Sau khi nhận được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Tòa án có thẩm quyền phải tiến hành mở phiên tòa để xem xét chấp nhận hay không chấp nhận kháng nghị.
Tại Điều 252- BLTTHS quy định phiên tòa giám đốc thẩm phải được mở trong thời hạn không quá 4 tháng kể từ ngày nhận được kháng nghị. Thời hạn xét xử giám đốc thẩm này là thống nhất đối với tất cả các cấp giám đốc thẩm. Thực tiễn xét xử, thời hạn này nói chung không bị vi phạm. Các quyết định giám đốc thẩm đều được thực hiện trong thời hạn quy định. Tuy nhiên, có một số trường hợp do Toà án kháng nghị nhưng thực tế Toà án vẫn gửi kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án cho VKS có ý kiến bằng văn bản và chuẩn bị phát biểu tại phiên toà. Nhưng có nhiều vụ án phức tạp, VKS phải dành nhiều thời gian nghiên cứu nên hết thời hạn xét xử giám đốc thẩm vẫn chưa chuyển hồ sơ sang Toà án để mở phiên toà giám đốc thẩm nên thời hạn đó không đảm bảo. Ngoài ra tại phiên toà giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao khi tiến hành phải triệu tập các thành viên của Hội đồng thẩm phán cũng gặp khó khăn vì có người ở thành phố Hồ Chí Minh, có người ở Đà Nẵng hoặc có người thường xuyên đi công tác. Vì vậy, hàng năm Hội đồng thẩm phán chỉ triệu tập vài lần nên thời hạn 4 tháng với phiên toà giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán thực tế rất ít trường hợp thực hiện được.
* Những người tham gia phiên tòa
Tại điều 280 -BLTTHS quy định phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của VKS cùng cấp. Khi xét thấy cần thiết, Toà án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và có thể triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên toà giám đốc thẩm. Như vậy, sự có mặt của đại diện VKS cùng cấp là bắt buộc, còn người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi xét thấy cần thiết thì Toà án triệu tập họ đến phiên toà. Nhưng xem xét thế nào là cần thiết lại là vấn đề phức tạp và nó hoàn toàn phụ thuộc vào từng trường
hợp cụ thể. Nhưng do tính chất của giám đốc thẩm, nên việc triệu tập những người tham gia tố tụng ở phiên toà sơ thẩm hay phúc thẩm chỉ là cá biệt.
Trong thực tiễn tại phiên tòa giám đốc thẩm, ngoài sự có mặt của VKS cùng cấp thì còn có một số người khác mặc dù luật không quy định (VD: thư ký phiên toà, thẩm tra viên hoặc chuyên viên). Vì tại phiên toà giám đốc thẩm cũng cần có người ghi biên bản phiên toà. Tuy nhiên, BLTTHS không quy định những người tham gia phiên toà giám đốc thẩm có thư ký và hậu quả pháp lý của việc không quy định này là trong quyết định giám đốc thẩm có nhất thiết ghi ai là thư ký không? Nhưng theo chúng tôi thì nên quy định thư ký phiên toà giám đốc thẩm và biên bản phiên toà phải được coi là tài liệu bắt buộc có trong hồ sơ vụ án.
* Thành phần Hội đồng giám đốc thẩm
Điều 281- BLTTHS vừa quy định thành phần Hội đồng giám đốc thẩm, vừa quy định trình tự biểu quyết, vừa quy định trường hợp phải hoãn phiên toà giám đốc thẩm.
Về thành phần Hội đồng giám đốc thẩm: Tại Điều 282 - BLTTHS quy định: “1. Hội đồng giám đốc thẩm Tòa hình sự TAND tối cao, TAQSTW gồm ba thẩm phán. Nếu Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh, Uỷ ban thẩm phán TAQS cấp quân khu hoặc Hội đồng thẩm phán TAND tối cao giám đốc thẩm thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của Uỷ ban thẩm phán hoặc Hội đồng thẩm phán tham gia xét xử…”.
Như vậy, BLTTHS 2003 vẫn quy định như BLTTHS năm 1988; số lượng các thành viên của Uỷ ban Thẩm phán và Hội đồng Thẩm phán cần thiết để tham gia phiên toà giám đốc thẩm vẫn là 2/3 tổng số thành viên; số lượng thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm của Toà hình sự TAND tối cao
hoặc TAQSTW là ba thành viên (khoản 1 Điều 282- BLTTHS) nhưng tại BLTTHS 2003 vẫn không quy định chủ toạ phiên toà. Đây là vấn đề về lý luận và thực tiễn còn nhiều ý kiến khác nhau. Nếu căn cứ vào quy định của BLTTHS, thì không có chủ toạ. Nếu căn cứ vào thực tiễn xét xử thì trong các quyết định giám đốc thẩm của Toà hình sự TAND tối cao và TAQSTW đều ghi: “chủ toạ phiên toà…”; vai trò của chủ toạ phiên toà giám đốc thẩm cũng chỉ có tính chất tượng trưng và chủ yếu là để duyệt bản thảo quyết định giám đốc thẩm. Mặt khác, theo quy định tại Điều 251 và khoản 2 Điều 282 – BLTTHS 2003 cũng chỉ quy định tại phiên toà một thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án, chứ không quy định về chủ toạ phiên toà.
