Đẩy nhanh quá trình thu thập và xử lý một cách thận trọng các ý kiến để hoàn chỉnh thông tư hướng dẫn Nghị định số 10/2010/NĐ-CP để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quy định cụ thể về nội dung hoạt động, quyền hạn, trách nhiệm của trung tâm TTTD tư nhân.
Cần tuyên truyền, vận động để có sự phối hợp, hợp tác toàn diện, trợ giúp lẫn nhau trong việc chia sẻ thông tin giữa trung tâm TTTD tư nhân và nhà nước.
3.2.4 Hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của các ngành xếp hạng tín dụng doanh nghiệp tại Việt Nam tại Việt Nam
Có thể nói, nhu cầu xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đã trở nên vô cùng cấp thiết tại Việt Nam trong thời gian gần đây trước sự phát triển mạnh của thị trường tài chính, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán. Nếu như ở thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư cần tham khảo một thước đo đánh giá tương đối chính xác và cụ thể các doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư thì ở lĩnh vực ngân hàng, việc có được thông số về chỉ số xếp hạng khách hàng sẽ trợ giúp cho các ngân hàng rất nhiều trong công tác quản trị rủi ro, nhất là quản trị RRTD trong đó có việc ứng dụng vào phân loại nợ theo phương pháp định tính theo điều 7 của quyết định 493.
Như đã phân tích ở phần trước, khó khăn lớn nhất của các NHTM Việt Nam hiện nay trong việc xây dựng và vận hành hệ thống XHTDNB chính là ở khâu tiếp cận và cập nhật thông tin để đánh giá, XHTD khách hàng một cách chính xác nhất, từ đó đưa ra các quyết định cấp tín dụng an toàn. Trên thực tế, hiện chưa có một văn bản nào cấm việc công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực định giá và xếp hạng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện thì nên các cơ quan nên để cho họ hoạt động trong lĩnh vực trên và ngày càng có nhiều doanh nghiệp loại này càng tốt. Ở nước ngoài, loại hình công ty phân tích, định giá doanh nghiệp rất phổ biến
Tuy nhiên, cũng như TTTD, xếp hạng doanh nghiệp cũng là một lĩnh vực rất nhạy cảm, có thể ảnh hưởng lớn đến uy tín và hoạt động của công ty được xếp hạng. Danh hiệu và vị trí của công ty chỉ có giá trị nếu được xây dựng trên cơ sở phân tích minh bạch, lành mạnh. Vì vậy, vai trò và sự khách quan, công tâm của các công ty đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp rất quan trọng, đồng thời phải dựa trên bộ tiêu chí đầy đủ, chuẩn xác và được phê chuẩn bởi cơ quan có thẩm quyền.
Một vụ việc vừa xảy ra trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm gây xôn xao trong giới ngân hàng là kết quả xếp hạng các ngân hàng Việt Nam của một công ty tư nhân bị cho là không hợp lý và vội vàng. Cụ thể là ngày 9/12, Công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Credit) công bố bảng xếp hạng các ngân hàng Việt Nam. Theo lời giới thiệu, việc xếp hạng là dựa trên các thông tin tài chính và phi tài chính thu thập một cách có hệ thống từ năm 2001 đến 2008, được lượng hóa và chạy phần mềm CRIS (Credit Rating Information System) của công ty để phân loại và chấm điểm tín nhiệm Doanh nghiệp kèm theo các tiêu chuẩn đánh giá xếp loại của từng nhóm A, BB, BBB, CCC, D. Nhiều ý kiến cho rằng, việc hình thành những tổ chức đánh giá, xếp hạng các doanh nghiệp, ngân hàng là cần thiết, nhằm cung cấp thông tin đa chiều đến khách hàng, người dân. Tuy nhiên, tổ chức này phải đảm bảo năng lực, trung thực, khách quan và phải được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền. Riêng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có công văn gửi về Ngân hàng Nhà nước để lên tiếng về kết quả này, trên cơ sở bức xúc của một số ngân hàng hội viên về việc thiếu trách nhiệm và thẩm quyền của công ty xếp hạng này trong việc công bố bảng xếp hạng dựa trên những dữ liệu quá khứ, nhất là chỉ dựa trên các báo cáo kiểm toán của năm 2008 trở về trước là chưa đầy đủ, chưa đủ căn cứ để xếp loại một ngân hàng. Cũng theo VNBA thì việc Vietnam Credit đứng ra xếp hạng, đánh giá hoạt động của các NHTM dựa trên số liệu đã cũ, không đầy đủ, sau đó công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng đã và đang gây ra những phản ứng bất lợi[36]. Còn theo đánh