Sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự có liên quan đến giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong luật Tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 96)

liên quan đến giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sungĐiều 196 BLTTHS

Theo qui định của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng như pháp luật TTHS, chỉ có VKS bằng bản cáo trạng mới có quyền quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện hành vi phạm tội ra trước Tòa án để xét xử. Tương tự như vậy, Tòa án được xác định là cơ quan duy nhất thực hiện chức năng xét xử ở nước ta.

Viện kiểm sát có quyền truy tố người phạm tội về những hành vi theo tội danh được BLHS qui định nhưng việc xác định người đó có tội hay không có tội, nếu có tội thì là tội gì, được qui định trong điều khoản nào của BLHS lại thuộc thẩm quyền của HĐXX. Vì khi xét xử vụ án, HĐXX phải căn cứ và chỉ được căn cứ vào kết quả của quá trình xét hỏi, kiểm tra chứng cứ, tranh luận tại phiên tòa, vào kết quả của quá trình nghị án trên cơ sở qui định của pháp luật để quyết định bản án (Điều 199, 222). Điều đó có nghĩa là "quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa (với tính chất là cuộc điều tra chính thức) là quá trình thẩm tra công khai các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án mà

VKS đã dựa vào để truy tố; đồng thời đó cũng là quá trình thu thập, xác định thêm các chứng cứ mới" [15, tr. 60-61].

Theo qui luật về sự vận động và phát triển thì các tình tiết, tài liệu được thu thập, sử dụng để đưa ra các kết luận trong các giai đoạn tố tụng không phải là "bất biến". Thực tế đã xảy ra trường hợp các sự kiện, tài liệu được Cơ quan điều tra, VKS sử dụng làm chứng cứ để đưa ra kết luận bị loại trừ vì tính không phù hợp của chúng; trong khi đó cũng có những tài liệu mới được thu thập qua xét xử tại phiên tòa lại phản ánh đúng thực tế khách quan của vụ án, đủ điều kiện đưa ra kết luận khác với kết luận của VKS. Chẳng hạn như các tình tiết thực tế được xác định chắc chắn rằng bị cáo không phạm tội hoặc phạm một tội khác với tội mà VKS đã truy tố hoặc phạm tội trong trường hợp khác với trường hợp mà VKS truy tố… HĐXX sẽ quyết định như thế nào trong trường hợp này?

Theo qui định tại Điều 196 BLTTHS năm 2003, HĐXX được quyền ra bản án tuyên vô tội đối với bị cáo, quyết định khoản khác với khoản mà VKS truy tố trong cùng điều luật (có thể là khoản nhẹ hơn hoặc nặng hơn), thay đổi tội danh bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà VKS truy tố. Thế nhưng HĐXX lại không được quyền đổi tội danh khác nặng hơn tội danh mà VKS truy tố thì chưa thật thỏa đáng. Giả sử cáo trạng của VKS truy tố bị can về tội trộm cắp tài sản theo qui định tại Điều 138 BLHS năm 1999 nhưng tại phiên tòa, bằng các chứng cứ mới xác định và trên cơ sở thẩm tra lại các chứng cứ có trong hồ sơ, HĐXX xác định bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản mà hành vi phạm tội đã chuyển hóa thành tội cướp tài sản theo qui định tại Điều 133 BLHS 1999. Tội phạm này nặng hơn tội mà VKS truy tố. Trong trường hợp này, theo qui định của pháp luật tố tụng hiện hành, Tòa án chỉ được phép ra bản án tuyên bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản theo cáo trạng của VKS. Như vậy, liệu đã thực sự đảm bảo được yêu cầu xét xử đúng người, đúng tội, áp dụng đúng pháp luật? Nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án phải chăng đã được đảm bảo? Theo chúng tôi, qui định như vậy là chưa hợp lý.

