Nhân hậu, vị tha

Một phần của tài liệu luận văn đại học sư phạm chuyên ngành văn học Tình yêu trong truyện ngắn của K. Pauxtôpxki (Trang 45 - 50)

NHÂN VẬT TÌNH YÊU

2.3.2. Nhân hậu, vị tha

Phan Hồng Giang – một dịch giả có tấm lòng đồng cảm sâu sắc với Pauxtôpxki đã nhận xét về ông: “Trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, Pauxtôpxki là một con người ưu ái và nhân hậu”, “Pauxtôpxki đã không bỏ qua dịp nào để ca ngợi lòng nhân hậu. Ông biết quý trọng tưng cử chỉ nương nhẹ giữa người với người” [20; 330]. Và những truyện ngắn viết về tình yêu của Pauxtôpxki chính là nơi tỏa ra ánh sáng ấm áp của những tâm hồn nhân hậu. Vẻ đẹp này chủ yếu được thể hiện ở các nhân vật nữ.

Bên cạnh vẻ đẹp ngoại hình thanh mảnh, lịch lãm, nhân vật nữ trong truyện ngắn của Pauxtôpxki còn là những con người rất mực dịu dàng, nhân hậu, đặc biệt là trong tình yêu. Họ thường hiện lên với những cử chỉ nhẹ nhàng, âu yếm, những cử chỉ gắn liền với đôi bàn tay bé nhỏ, thanh thoát. Trong truyện “Cầu vồng trắng” Elêna đã cầm bàn tay Pêtrốp và “sưởi ấm nó giữa hai lòng bàn tay mình” trong một đêm đông tại nhà ga Mátxcơva” [17; 367]. Bàn tay mát lạnh như một mảnh băng của Maria trong “Suối cá hương” đã nhẹ nhàng, thận trọng “lần lượt vuốt lên vết sẹo sâu” [17; 452] trên má viên thống chế như muốn xoa dịu những nỗi đau, rồi nàng cầm tay ông dắt lại gần các vị khách và giới thiệu viên thống chế với “nét mặt rạng ngời, e lệ” [17; 453] như khi giới thiệu vị hôn phu của mình. Đôi tay dịu dàng của Tachiana trong truyện ngắn “Tuyết” “nhè nhẹ đặt lên vai” Nikôlai, “nắm lấy cánh tay áo của anh dẫn anh theo con đường nhỏ đã được dọn sạch” [17;313]. Thiếu phụ trẻ tuổi trong “Gió biển” cũng sờ soạng tìm kiếm bàn tay anh lính thủy trong bóng tối rồi “nhè nhẹ nắm lấy” [17; 320] tay anh. Những cử chỉ đó đều có tính chất “nhè nhẹ”, khẽ khàng như ẩn chứa tất cả sự quan tâm dịu dàng, ấm áp của những người phụ nữ trong tình yêu.

Đến với truyện ngắn của Pauxtôpxki, người đọc còn bắt gặp những hành động của nhân vật nữ vưa là biểu hiện của tình yêu, vưa là biểu hiện của lòng tốt. Tachiana trong truyện ngắn “Tuyết” đã “dọn con đường dẫn đến phong đình bên bờ dốc”, “tự tay chữa quả chuông treo trên cửa” [17; 310], lên lại dây đàn cho chiếc dương cầm, cắm lên đó những cây nến hình xoắn ốc… giống hệt như sự tưởng tượng trong bức thư gửi cha đầy nhớ nhung, khao khát của Nikôlai. Tachiana làm những công việc đó trong trạng thái xúc động, thoảng chút xấu hổ và cả niềm hạnh phúc của một cô thiếu nữ khi bí mật làm một việc gì đó vì người yêu. Nhưng khi đó tình cảm của nàng có thể chưa hẳn là tình yêu và những hành động của Tachiana nói một cách chính xác hơn chính là biểu hiện của lòng tốt, của tình thương, của sự đồng cảm giữa những người cùng cảnh ngộ. Rời Matxcơva, Tachiana đã tưng có một khoảng thời

