Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm.

Một phần của tài liệu Giám đốc thẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 32)

Căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là những đòi hỏi cơ bản có tính nguyên tắc do luật TTHS quy định, buộc người có quyền kháng nghị

phải tuân theo khi ra quyết định kháng nghị một bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.

Theo quy định tại Điều 273 BLTTHS thì bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau: 1) Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; 2) Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án; 3) Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi điều tra, truy tố hoặc xét xử; 4) Có những sai lầm nghiêm trọng việc áp dụng BLHS.

Việc các nhà làm luật quy định các căn cứ trên đây là kết qủa hun đúc của cả qúa trình xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật từ trước khi có BLTTHS năm 1988 của TAND tối cao và của VKSND tối cao, đồng thời có tham khảo LTTHS của một số nước khác. Đây cũng là bước phát triển mới về trình độ lập pháp của nước ta. Chúng ta thấy rằng trước khi có BLTTHS năm 1988, chưa có bất kỳ văn bản nào, dù là văn bản hướng dẫn quy định về căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Tại thông tư 06- TC ngày 23.07.1964 của TAND tối cao cũng chỉ quy định: “Những bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị là những bản án hoặc quyết định có sai lầm”. Còn sai lầm được hiểu rất chung chung, không được chỉ ra cụ thể. Tuy nhiên, các quyết định kháng nghị, các quyết định giám đốc thẩm của TAND tối cao trước khi có BLTTHS năm 1988 ban hành đã có tác dụng to lớn không chỉ có tính hướng dẫn các Toà án địa phương trong việc áp dụng BLHS mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đề ra các căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tại Điều 242 BLTTHS năm 1988 và Điều 273 BLTTHS năm 2003. Tại BLTTHS năm 1988 không dùng thuật ngữ có sai lầm mà dùng thuật ngữ "Có vi phạm pháp luật" vì những vi

phạm đó có cái phiến diện không đầy đủ, có cái không phù hợp, có cái vi phạm thủ tục tố tụng và có cái sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS. Việc nhà làm luật dùng thuật ngữ "Có vi phạm pháp luật" mang ý nghĩa đầy đủ hơn, chính xác hơn, còn thuật ngữ "Có sai lầm" chỉ nói lên tính đạo lý hơn là pháp lý. BLTTHS năm 2003 không chỉ quy định có vi phạm pháp luật mà còn quy định thêm phải là "Vi phạm pháp luật nghiêm trọng" mới bị kháng nghị giám đốc thẩm. Tuy nhiên, các căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm quy định tại Điều 242 BLTTHS năm 1988 và căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm quy định tại Điều 273 BLTTHS năm 2003 không có gì khác nên phải hiểu rằng vi phạm nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án chính là vi phạm các quy định tại Điều 273 BLTTHS năm 2003.

Mặc dù tại Điều 273 BLTTHS đã nêu bốn căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng cho đến nay chưa có văn bản hướng dẫn chính thức về nội dung cụ thể của bốn căn cứ trên. Do đó, trong thực tiễn xét xử, nhất là ở các Toà án và Viện kiểm sát có chức năng, nhiệm vụ xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật không khỏi có những ý kiến khác nhau khi vận dụng những căn cứ kháng nghị. Trong khi chưa có giải thích chính thức, qua thực tiễn công tác giám đốc xét xử, căn cứ vào các quy định của pháp luật chúng tôi xin làm rõ hơn nội dung các căn cứ này.

* Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ:

Trong tố tụng hình sự, giai đoạn xét xử được coi là giai đoạn trung tâm. Bởi lẽ, ở giai đoạn điều tra, truy tố cơ quan có thẩm quyền tiến hành thu thập chứng cứ để phục vụ cho việc xét xử. Tại phiên tòa Hội đồng xét xử sẽ đánh giá lại toàn bộ các tình tiết, chứng cứ vụ án đã tìm được và căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra để làm cơ sở ra bản án. Phiên tòa mở ra

với sự tham gia của đông đảo quần chúng được coi là một cuộc điều tra công khai, minh bạch nhằm tìm ra được sự thật khách quan của vụ án.

Hoạt động điều tra tại phiên tòa bao gồm các hoạt động như: Kiểm tra căn cước lai lịch bị cáo và những người tham gia tố tụng khác; kiểm tra sự có mặt của những người được triệu tập; xem xét vật chứng; công bố các tài liệu có trong hồ sơ vụ án trong trường hợp cần thiết; xét hỏi bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.v.v. Trong đó, việc xét hỏi tại phiên toà cũng chỉ là một trong những hành vi tố tụng, nhưng nó lại là hoạt động chủ yếu tại phiên toà. Điều luật quy định: “Việc điều tra xét hỏi” có ý muốn nhấn mạnh việc xét hỏi trong hoạt động điều tra tại phiên toà. Với cách nhận thức như vậy, căn cứ này có hai nội dung cần làm sáng tỏ:

Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện là khi hoạt động điều tra xét hỏi không khách quan, có định kiến từ trước. Hội đồng xét xử qúa tin vào các tài liệu của cơ quan điều tra và VKS mà không tiến hành xét hỏi kỹ bị cáo, người bị hại và các nhân chứng tại phiên tòa hoặc Hội đồng xét xử chỉ chú ý đến các chứng cứ buộc tội (nếu có sẵn định kiến bị cáo có tội) hoặc chỉ chú ý đến các chứng cứ gỡ tội (nếu có sẵn định kiến bị cáo không phạm tội). Cũng có trường hợp phạm tội quả tang, thì biểu hiện của sự phiến diện lại nhằm vào các tình tiết tăng nặng (nếu có sẵn định kiến tăng nặng); tình tiết giảm nhẹ (nếu có sẵn định kiến giảm nhẹ). Thực tiễn xét xử cho thấy có nhiều bản án bị kháng nghị là do tại phiên toà Hội đồng xét xử chỉ chú ý đến điều tra xét hỏi để tìm các tình tiết giảm nhẹ, thậm chí các tình tiết đó không phải là tình tiết giảm nhẹ nhưng cố gán cho nó là giảm nhẹ để rồi cho bị cáo được hưởng án treo không đúng với quy định của pháp luật. Trong khi đó các tình tiết tăng nặng lại bỏ qua không đề cập đến.

Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa không đầy đủ là hoạt động điều tra tại phiên tòa còn thiếu những tình tiết, những chứng cứ mà theo luật định phải xem xét tại phiên tòa nếu thiếu nó thì chưa đủ căn cứ xác định bị cáo phạm tội; Hội đồng xét xử không tiến hành đối chất khi thấy lời khai mâu thuẫn với nhau; không tạo điều kiện cho những người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến của mình; không hỏi nhân chứng vì sao họ biết được tình tiết vụ án .v.v. VD. Nguyễn Văn Nam bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước theo Điều 144 BLHS. Nhưng tại phiên toà, Hội đồng xét xử chỉ điều tra xét hỏi về hành vi thiếu trách nhiệm mà không điều tra xét hỏi thiệt hại về tài sản dẫn đến việc ra bản án trái pháp luật. Bởi lẽ, không xác định thiệt hại về tài sản là không xác định một dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 144 BLHS thì chưa đủ cơ sở để ra bản án.

Việc điều tra xét hỏi tại phiên toà phiến diện và không đầy đủ bao gồm hai nội dung khác nhau, nhưng lại liên quan mật thiết với nhau. Thường thì nếu điều tra xét hỏi không đầy đủ thì sẽ dẫn đến phiến diện hoặc ngược lại.

