Kết quả hoạt động của Cơ quan điều tra hình sự Quân đội

Một phần của tài liệu Thẩm quyền điều tra của cơ quan Điều tra hình sự trong Quân đội (Trang 54)

Để đánh giá kết quả hoạt động của CQĐTHS Quân đội, cần căn cứ vào kết quả hoạt động điều tra, xử lý tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐTHS Quân đội và công tác tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm.

Trong thời gian qua (2008 - 2013), các CQĐTHS trong Quân đội đã làm tốt công tác nắm, quản lý và dự báo tình hình vi phạm, tội phạm hình sự liên quan đến Quân đội. Tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp cho cấp ủy, chỉ huy các cấp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự. Góp phần giảm tối đa các vụ việc vi phạm kỷ luật, phạm pháp hình sự trong Quân đội. Số vụ việc vi phạm và số đối tượng vi phạm là quân nhân, công nhân viên quốc phòng có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, thực tế tình hình trên chưa vững chắc do chưa khắc phục được triệt để tình trạng các đơn vị vì bệnh thành tích nên bao che cho cá nhân, tổ chức vi phạm. Các vụ việc nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín, truyền thống và sức mạnh chiến đấu của Quân đội vẫn chưa được kiềm chế, còn xảy ra như: Giết người, cố ý gây thương tích, hành hung đồng đội, hiếp dâm, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, trộm cắp tài sản…

Kết quả điều tra, xử lý tội phạm của CQĐTHS Quân đội. Đánh giá chất lượng công tác điều tra các vụ án hình sự của CQĐTHS Quân đội, về mặt số liệu thường sử dụng hai tiêu chí chính:

Thứ nhất, tỷ lệ phần trăm số vụ khởi tố điều tra so với tổng số vụ vi

phạm, phạm tội; tỷ lệ phần trăm số vụ kết luận điều tra, chuyển Viện kiểm sát quân sự đề nghị truy tố.

Thứ hai, tỷ lệ phần trăm số vụ tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra, số vụ bị

trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Về kết quả điều tra, xử lý tội phạm của CQĐTHS Quân đội từ năm 2008 đến năm 2013, cụ thể như sau:

+ Nắm và quản lý được 3.953 vụ việc vi phạm pháp luật và phạm tội với 7.017 đối tượng vi phạm.

+ Khởi tố điều tra 1614 vụ/2.371 bị can; án phục hồi điều tra, nơi khác chuyển đến 318 vụ/415 bị can. Kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 1.932 vụ/2.786 bị can.

+ Xác minh, kết luận, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với 1.631 vụ. Kết luận, chuyển xử lý hành chính, xử lý kỷ luật theo Điều lệnh quản lý bộ đội 2.600 vụ.

+ Tạm đình chỉ điều tra 216 vụ. + Đình chỉ điều tra 136 vụ

+ Số vụ trả hồ sơ điều tra lại, điều tra bổ sung 96 vụ

+ Không có đơn thư khiếu kiện đòi bồi thường do oan sai [18]. Qua số liệu thống kê, thấy rằng: CQĐTHS các cấp đã có nhiều cố gắng, không để xảy ra trường hợp nào bị oan, sai. Nhưng tỷ lệ khởi tố vụ án để điều tra thấp (27,50%), ngoài nguyên nhân chủ quan như: số vụ việc xác minh theo chỉ thị của người chỉ huy; giải quyết vụ việc theo yêu cầu chính trị của đơn vị và Quân đội… Còn có nguyên nhân khách quan: số lượng vụ chết người do tự sát, tự tử, tai nạn rủi ro; số vụ tai nạn giao thông đường bộ chiếm khoảng 50% tổng số vụ việc, nhưng nhiều vụ sau khi điều tra, xác minh chỉ là vi phạm hành chính, nhưng ban đầu xảy ra vẫn thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐTHS Quân đội. Tỷ lệ số vụ án tạm đình chỉ điều tra chiếm 11,14 %, đang có xu hướng năm sau cao hơn năm trước, chủ yếu do hết thời hạn điều tra chưa xác định được bị can. Tỷ lệ số vụ trả hồ sơ điều tra bổ sung chiếm 6,12%, chủ yếu do thiếu chứng cứ quan trọng mà Viện kiểm sát Quân sự không tự bổ sung được… Điều đó cho thấy, khả năng điều tra những vụ án chưa rõ đối tượng của các Cơ quan điều tra hình sự và năng lực trình độ của nhiều Điều tra viên còn hạn chế; công tác phối hợp với Viện kiểm sát Quân sự trong hoạt động điều tra hiệu quả thấp; hồ sơ tài liệu do Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân bàn giao còn sơ sài, khó khắc phục [xem bảng 2.6].

