Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong luật Tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 79)

2.3.2.1. Những hạn chế và tồn tại

Trong thời gian vừa qua, việc xét xử các vụ án hình sự của Tòa án đã đạt những kết quả nhất định, tạo sự công bằng và nâng cao vị thế của các cơ quan bảo vệ pháp luật, khẳng định được vị trí và vai trò của Thẩm phán và những người tham gia tố tụng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình tiến hành tố tụng, việc xét xử của Tòa án, đặc biệt là vai trò của Thẩm phán và

những người tiến hành tố tụng cũng bộc lộ những hạn chế, tồn tại. Các Thẩm phán, Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác chưa thực hiện tốt vai trò của mình, vẫn còn những bản án bị cải sửa nặng hoặc bị hủy vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, gây bức xúc trong xã hội, thể hiện:

Trong quá trình chuẩn bị xét xử, do việc nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa đầy đủ nên một số vụ án dẫn đến tình trạng tại phiên tòa, Thẩm phán bị động trong việc điều khiển phiên tòa hoặc giải quyết các tình huống phát sinh, nhiều vụ án bị kháng cáo, kháng nghị, bị cấp phúc thẩm hủy hoặc cải sửa. Cụ thể, "trong năm 2009, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy chiếm 0,71%, tỷ lệ án bị sửa là 4,21%" [46].

Trong quá trình xét hỏi tại phiên tòa, do lệ thuộc vào quyết định truy tố của VKS về tội danh, đề nghị mức hình phạt nên việc tranh tụng tại phiên tòa có nhiều vụ án chưa được thực hiện theo đúng tinh thần cải cách tư pháp. Việc đánh giá nội dung vụ án, chứng cứ buộc tội, gỡ tội còn làm qua loa, chiếu lệ, do vậy có những vụ án chỉ mang tính chất hợp thức hóa các quyết định có sẵn của cá nhân Thẩm phán. Có vụ án, Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ không kỹ, nên tại phiên tòa không phát hiện các mâu thuẫn của vụ án trong các chứng cứ buộc tội hay gỡ tội, trong khi đó Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thấy đủ căn cứ để tuyên bị cáo phạm tội khác với tội mà VKS truy tố nhưng do giới hạn xét xử nên sau đó vụ án bị kháng cáo, kháng nghị. Ví dụ, vụ Bùi Văn Tư bị VKSND tỉnh Thái Bình truy tố về tội "Giết người" theo Khoản 1 Điều 93 BLHS. Tại phiên tòa, mặc dù không đủ căn cứ bảo vệ cáo trạng nhưng Kiểm sát viên vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố, HĐXX sau khi xem xét nội dung vụ án đã quyết định xử bị cáo theo khoản 2 Điều 93 BLHS. Vụ án sau đó đã bị VKSND tỉnh Thái Bình kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên đã phải rút kháng nghị. Trong thực tế công tác điều tra, truy tố và xét xử có những vụ án do quy định về giới hạn xét xử nên giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có quan điểm khác nhau dẫn đến hồ sơ vụ án phải trả đi trả lại, không thống nhất quan điểm về

tội danh của vụ án. Ví dụ, vụ án Đỗ Văn Việt bị VKSND tỉnh Hà Tây (cũ) truy tố về tội cố ý gây thương tích. Trong vụ án này, cơ quan Điều tra khởi tố và đề nghị truy tố về tội "giết người", nhưng VKSND tỉnh Hà Tây truy tố về tội "cố ý gây thương tích". Hồ sơ vụ án chuyển sang Tòa án, TAND tỉnh Hà Tây trả hồ sơ đề nghị truy tố về tội "giết người" nhưng không được VKSchấp nhận. Do quy định của giới hạn xét xử nên tại bản án hình sự sơ thẩm số 13/HSST ngày 16/01/1998, TAND tỉnh Hà Tây đã tuyên Việt phạm tội "cố ý gây thương tích". Bản án sơ thẩm bị kháng cáo, tại bản án hình sự phúc thẩm số 585/HSPT ngày 17/4/1998 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà nội đã tuyên Đỗ Văn Việt phạm tội "giết người".

