1.2.2.1. Xuất phát từ nhu cầu cần giải quyết những ý kiến chưa thống nhất giữa Viện kiểm sát và Tòa án
Giới hạn xét xử sơ thẩm hình sự là một chế định pháp lý quan trọng, xác định phạm vi và trách nhiệm của Tòa án trong việc giải quyết vụ án hình sự. Chế định này có liên quan đến nhiều chế định khác của pháp luật TTHS
và là vấn đề có nội dung phức tạp cả về lý luận và thực tiễn áp dụng. Vì vậy, trong quá trình thi hành pháp luật, chế định này luôn có những ý kiến khác nhau và qua thực tiễn áp dụng ngày càng được hoàn thiện; đồng thời, cũng đặt ra vấn đề cần nghiên cứu dưới nhiều góc độ, làm căn cứ xây dựng và hoàn chỉnh chế định này, cụ thể như sau:
Trước khi BLTTHS đầu tiên của Việt Nam được ban hành năm 1988, quan hệ tố tụng giữa VKS và Tòa án trong phiên tòa xét xử các vụ án hình sự không được điều chỉnh bằng các văn bản có giá trị pháp luật cao như luật hay pháp lệnh, mà giới hạn xét xử các vụ án hình sự sơ thẩm được quy định ở những văn bản khác nhau với những nội dung có sự thay đổi theo nhận thức và tổng kết thực tiễn của từng thời kỳ lịch sử.
Do vậy, khi có những ý kiến bất đồng giữa hai cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ án hình sự đang trong quá trình thụ lý xét xử thì về cơ bản chúng được giải quyết thông qua sự thương lượng giữa lãnh đạo của hai cơ quan đang thụ lý vụ án hoặc lãnh đạo của hai cơ quan cấp trên trực tiếp.
Năm 1964, căn cứ vào những quy định của pháp luật và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn công tác xét xử hình sự, TANDTC đã xây dựng Đề án về trình tự xét xử sơ thẩm về hình sự, trong đó, bước đầu đã xác định những nguyên tắc chung và trình tự tố tụng sơ thẩm về hình sự.
Trên thực tế, trong điều kiện chưa có BLTTHS, bản Đề án này đã trở thành tài liệu hướng dẫn hữu ích cho các cấp Tòa án đảm bảo xét xử đại đa số các vụ án hình sự sơ thẩm được khách quan và chính xác. Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn và triển khai việc áp dụng trình tự tố tụng đó cũng bộc lộ những nhược điểm là:
Theo trình tự tố tụng đã được hướng dẫn trước đây thì Tòa án nhân dân không có quyền xét xử với tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát đã truy tố, do đó, nếu đã trao đổi ý kiến với Viện kiểm sát mà Viện kiểm sát không nhất trí về việc đổi tội danh nặng
hơn thì Tòa án nhân dân phải xét xử tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, mặc dù việc định tội danh là không đúng. Tình trạng đó không đảm bảo được xét xử đúng tội phạm của bị cáo và hạn chế tác dụng trong việc đấu tranh chống tội phạm [44, tr. 111].
Sau 10 năm thực hiện Đề án trình tự xét xử sơ thẩm hình sự, TANDTC đã ban hành "Bản hướng dẫn về trình tự tố tụng sơ thẩm về hình sự" ban hành kèm Thông tư số 16-TANDTC ngày 17/09/1974, trường hợp Tòa án có ý kiến khác với ý kiến của VKS về các vấn đề: cấu thành tội phạm, năng lực chịu trách nhiệm hình sự của bị cáo, tội danh, điều luật áp dụng thì bắt buộc Tòa án phải họp trù bị với VKS trong vòng 15 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ vụ án.
Tại cuộc họp trù bị, các vấn đề được đưa ra thảo luận, nếu qua đó VKS nhất trí với Tòa án phải điều tra bổ sung về tội phạm của bị cáo phải truy tố, hoặc điều tra thêm về tội phạm khác hoặc người phạm tội khác mà không thể tách ra để xử riêng thì Tòa án trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung.
