quyền điều tra của Cơ quan Điều tra hình sự Quân đội trong điều tra các vụ án hình sự
Tổng kết công tác điều tra án hình sự của các CQĐTHS trong Quân đội thời gian qua cho thấy nhiều vụ án trong quá trình thực hiện thẩm quyền điều tra của mình vẫn còn thiếu chính xác, một số vụ vi phạm thẩm quyền điều tra hoặc không ít trường hợp còn tranh chấp, đùn đẩy về thẩm quyền lẫn nhau giữa CQĐTHS trong Quân đội với Cơ quan Cảnh sát điều tra trong Công an nhân dân, dẫn đến nhiều khó khăn, phức tạp trong tổ chức, triển khai các các biện pháp điều tra nhằm thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm, thậm chí còn để bỏ lọt tội phạm. Điều đó có thể do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân quan trọng là trình độ, năng lực của cán bộ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công tác phòng ngừa và đấu tranh tội phạm trong tình hình mới.
Thực tế qua khảo sát về đội ngũ cán bộ điều tra trong các CQĐTHS Quân đội cho thấy, số lượng cán bộ điều tra, Điều tra viên được đào tạo chính quy về chuyên ngành điều tra tội phạm hình sự chưa nhiều và đều không được tham gia các lớp bồi dưỡng chức danh trước khi bổ nhiệm Điều tra viên, nhất là số Điều tra viên ở cấp khu vực. Một số được đào tạo tại chỗ song chủ yếu là đào tạo về quy trình điều tra các vụ án theo chức năng của Điều tra viên trong CQĐTHS Quân đội. Do đó nhận thức về thẩm quyền về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐTHS Quân đội cũng như Cơ quan Cảnh sát điều tra trong Công an nhân dân còn rất hạn chế, nên khi xảy ra vụ án có yếu tố liên quan đến Quân đội thường lúng túng trong việc xác định thẩm quyền, không rõ sẽ thuộc Cơ quan điều tra nào giải quyết. Các trường hợp này chủ yếu xảy ra ở giai đoạn điều tra ban đầu, là giai đoạn có vai trò hết sức quan trọng, là thời điểm thuận lợi nhất để thu thập kịp thời những tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và bắt giữ người phạm tội, vì vậy đã làm ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động điều tra.
Để khắc phục được tình trạng trên, việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức về thực hiện thẩm quyền điều tra của các CQĐTHS Quân đội trong điều tra các vụ án hình sự là điều rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn trong việc nâng cao hiệu quả công tác điều tra vụ án. Muốn đáp ứng được yêu cầu trên, theo tác giả cần thực hiện một số nội dung sau đây:
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Tổ chức ĐTHS; Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18 tháng 4 năm 2005, Hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự; Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2008, về quan hệ phối hợp trong một số hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội và ngoài Quân đội. Mặt khác, phải thường xuyên tiến hành rà soát các văn bản
chỉ thị, hướng dẫn của các ngành về thẩm quyền điều tra và quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, xác định hiệu lực pháp lý của các văn bản đó, để có hướng dẫn thống nhất về những qui định trong hoạt động điều tra khám phá các tội phạm liên quan đến Quân đội.
- Thực hiện việc rà soát đánh giá năng lực cán bộ, qua đó, đầu tư thích đáng cho việc đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan ĐTHS và Điều tra viên các cấp. Hàng năm mở các lớp tập huấn nghiệp vụ theo từng chuyên đề về điều tra tội phạm cho đội ngũ Điều tra viên và mở các cuộc hội thảo về phương pháp đấu tranh, những kinh nghiệm hay, những sáng kiến mới, những thông tin về thủ đoạn mới của tội phạm tội phạm. Tạo điều kiện cho những Điều tra viên chưa có trình độ đại học đi đào tạo đúng chuyên ngành điều tra tội phạm tại Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại học Cảnh sát nhân dân để có đủ tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn tái bổ nhiệm lại Điều tra viên sau này.
- Ngành Điều tra hình sự Quân đội cần thường xuyên tổng kết thực tiễn để khái quát những vấn đề có tính lý luận về mối quan hệ phối hợp trong quá trình thực hiện thẩm quyền điều tra giữa CQĐTHS Quân đội với các Cơ quan của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong quá trình điều tra vụ án có liên quan đến quân đội, vụ án có đối tượng cả bên trong và ngoài quân đội, nhất là giai đoạn hoạt động điều tra ban đầu, là thời điểm thường xảy ra xung đột về thẩm quyền giữa các bên.
- Thường xuyên tiến hành kiểm tra nghiệp vụ đối với CQĐTHS các cấp để kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn, khắc phục các sai sót về thực hiện thẩm quyền điều tra và hoạt động nghiệp vụ chuyên môn của cấp dưới. Quan tâm hơn nữa tới việc rèn luyện, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho đội ngũ Điều tra viên, đảm bảo tất cả đội ngũ Điều tra viên có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức sâu rộng, nắm vững pháp luật, tinh
thông nghiệp vụ, làm chủ các phương tiện kỹ thuật và có bản lĩnh vững vàng trong thực hiện nhiệm vụ.
- Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng cần xây dựng kế hoạch tiến hành mở các hội nghị chuyên đề, các lớp tập huấn về quan hệ phối hợp trong thực hiện thẩm quyền điều tra giữa hai lực lượng. Tiến hành nghiên cứu các đề tài khoa học nhằm tổng kết và khái quát hoá nâng lên thành lý luận về phương pháp, hình thức, nội dung thực hiện thẩm quyền trong quá trình điều tra các vụ án liên quan đến Quân đội nhằm nâng cao nhận thức về chức năng, thẩm quyền điều tra, quyền hạn khi điều tra các vụ án hình sự liên quan đến quân đội cho cán bộ, chiến sĩ của các CQĐTHS trong Quân đội và các cơ quan nghiệp vụ trong lực lượng Cảnh sát nhân dân. Mặt khác, cần giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số Cơ quan nghiệp vụ trong lực lượng Cảnh sát nhân dân để các Điều tra viên trong Quân đội vận dụng phù hợp trong quá trình phối hợp thực hiện hoạt động điều tra theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, về lâu dài để nâng cao nhận thức về thực hiện thẩm quyền điều tra của các CQĐTHS trong Quân đội hiện nay thì việc tổ chức lại hệ thống CQĐT theo hướng giảm đầu mối, chuyên sâu theo nhóm tội danh là điều hết sức cần thiết và phải khẩn trương thực hiện, vừa đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra các vụ án hình sự, đồng thời nâng cao được trình độ, năng lực về mọi mặt cho cán bộ, nhân viên của các CQĐTHS trong Quân đội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới.