Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là sự phản ứng của người có quyền kháng nghị đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới có vi phạm pháp luật. Kháng nghị giám đốc thẩm là một văn
bản tố tụng làm phát sinh một số hậu qủa pháp lý nhất định: vụ án hình sự sẽ được xem xét lại. Nhưng về nguyên tắc quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm chưa làm mất hiệu lực pháp luật của bản án hoặc quyết định bị kháng nghị, nếu người kháng nghị không quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định đó.
Tại thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 08.12.1988 hướng dẫn: “ Nếu thấy trong thời gian chờ xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, việc tiếp tục thi hành bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật có thể gây thiệt hại cho người phải thi hành thì người đã kháng nghị có quyền quyết định việc tạm đình chỉ việc thi hành đó. Chỉ có thể quyết định việc tạm đình chỉ thi hành án ngay trong khi bản án kháng nghị hoặc sau khi đã kháng nghị. Nếu chưa có quyết định kháng nghị thì không được tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Đối với trường hợp đang chấp hành hình phạt tù thì chỉ nên tạm đình chỉ thi hành án khi có kháng nghị theo hướng sau đây: Đình chỉ vụ án, tuyên bố không phạm tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, cho hưởng án treo hoặc áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù.
Người có quyền kháng nghị có quyền tạm đình chỉ thi hành toàn bộ hoặc một phần bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật tùy thuộc vào yêu cầu kháng nghị là phải sửa toàn bộ hoặc một phần của bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị”.
Điều 245 BLTTHS năm 1988 chưa quy định việc gửi quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, thì Điều 276 BLTTHS năm 2003 bổ sung những thiếu sót này và quy định quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án phải gửi cho Toà án, VKS nơi đã xử sơ thẩm và cơ quan thi hành án có thẩm quyền. Việc quy định này nhằm đảm bảo cho quyết định đó được thi hành. Bởi lẽ,
Toà án nơi đã xét xử sơ thẩm là cơ quan ra lệnh thi hành án phạt tù và các loại hình phạt khác không phải là hình phạt tiền; Viện kiểm sát nơi đã xét xử sơ thẩm là cơ quan giám sát việc thi hành án; cơ q uan thi hành án có thẩm quyền nói trong Điều 276 BLTTHS là các trại cải tạo, trại tạm giam của Công an; Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm thi hành các quyết định về phần dân sự và các quyết định khác liên quan đến tiền và tài sản trong vụ án hình sự. Nếu người kháng nghị không quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án thì về nguyên tắc, bản án bị kháng nghị vẫn được thi hành bình thường như các bản án có hiệu lực khác. Kháng nghị giám đốc thẩm không mặc nhiên làm mất hiệu lực của bản án đã có hiệu lực pháp luật. Do không nắm chắc bản chất của kháng nghị giám đốc thẩm nên một số Toà án và cơ quan thi hành án khi nhận được kháng nghị giám đốc thẩm, đã không tiếp tục thi hành mà chờ quyết định giám đốc thẩm mặc dù người kháng nghị không quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án.