Khát khao giao cảm và ước mơ hạnh phúc

Một phần của tài liệu luận văn đại học sư phạm chuyên ngành văn học Tình yêu trong truyện ngắn của K. Pauxtôpxki (Trang 43 - 45)

NHÂN VẬT TÌNH YÊU

2.3.2.Khát khao giao cảm và ước mơ hạnh phúc

2.3.2.1. Tâm trạng buồn, cô đơn

Bước vào thế giới tình yêu của Pauxtôpxki, người đọc sẽ có ấn tượng chung về tâm trạng của các nhân vật tình yêu. Trong hầu hết các truyện ngắn, nhân vật đều xuất hiện ở đầu tác phẩm như môt lữ khách cô đơn, mệt mỏi trên hành trình kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc. Tâm trạng ấy của nhân vật được thể hiện chủ yếu trong thời gian đêm và được làm nổi bật giữa không gian thiên nhiên buồn, vắng vẻ, lặng lẽ.

Anh lính thủy trẻ tuổi trong truyện ngắn “Gió biển” là một con người cô đơn trong cuộc sống và thất vọng về tình yêu. Sau sự tan vỡ của một mối tình, đối với anh “tình yêu giống như gió thoảng” và “không phải hết thảy mọi người đều chung thủy và kiên nhẫn đợi chờ” [17; 320]. Kuzmin trong “Bình minh mưa” đến Navôlôki trong một buổi đêm, trời mưa phùn và “bến

vắng tanh chỉ có một cây đèn lồng leo lét” [17; 342]. Cuộc hành trình đến nhà

Onga trên con đường hun hút hai bên chỉ toàn bóng đêm khiến Kuzmin cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết nỗi cô đơn của mình, “rằng mình đã bốn mươi, nhưng lại không có được một tình yêu như Basilốp. Lúc nào chàng cũng chỉ

có một mình” [17; 347], không hề có một bức thư nào gửi cho chàng khi bị thương và phải nằm ở quân y viện. Truyện ngắn “Cầu vồng trắng” lại mở ra với hình ảnh nhân vật Pêtrốp tại một nhà ga Trung Á trước chuyến đi hoàn toàn cô đơn. “Nhà ga vắng tanh”, “chẳng có ai để ra tiễn Pêtrốp”, “anh không có bạn bè và cũng không để lại đây kỉ niệm nào” [17; 362]. Lên tàu, anh chui vào một góc toa hút thuốc, ngoài cửa toa có một người lính đang chia tay với một phụ nữ trẻ và “không hiểu sao Pêtrốp cảm thấy nhẹ nhõm khi người phụ nữ xưng hô “anh, tôi” với bạn” [17; 362]. Cảm giác nhẹ nhõm tưởng chưng vô lý, không liên quan ấy lại là một chi tiết rất tinh tế cho ta thấy được tâm trạng, tâm thế của nhân vật một cách kín đáo. Thì ra chính nỗi cô đơn lẻ loi, chính sự cô độc dồn tụ bấy lâu đã đè nặng lên trái tim anh, làm cho Pêtrốp luôn cảm thấy “không có gì hết ngoài cảm giác cuộc sống bị ngưng đọng” [17; 372]. Elêna cũng cảm thấy buồn và cô đơn trong “đêm tối mò trải trên Mátxcơva” [17; 363], “một giọt lệ trào trên khóe mắt, chị không chùi đi mà cứ nhìn chằm chằm vào cửa sổ” [17; 363]. Có thể nói, trong truyện “Cầu vồng trắng”, nỗi cô đơn chính là sự ám ảnh đối với các nhân vật khi họ chưa gặp nhau, chưa đến bên nhau để xoa dịu trái tim đối phương và làm ấm áp tâm hồn chính mình.

Và còn biết bao nhân vật xuất hiện trong buổi chiều muộn, trong những đêm mưa, trong đêm tối trên boong tàu khi mọi người đều đang chìm trong giấc ngủ, Nikôlai (Tuyết), Elêna Pêtơrốpna (Sương giá ban mai), họ cũng mang một tâm thế cô đơn, một tâm trạng buồn day dứt như vậy. Không gian xa lạ của những chuyến đi và phong cảnh thiên nhiên buồn là những yếu tố nghệ thuật đóng vai trò quan trọng giúp khắc họa nét tâm trạng này của nhân vật.

2.3.2.2. Suy tư vê tình yêu và hạnh phúc

Song hành cùng tâm trạng buồn, cô đơn, các nhân vật tình yêu của Pauxtôpxki còn luôn suy tư, trăn trở về tình yêu và hạnh phúc. Bao mơ ước, khát khao được bộc lộ rất rõ trong những lời độc thoại nội tâm của nhân vật. Một mình giữa căn phòng ở Mátxcơva, Elêna trong truyện ngắn “Cầu vồng

trắng” băn khoăn về hạnh phúc của cuộc đời mình: “Giá mà biết được hạnh phúc bí ẩn là gì? Nó ở đâu? Khó mà sống mãi thui thủi một mình và nhìn thấy tất cả dù chỉ là đêm nay, và suy nghĩ về mọi điều, không mỉm cười với ai, không đặt tay lên vai ai và không bảo: “Anh, xem, tuyết rơi kìa” [17; 364]. Đó là niềm khát khao về hạnh phúc bình dị của một cô gái, đối với cô hạnh phúc chỉ đơn giản là có một người ở bên để cùng ngắm nhìn cuộc sống, cùng chia sẻ mọi buồn vui. Trong “Sương giá ban mai”, Elêna nói với cô gái Di- gan rằng nàng biết hạnh phúc của mình ở đâu “nhưng nó ở đâu mới được”, nàng vẫn băn khoăn “liệu nó có ở trong chuyến đi mùa thu trên con tàu này không?” [16; 38]. Còn Kuzmin trong truyện ngắn “Bình minh mưa”, nếu cô đơn, buồn bã là nét tâm trạng chủ yếu trên hành trình dài của anh, trên chuyến tàu thủy đến Navôlôki và cả trên chuyến xe ngựa đến nhà Onga thì khi bước vào căn nhà của thiếu phụ không quen biết ấy, một niềm khát khao hạnh phúc day dứt, mãnh liệt đã cháy lên trong lòng anh.

Giống như Balasốp luôn trăn trở, ước mơ về “một mối tình cao cả” [19; 20] dù cuộc sống gia đình của anh không được êm thấm, nhân vật tình yêu trong các câu chuyện tuyệt đẹp của Pauxtôpxki luôn hướng về một tương lai hạnh phúc, một tình yêu chân thành, cao đẹp. Các nhân vật khi sống trong tâm trạng buồn sầu, cô đơn, khi thả hồn theo những khát khao hạnh phúc, khi đắm mình trong những trăn trở, suy tư… Đó đều là những biểu hiện phong phú của niềm khát khao giao cảm, khát khao hạnh phúc - ước mơ chính đáng của con người mà Pauxtôpxki đã hết lòng trân trọng, ngợi ca.

Một phần của tài liệu luận văn đại học sư phạm chuyên ngành văn học Tình yêu trong truyện ngắn của K. Pauxtôpxki (Trang 43 - 45)