* Về trình tự biểu quyết:
Tại BLTTHS năm 1988 không quy định về trình tự biểu quyết ở Uỷ ban Thẩm phán và Hội đồng Thẩm phán nên thực tiễn xét xử mỗi nơi biểu quyết một cách khác nhau, có nơi lấy biểu quyết ai chấp nhận kháng nghị trước, có nơi lấy biểu quyết ai không chấp nhận kháng nghị trước dẫn đến một số trường hợp quyết định giám đốc thẩm của Uỷ ban Thẩm phán và Hội đồng Thẩm phán không đảm bảo quá nửa tổng số thành viên theo quy định.
VD: Uỷ ban Thẩm phán TAND tỉnh H có 7 thành viên, có 5 thành viên tham gia xét xử. Khi biểu quyết theo cách “ai chấp nhận kháng nghị” thì có ba thành viên giơ tay; nên kháng nghị bị bác vì chưa có quá nửa tổng số thành viên, nhưng về phía không chấp nhận kháng nghị chỉ có hai thành viên. Trong trường hợp này, kể cả quyết định chấp nhận hay không chấp nhận kháng nghị đều chưa được quá nửa tổng số thành viên.
Để khắc phục tình trạng trên, khoản 2 Điều 281- BLTTHS 2003 quy định: “2. Tại phiên toà giám đốc thẩm của Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp
tỉnh, uỷ ban thẩm phán TAQS cấp quân khu hoặc Hội đồng thẩm phán TAND tối cao khi biểu quyết về nội dung kháng nghị thì phải biểu quyết theo trình tự những ý kiến đồng ý với kháng nghị, những ý kiến không đồng ý với kháng nghị. Nếu không có loại ý kiến nào được qúa nửa tổng số thành viên của Uỷ ban Thẩm phán, Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành, thì phải hoãn phiên toà. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên toà thì Uỷ ban Thẩm phán, Hội đồng Thẩm phán phải mở phiên toà xét xử lại vụ án với sự tham gia của toàn thể các thành viên”. Tức là biểu quyết cả ý kiến đồng ý và ý kiến không đồng ý.
* Vấn đề hoãn phiên toà giám đốc thẩm:
Mặc dù BLTTHS năm 1988 không quy định hoãn phiên toà giám đốc thẩm nhưng thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp Hội đồng giám đốc thẩm hoãn phiên toà. Lý do hoãn phiên toà chủ yếu là để thông báo cho người có kháng nghị xem xét có rút kháng nghị hay không hoặc qua thảo luận thấy có những vấn đề cần nghiên cứu thêm và BLTTHS quy định sự có mặt của Kiểm sát viên là bắt buộc thì có thể hiểu rằng nếu Kiểm sát viên vắng mặt vì bất cứ lí do gì thì cũng phải hoãn phiên toà giám đốc thẩm. Cho đến nay, những trường hợp hoãn phiên toà với lý do trên vẫn xảy ra, kể cả ở Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nhưng BLTTHS năm 2003 không quy định mà chỉ quy định trường hợp phiên toà giám đốc thẩm ở Uỷ ban Thẩm phán hoặc Hội đồng Thẩm phán, nếu sau khi biểu quyết mà không có loại ý kiến nào được qúa nửa tổng số thành viên thì phải hoãn phiên toà. Nếu phải hoãn phiên toà thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn Uỷ ban Thẩm phán hoặc Hội đồng Thẩm phán phải mở phiên toà xét xử lại vụ án với sự tham gia của toàn thể các thành viên.
BLTTHS năm 1988 không quy định về thủ tục chuẩn bị phiên toà giám đốc thẩm nhưng như vậy không có nghĩa là phiên toà giám đốc thẩm không có sự chuẩn bị. Tuy nhiên, đó chỉ là công việc nội bộ của Toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm. Do không có quy định nên việc chuẩn bị phiên toà giám đốc thẩm không thống nhất. Tại Điều 282- BLTTHS năm 2003 quy định: “1. Chánh án Toà án phân công một Thẩm phán làm bản thuyết trình về vụ án tại phiên toà. Bản thuyết trình tóm tắt nội dụng vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Toà án, nội dung của kháng nghị. Bản thuyết trình phải gửi trước cho các thành viên của Hội đồng chậm nhất là bảy ngày trước ngày mở phiên toà giám đốc thẩm”. Việc bổ sung này làm cho chất lượng xét xử giám đốc thẩm tốt hơn, tránh tình trạng do chuẩn bị không kỹ nên phải hoãn phiên toà đồng thời giúp cho các thành viên trong Hội đồng có nhiều thời gian nghiên cứu trước các tình tiết của vụ án mà bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm.
