Chân dung ngoại hình

Một phần của tài liệu luận văn đại học sư phạm chuyên ngành văn học Tình yêu trong truyện ngắn của K. Pauxtôpxki (Trang 32 - 37)

NHÂN VẬT TÌNH YÊU

2.1.2. Chân dung ngoại hình

“Ngoại hình là một khái niệm nhằm chỉ chân dung, diện mạo, cử chỉ, tác phong, y phục… tóm lại là toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bên ngoài của một nhân vật” [3]. Các phương thức thể hiện nhân vật trong tác

phẩm văn học rất phong phú, đa dạng, trong đó miêu tả ngoại hình là một trong phương thức cơ bản nhất. Mỗi nhà văn thường có cách riêng khi xây nhân dựng vật, có người chú trọng khắc họa hành động, có người lại tỉ mỉ miêu tả ngoại hình nhân vật. Đối với Pauxtôpxki, chân dung ngoại hình của nhân vật đã được đẩy xuống hàng thứ yếu. Ta không thể tìm thấy trong truyện ngắn của Pauxtôpxki những nhân vật với diện mạo hoàn chỉnh mà chỉ thấy được ấn tượng về ngoại hình của nhân vật bởi các chi tiết ngoại hình rất ít xuất hiện. Vì vậy, nhân vật trong truyện của Pauxtôpxki chỉ thích hợp để người đọc cảm nhận chứ không thể vẽ lại.

2.1.2.1. Chân dung nhân vật nam

Tìm hiểu về các nhân vật nam trong truyện ngắn viết về tình yêu, người đọc sẽ thấy rất rõ dụng ý làm mờ chân dung nhân vật của Pauxtôpxki. Trong số mười hai truyện ngắn được khảo sát, có khá nhiều nhân vật nam chính không hề được miêu tả về ngoại hình dù chỉ là những chi tiết nhỏ nhặt nhất (Gió biển, Cầu vồng trắng, Chuyến xe đêm, Cô gái làm ren). Trong các truyện ngắn còn lại, ngoại hình của nhân vật nam cũng chỉ được miêu tả qua những chi tiết rất nhỏ. Chân dung nhân vật chỉ hiện lên với những tư ngữ, câu văn hết sức ngắn gọn: “một anh phi công trẻ tuổi mái tóc đã bạc trắng”, má anh cứ giật hoài” [17; 279]; “những sợi tóc phơn phớt bạc”, dáng người “tầm thước, gầy gò” [17; 348]; “mái tóc phơn phớt điểm bạc”, “bộ mặt xạm đen vì những nỗi gian truân và những cuộc viễn chinh” [17; 448]. Ngoại hình của Nikôlai tromg truyện ngắn “Tuyết” chỉ được biết đến với chi tiết “đôi mắt bình thản” trong bức ảnh mà Tachiana hay nhìn ngắm; Aliôsa trong “Sương giá ban mai” hiện lên với dáng người “gày gò”, “bộ quần áo sờn rách”, “đôi bàn tay chai sần” [16; 45] còn Duép trong “Một đêm tháng mười” thì “mặt rám nắng” và “mắt nhấp nháy” [19]. Những chi tiết ngoại hình này cho người đọc một ấn tượng chung về nhân vật nam trong các truyện ngắn của Pauxtôpxki: họ là những con người có ngoại hình bình thường, giản dị và in đậm dấu ấn của sự tưng trải.

2.1.2.2. Chân dung nhân vật nữ

Trong các truyện ngắn tình yêu, dường như Pauxtôpxki có dụng công nhiều hơn trong việc khắc họa chân dung ngoại hình của các nhân vật nữ tuy nhiên dung các nhân vật nữ cũng được làm mờ nhòe rất nhiều. Như đã nói, Pauxtôpxki không quan tâm miêu tả chi tiết, cụ thể về ngoại hình của các nhân vật. Giống như khi khắc họa chân dung các nhân vật nam, ngoại hình của các nhân vật nữ chỉ được miêu tả theo kiểu khắc họa những ấn tượng qua một số điểm nhấn.

