Hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật TTHS nói riêng, trong đó có quy định về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là góp phần vào việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời
gian tới theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị
Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Theo chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, cần cải cách căn bản, toàn diện hệ thống các cơ quan tư pháp. Do vậy; Nghị quyết đã chỉ ra phương hướng của cải cách tư pháp và xác định Tòa án có vị trí trung tâm, xét xử là hoạt động trọng tâm.
Để đạt được mục tiêu của cải cách tư pháp, Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đã chỉ rõ những biện pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư pháp trong thời gian tới là:
Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng đảm bảo công khai, dân chủ, văn minh; Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa xét xử, coi đây là
khâu đột phá của hoạt động tư pháp [10].
Theo đó, phải đổi mới toàn bộ hệ thống Tòa án, hệ thống các cơ quan Điều tra, VKS và các cơ quan Bổ trợ tư pháp khác cũng như hoạt động thực tiễn và đội ngũ cán bộ của ba hệ thống các cơ quan này; đồng thời, hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có các quy định về giới hạn xét xử sơ thẩm hình sự, nhằm đạt được kết quả cuối cùng là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Trong các nhóm vấn đề cần giải quyết để thực hiện cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, việc sửa đổi bổ sung các quy định của BLTTHS, trong đó có quy định về giới hạn xét xử sơ thẩm hình sự thì nhóm giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật là giải pháp quan trọng. Theo đó, tiến trình rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật nói chung, pháp luật về TTHS nói riêng để đồng bộ và thống nhất với hệ thống pháp luật, góp phần đảm bảo pháp chế trong hoạt động của các cơ quan Tiến hành tố tụng, vì đây là nền tảng, là cơ sở để tiến hành và thực hiện cải cách tư pháp có kết quả trong thực tế.
Việc triển khai thực thiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị là cơ sở hoàn thiện tổ chức bộ máy, cán bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng và là cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật TTHS nói riêng, trong đó có quy định về giới hạn xét xử sơ thẩm hình sự. Vì vậy, việc nghiên cứu để sửa đổi bổ sung quy định về giới hạn xét xử sơ
thẩm hình sự hiện nay là rất cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc triển khai đường lối của Đảng trong lĩnh vực tư pháp.
Bởi vì, qui định về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thể hiện rõ sự phân định nhiệm vụ, quyền hạn của Nhà nước đối với VKS và Tòa án đã được ghi nhận trong Hiến pháp đồng thời nó cũng thể hiện mối quan hệ phối hợp và chế ước lẫn nhau giữa hai cơ quan này. VKS và Tòa án nhân danh Nhà nước thực hiện quyền lực nhà nước một cách khách quan, công minh vì lợi ích của Nhà nước, của xã hội cũng như lợi ích của công dân.
Qui định về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự bảo đảm cho bị cáo thực hiện được những quyền công dân của mình. Cụ thể là đảm bảo cho bị cáo có điều kiện để có thể thực hiện quyền bào chữa của mình tại phiên tòa, tạo điều kiện tranh tụng bình đẳng giữa bị cáo, người bào chữa của bị cáo với người thực hành quyền công tố.
Chủ tọa phiên tòa với vai trò là người điều khiển phiên tòa đồng thời làm trọng tài giữa các bên tranh tụng lắng nghe ý kiến tranh luận của đại diện VKS và những người tham gia tố tụng khác, trên cơ sở đó mới xem xét ra quyết định hoặc bản án. Chỉ như thế mới ngăn chặn được việc xét xử bị cáo về những hành vi và tội danh không bị truy tố, loại trừ việc xét xử những người không bị VKS truy tố hoặc truy tố không đúng theo trình tự, thủ tục mà pháp luật TTHS đã quy định.
Vấn đề giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được qui định một cách đúng đắn là cơ sở đảm bảo cho Tòa án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần bảo đảm nguyên tắc pháp chế XHCN, bảo đảm công bằng xã hội, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với các cơ quan tư pháp nói riêng, với Đảng và Nhà nước nói chung.