điều tra của mô hình tổ chức hệ thống Cơ quan Điều tra hình sự Quân đội hiện nay
a. Ưu điểm
Các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng có các tổ chức CQĐTHS thuộc quyền. Nên việc nắm, quản lý những vụ việc đã xảy ra được nhanh chóng; công tác nghiên cứu, dự báo tình hình và tham mưu về đấu tranh phòng, chống tội phạm thuận lợi, kịp thời. Đội ngũ cán bộ điều tra, bên cạnh kiến thức pháp luật và nghiệp vụ điều tra còn có kiến thức nhất định về lĩnh vực chuyên ngành của quân sự, thuận lợi cho quá trình điều tra vụ án hình sự thuộc thẩm quyền.
b. Hạn chế
Mô hình hệ thống tổ chức CQĐTHS Quân đội được tổ chức theo đơn vị hành chính quân sự, không tổ chức theo địa giới hành chính nhà nước như các cơ quan điều tra khác ngạch hoặc Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự, đã dẫn đến một số tình trạng như:
- Bộ máy cồng kềnh, nhưng phân bố trên các vùng lãnh thổ trong cả nước bị mất cân đối nghiêm trọng. Toàn quân có bảy Quân khu, một Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quản lý địa bàn các tỉnh trên cả nước, nhưng có đến 32 Cơ quan điều tra cấp quân khu và tương đương. Tại các thành phố lớn như Hà
Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh tập trung phần lớn các Cơ quan điều tra hình sự trong toàn quân (tại Hà Nội hiện nay có 36 cơ quan chiếm 37,1%). Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành phố, vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng lớn, phức tạp hoặc nơi có nhiều đơn vị quân đội đóng quân lại không có Cơ quan điều tra nào đứng chân.
- Hoạt động điều tra ban đầu giữa các CQĐTHS của Quân khu quản lý địa bàn và CQĐTHS có thẩm quyền bị chồng chéo, phức tạp. Có những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐTHS xảy ra, nhưng các cơ quan nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân vẫn phải phối hợp với CQĐTHS của Quân khu quản lý địa bàn và CQĐTHS có thẩm quyền.
- Các CQĐTHS chưa có đủ điều kiện tiến hành công tác nghiệp vụ cơ bản hoặc không phối hợp thường xuyên với các cơ quan nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Nên khả năng điều tra khám phá những vụ án chưa rõ đối tượng kém hiệu quả, bị động và còn phụ thuộc vào lực lượng Công an nhân dân. Hiệu quả kết hợp giữa điều tra trinh sát và điều tra tố tụng thấp.
- Địa bàn quản lý thực hiện thẩm quyền điều tra của tất cả các CQĐTHS là phạm vi địa bàn cả nước dễ xảy ra tình trạng lạm quyền của các cơ quan nghiệp vụ trong lực lượng Cảnh sát nhân dân; tình trạng bỏ lọt tội phạm do chỉ huy đơn vị vì thành tích mà cố tình bao che vụ việc khi có dấu hiệu tội phạm; tranh chấp thẩm quyền, đùn đẩy trách nhiệm giữa hai cơ quan cùng có thẩm quyền điều tra (vụ việc có người bị hại, người vi phạm đều là quân nhân thuộc hai đơn vị khác nhau).
- Biên chế cán bộ điều tra của toàn ngành bị dàn trải, phân tán. Việc quy định về biên chế cán bộ điều tra cho các CQĐTHS cấp thứ hai và thứ ba hiện nay chủ yếu dựa vào tiêu chí số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc mà CQĐTHS quản lý và số lượng quân nhân trong các đơn vị đó là không hợp lý, thiếu cơ sở. Bởi vì, số lượng cán bộ điều tra tham gia điều tra vụ án phụ thuộc
vào tính chất vụ phạm tội, các CQĐTHS trong quân đội cơ bản quản lý địa bàn trên phạm vi rộng (cả nước). Nhiều CQĐTHS khu vực quân số ít, nhất là ở khối đơn vị thuộc Bộ Tổng tham mưu, các Tổng cục, Quân đoàn, Binh đoàn, Binh chủng. Mặt khác, CQĐTHS khu vực của các Binh chủng biên chế có 01 người, đó là Thủ trưởng không có Điều tra viên hoặc có Binh chủng hiện nay chưa có CQĐTHS khu vực. Dẫn đến, Thủ trưởng Cơ quan điều tra hình sự khu vực (cấp dưới) phân công điều tra vụ án hình sự cho Thủ trưởng CQĐTHS cấp trên hoặc Cơ quan điều tra hình sự cấp trên phải tiến hành điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của CQĐTHS cấp dưới.
- Hệ thống tổ chức CQĐTHS không phù hợp với hệ thống tổ chức của Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự. Nên trong quan hệ giải quyết vụ án hình sự giữa ba cơ quan, nhất là đối với Viện kiểm sát quân sự bị ảnh hưởng nhất định như: trong hoạt động kiểm sát khởi tố, thực hiện quy định về thời hạn trong tố tụng, kiểm sát các biện pháp ngăn chặn, phối hợp trong điều tra các vụ trọng án, phức tạp… Việc nhiều CQĐTHS phải cơ động quá xa để điều tra vụ án thuộc thẩm quyền gây lãng phí, tốn kém sức người và vật chất bảo đảm phục vụ cho công tác điều tra thu thập, tài liệu chứng cứ.
Kết luận chương 2
Từ kết quả nghiên cứu, khảo sát đánh giá thực trạng tổ chức và thẩm quyền điều tra của CQĐTHS Quân đội từ sau khi có Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, Chương 2 của luận văn đã khẳng định sự quyết tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện chiến lược cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước trong Quân đội. Mặc dù, bộ máy tổ chức CQĐTHS đã được thu gọn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, cũng như theo đặc thù của Quân đội, phát huy tích cực vào quá trình xử lý tội phạm hình sự liên quan đến Quân đội. Góp phần duy trì, củng cố kỷ luật, bảo vệ
pháp luật và sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Song mô hình này đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế mà nguyên nhân chính là do hệ thống tổ chức CQĐTHS Quân đội được tổ chức theo đơn vị hành chính quân sự, không phù hợp với tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng được tổ chức theo nguyên tắc "địa giới hành chính nhà nước".
Trên cơ sở đó, luận văn đã xác định rõ những nguyên nhân của những hạn chế, chỉ rõ những bất cập trong quá trình thực hiện, để làm cơ sở cho việc đề ra những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của CQĐTHS Quân đội trong thời gian tới.
Chương 3
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC THI THẨM QUYỀN ĐIỀU TRA CỦA
CƠ QUAN ĐIỀU TRA HÌNH SỰ QUÂN ĐỘI