2.3.3. Những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tố tụng hình sự thực hiện thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự Quân đội

*/ Hoạt động tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và khởi tố vụ án hình sự.

Tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của CQĐTHS Quân đội chủ yếu do các đơn vị quân đội báo cáo chiếm 83,66% hoặc do Cơ quan Công an chuyển đến chiếm 10,36 %. Những tố giác, tin báo này có đặc điểm đặc trưng "nó thường qua nhiều khâu trung gian".

Thứ nhất, tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của

CQĐTHS do các đơn vị quân đội báo cáo, chủ yếu là các vụ vi phạm, phạm tội xảy ra trong doanh trại đơn vị. Thông thường, khi có vụ phạm tội xảy ra trong doanh trại, đơn vị phát hiện sau khi kiểm tra cụ thể tiến hành báo cáo trực tiếp người chỉ huy đơn vị cơ sở hoặc gián tiếp thông quan trực ban đơn vị. Chỉ huy đơn vị cơ sở tiến hành kiểm tra thông tin (tính chất và hậu quả), thông báo cho cấp ủy và ban chỉ huy đơn vị biết. Sau đó quyết định báo cáo trực tiếp người chỉ huy cấp trên (cấp quân khu và tương đương) hoặc gián tiếp qua trực ban tác chiến đơn vị cấp trên. Trực ban tác chiến hoặc lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cấp quân khu và tương đương thông báo cho CQĐTHS (cấp thứ hai) thuộc quyền. CQĐTHS nhận được tố giác, tin báo về tội phạm trực tiếp xử lý (nếu vụ việc thuộc thẩm quyền) hoặc giao cho CQĐTHS khu vực trực thuộc xử lý. CQĐTHS sẽ xử lý ban đầu như: phối hợp với đơn vị có vụ phạm tội xảy ra để nắm các thông tin ban đầu và chỉ đạo công tác bảo vệ hiện trường, vật chứng…; thông báo cho Viện kiểm sát quân sự cùng cấp; trong thời gian 24 giờ báo cáo Cục Điều tra hình sự để báo cáo với Bộ Quốc phòng. Như vậy, tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết đến CQĐTHS thường qua nhiều khâu trung gian, làm phát sinh một loạt những khó khăn vướng mắc quá trình giải quyết vụ việc xảy ra. Cụ thể như sau:

- Những vụ phạm tội xảy ra trong doanh trại đơn vị quân đội thông thường do quân nhân gây ra hoặc quân nhân cấu kết với đối tượng dân sự thực hiện hoặc cũng có những vụ do quân nhân của đơn vị đã xuất ngũ quay trở lại gây án. Trong khoảng thời gian từ khi vụ việc xảy ra đến khi CQĐTHS

nhận được thông tin và triển khai công tác nghiệp vụ, thì chất lượng của công tác bảo vệ hiện trường, vật chứng, thông tin… phụ thuộc vào khả năng của đơn vị. Mặc dù đã được CQĐTHS phổ biến những kiến thức về công tác bảo vệ hiện trường, vật chứng, thông tin… nhưng do tập trung kiểm tra nắm về tính chất, hậu quả của vụ việc để báo cáo với cấp trên mà một số đơn vị đã không coi trọng công tác bảo vệ hiện trường, bảo quản các dấu vết truy nguyên tội phạm, bảo mật thông tin của vụ việc. Chính vì lý do đó mà CQĐTHS đã gặp những khó khăn khi tiếp cận, xử lý thông tin và dẫn đến khả năng thành công ít đối với những vụ án chưa rõ thủ phạm. Điển hình như: vụ án Trộm cắp tài sản xảy ra tại Kho vật tư của Công ty 65.3 Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội; sau khi thủ kho phát hiện có dấu hiệu cạy phá cửa sổ của Kho vật tư nên báo cho chỉ huy đơn vị biết; ngay lúc đó Chỉ huy cho kiểm kê số vật tư còn lại, sau thấy mất vật tư trong kho mới báo cáo với Cơ quan nghiệp vụ xuống giải quyết [18]. Khi CQĐTHS xuống để khám nghiệm hiện trường lúc này đã bị xáo trộn, không còn nguyên vẹn do công tác kiểm kê, không xác định được thời gian mất, dấu vết truy nguyên đối tượng không đủ, dấu vết hiện trường không đủ điều kiện để xác định hướng điều tra…