Nhân vật nữ trong truyện ngắn viết về tình yêu của Pauxtôpxki thường là những nhân vật rất đẹp. Trong truyện ngắn “Suối cá hương” vẻ đẹp của nhân vật nữ được nhà văn giới thiệu một cách trực tiếp trong lời của người kể chuyện: “Tôi không biết phải tả nhan sắc, hình dung của Maria Tsernưi cho anh không, bạn đọc của tôi? Nếu bạn cũng như tôi cùng thời với nàng thì chắc hẳn phải nghe nói đến sắc đẹp của người phụ nữ thanh tú này, nghe nói đến dáng đi thanh thoát, tính kiêu kì nhưng đầy quyến rũ của nàng. Không một người đàn ông nào dám hi vọng ở tình yêu của Maria. Họa chăng chỉ có người như Sile mới xứng đáng với tình yêu của nàng” [17; 453]. Giọng điệu ngợi ca đầy say mê của người kể chuyện khiến người đọc như cũng sững sờ trước vẻ đẹp thanh tú, quyến rũ của nữ danh ca Maria Tsernưi. Tuy nhiên, cách nêu cảm nhận trực tiếp vẻ đẹp của nhân vật như vậy rất hiếm gặp trong văn Pauxtôpxki. Kín đáo, tinh tế như chính các nhân vật của mình, Pauxtôpxki thường để cho vẻ đẹp họ được thể hiện gián tiếp một cách tự nhiên với những chi tiết ngoại hình qua cái nhìn, cảm nhận của các nhân vật nam.

Người phụ nữ thường xuất hiện với những chi tiết về trang phục, tạo nên những ấn tượng ban đầu về nhân vật trong cái nhìn của các nhân vật nam. Elêna – người thiếu phụ quý tộc gặp Anđécxen trên “chuyến xe đêm” với chiếc áo choàng màu xanh, lần gặp gỡ sau đó nàng lại ra mở cửa cho chàng trong “cái áo nhung xanh bó sát lấy thân, màu xanh của nhung hắt lên mắt nàng làm cho đôi mắt trở thành xanh và đẹp vô tả” [17; 190]. Trong truyện

ngắn “Tuyết”, Tachiana – cô ca sĩ trẻ xuất hiện trước Nikôlai với chiếc khăn len quàng trên đầu. Onga Anđrêépna đón tiếp Kuzmin (Bình minh mưa) trong trang phục màu đen: “Kuzmin nghĩ và quay lại. Một thiếu phụ vận đồ đen đứng ở ngưỡng cửa” [17; 352]. Trang phục của các nhân vật với hai màu chủ đạo là xanh và đen gợi vẻ đẹp thanh lịch, có phần bí ẩn của người phụ nữ. Có khi trang phục của nhân vật miêu tả trong sự chuyển động nhẹ nhàng gợi lên một vẻ thanh thoát như trong truyện “Gió biển”: “gió tư trong cửa thổi ra làm bay tà áo nhẹ của thiếu phụ và làn tóc của chị” [17; 324].

Đôi mắt cũng là một điểm nhấn khi miêu tả vẻ đẹp của nhân vật nữ.

Đôi mắt thường được ví như tấm gương trong suốt, như cửa sổ tâm hồn mở ra những điều bí ấn, sâu kín nhất trong tâm hồn con người. Đôi mắt của Elêna (Chuyến xe đêm) long lanh xanh biếc càng trở nên đẹp vô tả khi sắc xanh ánh lên tư chiếc áo nhung nàng mặc. Đôi mắt của cô thiếu nữ Masa (Cây tường vi) trong buổi bình minh khiến cho anh phi công trẻ tuổi phải sững sờ mà khẳng định: “Trên đời này không có gì đẹp hơn cặp mắt của trẻ em và các cô thiếu nữ vào lúc ban mai. Trong những cặp mắt đó, đêm còn sẫm bóng nhưng ánh nắng sớm đã ngời lên” [17; 282]. Tachiana trong truyện “Tuyết” lại nhìn trung úy Nikôlai bằng đôi mắt “xanh thẳm và chăm chú” [17; 313]. Đôi mắt nàng ánh lên tất cả sự trong trằng, tinh khôi, “mơ màng” khi trên mi mắt vẫn còn những bông tuyết đang tan dần.