Như đã phân tích ở trên (phần 1.2.1), nguyên tắc: "Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" là nguyên tắc đặc trưng và cơ bản của hoạt động tố tụng nói chung và TTHS nói riêng. Nguyên tắc này cần được quán triệt và tuân thủ trong cả quá trình tố tụng. Nguyên tắc này yêu cầu mọi phán quyết của HĐXX không chịu bất kỳ một tác động nào từ bên ngoài và cả những tác động ngay từ bên trong nội bộ các thành viên HĐXX.

Khi xét xử, HĐXX chỉ được căn cứ vào sự thật khách quan của vụ án đã được xác định ngay tại phiên tòa, từ đó dựa vào qui định của pháp luật hình sự, pháp luật TTHS để ra quyết định hoặc bản án. Một trong những nội dung của nguyên tắc này là HĐXX độc lập với yêu cầu hay kết luận của Cơ quan điều tra, VKS. Vì vậy, nếu kết luận trong bản án của HĐXX có mâu thuẫn với quyết định truy tố của VKS hay kết luận của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa (nếu như kết luận của HĐXX là có căn cứ) thì cũng là một tất yếu khách quan cần được công nhận vì đây là kết luận được đưa ra trên cơ sở pháp luật và chỉ tuân theo pháp luật. Sẽ thật vô lý và khó chấp nhận trong trường hợp VKS truy tố bị can về một tội danh nào đó nhưng trong quá trình thẩm vấn và tranh tụng công khai, HĐXX xác định chắc chắn rằng bị cáo không phạm tội đó mà phạm một tội khác nặng hơn nhưng lại không được ra bản án kết tội bị cáo về tội nặng hơn đó. Nếu như vậy thì nguyên tắc "Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" không thể được đảm bảo. Theo chúng tôi, cần phải qui định cho HĐXX được quyền xét xử bị cáo theo tội danh khác nặng hơn tội mà VKS truy tố.

Hiến pháp cũng như các văn bản pháp luật khác như Luật tổ chức TAND, BLTTHS đều qui định xét xử là chức năng riêng của Tòa án. Tại phiên tòa, cả ba chức năng cơ bản của TTHS được thực hiện đồng thời, đó là chức năng xét xử của Tòa án, chức năng công tố của VKS và chức năng bào chữa của bị cáo.

Trong quá trình xét xử tại phiên tòa, sự tham gia của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác đều đặt dưới sự điều khiển của HĐXX mà trực tiếp là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Mặt khác, theo qui định tại Điều 222 BLTTHS thì chỉ có Thẩm phán và Hội thẩm mới có quyền nghị án. Khi nghị án, chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.

Như vậy, pháp luật tố tụng nước ta trao cho Tòa án (cụ thể là HĐXX) được giải quyết các vấn đề về thực chất của vụ án hình sự. Do đó, sẽ hợp lý hơn nếu pháp luật qui định cho Tòa án độc lập trong xét xử, không phải phụ thuộc vào tội danh nêu trong cáo trạng. Chúng tôi đồng ý với ý kiến cho rằng:

Theo logic của vấn đề sẽ không có gì là bất hợp lí nếu Hội đồng xét xử có quyền xét xử hành vi mà VKS đã truy tố theo tội danh nặng hơn và áp dụng hình phạt nặng hơn so với đề nghị của VKS. Cần nhận thức rằng tất cả các ý kiến của các bên tham gia tố tụng (công tố và bào chữa) đều chỉ có giá trị tham khảo với Hội đồng xét xử. Có như vậy mới bảo đảm được thẩm quyền và tính độc

lập khi xét xử của Tòa án [38, tr. 67].

Trong trường hợp nếu VKS không đồng ý với các quyết định của HĐXX, VKS có quyền kháng nghị theo những trình tự luật định.

Để đảm bảo hoạt động xét xử của Tòa án được đúng đắn, khách quan, pháp luật TTHS qui định hoạt động đó không chỉ chịu sự kiểm tra, giám sát của Tòa án cấp trên mà bản án và quyết định của Tòa án còn có thể bị xem xét lại theo các thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

Hơn thế nữa, trong quá trình kiểm sát việc tuân theo pháp luật, nếu VKS không nhất trí với phán quyết của HĐXX hoặc xét thấy bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới có thể làm thay

đổi căn bản nội dung bản án thì VKS có thể sử dụng quyền kháng nghị để Tòa án cấp trên xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới.

Mặt khác, trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật thì BLTTHS còn qui định cho bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác có quyền và lợi ích pháp lý liên quan đến vụ án được quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm; phát hiện và cung cấp những tài liệu làm căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm trong trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Do đó, theo chúng tôi cần sửa đổi, bổ sung qui định về giới hạn xét xử sơ thẩm theo hướng cho phép Tòa án có thẩm quyền xét xử theo tội danh nặng hơn tội danh mà VKS đã truy tố nếu có căn cứ. Qui định này sẽ đảm bảo triệt để nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử, đảm bảo nguyên tắc xác định sự thật của vụ án.

Để đảm bảo tính thống nhất trong các qui định của BLTTHS cũng cần phải xem xét mối quan hệ giữa giới hạn xét xử sơ thẩm qui định tại Điều 196 với qui định về quyền hạn của Tòa án án cấp phúc thẩm tại khoản 3 Điều 249 BLTTHS năm 2003.

Điều 196 BLTTHS năm 2003 qui định Tòa án cấp sơ thẩm không được xét xử bị cáo theo tội danh khác nặng hơn so với tội danh mà VKS truy tố nếu VKS không thay đổi cáo trạng theo hướng đổi tội danh khác nặng hơn mà vẫn quyết định giữ nguyên cáo trạng ban đầu trước khi mở phiên tòa nhưng tại Khoản 3 Điều 249 thì lại cho phép HĐXX phúc thẩm có quyền áp dụng điều khoản BLHS về tội nặng hơn đối với bị cáo bị kháng cáo hoặc kháng nghị theo hướng đó. Theo chúng tôi qui định như vậy là thiếu sự thống nhất về quyền hạn của HĐXX ở hai cấp xét xử này.

Để tìm ra phương án tối ưu giải quyết vấn đề về giới hạn xét xử sơ thẩm, chúng ta không thể không tham khảo pháp luật tố tụng của các nước trên thế giới về vấn đề này.

- Theo qui định tại các điều 232, 331 BLTTHS của Cộng hòa Liên bang Nga thì khi Tòa án thấy "có căn cứ để buộc tội bị can về một tội nặng hơn đã ghi trong bản cáo trạng" thì "Tòa án ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung về tội phạm ấy. Quyết định này của Tòa án có thể bị kháng nghị, nhưng khi Tòa án cấp trên phúc thẩm lại thì quyết định phúc thẩm có hiệu lực thi hành và là quyết định cuối cùng" [Dẫn theo 16, tr. 3-4].

- Trong BLTTHS của Trung Quốc và BLTTHS của Cộng hòa Pháp không có điều luật nào qui định về giới hạn xét xử của Tòa án, mà thẩm quyền của Tòa án trong từng loại việc, từng giai đoạn xét xử được qui định cụ thể. Ví dụ, "Điều 108 BLTTHS của Trung Quốc qui định Tòa án trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung chỉ khi chứng cứ buộc tội không đầy đủ (chứ không phải vì lí do bị cáo phạm tội khác với tội nêu trong cáo trạng) hoặc Điều 120 BLTTHS Trung Quốc, các điều 351, 366…

- BLTTHS của Cộng hòa Pháp qui định: HĐXX dựa trên những tình tiết và chứng cứ đã được điều tra rõ, đối chiếu với qui định của pháp luật mà tuyên bố bị cáo có tội hay vô tội, phạm tội gì, áp dụng hình phạt nào... không thấy có qui định nào hạn chế hoặc không cho phép Tòa án kết án bị cáo về tội danh khác với tội danh bị truy tố.

