Điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong

Một phần của tài liệu luận văn đại học sư phạm chuyên ngành văn học Tình yêu trong truyện ngắn của K. Pauxtôpxki (Trang 51 - 54)

NGƯỜI KỂ CHUYỆN TÌNH YÊU

3.1.1. Điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong

Gắn liền với khái niệm điểm nhìn là ngôi kể. Người kể chuyện luôn xuất hiện tác phẩm ở một ngôi nhất định, thường là ngôi thứ nhất (người kể chuyện tường minh, xưng “tôi”) hoặc ngôi thứ ba (người kể chuyện hàm ẩn). Trong 12 truyện ngắn viết về tình yêu được khảo sát có đến 11 truyện kể theo ngôi thứ ba, chỉ có duy nhất một truyện kể theo thứ nhất (Bụi quý), tuy nhiên tác phẩm này có xu hướng chuyển tư ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba. “Bụi quý” mở đầu với lời kể chuyện xưng “tôi”, ngay sau đó “tôi” kể về câu chuyện khác mà mình đã được nghe kể lại chứ không phải là câu chuyện của chính bản thân mình. Nói cách khác, tác phẩm xuất hiện người kể chuyện xưng “tôi” có kết cấu truyện lồng truyện, trong đó có sự thay đổi ngôi kể tư ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba và câu chuyện được kể bằng lời của người kể chuyện hàm ẩn mới là trung tâm của tác phẩm. Như vậy, có thể khẳng định ngôi thứ ba - ngôi kể khách quan là loại ngôi kể chủ yếu của người kể chuyện tình yêu trong truyện ngắn của Pauxtôpxki. Tuy nhiên, đến với truyện ngắn Pauxtôpxki, chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự không đồng nhất giữa ngôi kể và điểm nhìn. Điểm nhìn trần thuật mặc dù gắn bó mật thiết với ngôi kể nhưng đó là khái niệm rộng hơn ngôi kể. Rất nhiều trường hợp truyện được kể theo ngôi thứ ba nhưng kết hợp với điểm nhìn của nhân vật, và đôi khi chính điểm nhìn bên trong đã chi phối tổ chức trần thuật của tác phẩm.

Điểm nhìn trần thuật có thể chia thành điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài. Đối với điểm nhìn bên ngoài, người kể chuyện miêu tả sự vật tư phía bên ngoài nhân vật, theo sự quan sát, hiểu biết của của người trần thuật đứng ngoài câu chuyện. Loại điểm nhìn này có khả năng mở rộng trường nhìn, đồng thời mang lại tính khách quan tối đa cho trần thuật. Bởi quan sát các nhân vật, sự kiện tư bên ngoài với một cái nhìn bao quát, “biết tuốt” nên người kể chuyện tình yêu trong truyện ngắn của Pauxtôpxki có thể kể, tả mọi điều về nhân vật, tư tên tuổi, ngoại hình, cử chỉ, hành động cho đến những suy nghĩ, những cảm xúc, cảm giác tinh tế, phức tạp ở sâu bên trong tâm hồn.

Với điểm nhìn bên ngoài, người kể chuyện tình yêu là người am hiểu mọi điều về nhân vật. Đôi khi người kể chuyện trong truyện ngắn “Cây tường vi” tỏ ra hiểu Masa hơn chính bản thân nhân vật này: “Rõ ràng Masa đã tự dối mình khi cô nói chỉ thoáng lo sợ ít nhiều thôi. Thực ra thì cô sợ quá đi là đằng khác” [17; 276]. Có khi người kể chuyện lại nói hộ nhân vật những cảm giác mơ hồ mà tâm hồn chưa hiểu rõ: “Masa không biết rằng đấy không hẳn là cái buồn, mà là một cảm giác chưa có tên gọi đích xác: cái cảm giác lòng ta se lại trước một tương lai chưa biết rõ, trước vẻ đẹp giản dị của đất nước với những dòng sông, những màn sương mù, những đêm sâu thẳm và tiếng lá liễu rì rào bên sông” [17; 278].

Điểm nhìn bên ngoài còn tạo điêu kiện cho người kể chuyện dễ dàng mở rộng phạm vi trần thuật. Trong truyện ngắn “Nátchia, cô gái làm ren”, người kể chuyện không chỉ kể về Nátchia mà câu chuyện bao trùm khắp cả mặt trận, tư “những anh lái xe bình bịch, những người lái ô tô, những chị y tá, những người giữ điện thoại” [19; 18] và cuối cùng là Basilốp.

Mặc dù có ưu thế mở rộng trường nhìn, mang lại tính khách quan cho câu chuyện được kể nhưng loại điểm nhìn này cũng dễ khiến cho tác phẩm trở nên khô cứng. Tuy nhiên, các câu chuyện tình yêu của Pauxtôpxki lại rất chân thật, hấp dẫn, không hề khiến cho người đọc có cảm giác bị áp đặt bởi lời kể

của người kể chuyện toàn tri. Đó là bởi bên cạnh điểm nhìn bên ngoài, tác giả đã không ngưng nhập thân vào nhân vật để kể lại những câu chuyện tình yêu bằng điểm nhìn bên trong.