gian khá dài cảm thấy xa lạ với ngôi nhà của cụ Pôtapốp, “mãi vẫn không sao quen được cái tỉnh lị đìu hiu với những ngôi nhà nhỏ bé, những cánh cửa hàng rào kêu ken két, những buổi tối vắng lặng, nghe rõ cả tiếng ngọn đèn dầu hỏa nổ lép bép” [17; 370]. Chính nỗi buồn, sự cô đơn giữa nơi đất khách quê người khiến cho Tachiana có sự cảm thông sâu sắc với Nikôlai: “sắp tới đây thôi, ngày một ngày hai, có thể sẽ có một người mà nàng không quen biết tư mặt trận trở về ngôi nhà này và người đó sẽ đau khổ khi phải gặp những người xa lạ ở đây và phải trông thấy mọi vật không giống như ý người đó muốn” [17; 310]. Elêna trong truyện ngắn “Cầu vồng trắng” có lẽ cũng vì thương, vì lo lắng cho một con người xa lạ kì quặc mà đã chạy đến nhà ga khi “đồng hồ điểm ba giờ” và “Matxcơva vẫn ngủ yên trong ánh sáng trắng của tuyết và những cây đèn” [17; 365]. Bởi Pêtrốp đang bị thương ở đầu và “ở ngoài ga anh sẽ mệt đến chết mất” [17; 365]. Elêna đã đến bên anh, cầm bàn tay anh và sưởi ấm nó giữa hai bàn tay mình như muốn giúp anh làm dịu đi nỗi đau và tất cả sự mệt mỏi của “một đêm dài mệt nhọc”.

Cùng với những cử chỉ “nhè nhẹ”, những hành động quan tâm, giọng nói là một dấu hiệu đặc sắc biểu hiện vẻ đẹp dịu dàng, nhân hậu của nhân vật nữ trong truyện ngắn tình yêu của Pauxtôpxki. Giọng nói của Tachiana trong truyện ngắn “Tuyết” nhiều lần được nhắc lại và luôn đi kèm tính chất “khe khẽ”: “thiếu phụ nói khẽ” [17; 313], “thiếu phụ vẫn nói khe khẽ” [17; 314], rồi nàng lại “khe khẽ mở cửa và gọi Nikôlai” [17; 316] trong buổi sớm mai. Tư lời nói cho đến các cử chỉ, hành động của Tachiana, tất cả đều nhẹ nhàng, khẽ khàng, đó như là một thuộc tính của một người phụ nữ dịu dàng, nhân hậu. Ở truyện ngắn “Cầu vồng trắng”, giọng nói của Elêna lại được đặt trong một sự so sánh rất lạ và đầy gợi cảm: “Trong giọng nói của Elêna có tất cả sự dịu dàng và sự lo âu như một đêm tháng Chạp” [17; 367]. Trong “Một đêm tháng mười”, giọng nói của Đasa được miêu tả rất kĩ qua cảm nhận của nhân vật “tôi” – người kể chuyện. Đó là giọng nói của một cô gái mới lớn: “Tôi đến đây!”- “tiếng kêu tư dưới sông vang lên lanh lảnh” [19; 64] đáp lại lời kêu cứu của hai người đàn ông bị mắc kẹt trên hòn đảo đang ngập nước.

Tiếng nói đơn giản ấy làm nhân vật tôi xúc động lạ lùng bởi trong hoàn cảnh đó, “nó có nghĩa là “tôi đến cứu đây” [19; 64]. Không phải là một giọng nói nhẹ nhàng, dịu dàng, tiếng kêu “lanh lảnh” ấy của Đasa là lời đáp lại của lòng tốt, của một tâm hồn nhân hậu đầy nhiệt tình và cả sự hy sinh. Trong cảm nhận của nhân vật tôi, “Tiếng “tôi đến” vượt qua đêm tối, trong ánh lửa đang tàn. Tiếng kêu ấy làm sống lại trong tâm trí tôi những tập quán lâu đời về tình tương trợ anh em, những tập quán đã ăn sâu và không bao giờ mất trong nhân dân chúng tôi…” [19; 64]

Giọng nói ấm áp và những cử chỉ quan tâm nhẹ nhàng là những chi tiết tiêu biểu, đặc sắc cho thấy vẻ đẹp dịu dàng, nhân hậu của nhân vật nữ trong các truyện ngắn viết về tình yêu của Pauxtôpxki. Chính tâm hồn nhân hậu với lòng tốt, sự quan tâm, chở che đã khiến cho những câu chuyện tình yêu giống như câu chuyện về tình người ấm áp.

