Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, chế độ thuế để nâng cao dân trí về thuế, nhằm thực hiện mục tiêu “ thêm ngừơi đồng tình, bớt người chống đối ” là việc làm cần thiết để khơi dậy tinh thần tự nguyện, tự giác chấp hành đầy đủ pháp luật thuế, đây không thể là việc làm theo chiến dịch mà phải làm thường xuyên theo phương châm “ mưa dầm thấm lâu”, càng sát thực tế càng cụ thể càng tốt.
Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là phải kết hợp được việc tuyên truyền giáo dục với việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm kịp thời, đúng luật, kể cả phải cưỡng chế truy cứu trách nhiệm hình sự.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, ngay cả ở những nước có pháp luật thuế rất chặt chẽ nhưng vẫn còn tình trạng trốn thuế và nợ đọng thuế. Trong điều kiện nước ta hiện nay, ý thức chấp hành thuế còn thấp, trốn lậu thuế xảy ra thường xuyên, nợ đọng thuế còn lớn dẫn đến thất thu trầm trọng. Do vậy mà đi đôi với quá trình kiện toàn bộ máy thuế thống nhất từ trung ương đến địa phương cần thiết phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu thuế với lực lượng đủ mạnh, có đầy đủ phương tiện vật chất và quyền hạn cần thiết để thực hiện nhiệm vụ này. Trước mắt, Nhà nước cần nghiên cứu áp dụng thí điểm một vài toà án thuế và lực lượng cán bộ chuyên cưỡng bức thu thuế để rút kinh nghiệm tiến tới hình thành hệ thống toà án và một hệ thống cưỡng bức thu thuế trong cả nước.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải ban hành các văn bản pháp quy quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc giúp đỡ cơ quan thuế trong công tác quản lý thu thuế, chống thất thu, trốn lậu thuế. Nói cách khác là cơ quan thuế hoàn thiện nhiệm vụ của mình.
Cơ quan thuế cần phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng lên án mạnh mẽ các doanh nghiệp trốn lậu thuế để phát huy tác dụng giáo dục, răn đe, sớm đưa việc thực hiện các nguyên tắc, chế độ thuế vào nề nếp, kỷ cương, góp phần hạn chế thất thu thuế để đạt hiệu quả thiết thực.