- Tại các điều 298, 321, 323… BLTTHS của Hàn Quốc qui định Tòa án có quyền thay đổi nội dung truy tố của cáo trạng, nhưng lưu ý hai trường hợp như sau: nếu việc thay đổi tội danh không gây bất lợi cho bị cáo (tội nặng hơn) thì "Tòa án có thể tự quyết định hoặc theo đề nghị của bị can, luật sư bào chữa hoãn phiên tòa trong thời gian nhất định để bị cáo chuẩn bị bào chữa" [Dẫn theo 16, tr. 4].

- Theo qui định của các BLTTHS của Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia, Canada và một số nước khác thì có những qui định rất cụ thể cho phép Tòa án định tội, kết án bị cáo hoàn toàn căn cứ vào kết quả thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa công khai, không bị hạn chế hoặc lệ thuộc vào tội danh đã bị truy tố.

Điều 192 BLTTHS của Thái Lan qui định:

Nếu Tòa án cho rằng những tình tiết nêu trong cáo trạng đã được chứng minh trong đề nghị truy tố nhưng đề nghị truy tố đó lại đề cập đến một tội phạm không đúng hoặc trích dẫn sai các điều khoản của Luật áp dụng, thì Tòa án có quyền phạt bị cáo theo tội thực tế mà bị cáo phạm phải.

Nếu tội nêu trong cáo trạng gồm nhiều hành vi mà bản thân mỗi hành vi đó là một tội, thì Tòa án có thể phạt bị cáo về bất cứ hành vi nào mà Tòa chứng minh được trong quá trình xét xử [Dẫn theo 16]. Điều 167 BLTTHS Malaysia qui định (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

… Nếu chứng cứ tại phiên tòa cho thấy bị cáo phạm tội khác thì bị cáo bị kết án về tội khác mặc dù bị cáo không bị truy tố buộc tội về tội đó.

Điều 662 Bộ luật Tố tụng hình sự Canada cũng qui định: Trường hợp bị truy tố về một tội, nhưng chứng minh được bị cáo phạm tội khác, thì bị cáo có thể kết án về tội mà thực tế bị cáo đã phạm [Dẫn theo 16, tr. 4].

Qua những ví dụ trên có thể thấy không có nước nào qui định Tòa án buộc phải xét xử theo tội danh mà bản cáo trạng đã truy tố mà đều cho phép Tòa án trên cơ sở các chứng cứ và tình tiết của vụ án được thẩm tra tại phiên tòa công khai để quyết định bị cáo có phạm tội hay không, phạm tội gì và áp dụng mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội. Tòa án không bị ràng buộc phải theo tội danh đã ghi trong bản cáo trạng.

Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng để giải quyết được vướng mắc nêu ra ở phần 2.2.3 cũng nên cho phép Tòa án xét xử theo khung nặng hơn và có thể quyết định hình phạt cao hơn mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt mà VKS truy tố trong trường hợp Tòa án thấy cần xét xử theo tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS truy tố. Như vậy, sẽ đảm bảo các nguyên

tắc cơ bản của TTHS, đảm bảo mục đích của TTHS là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Từ những lập luận trên, chúng tôi kiến nghị bổ sung vào Điều 196 BLTTHS năm 2003 qui định thẩm quyền của Tòa án được xét xử về một tội nặng hơn tội mà VKS đã truy tố.

Cụ thể Đoạn 1 của Điều 196 BLTTHS sẽ được sửa đổi như sau: Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát đã truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử...

Đoạn 2 của Điều 196 vẫn giữ nguyên.

Bổ sung Đoạn 3 của Điều 196 như sau: Tòa án có thể xét xử bị cáo về tội khác nặng hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, nhưng phải đảm bảo cho bị

cáo được thực hiện quyền bào chữa của mình.

Thứ hai, sửa đổi bổ sung Điều 178 BLTTHS

Bên cạnh đó, cũng cần sửa đổi, bổ sung Điều 178 BLTTHS có liên quan đến giới hạn xét xử để tạo ra sự thống nhất của các qui định trong BLTTHS đồng thời đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử có ý nghĩa pháp lý rất quan trọng, giúp cho việc xét xử vụ án đúng thủ tục luật định, đảm bảo các quyền dân chủ của

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong luật Tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 96)