Vấn đề đặt ra là trong giai đoạn điều tra, truy tố của Điều tra viên, Kiểm sát viên việc điều tra phiến diện hoặc không đầy đủ dẫn đến việc ra bản án sai thì có phải là một trong những căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm không? Do đó, có ý kiến cho rằng, quy định tại khoản 1 Điều 273 BLTTHS là chưa chính xác mà lẽ ra phải quy định: “Việc điều tra, xét hỏi phiến diện hoặc không đầy đủ”. Quy định như vậy mới bao gồm cả hoạt động điều tra, truy tố. Quan điểm này cũng có nhân tố hợp lý nhưng đối tượng bị kháng nghị là các bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án, nên chủ yếu những vi phạm pháp luật nghiêm trọng là của Hội đồng xét xử. Bởi lẽ, nếu việc điều tra, xét hỏi trong giai đoạn điều tra, truy tố phiến diện hoặc không đầy đủ mà

các tình tiết quan trọng đó không thể làm rõ tại phiên toà thì Toà án cấp sơ thẩm có quyền trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Nếu Toà án cấp sơ thẩm không phát hiện được mà vẫn đưa vụ án xét xử và tại phiên toà Hội đồng xét xử cũng không điều tra xét hỏi thì lỗi đó thuộc về Hội đồng xét xử. Mặt khác nếu Cơ quan điều tra, VKS có vi phạm tố tụng nghiêm trọng thì thuộc về căn cứ tại khoản 3 Điều 273 BLTTHS nên quy định như trên là hợp lý.

* Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án:

Vụ án hình sự là một sự kiện pháp lý xảy ra trong qúa khứ. Mọi hành vi phạm tội đã thực hiện xong. Khi có dấu hiệu tội phạm hoặc được thông báo tin về dấu hiệu tội phạm. Cơ quan tố tụng tiến hành thu thập những tài liệu, chứng cứ để dựng lên bức tranh toàn cảnh của vụ án nhằm tìm ra sự thật khách quan. Những tài liệu, chứng cứ đó phải đảm bảo tính khách quan (có nghĩa là những tình tiết có thực diễn ra ngoài ý muốn của con người. Những tình tiết nào bị thay đổi theo nhận thức của con người thì không được gọi là tình tiết khách quan):

VD. Anh Nguyễn Văn A bị gây thương tích tỉ lệ thương tật thực tế chỉ có 10% nhưng khi tiến hành giám định pháp y lại kết luận anh A bị thương với tỉ lệ thương tật 40%. Toà án không kiểm tra nên tin và kết luận bị cáo phạm tội theo khoản 2 Điều 104 BLHS mà lẽ ra người có hành vi gây thương tích chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sự không phù hợp của bản án với các tình tiết khách quan còn được thể hiện ở chỗ: Kết luận của Tòa án đã gây thiệt hại cho Nhà nước; xâm phạm đến quyền lợi và lợi ích chính đáng của công dân.

Ví dụ: Ngày 20/6/2000, qua kiểm tra kho thuốc do thủ kho là Nguyễn Thị Thanh Thuý quản lý, phòng kế hoạch kinh doanh công ty Dược và vật tư y tế Tây Ninh phát hiện 03 mặt hàng thuốc kháng sinh là Appicillin, Amocylline, Cephalexine bị hao hụt với số lượng lớn. Tổng số thuốc bị hao hụt là 150.734.596đ. Qua kiểm tra trên các thẻ kho của kế toán kho Nguyễn Thị Cúc đều có tẩy xoá số lớn thành số nhỏ, tẩy mất số hàng ngàn nhằm giảm số tiền, sửa số ở cuối kỳ, tăng số xuất, giảm số tồn….nhưng qua giám định các thẻ kho bị tẩy xoá thì tại bản kết luận giám định số 1125/C21(P7) ngày 4/6/2001 của Viện khoa học hình sự Bộ công an kết luận không xác định được chữ viết của ai trên các số bị tẩy xoá. Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 164/HSST ngày 31/10/2001 TAND tỉnh Tây Ninh áp dụng điểm c khoản 2 Điều 133 BLHS năm 1985; điểm p khoản 1,2 Điều 46; Điều 47 BLHS năm 1999 xử phạt Nguyễn Thị Cúc 3 năm tù về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa. Tại quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị đề nghị xử phạt Nguyễn Thị Cúc về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tại quyết định số 05/2003/HĐTP- HS ngày 26/5/2003 đã quyết định huỷ một phần quyết định của cấp sơ thẩm để xét xử lại theo hướng áp dụng Điều 144 BLHS năm 1999 kết án Nguyễn Thị Cúc về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước. Lý do huỷ là không có căn cứ kết luận bị cáo phạm tội tham ô.

