm tiền gửi

Một phần của tài liệu Luận văn quản trị rủi ro tín dụng tại hệ thống ngân hàng thương mại Việt nam (Trang 105 - 106)

Trên thế giới đã có khoảng 100 quốc gia có tổ chức BHTG và khoảng 20 quốc giá khác đang xúc tiến việc nghiên cứu thành lập tổ chức này.

Về bản chất, tổ chức BHTG dù được tổ chức và hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào: là tổ chức tài chính thuộc Chính phủ hay thuộc Quốc hội; một định chế tài chính độc lập… họat động của tổ chức BHTG vẫn cơ bản dựa theo nguyên lý của hoạt động bảo hiểm là bù đắp rủi ro theo cơ chế lấy số đông bù cho số ít. Đây là một hoạt động bảo hiểm mang đầy rủi ro, do vậy, thông thường Nhà nước phải đứng ra thành lập tổ chức BHTG để bảo vệ quyền lợi của công chúng khi họ gặp rủi ro về tiền gửi.

Trong kinh tế hiện đại, BHTG có và phải thực hiện được vai trò nhất định trong việc tham gia quản lý rủi ro của các NHTM, các tổ chức tham gia bảo hiểm khác, và hơn nữa là có vai trò trong giám sát và góp phần bảo đảm an toàn của hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia.

Ở các nước phát triển, tham gia giám sát và bảo đảm an toàn hệ thống tài chính quốc gia thường bao gồm 5 cơ quan là: Bộ Tài chính; Ngân hàng trung ương; cơ quan quản lý, giám sát thị trường chứng khoán; tổ chức BHTG và cơ quan giám sát quốc gia về tài chính - tiền tệ. Trong đó, tổ chức BHTG có vai trò không thể thiếu trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ giám sát an toàn, phối hợp hoạt động, chia sẻ thông tin và cùng chịu trách nhiệm với các cơ quan khác về sự an toàn và phát triển lành mạnh của hệ thống tài chính - tiền tệ.

BHTG nhằm mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm sự an toàn của hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia, tránh đổ vỡ dây chuyền hoặc khủng hoảng, tạo ra một cơ chế BHTG chính thức trong việc xử lý đổ vỡ ngân hàng. Trước hết, tổ chức này tạo ra cơ chế giám sát, cảnh báo, ngăn chặn và hỗ trợ các tổ chức tham gia BHTG phòng tránh rủi ro trong kinh doanh. Từ đó góp phần rất lớn vào bảo đảm an toàn hệ thống tài chính – tiền tệ quốc gia và tránh được những đổ vỡ có tính dây chuyền, thường là căn nguyên của những cuộc khủng hoảng tài chính, thậm chí là khủng hoảng kinh tế.

Như vậy có thể thấy rõ vai trò của bảo hiểm tiền gửi, không chỉ đối với hoạt động tín dụng nói riêng mà là đối với cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nói chung và nó cần phải được quan tâm đầu tư đúng mức.

Trước mắt, năng lực tài chính của BHTG Việt Nam cần được nâng cao để đủ khả năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ và chi trả khi có nhiều ngân hàng gặp khó khăn.

Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng hoàn thiện một hệ thống pháp lý nhằm tạo môi trường đảm bảo cho hoạt động BHTG phát triển. Đồng thời nghiên cứu, xem xét và có định hướng cho phép tổ chức BHTG có quyền sử dụng cơ chế chính thức xử lý sớm ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ, có quyền tiếp nhận và thanh lý tài sản và giải quyết những nghĩa vụ nợ của ngân hàng bị đổ vỡ. Đồng thời qui định rõ vai trò và nhiệm vụ của tổ chức BHTG khi xảy ra khủng hoảng.

Một phần của tài liệu Luận văn quản trị rủi ro tín dụng tại hệ thống ngân hàng thương mại Việt nam (Trang 105 - 106)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(127 trang)
w