- Phải mất một khoảng thời gian nhất định thì những thông tin về tội phạm mới đến được với CQĐTHS. Thời gian này nhiều hay ít còn phụ thuộc vào ý chí của chỉ huy các cấp; vì thế, làm cho CQĐTHS bị mất thời cơ phá án. Điển hình như vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 18/4/2011 tại Quốc lộ 3 thuộc địa phận huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Khi xảy ra do ý thức chủ quan của quân nhân gây tai nạn, cũng như chỉ huy đơn vị cho rằng vụ va chạm nhẹ, hai bên giải quyết hòa giải xong nên không báo với cơ quan nghiệp vụ. Đến ngày 06/5/2011 nạn nhân trong vụ tai nạn bị tử vong nên gia đình nạn nhân đã báo với Cơ quan chức năng, lúc này CQĐTHS Quân đội biết và giải quyết; tiến hành điều tra dấu vết hiện trường không còn, phương tiện đã sửa

chữa lại nên không thu thập được dấu vết liên quan, thời gian xảy ra lâu; do đó cũng gây khó khăn cho quá trình điều tra làm rõ diễn biến của vụ án.

- Đối với những vụ việc xảy ra trong doanh trại quân đội, theo quy định của pháp luật, người chỉ huy có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền kịp thời thông báo tình hình vi phạm, tội phạm cho CQĐTHS. Nhưng đã có nhiều trường hợp, vì lý do thành tích của đơn vị, người chỉ huy không báo cáo cấp trên để xử lý nội bộ, khi CQĐTHS phát hiện thì thời gian đã quá dài hoặc cá biệt nhiều vụ đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và phát sinh vụ phạm tội khác. Điển hình như vụ Giết người xảy ra hồi 21 giờ 45 phút, ngày 16/08/2008 tại Đại đội trinh sát đặc nhiệm của Bộ tư lện Thủ đô Hà Nội. Quá trình điều tra xác định, do thời gian trước đó đơn vị xảy ra mất trộm điện thoại cá nhân, chỉ huy đơn vị không báo cáo cấp trên và Cơ quan nghiệp vụ mà tự điều tra, giải quyết. Điều đó, gây bức xúc cho quân nhân thuộc quyền, dẫn đến quân nhân của đơn vị có hành vi chiếm đoạt súng AK và bắn chết 04 người, bắn bị thương 05 người cùng đơn vị, sau đó dùng súng tự sát [18].

Thứ hai, tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của

CQĐTHS Quân đội do cơ quan Công an chuyển đến, chủ yếu là Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an giao thông (cấp huyện). Thông thường, đây là những vụ phạm tội liên quan đến Quân đội và xảy ra ngoài doanh trại. Khi xảy ra ở ngoài doanh trại, lực lượng công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc tiếp nhận thông tin và xử lý ban đầu theo quy định, cơ quan nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân chủ trì tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu như: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai, thu giữ vật chứng, áp dụng các biện pháp cần thiết… Nếu thấy vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của CQĐTHS Quân đội thì thông báo cho CQĐTHS có thẩm quyền hoặc CQĐTHS có trụ sở gần nhất đến phối hợp. Trong thời hạn 05 ngày làm việc phải chuyển hồ sơ, tài liệu vụ việc cho CQĐTHS có thẩm

quyền để giải quyết. Trong trường hợp này, có những vướng mắc, khó khăn chủ yếu sau:

- Việc phối hợp hoạt động điều tra ban đầu giữa cơ quan nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân với CQĐTHS nhìn chung tốt, nhịp nhàng. Tuy nhiên, thời gian bàn giao hồ sơ, tài liệu từ cơ quan nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân cho CQĐTHS Quân đội có thẩm quyền thường quá quy định, rất nhiều vụ quá thời hạn quy định mới bàn giao cho Cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do cán bộ thụ lý thiếu trách nhiệm, hồ sơ không đầy đủ theo quy định về tố tụng... Điển hình như vụ: Vào khoảng 20giờ 30phút, ngày 25/11/2012 Nguyễn Văn Tân, sinh năm 1987 (người dân địa phương) cùng với Ngô Văn Lợi, sinh năm 1988 (là quân nhân của Phân kho 14, Kho 661, Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần) thực hiện hành vi trộm cắp xe máy tại số nhà 79 đường Lê Lợi, thành phố Thanh Hóa. Ngày 05/12/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thanh Hóa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Tân, nhưng đến ngày 08/02/2012 Cơ quan điều tra hình sự khu vực Tổng cục Hậu cần mới nhận bàn giao hồ sơ từ Công an Thanh Hóa về việc tách hành vi của quân nhân Ngô Văn Lợi để xử lý theo thẩm quyền [19]. Chính vì thế, cũng gây khó khăn cho quá trình điều tra tiếp theo.

- Việc giao nhận hồ sơ giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra với CQĐTHS Quân đội khi có đối tượng bị tạm giữ hình sự gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, trong trường hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng và đã chuẩn bị hết thời hạn gia hạn lần 2, thì mới phát hiện đối tượng bị tạm giữ là người do quân đội quản lý. CQĐTHS Quân đội có thẩm quyền đã nhận được thông báo nhưng do điều kiện ở xa chưa đến kịp để nhận hồ sơ và đối tượng. Khi đó, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra chuyển hồ sơ và nhất quyết không phê chuẩn quyết

định khởi tố bị can, lệnh tạm giam nếu đã hết hạn tạm giữ. Như vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền đều ở tình thế khó xử; khi hết thời hạn tạm giữ đối tượng, buộc Cơ quan Cảnh sát điều tra phải trả tự do cho đối tượng. Sau khi được trả tự do khả năng đối tượng sẽ bỏ trốn và công tác điều tra, xử lý vụ án của CQĐTHS Quân đội có thẩm quyền sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, đấu tranh với đối tượng.

Thứ ba, đối với việc CQĐTHS ra quyết định khởi tố hoặc không khởi

tố vụ án hình sự. Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự phải có sự kiểm sát của Viện kiểm sát quân sự cùng cấp và được thể hiện bằng văn bản. Việc này chỉ thuận lợi trong trường hợp CQĐTHS khu vực của Quân khu hoặc CQĐTHS Quân khu kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền là vụ việc xảy ra trên địa bàn quản lý mà đối tượng vi phạm hoặc bị hại thuộc các đơn vị đóng quân trên địa bàn quản lý và phải là đơn vị trực thuộc của quân khu đó. Vì, CQĐTHS khu vực của Quân khu hoặc CQĐTHS Quân khu sẽ phối hợp với Viện kiểm sát quân sự cùng cấp cùng quản lý địa bàn đó. Điển hình như vụ: Cơ quan điều tra hình sự khu vực 2 Quân khu 3 kiểm tra, xác minh vụ tin báo phòng tài vụ của Trung đoàn 11 thuộc Quân khu 3 và đóng quân tại tỉnh Hải Dương bị kẻ gian đột nhập vào trộm két tiền của đơn vị. Kết quả xác minh và xác định kẻ gian đột nhập lấy trộm 40.000.000đồng (Bốn mươi triệu đồng) và một số tài liệu, CQĐTHS khu vực 2 Quân khu 3 ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Tội trộm cắp tài sản" và quyết định này được Viện kiểm sát quân sự khu vực 33 nhất trí bằng văn bản (tỉnh Hải Dương là địa bàn quản lý của Cơ quan điều tra hình sự khu vực 2 và Viện kiểm sát quân sự khu vực 33 Quân khu 3) [18]. Những trường hợp còn lại, CQĐTHS có thẩm quyền sẽ gặp khó khăn trong quá trình xác minh và thực hiện quy định về kiểm sát khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

Một phần của tài liệu Thẩm quyền điều tra của cơ quan Điều tra hình sự trong Quân đội (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)