* Phạm vi giám đốc thẩm:
Hội đồng giám đốc thẩm khi tiến hành xét xử giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vấn đề mà không chỉ hạn chế trong phạm vi kháng nghị. Quy định này vừa xác định trách nhiệm đồng thời cũng xác định thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm về phạm vi giải quyết vụ án. Cấp giám đốc thẩm có nhiệm vụ kiểm tra tính có căn cứ, tính hợp pháp của bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật một cách toàn diện, xem xét tất cả những người bị kết án cũng như đối với tất cả những vấn đề có hoặc không có kháng nghị.
* Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm: Điều 245 BLTTHS năm 1988 quy định là “quyết định giám đốc thẩm”, nay Điều 285 BLTTHS năm 2003 quy định là thẩm quyền giám đốc thẩm. Việc thay đổi này không làm thay đổi về bản chất về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm. Tuy nhiên,
Điều 285 BLTTHS năm 2003 có một số thay đổi lớn, đó là bỏ quyền của Hội đồng giám đốc thẩm “sửa bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật”. Việc bỏ quy định này, một mặt nhằm đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử, mặt khác thể hiện đúng tính chất của giám đốc thẩm chỉ là phá án.
Sau khi xem xét đầy đủ tình tiết của vụ án thì theo Điều 285- BLTTHS Hội đồng giám đốc thẩm có quyền ra các quyết định sau: “1. Không chấp nhận kháng nghị, và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, 2. Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án, 3. Hủy bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại".
Khoản 1 Điều 285- BLTTHS năm 2003 quy định Hội đồng giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị có thể là không chấp nhận về mặt hình thức khi kháng nghị đã quá thời hạn (Điều 278- BLTTHS) hoặc kháng nghị không đúng thẩm quyền (Điều 275- BLTTHS) hoặc kháng nghị không được chấp nhận về nội dung là khi các yêu cầu trong kháng nghị không được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chấp nhận. Nếu Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ nội dung kháng nghị đồng thời cũng không phát hiện thấy có vi phạm trong phần bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị thì ra quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
VD: Sáng ngày 28/09/1998, Thành điều khiển xe ô tô chở đá từ Nam Hà về Hà Nội. Đến km 35 + 100, Thành phát hiện có một xe ô tô chở khách phía trước và một xe gắn máy do hai người đèo nhau đi cùng chiều với mình, Thành không giảm tốc độ mà đánh tay lái sang phải tránh ô tô và lấn sang đường xe máy đã gây tai nạn hậu quả một người chết, một người bị thương. Thành lo mai táng và đưa người bị thương đi cứu chữa. Ngày 29/09/1998
Thành đi đầu thú. Bản án sơ thẩm số 01 ngày 28.01.1999 đã phạt Thành 15 tháng tù, áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề lái xe trong thời hạn 3 năm. Tại kháng nghị số 66 Viện trưởng VKSND cấp tỉnh đề nghị tăng hình phạt đối với Thành. Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh xét thấy sau khi gây tai nạn Thành đã lo mai táng và cứu chữa cho nạn nhân rồi đến công an đầu thú, gia đình nạn nhân xin miễn trách nhiệm hình sự cho Thành. Vì vậy hình phạt trên là hợp lý. Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Điều 286- BLTTHS năm 2003 quy định Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107- BLTTHS năm 2003, các căn cứ đó bao gồm: “1. Không có sự việc phạm tội, 2. Hành vi không cấu thành tội phạm, 3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, 4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật, 5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, 6. Tội phạm đã được đại xá, 7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết trừ trường hợp cần tái thẩm đối với những người khác”.
Các căn cứ này cũng chính là các căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự. Những căn cứ này tồn tại một cách khách quan trước khi bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng cơ quan tố tụng không phát hiện ra mà vẫn truy tố và kết án đối với bị cáo. Đây chính là sự vi phạm nghiêm trọng BLHS và BLTTHS.
Trong các trường hợp bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật phát hiện có căn cứ để hủy nhưng không được kháng nghị giám đốc thẩm đề cập đến mà Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phát hiện ra thì có thể ra quyết
định hủy phần bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đình chỉ vụ án theo hướng có lợi cho người bị kết án.
Hội đồng giám đốc thẩm cũng có quyền huỷ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại, nếu có một trong những căn cứ sau: “1. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ, 2. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, 3. Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử, 4. Có những sai phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS ” (Điều 287-BLTTHS). Nếu cần xét xử lại thì tuỳ trường hợp, Hội đồng giám đốc thẩm có thể quyết định xét xử lại từ cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm. Như vậy, căn cứ để điều tra, xét xử lại trùng lặp với căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Quy định này là hợp lý bởi lẽ quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm đều xuất phát từ những sai lầm trong việc điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu Hội đồng giám đốc thẩm quyết định theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không cần xét xử lại mà có thể quyết định ngay.
Trong thời gian qua, số bản án hoặc quyết định hủy để điều tra lại hoặc