giá của các luật sư thì việc Vietnam Credit công bố rộng rãi các kết quả đánh giá, xếp hạng các ngân hàng Việt Nam là trái luật. Tổ chức đánh giá, xếp hạng NH và công bố thông tin đó phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép (mà ở đây là NHNN, Bộ TT-TT) hoặc theo thỏa thuận của NHTM. NHNN cũng đã có phản hồi sẽ xem xét vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Như vậy có thể thấy, việc phát triển hệ thống XHTD tư nhân không phải là chuyện dễ dàng, Chính phủ và cơ quan chức năng (trước hết là NHNN) cần khẩn trương đưa ra một khung pháp lý nhất định cũng với các hướng dẫn cụ thể cho hoạt động xếp hạng doanh nghiệp trong nước, để định hướng cho những đơn vị muốn đi theo lĩnh vực này và
3.2.5 Bổ sung, sửa đổi các quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD và quy định về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, theo sát thông lệ quốc tế
3.2.5.1 Duy trì khống chế tỷ lệ cho vay chứng khoán
Cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu nói riêng và chứng khoán nói chung có mức độ rủi ro rất lớn, có thể gây mất an toàn đối với từng TCTD và toàn bộ hệ thống TCTD, đồng thời cũng có thể là nhân tố gây mất ổn định cho thị trường chứng khoán hoặc khi các ngân hàng cho vay phải bán tháo cổ phiếu cầm cố, làm cho thị trường chứng khoán bất ổn hơn. Thực tiễn điều này đã xảy ra và được minh chứng trong năm 2008.
Việc cho phép sử dụng vốn huy động của NHTM, mà chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, để cho vay, đầu tư, kinh doanh chứng khoán là không phù hợp với chức năng hoạt động của thị trường chứng khoán là một kênh huy động vốn trung hạn, dài hạn cho nền kinh tế và cũng không phù hợp với chức năng cơ bản của NHTM là trung gian tài chính, "huy động vốn nhàn rỗi để cấp tín dụng cho sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế". Trong điều kiện nguồn vốn còn nhỏ bé trước yêu cầu cao về tín dụng cho phát triển kinh tế thì càng cần phải quan tâm đến điều này. Do tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán và khả năng tạo lợi nhuận trong một số thời điểm nhất định thì khó bảo đảm để hệ thống kiểm soát rủi ro có thể hạn chế được rủi ro đạo đức, kể cả đối với những ngân hàng có hệ thống kiểm soát rủi ro tốt.
Do vậy, theo quan điểm của tác giả, dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) đã đưa ra nội dung theo hướng kiểm soát, hạn chế việc cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán của các NHTM nhằm bảo đảm an toàn cho NHTM, hệ thống các TCTD và cho cả thị trường vốn trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay là cần thiết.
Xét trên phương diện hệ số an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn quốc tế thì nếu nhìn chung cả hệ thống thì đều đạt mức 8%. Tuy nhiên, khi đi sâu vào chi tiết thì có khá nhiều vấn đề rất đáng bàn, nhất là trong cách tính hệ số CAR hiện nay. Nhìn chung, các NHTM đều dùng vốn điều lệ để góp vốn, kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong khi mức khấu trừ ra khỏi vốn điều lệ để tính toán hệ số nói trên còn chưa chặt chẽ. Vì thế, tính trên hình thức thì có vẻ đạt hoặc cao hơn tiêu chuẩn nhưng đi vào thực chất bóc tách từng khoản đã đầu tư, đôi khi ở vượt quá giới hạn cho phép. Có thể lấy một ví dụ đơn giản là một ngân hàng có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, và muốn có một tổng tài sản rủi ro khoảng 12 nghìn tỷ, nhưng nếu ngân hàng đó đã dùng khoảng 300 tỷ trong số vốn điều lệ góp vào một dự án bất động sản thì theo thông lệ quốc tế, vốn điều lệ để tính toán hệ số chỉ 700 tỷ chứ không còn là 1.000 tỷ nữa. Như vậy, hệ số an toàn vốn tối thiểu thực tế đã thay đổi theo hướng giảm đi.
Vì vậy, khuyến nghị trong thời gian tới, NHNN cần thiết phải có quy định chi tiết và kiểm tra chặt chẽ hơn để đảm bào các NHTM tính toán CAR một cách chính xác hơn. Đồng thời, NHNN cũng nên điều chỉnh tăng hệ số CAR, xu hướng chung trên thế giới là phải nâng hệ số này cao hơn nữa. Nhiều nước trong khu vực đã đạt 12% từ lâu và chưa dừng ở đây, còn ở các nước phát triển còn khuyến nghị cao hơn, tiêu chuẩn Basel II đặt ra mức là 15%. Mức điều chỉnh CAR từ 8 – 10% có vẻ tương đối hợp lý.