Trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới và khu vực diễn biến phức tạp: suy thoái kinh tế bắt đầu từ khủng hoảng tài chính; nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống có tính toàn cầu như buôn bán và vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy, cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức… chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang giữa các quốc gia hay trong một quốc gia do mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố, can thiệp, lật đổ, ly khai, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên và các lợi ích Quốc gia khác có chiều hướng gia
tăng; cuộc cách mạng mới trong quân sự đang làm chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự của các nước thay đổi, sự cạnh tranh sức mạnh quân sự đang dẫn tới nguy cơ chạy đua vũ trang trên thế giới, nhất là chạy đua sức mạnh trên biển và trên vũ trụ, tại một số khu vực, việc tăng cường sức mạnh quân sự làm cho tình hình trở lên phức tạp. Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương với nhiều nền kinh tế phát triển năng động đang trở thành khu vực có vị trí ngày càng quan trọng trên thế giới, thu hút sự quan tâm và cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc, là khu vực còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với quốc phòng - an ninh, nhiều điểm nóng có nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang và chiến tranh vẫn chưa được giải quyết. Khu vực Đông Nam Á vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây căng thẳng và xung đột, tranh chấp lãnh thổ trên biển và trên đất liền diễn biến phức tạp, trong đó tranh chấp chủ quyền và các lợi ích quốc gia trên Biển Đông có chiều hướng gia tăng.
Đối với nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhiều nhân tố gây mất ổn định chính trị - xã hội từ bên ngoài và ở bên trong vẫn còn tồn tại, chưa được khắc phục triệt để: các quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo, các vấn đề nhân quyền đang bị các thế lực thù địch lợi dụng để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động bạo loạn, ly khai tại một số khu vực của đất nước; tranh chấp trên Biển Đông; vấn đề an ninh phi truyền thống. Cho nên, mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng trong thời gian tới được Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực
thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Tăng cường quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân là nòng cốt. Xây dựng Quân đội nhân
dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Xây dựng Quân đội nhân dân với quân số thường trực hợp lý, có sức chiến đấu cao. Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Quân đội nhân dân phải được tổ chức theo hướng tinh gọn, được trang bị các loại vũ khí, khí tài hiện đại cần thiết, thực hiện huấn luyện thường xuyên, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Như vậy, Quân đội nhân dân phải luôn đảm bảo duy trì về sức mạnh chiến đấu, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của chiến tranh hiện đại, bảo vệ Tổ quốc.
Để đảm bảo sức mạnh chiến đấu, đòi hỏi Quân đội phải giữ nghiêm kỷ luật. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội, vì nó có vai trò hết sức to lớn cho sự tồn tại, phát triển và chiến thắng của Quân đội. Một trong những yếu tố cơ bản, quyết định tạo nên sức mạnh của Quân đội ta đó chính là kỷ luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ
chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm" [39]. Việc duy trì kỷ luật Quân đội là
nhiệm vụ chủ yếu của các cấp, các ngành trong quân đội, mà nòng cốt là các cơ quan tư pháp: Cơ quan điều tra hình sự, Cơ quan An ninh điều tra, Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, bởi vì: thời gian qua tình hình vi phạm trong quân đội có xu hướng giảm nhưng chưa vững chắc; xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng, gây ra hậu quả rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản chất, truyền thống Quân đội. Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm trong Quân đội sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn vì những lý do sau:
Thứ nhất, do tình hình tội phạm kinh tế, ma túy, hình sự trong nước hiện chưa được đẩy lùi, vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông đường bộ, tệ nạn và tiêu cực xã hội còn nhức nhối, mà Quân đội là một bộ phận xã hội, nên các tội phạm xảy ra trong quân đội trước hết sẽ bao hàm hầu hết các tội phạm xảy ra ngoài xã hội.
Thứ hai, do chất lượng đầu vào Quân đội, từ nguồn tuyển sinh, tuyển quân, tuyển dụng đang có xu hướng giảm cả về phẩm chất đạo đức, sức khỏe, văn hóa. Nguyên nhân của tình trạng trên, là do bất cập về đối tượng được tạm hoãn, miễn nghĩa vụ quân sự là quá rộng, còn thiếu công bằng, dẫn đến nguồn tuyển quân còn ít, chất lượng thấp, nhất là về tiêu chuẩn văn hóa. Tốc độ đô thị hóa các vùng nông thôn làm cho chất lượng, phẩm chất đạo đức của thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ không còn được như trước đây, cá biệt còn để lọt đối tượng nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, đang thi hành án, phạm tội vào quân đội. Chế độ đãi ngộ với đối tượng hưởng lương trong Quân đội ngày nay đã có những quan tâm nhất định của Nhà nước, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu chung của lớp trẻ, nên không còn nhiều sự thu hút đối với thanh niên có phẩm chất đạo đức tốt, văn hóa cao, có trình độ vào công tác, phục vụ lâu dài trong Quân đội.
Thứ ba, sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, tệ nạn xã hội, làm
cho tình trạng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, hạ sĩ quan - chiến sĩ phạm tội có xu hướng tăng. Nhiều vụ án sẽ có sự liên kết giữa những đối tượng bên trong và bên ngoài quân đội, đối tượng phạm tội sẽ có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Từ những vấn đề nêu trên, đặt ra yêu cầu và thách thức mới, cao hơn đối với các cơ quan tư pháp trong Quân đội nói chung, Cơ quan điều tra hình sự Quân đội nói riêng.