3.1.1.2 Điểm nhìn bên trong

Điểm nhìn bên trong là loại điểm nhìn mà người kể chuyện đứng vào vị trí của nhân vật, kể xuyên qua cái nhìn, xuyên qua cảm nhận của nhân vật. Truyện ngắn của Pauxtôpxki không bao giờ chỉ tồn tại một điểm nhìn duy nhất mà luôn luôn có sự thay đổi, dịch chuyển giữa điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài.

Bởi người kể chuyện đặt mình vào nhân vật nên không còn những lời khẳng định chắc nịch, thay vào đó là những lời kể theo cảm tính với bao điều “hình như”, “có lẽ”: “Trên mi mắt và trên má thiếu phụ những bông tuyết đang tan dần. Có lẽ đó là tuyết tư trên cành rơi xuống” [17; 313]; “Có lẽ máu anh đã giây trên những ngón tay kia, trên những ngón tay dịu dàng và nhỏ nhắn” [17; 325]. Truyện ngắn “Cây tường vi” cũng đang đậm những điều mơ hồ, những phỏng đoán không chắc chắn của cô sinh viên Masa đang bỡ ngỡ bước vào đời: “Có lẽ anh vưa về Bêlôderxcơ, nghỉ ở nhà mẹ” [17; 279], “Có lẽ trên lớp sương mù một chiếc máy bay đêm vưa đi qua” [17; 281].

Điểm nhìn trần thuật tư bên trong tạo điều kiện cho người kể chuyện đi sâu vào những ngóc ngách sâu kín nhất trong của trái tim đang yêu để khám phá những trạng thái cảm xúc, những tâm trạng điển hình nhất trong tình yêu như nỗi nhớ của Masa (Cây tường vi) và Nátchia ( Nátchia, cô gái làm ren), sự hồi hộp, băn khoăn, lưỡng lự anh lính thủy khi đi qua phòng người thiếu phụ (Gió biển), sự bối rối, xấu hổ, thẹn thùng của Đasa (Một đêm tháng mười)… Những nét tâm trạng ấy được thể hiện rất rõ qua những lời nửa trực tiếp. Thấy chiếc hộp thuốc lá cũ, anh lính thủy trong truyện ngắn “Gió biển” nhận ra người thiếu phụ gặp ở nhà ông bác sĩ tối qua chính là y tá đã chăm sóc khi mình bị thương ở Xêvaxtôpôn “nhưng cũng ngay lúc đó anh chợt nhận ra rằng cần phải có một dũng cảm phi thường mới có thể nhấn tay lên

nút chuông điện thoại ở cửa phòng thiếu phụ và chưa chắc anh đã dám làm điều đó” [17; 323]. Trong truyện ngắn “Bình minh mưa”, trên đường cùng Onga đi ra bến tàu, Kuzmin cảm thấy tim “se lại”, “chàng nghĩ rằng ngay bây giờ thôi chàng sẽ phải chia tay với một thiếu phụ không quen biết nhưng lại gần gũi biết bao, chia tay với nàng mà không nói được gì, không nói được gì hết. Cũng chẳng được cảm ơn nàng đã gặp chàng trên đường đời, đã đưa cho chàng bàn tay nhỏ bé, vững chãi sau lần bao tay ẩm, thận trọng dẫn chàng đi trên chiếc cầu thang ọp ẹp…” [17; 359]. Đó những phần lời vẫn thuộc lời của người kể chuyện nhưng lại mang đậm suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật với bao hồi hộp, lo lắng và cả bao luyến tiếc, day dứt về một cuộc gặp gỡ thoáng qua nay đã chia li không hẹn ngày gặp lại. Do trần thuật qua lăng kính của một tâm trạng cụ thể nên điểm nhìn bên trong giúp tái hiện đời sống nội tâm của nhân vật một cách sâu sắc. Đối với trường hợp nhân vật chủ yếu được miêu tả qua những cảm xúc, cảm giác như nhân vật trong truyện ngắn của Pauxtôpxki thì rõ ràng loại điểm nhìn này có ưu thế nổi trội. Dường như người kể chuyện tình yêu đã thực sự nhập thân vào nhân vật để nhân vật để nói hộ nhân vật tiếng lòng chân thành, sâu kín.

Như vậy, trong các truyện ngắn viết về tình yêu của Pauxtôpxki có luân chuyển giữa điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong, đây cũng là đặc điểm chung của truyện ngắn Pauxtôpxki. Xuất phát tư ngôi kể khách quan, tư điểm nhìn bên ngoài nhưng lời trần thuật trong truyện ngắn của Pauxtôpxki luôn có xu hướng chủ quan hóa. Sự kết hợp hài hòa, dịch chuyển linh hoạt giữa hai loại điểm nhìn này khiến cho tác phẩm tự sự trở nên uyển chuyển, không bị khô cứng. Đây cũng là một phương diện tạo nên chất trữ tình bay bổng – một nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật Pauxtôpxki.

Một phần của tài liệu luận văn đại học sư phạm chuyên ngành văn học Tình yêu trong truyện ngắn của K. Pauxtôpxki (Trang 51 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(70 trang)
w