2.3.1.1. Những kết quả
Trong thời gian vừa qua, về cơ bản chúng ta đã đạt được một số thành tựu nhất định trong lĩnh vực cải cách tư pháp, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN như Hiến pháp năm 1992 và các văn kiện, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã đề ra.
Một trong những thành tựu đó là chúng ta đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật trong đó có pháp luật TTHS nói chung và quy định về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nói riêng. Trong lĩnh vực TTHS, quy định về giới hạn xét xử đã được quan tâm nghiên cứu, tổng kết rút kinh nghiệm qua nhiều năm và đã dần được pháp điển hóa thông qua BLTTHS năm 1988 và năm 2003.
Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/11/2002 về một số nhiệm vụ trọng
tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày
02/06/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định nhiệm vụ cải cách tư pháp như sau:
Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng đảm bảo công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Khi xét xử, Tòa án phải đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo nguyên đơn, bị đơn và người có quyền và lợi ích hợp pháp để đưa
ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và
trong thời hạn luật định [10].
Trong thời gian qua, để triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương về cải cách tư pháp, cải cách hệ thống các cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan Tòa án, Tòa án các cấp đã thực hiện đúng quy định về giới hạn xét xử và nâng cao chất lượng các phiên tòa, thể hiện khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đã tuân thủ nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật - một nguyên tắc quan trọng bậc nhất của TTHS nước ta; Qua đó, vai trò, vị trí của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đã được đề cao. Quy định về giới hạn xét xử cũng chính là biện pháp đảm bảo cho quyền độc lập xét xử của Tòa án được thực hiện trong thực tế.
Việc quy định về giới hạn xét xử cũng đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo và người bào chữa được thực hiện triệt để và trở thành một nguyên tắc tố tụng quan trọng, tạo điều kiện cho bị cáo chuẩn bị và thực hiện tốt quyền bào chữa tại phiên tòa. Qua đó có thể khẳng định quy định về giới hạn xét xử là một trong những biện pháp đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo.
Ngoài ra, quy định về giới hạn xét xử còn xác định giới hạn tranh tụng tại phiên tòa, xác định tội danh đối với bị cáo và điều quan trọng là xác định sự thật khách quan của vụ án để Tòa án ra một bản án có căn cứ, đúng pháp luật.
Trong giai đoạn thực hiện cải cách tư pháp, mỗi năm toàn ngành Tòa án thụ lý giải quyết, đưa ra xét xử hàng nghìn vụ án hình sự sơ thẩm (khoảng trên 40.000 vụ, đạt tỷ lệ 95%). Nhìn chung việc xét xử của Tòa án đã thực hiện đúng các quy định của BLTTHS năm 2003, góp phần nâng cao chất lượng xét xử các vụ án theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Các vụ án đều được đưa ra xét xử trong thời hạn luật định. Việc xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa đã có nhiều đổi mới và chuyển biến. Các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đã phát huy vai trò là người trọng tài, đại diện
VKS đã nêu cao vai trò là người thay mặt Nhà nước duy trì quyền công tố trước Tòa án, luật sư và người bào chữa của bị cáo đã được tôn trọng. "Số vụ án có sai sót giảm hơn trước, số vụ kháng cáo, kháng nghị chỉ trên dưới 25%, tỷ lệ xét xử phúc thẩm đạt trên70%, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy chỉ có 0,71%" [46]. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã cố gắng tuân thủ các quy định của BLTTHS, đặc biệt là quy định về trình tự, thủ tục xét xử tại phiên tòa, trong đó có quy định về giới hạn xét xử, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; Đồng thời, thông qua công tác xét xử đã giáo dục, tuyên truyền ý thức tuân thủ pháp luật, đấu tranh phòng và chống tội phạm.
Thực tế cho thấy, tuy còn có những vấn đề cần phải nghiên cứu hoàn thiện nhưng quy định về giới hạn xét xử đã tạo cho Tòa án sự chủ động trong điều hành các phiên tòa theo đúng tinh thần cải cách tư pháp. Đây là một bước tiến lớn, vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền và tiến hành cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.