Trong tình yêu không thiếu những lúc vị kỉ, đôi khi xen lẫn yêu thương còn là những oán hờn, trách giận. Những điều đó ta không hề bắt gặp ở các nhân vật nữ trong truyện ngắn của Pauxtôpxki. Tấm lòng của những người phụ nữ ấy luôn nghĩ cho người mình yêu, ví dụ như cô y tá trong “Gió biển” đã gửi một bức thư đến địa chỉ ghi trên hộp thuốc lá của anh lính thủy để báo tin cho người phụ nữ đó biết anh bị thương. Đặc biệt, nhân vật nữ của Pauxtôpxki là những người luôn sẵn sàng tha thứ. Tuy đã tưng cảm thấy uất ức, tủi nhục khi nghĩ rằng Balasốp đã phụ bạc mình nhưng khi biết Balasôp không có lỗi vì anh không biết phong tục miền bắc thì Nátchia lại cảm thấy sung sướng, vì như vậy là anh đã không lưa dối nàng (Natchia, cô gái làm ren). Elêna trong truyện ngắn “Chuyến xem đêm” cũng không hề giận hờn, trách móc khi Anđécxen không đủ dũng cảm đối diện với tình yêu trong cuộc đời thực, nàng tiễn chàng ra đi với lời cầu chúc chân thành, tốt đẹp nhất: “Chúc cho đôi mắt anh mãi mãi tươi cười” [17; 192], “Cầu nàng thơ tha mọi tội lỗi cho anh” [17; 193]. Nàng nhắn nhủ Anđécxen “đưng nghĩ gì đến em” và dặn dò: “Một ngày kia, tuổi già, nghèo nàn và bệnh tật có thể làm anh đau khổ thì chỉ cần nhắn cho em một lời, em sẽ như cô Nicôlina nọ, sẽ đi bộ vượt qua ngàn dặm những núi tuyết và những sa mạc khô cằn để tới an ủi anh” [17;

192]. Giữ lại tất cả đau đớn cho bản thân mình, những điều Elêna muốn dành cho Anđécxen qua những lời chúc và lời nhắn nhủ ấy là sự thanh thản, bình yên và một điểm tựa vững chắc, một bến đỗ ấm áp cho tâm hồn.

Vị tha trong tình yêu là một đức tính tốt đẹp, sáng ngời trong tâm hồn các nhân vật nữ của Pauxtôpxki, bên cạnh vẻ đẹp thanh mảnh, lịch lãm cùng sự dịu dàng, nhân hậu. Dịu dàng, nhân hậu, vị tha, đó là nét đẹp chung của các nhân vật nữ trong truyện ngắn của Pauxtôpxki. Đó cũng chính là đại diện cho tâm hồn Nga, “một tâm hồn cũng đầy ưu ái, nhân hậu, đầy dịu dàng tế nhị như tâm hồn Việt Nam” [20; 348].

* Tiểu kết

Nghệ thuật xây dựng nhân vật tình yêu thể hiện rất rõ đặc trưng phong cách Pauxtôpxki. Thông thường, nhân vật trong tác phẩm tự sự thường được thể hiện qua hành động gắn liền với xung đột, biến cố nhưng trong truyện ngắn Pauxtôpxki lại chủ yêu xây dựng nhân vật qua thế giới nội tâm tràn đầy cảm xúc, cảm giác, hành động của nhân vật nếu có cũng chỉ là phương tiện thể hiện tâm trạng và bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn nhân vật. Đây vốn là đặc điểm của tác phẩm trữ tình, tạo nên khuynh hướng hòa giải giữa thơ và văn xuôi, giữa tự sự và trữ tình vốn là một nét đặc sắc của nghệ thuật truyện ngắn Pauxtôpxki.

Qua đó, Pauxtôpxki đã xây dựng thành công các nhân vật tình yêu với tâm hồn lãng mạn giàu cảm xúc, luôn khát khao hạnh phúc và dịu dàng, nhân hậu với cuộc đời. Đặc biệt, những con người đời thường với tấm lòng nhân hậu bao la và trách nhiệm công dân cao cả đã cho thấy tình yêu không đơn thuần là một loại tình cảm giới tính mà nó đã hòa quyện với bao tình cảm cao đẹp khác của con người, “tiếng gọi của trái tim đã hòa vào tiếng gọi của thời đại” [20; 339]. Dường như chính hoàn cảnh chiến tranh gian khổ, ác liệt đã khiến những con người Xô Viết xích lại gần nhau để tư đó nảy nở những tình cảm cao đẹp. Bởi vậy các câu chuyện tình yêu của Pauxtôpxki luôn xen lẫn với tình người, tình đời ấm áp.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu luận văn đại học sư phạm chuyên ngành văn học Tình yêu trong truyện ngắn của K. Pauxtôpxki (Trang 45 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(70 trang)
w