hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố
Trong thực tế, việc Tòa án xét xử bị cáo về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố là rất ít.
Trong Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 đã đưa ra hướng dẫn so sánh thế nào là tội nhẹ hơn, thế nào là tội nặng hơn. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử vẫn phát sinh vướng mắc. Ví dụ: hồ sơ vụ án hình sự số 65/2007/HSST đối với Phạm Văn Kiên - sinh năm 1968 cùng đồng phạm phạm tội "Hủy hoại tài sản". Tóm tắt nội dung vụ án như sau: Vào ngày 15/7/2007, Phạm Văn Kiên làm thịt dê, tổ chức ăn uống tại nhà Kiên, cùng tham gia ăn uống có Nguyễn Đình Hòe, Phạm Xuân Nghị, Nguyễn Trọng Tú và hai đứa con của Kiên. Ăn uống xong thì Tú ra về, hai đứa con của Kiên đi ngủ. Khi chỉ còn ba người (Kiên, Hòe và Nghị), Nghị khởi xướng việc đi đốt rừng thông, Kiên và Hòe đồng ý. Sau đó, Kiên và Nghị đi lấy hương, diêm, sợi dây để làm mồi đi đốt rừng. Hòe thì dùng một chiếc vợt muỗi để soi đường cho cả bọn. Cả ba đã vào rừng và đốt cháy rừng sản xuất với diện tích đám cháy là 8,75 ha, trong đó thông nhựa cho thu hoạch là 4,29 ha. Rừng này do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương quản lý và lô rừng bị cháy do ông Phạm Viết Đệ bảo vệ.
Viện kiểm sát nhân dân huyện Chí Linh truy tố ba bị can Nghị, Hòe, Kiên về tội "Hủy hoại tài sản" theo Khoản 2 Điều 143 BLHS. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, TAND huyện Chí Linh thấy ba bị can không phạm tội "Hủy hoại tài sản" mà phạm tội "Hủy hoại rừng" theo Điểm a Khoản 3
Điều 189 BLHS. Do vậy, Tòa án đã ra quyết định trả hồ sơ cho VKS hai lần để VKS truy tố các bị can đúng tội danh. Tuy nhiên, VKS vẫn giữ nguyên quyết định truy tố ban đầu. Tại phiên tòa, đại diện VKS vẫn không thay đổi quan điểm. Theo qui định tại Điều 196 BLTTHS năm 2003, Tòa án có thể xét xử bị cáo về một tội khác nhẹ hơn tội mà VKS truy tố. Đối chiếu với qui định tại điểm b tiểu mục 2.2 Mục 2 Phần II Nghị quyết 04/2004, TAND huyện Chí Linh nhận thấy mức hình phạt nặng nhất của tội "Hủy hoại tài sản" là tù chung thân (Khoản 4 Điều 143 BLHS), còn mức hình phạt nặng nhất của tội "Hủy hoại rừng" chỉ là 15 năm tù. Trên cơ sở đó, TAND huyện Chí Linh xác định tội "Hủy hoại rừng" (Điều 189) là tội nhẹ hơn so với tội "Hủy hoại tài sản" (Điều 143) nên đã kết án ba bị cáo về tội "Hủy hoại rừng" theo Điểm a Khoản 3 Điều 189 BLHS.
Qua vụ án, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng, tuy xét xử theo tội nhẹ hơn nhưng khi áp dụng Điểm a Khoản 3 Điều 189 BLHS (khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù) thực chất lại gây bất lợi hơn cho bị cáo so với việc xét xử về tội "Hủy hoại tài sản" theo Khoản 2 Điều 143 BLHS (khung hình phạt chỉ từ 2 năm đếm 7 năm).
Như vậy, vấn đề đặt ra cần giải quyết là: trong trường hợp xét xử bị cáo về một tội khác nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố, Tòa án có được áp dụng khung hình phạt nặng hơn hay không? Nếu được áp dụng khung hình phạt nặng hơn thì có được quyết định hình phạt nặng hơn mức cao nhất của khung hình phạt mà VKS truy tố hay không?
Có thể khẳng định cách xác định tội danh bằng, nặng hơn, nhẹ hơn đã được TANDTC hướng dẫn một cách chi tiết, rất thuận lợi cho việc áp dụng qui định về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Tuy nhiên, từ ví dụ trên chúng tôi lại thấy cách xác định như vậy chưa thật sự hợp lý.
Việc so sánh tội này nặng hơn (hoặc nhẹ hơn) tội kia chỉ trên cơ sở hình phạt nặng nhất, nhẹ nhất của điều luật mà không xem xét các khung hình
phạt cụ thể trong từng điều luật, thì dường như chúng ta chỉ quan tâm đến tính quan trọng của khách thể của tội phạm mà chưa quan tâm đến các yếu tố khác có ảnh hưởng đến tính nguy hiểm của tội phạm (như tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, mức độ lỗi, mức độ hậu quả).
Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu hướng dẫn cụ thể về những vướng mắc trên để có nhận thức thống nhất trong áp dụng pháp luật.