2.3.1.2. Nguyên nhân kết quả đạt được
Trong thời gian vừa qua, các Tòa án đã thực hiện đúng vai trò của mình trong xét xử các vụ án hình sự, thể hiện chất lượng xét xử đã được nâng cao, tuân thủ trình tự TTHS, các bản án hoặc quyết định ban hành trên cơ sở khách quan, công bằng, đúng đường lối chính sách, đúng pháp luật, được xã hội thừa nhận không những góp phần xử lý được người phạm tội, bảo vệ được các quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, của công dân mà còn góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Đạt được kết quả trên, có thể kể đến các nguyên nhân sau:
Về khách quan: trước hết là các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa thông qua các quy định của pháp luật như BLTTHS, BLHS… đã tạo khung pháp lý để Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ của mình. Các quy định về thủ tục TTHS tại phiên tòa nói chung, quy định về giới hạn xét xử nói riêng đã giúp Thẩm
phán và Hội thẩm nhân dân điều khiển phiên tòa theo đúng quy định, thể hiện được vị trí vai trò của Tòa án trong xét xử vụ án được khách quan, đảm bảo tính có căn cứ và hợp pháp của các phán quyết của Tòa án. Việc xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa cũng như đánh giá chứng cứ tài liệu có liên quan đến vụ án được khách quan, toàn diện làm cơ sở để Thẩm phán ra bản án đúng pháp luật.
Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng đã quan tâm đào tạo, thường xuyên hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ, tổ chức các hoạt động giao lưu để đội ngũ cán bộ được học hỏi kinh nghiệm về xét xử trong nước và quốc tế, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu công tác.
Về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp đã được Đảng và Nhà nước quan tâm thể hiện qua chế độ tiền lương và các chính sách ưu đãi khác. Các quy định về chức danh chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Điều tra viên… đã được quy định rất rõ về tiêu chuẩn, ngạch bậc, nhiệm kỳ… để các cán bộ có động lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt những năm gần đây, Quốc Hội đã đổi mới việc phân bổ kinh phí hoạt động cho ngành Tòa án, ngành Kiểm sát, tăng thêm kinh phí hoạt động là 19% năm, năm 2010 tăng thêm 30%. Do vậy, điều kiện và phương tiện làm việc của các cơ quan này đã được cải thiện đáng kể. Chế độ tiền lương, làm thêm giờ và các chế độ khác cũng được quan tâm hơn. Cải cách tiền lương theo Nghị quyết 730 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quy định của Chính phủ thì cán bộ công chức trong các ngành tư pháp được tăng thêm so với công chức ở các cơ quan hành chính khác về phụ cấp là 20%, 25%, 30% (tương đương với ngạch Thẩm phán cấp huyện, tỉnh và Trung ương); có phụ cấp chức vụ và phụ cấp thâm niên vượt khung, các chức danh Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác được hưởng thâm niên nghề kể từ năm 2009. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ tư pháp đã giúp họ yên tâm công tác, có trách nhiệm với công việc. Ngoài ra, các chế tài về xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và Tòa án từng
bước được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện là cơ sở để khẳng định và nâng cao địa vị pháp lý của Thẩm phán tương xứng với nhiệm vụ mà pháp luật quy định.
Trong nội bộ các ngành tư pháp nói chung, Tòa án nói riêng, công tác kiểm tra, rà soát các hoạt động tố tụng, nội dung các bản án, quyết định của HĐXX đã được coi trọng vì vậy đã kịp thời rút kinh nghiệm và hạn chế được sai phạm. Việc cập nhật văn bản pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn của TANDTC và các cơ quan tư pháp được thực hiện thường xuyên nên đã nâng cao nhận thức pháp luật của cán bộ, giúp họ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Về chủ quan: Đội ngũ cán bộ tư pháp nói chung, Thẩm phán nói riêng đã nhận thức đầy đủ và sâu sắc về tính chất và tầm quan trọng của việc xét xử tại phiên tòa theo tinh thần của Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Đặc biệt là trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay, đội ngũ cán bộ tư pháp đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung Ương về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm như Nghị quyết 09/CP ngày 31/7/1998 và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ. Các Thẩm phán cũng như cán bộ tư pháp đã xác định đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ của mình, thể hiện sự công tâm, khách quan, có năng lực và trách nhiệm với công việc, có ý thức tổ chức kỷ luật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.