Thực tế, cho thấy các quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án không chỉ bao gồm quyết định của Tòa án mà còn bao gồm cả quyết định của cơ quan điều tra, VKS, giám định viên… Vì những quyết định đó tuy không phải là quyết định của Toà án nhưng được Tòa án trích dẫn để chứng minh cho kết luận của Tòa án cho nên phải coi đó là kết luận của Tòa án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án.

Ví dụ: Người tội phạm không bị tâm thần khi thực hiện hành vi phạm tội nhưng Hội đồng giám định y khoa xác định bị cáo bị tâm thần. Dựa trên cơ sở đó, Tòa án đã ra quyết định chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật mới phát hiện ra người này không bị tâm thần khi thực hiện hành vi phạm tội. Như vậy, đối với các quyết định không phải là của Toà án nhưng được Toà án trích dẫn để chứng minh cho kết luận của Toà án thì phải coi đó là kết luận của Toà án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án.

* Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử:

Cho tới nay chưa có văn bản nào giải thích một cách rành mạch, phân biệt một cách rõ ràng ranh giới giữa vi phạm nghiêm trọng với vi phạm chưa tới mức nghiêm trọng mà hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự đánh giá của người có thẩm quyền kháng nghị. Tuy nhiên việc đánh giá này phải căn cứ vào những quy định của BLTTHS và thực tiễn công tác giám đốc xét xử trong nhiều năm qua.

Thực tế hành vi vi phạm được coi là nghiêm trọng khi thủ tục tố tụng đó có tính bắt buộc với cơ quan tiến hành tố tụng, mà cơ quan tiến hành tố tụng không thực hiện. Điều đó làm hạn chế hoặc tước bỏ quyền của người tham gia tố tụng, dẫn tới việc Tòa án ra bản án (quyết định) thiếu cơ sở, không đúng luật hoặc làm ảnh hưởng đến việc thi hành bản án hoặc quyết định sau này. Ở đây chúng tôi xin nêu ra một số trường hợp vi phạm thủ tục tố tụng được coi là nghiêm trọng phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm như sau:

Thông thường các vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra đều được phát hiện và sửa chữa kịp thời trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, trong một số trường hợp Toà án cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm không phát hiện được các vi phạm đó nên vẫn ra bản án hoặc quyết định. Sau khi bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật mới phát hiện các vi phạm đó. Những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra thường gặp là các trường hợp như: khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can trong trường hợp không có yêu cầu của người bị hại (trái với quy định tại Điều 88- BLHS); có căn cứ xác định điều tra viên có hành vi bức cung, dùng nhục hình khi lấy lời khai của bị can; việc lấy lời khai không tuân thủ theo quy định tại Điều 131, Điều 132- BLTTHS; áp dụng biện pháp ngăn chặn sai; việc giám định lại do giám định viên cũ thực hiện (trái với quy định tại Điều 159- BLTTHS).

Trong giai đoạn truy tố:

Nếu những vi phạm ở giai đoạn điều tra mà tự cơ quan điều tra không khắc phục được thì VKS qua việc kiểm sát điều tra sẽ phát hiện và khắc

Một phần của tài liệu Giám đốc thẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 32)