Đôi bàn tay của các nhân vật nữ cũng là một chi tiết nghệ thuật trở đi

trở lại thường xuyên trong các truyện ngắn tình yêu của Pauxtôpxki. Đó thường là những bàn tay lạnh, nhỏ nhắn, thanh thoát. Bàn tay của nữ ca sĩ Maria (Suối cá hương) “mát lạnh như một mảnh băng” [17; 452]. Elêna (Chuyến xe đêm) cũng cầm tay Anđécxen với “ngón tay lạnh” [17; 190]. Đôi bàn tay của những cô y tá như Nátchia trong truyện ngắn “Nátchia, cô gái làm ren” và cô y tá trẻ tuổi trong truyện ngắn “Gió biển” thì lại “dịu dàng và nhỏ nhắn” [17; 325]. Có khi bàn tay của nhân vật trở nên thanh thanh thoát vô cùng trong sự hài hòa với ánh sáng, đó là đôi tay của Masa trong truyện ngắn “Cây tường vi” “đen sạm lại trong bóng đêm mờ nhạt, chỉ có những móng tay lấp lánh trắng ở đầu ngón” [17; 277].

Ngoài những điểm nhấn là trang phục, đôi mắt, bàn tay, vẻ đẹp thanh mảnh, lịch lãm, tinh tế của các nhân vật nữ trong truyện tình yêu của Pauxtôpxki còn được gợi tả qua một số chi tiết ngoại hình khác. Onga Anđrêépna trong “Bình minh mưa” hiện lên với tất cả sự duyên dáng, thanh tú của “khuôn mặt trầm tư”, “vầng trán thanh sạch”, và “đường cong thanh tao nơi cổ nàng” [17; 357]. Nét đẹp thanh lịch của cô ca sĩ trẻ Tachiana trong truyện ngắn “Tuyết” được khắc họa khi nàng ngồi trước dương cầm và nhẹ lựa phím đàn. Thấp thoáng đâu đó còn là mái tóc của người phụ nữ với “bím tóc dày búi sau gáy” [17; 357] hay mái tóc khẽ bay theo làn gió nhẹ.

Với những chi tiết đó, Pauxtôpxki đã mang đến cho người đọc ấn tượng về vẻ đẹp riêng của các nhân vật nữ. Đó không phải là vẻ đẹp rực rỡ, lộng lẫy, kiều diễm, cũng không phải là nét đẹp sang trọng, đài các mà là những bức chân dung ngoại hình mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh tú và rất giản dị. Trư một số nhân vật có thân phận đặc biệt và vẻ đẹp rực rỡ, nổi bật như nữ danh ca Maria Tsernưi trong chuyện ngắn “Suối cá hương”, không có nhân vật nào in đậm trong tâm trí người đọc một gương mặt riêng, tất cả như hòa vào nhau mang lại ấn tượng về chân dung người phụ nữ Xô Viết. Đều là những người phụ nữ Xô Viết nhưng nếu Giamilia trong truyện ngắn cùng tên của Aimatốp mang vẻ đẹp khỏe khoắn, tràn đầy sức sống của một cô gái lao động miền núi thì nhân vật nữ của Pauxtôpxki lại khoác lên mình một vẻ đẹp riêng, nhẹ nhàng hơn, trầm lắng hơn nhưng không kém phần quyến rũ. Đó là vẻ đẹp thanh mảnh, lịch lãm, tinh tế toát lên tư những nét phác về ngoại hình và sâu xa hơn là tư chính chiều sâu tri thức của các nhân vật.

2.2. Hành động, cử chỉ của nhân vật tình yêu

Bên cạnh việc giới thiệu tiểu sử và miêu tả chân dung ngoại hình thì hành động, cử chỉ là một trong những phương tiện thể hiện nhân vật trong tác phẩm văn học. Những tác phẩm tự sự truyền thống rất coi trọng miêu tả hành động của nhân vật. Trước đây đã tưng có quan niệm cho rằng “nhân vật bộc lộ mình nhiều nhất qua việc làm, hành động” [32; 142]. Theo Aristote thì

“chuyện” có thể không có tính cách nhưng không thể không có hành động. Tuy nhiên, trong văn học hiện đại với những tác phẩm tự sự giàu chất trữ tình thì hành động của nhân vật không còn là yếu tố được các nhà văn quan tâm xây dựng. Trong truyện ngắn của Pauxtôpxki, hành động của nhân vật thường rất đơn giản, đó chỉ là phương tiện bộc lộ cảm xúc và thể hiện vẻ đẹp nội tâm của các nhân vật tình yêu.

Một phần của tài liệu luận văn đại học sư phạm chuyên ngành văn học Tình yêu trong truyện ngắn của K. Pauxtôpxki (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(70 trang)
w