2.3.2.2. Nguyên nhân của những tồn tại và hạn chế

Về khách quan, hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật TTHS nói riêng, trong đó có quy định về giới hạn xét xử hình sự chưa tương xứng với yêu cầu cải cách tư pháp, chưa đảm bảo về mặt pháp lý để việc xét xử của Tòa án được khách quan và toàn diện. Mặc dù BLTTHS đã được sửa đổi bổ sung năm 2003 và sau khi có Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị nhưng chưa có thay đổi nào quy định về giới hạn xét xử để Tòa án có thể độc lập xem xét vụ án và tuyên bản án theo đúng sự thật khách quan và phù hợp với những tình tiết mà HĐXX đã thu thập được tại phiên tòa. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định về thủ tục tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm để đồng bộ với các quy định khác tạo thành hệ thống các thủ tục xét xử như thủ tục xét hỏi, tranh tụng… cho phù hợp trong tình hình mới.

Về mô hình tổ chức của VKS và Tòa án còn nhiều bất cập chưa phù hợp với cải cách tư pháp. Trong nhiều năm, việc xét xử của Tòa đi theo đường mòn cũ, chủ yếu là do chủ tọa thẩm vấn để làm rõ "tội", việc tranh tụng của bên buộc tội là VKS chưa được chú trọng, vai trò của Luật sư chưa được đề cao do vậy nhiều vụ án đưa ra xét xử nhưng mọi vấn đề của vụ án đã được quyết định từ trước, do vậy dễ dẫn đến oan sai.

Số lượng Thẩm phán và đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu và yếu, trình độ năng lực, kỹ năng điều khiển phiên tòa chưa tốt. Số đông cán bộ làm công tác tư pháp trưởng thành từ thực tiễn, có kinh nghiệm nhưng am hiểu chung về các lĩnh vực của xã hội còn hạn chế nên còn nhận định chủ quan và đưa ra quyết định về vụ án thiếu sức thuyết phục.

Về chủ quan, nhận thức pháp luật của đội ngũ cán bộ tư pháp chưa theo kịp chuyển biến phát triển kinh tế xã hội. Phẩm chất của một bộ phận cán bộ bị cơ chế thị trường chi phối nên thiếu sự công tâm và khách quan trong xem xét vụ án. Tinh thần đấu tranh bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai của một bộ phận cán bộ bị giảm sút. Trong cơ chế thị trường, chạy theo giá trị đồng tiền nên dễ dẫn đến thiên vị, sai lệch, bao che. Một số cán bộ vi phạm phẩm chất, lối sống, có biểu hiện tiêu cực nên đã tuyên bản án sai pháp luật, không được dư luận xã hội ủng hộ, làm mất đi niềm tin của nhân dân vào hệ thống các cơ quan pháp luật.

Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm đến đời sống, phương tiện làm việc của cán bộ tư pháp nhưng trước yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay thì chưa đáp ứng được tính chất phức tạp của công việc đấu tranh chống tội phạm. Về tiền lương và các chế độ đãi ngộ khác còn thấp làm ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động của đội ngũ cán bộ. Điều kiện và phương tiện làm việc của các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng chưa theo kịp yêu cầu…

Kết luận chương 2

BLTTHS năm 1988 được ban hành là kết quả của hơn 40 năm tổng kết thực tiễn và lý luận trong công tác xét xử hình sự, trong đó có quy định về giới hạn xét xử sơ thẩm và ngày càng được hoàn thiện, được quy định tại Điều 196 BLTTHS năm 2003. Giới hạn xét xử sơ thẩm là cơ sở để các cơ quan tiến hành tố tụng làm tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình; Đồng thời, là căn cứ pháp lý giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết các vụ án được khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội,

đúng pháp luật, bảo đảm được các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần duy trì sự ổn định trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, phát triển nền kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, của dân, do dân, vì nhân dân.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành quy định này cũng bộc lộ những hạn chế về phạm vi giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thể hiện tính độc lập trong xét xử của Tòa án chưa được thực hiện một cách đúng nghĩa, Tòa án bị ràng buộc quá chặt vào quyết định truy tố của VKS, do vậy đã làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

Qua đây, chúng ta cũng thấy được những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế trong việc thực hiện quy định về giới hạn xét xử để có sự đánh giá chính xác quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng, trên cơ sở đó có sự kế thừa và bổ sung phù hợp.

Vì vậy, giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự cần phải được nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan trên cơ sở lý luận và thực tiễn, làm căn cứ sửa đổi bổ sung các quy định về giới hạn xét xử sơ thẩm hình sự cho phù hợp trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Chương 3

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong luật Tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 79)