Tuy chỉ trong một thời gian ngắn từ 2005 – 2009, nhưng tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam đã có những biến động hết sức phức tạp, nhất là những năm 2007 -2009.
Năm 2007 là năm đánh dấu những bước tiến mới trong quá trình hội nhập quốc tế và khu vực, với những thời cơ và thách thức lớn đặt ra cho công cuộc cải cách và phát triển của Việt Nam. Trước việc mất giá tới 13% của đồng USD so với các đồng tiền khác, việc giá dầu, giá vàng tăng đến mức kỉ lục trong vòng 30 năm qua, tình trạng khủng hoảng trong ngành tài chính ngân hàng của Mỹ và các nền kinh tế lớn, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua những biến động lớn đầy thách thức đó và đạt được những kết quả hết sức tích cực. Năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 8,5%, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua, xuất khẩu đạt 48 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2006, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng kỉ lục, ước đạt 20 tỷ USD. Bên cạnh những kết quả đạt được, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2007, nhất là lĩnh vực ngân hàng đã đối mặt với những yếu tố bất lợi do lạm phát cao và tỷ lệ nhập siêu lớn. Ngoài ra thị trường bất động sản, thị trường chững khoán và thị trường liên ngân hàng diễn biến bất thường; sự thay đổi trong chính sách vĩ mô điều tiết nền kinh tế - tài chính – tiền tệ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh doanh ngân hàng như tăng tỷ lệ dự trữ lên gấp đôi, hạn chế cho vay bất động sản và chứng khoán; sự cạnh tranh giữa các ngân hàng trong nước với những ngân hàng nước ngoài diễn ra vô cùng gay gắt. [4]
Thế nhưng, năm 2008 mới thực sự là năm khó khăn nhất trong hơn một thập kỉ qua của Việt Nam và kể từ khi nước ta bắt đầu áp dụng chính sách đổi mới, dần hội nhập với kinh tế thế giới. Bắt đầu với khủng hoảng hệ thống tài chính toàn cầu đã dẫn tới suy thoái và suy giảm tăng trưởng kinh tế tại nhiều nền kinh tế lớn nhất trên thế giới như Mỹ, EU và nhiều nước châu Á, ảnh hưởng lớn tới Việt Nam. Diễn biến kinh tế Việt Nam trong năm rất phức tạp, nổi bật là lạm phát tăng cao trong những tháng đầu năm và giảm phát trong những tháng cuối năm, lãi suất biến động liên tục, thị trường chứng khoán suy giảm tới hơn 60% so với thời điểm 31/12/2007, thị trường bất động sản “vỡ bong bóng” với giá trị giảm hơn 50%, nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài do tác động của các nền kinh tế khác bị rút khỏi Việt Nam khiến cho nguồn cung tài chính vào thị trường vốn Việt Nam suy giảm, chính sách thắt chặt nguồn cung tiền và hạn chế tăng trưởng tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát đã ảnh hưởng đến dòng tiền của các doanh nghiệp tại hầu hết các ngành nghề, tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch (chỉ tăng 6,8% so với kế hoạch 8%), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 62,9 tỷ USD, tăng 29,5% so với năm 2007 và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 80,4 tỷ USD, tăng 28,3% so với năm 2007 khiến cán cân thanh toán là nhập siêu lớn hơn, gấp 1,2 lần so với năm 2007. [4]
Tiếp nối đà suy thoái của năm 2008, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã tiếp tục suy giảm sâu trong nửa đầu năm 2009 nhưng rồi đã gượng dậy, dần hồi phục trong nửa cuối năm. Nền kinh tế Việt Nam đã khá thành công khi đạt mức tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực (5,32%) trong khi vẫn giữ được lạm phát ở mức thấp (6,52%), FDI giải ngân vẫn đạt mức cao, đời sống xã hội ổn định… Gói kích thích của Chính phủ mà trọng tâm là chương trình hỗ trợ lãi suất đã mang lại những hiệu ứng tích cực cho hoạt động ngân hàng. Nhưng những diễn biến phức tạp của lãi suất, tỷ giá, thanh khoản…cũng khiến cho hoạt động của các ngân hàng gặp không ít khó khăn. [4]
Năm 2010 được đánh giá là vẫn còn nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, đặc biệt là ngành ngân hàng nói riêng. Mặc dù kinh tê thế giới đã có những dấu hiệu phục hồi nhưng chưa thực sự bền vững, các nước phát triển vẫn còn gặp nhiều khó khăn và có thể ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Mục tiêu kinh tế tổng quát của Chính phủ và Quốc hội đề ra trong năm nay là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng, ngăn chặn lạm phát trở lại, tăng khả năng đảm bảo an sinh xã hội.
Tình hình kinh tế nước ta giai đoạn 2005 – 2009 được tóm lược trong hình 2.1.
Hình 2.1: Tình hình tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu và lạm phát nước ta giai đoạn 2005 -2010
Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực cũng như quốc tế. Sau hiệp định AFTA là hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa kỳ và ngày 07/11/2006, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Lộ trình hội nhập buộc các doanh nghiệp và cả các ngân hàng Việt Nam phải tuân thủ luật chơi quốc tế, mở cửa thị trường tài chính và cạnh tranh khốc liêt hơn.
Hội nhập quốc tế mang lại thị trường rộng lớn, khách hàng và quan trọng nhất là các ngân hàng được tiếp cận với tri thức và các thông lệ quốc tế hoàn chỉnh nhất, đặc biệt là về mảng tín dụng. Trong những năm vừa qua, hàng loạt các sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ đã được triển khai nhanh chóng: thẻ tín dụng, thanh toán điện tử, tài trợ thương mại, internet banking, mobile banking… Những khái niệm và kiến thức về quản trị rủi ro cũng nhanh chóng được tiếp cận, nhất là việc chuyển giao công nghệ qua hình thức ngân hàng liên doanh.
Bên cạnh những cơ hội kể trên thì áp lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và cả thị trường xuất khẩu cũng hết sức khốc liệt. Với việc thành lập và bành trướng thị phần nhanh chóng của các ngân hàng liên doanh, 100% vốn nước ngoài và các chi nhánh, văn phòng của các ngân hàng nước ngoài trên thị trường tín dụng thời gian qua là minh chứng cụ thể. Điều này đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi tính chất hoạt động của các ngân hàng Việt Nam, mà một trong những xu hướng đó là phải công khai, minh bạch về thông tin và không thể dựa dẫm vào bất kỳ một tổ chúc nào khác ngoài năng lực cạnh tranh cùa chính mình.