Trường hợp VKS không nhất trí với Tòa án về việc thay đổi cáo trạng thì Tòa án vẫn phải đưa vụ án ra xét xử. Việc đưa vụ án ra phiên tòa xét xử là nhằm giao cho HĐXX căn cứ vào tình hình thực tế và các quy định của pháp luật mà xem xét và quyết định về việc đổi tội danh nặng hơn hoặc nhẹ hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu nhận thấy cần phải xét xử bị cáo về tội nặng hơn thì trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải ghi rõ tội danh mà bị cáo đã bị VKS truy tố cùng tội danh nặng hơn mà bị cáo có thể bị xét xử; Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được tống đạt cho bị cáo để họ có thể chuẩn bị bào chữa.
Khi ra phiên tòa, HĐXX sẽ căn cứ vào kết quả thẩm vấn và tranh luận tại phiên tòa mà xử lý bị cáo theo tội danh mà VKS đã truy tố hoặc theo tội danh nặng hơn.
Như vậy, trước khi có BLTTHS năm 1988, pháp luật TTHS nước ta quy định về giới hạn xét xử đã chú ý phân định chức năng TTHS giữa VKS
và Tòa án, đảm bảo được quyền bào chữa của bị cáo. Tuy đã có phân định nhưng vẫn còn sự lẫn lộn giữa quan hệ hành chính và quan hệ TTHS trong những trường hợp có sự khác nhau về quan điểm giữa VKS và Tòa án trong một số vụ án dễ dẫn tới tình trạng việc giải quyết vấn đề nào đó của vụ án không trên cơ sở qui định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động TTHS, không đảm bảo giải quyết đúng sự thật khách quan của vụ án.
Trong đó, vấn đề xác định giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án là một vấn đề có nhiều vướng mắc trong thực tiễn tố tụng, đòi hỏi Nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng qui định điều chỉnh mối quan hệ giữa hai cơ quan này trên cơ sở các quy định của pháp luật TTHS.
1.2.2.2. Xuất phát từ yêu cầu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo
Như đã khẳng định ở trên, bị can, bị cáo là chủ thể có địa vị pháp lý bất lợi nhất trong quá trình tố tụng. Do đó, việc bảo đảm những quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo có ý nghĩa rất to lớn đối với bản thân họ; đồng thời, đảm bảo công bằng xã hội. Pháp luật TTHS Việt Nam đã cụ thể hóa các quyền đó thành những quyền cụ thể khi họ tham gia vào hoạt động tố tụng với tư cách là bị can, bị cáo. Trong đó, quyền bào chữa là một quyền cơ bản và vô cùng quan trọng đòi hỏi phải được pháp luật và các cơ quan tiến hành tố tụng đảm bảo điều kiện cho bị cáo thực hiện.
Theo qui định của pháp luật TTHS, có nhiều biện pháp để đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo, trong đó việc đảm bảo cho bị cáo có điều kiện để chuẩn bị cho việc bào chữa tại phiên tòa là một biện pháp cần thiết (thể hiện trong qui định về giới hạn xét xử). Biết được mình bị truy tố và đưa ra xét xử về hành vi nào và tội danh gì để bị cáo và người bào chữa của họ sẽ có sự chuẩn bị thực hiện việc bào chữa tại phiên tòa.
Có thể nói, trước khi có BLTTHS năm 1988, pháp luật TTHS nước ta qui định về giới hạn xét xử đã chú ý đến việc đảm bảo quyền bào chữa của bị
cáo qua phân định chức năng trong TTHS giữa VKS và Tòa án; cụ thể là trong trường hợp, nếu giữa VKS và Tòa án có sự khác nhau về tội danh nặng hơn thì Tòa án vẫn quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo thì trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải ghi rõ là hành vi của bị cáo có thể bị xét xử theo điều khoản về tội danh nặng hơn. Đồng thời, quyết định đó buộc phải tống đạt cho bị cáo để họ có điều kiện thực hiện việc bào chữa của mình.
Theo quy định của BLTTHS năm 1988 thì cuộc họp trù bị giữa VKS và Tòa án trước khi mở phiên tòa không còn là bắt buộc nữa và Tòa chỉ được xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử; Tòa án không được xét xử những người và những hành vi chưa được VKS truy tố và không bị xét xử theo tội danh nặng hơn tội danh mà VKS truy tố.
Việc giải quyết vướng mắc của Điều 170 BLTTHS năm 1988 đã quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi của bị cáo là Tòa án không được xét xử tội danh nặng hơn tội danh mà VKS truy tố, nếu thấy phải truy tố thêm người, thêm tội hoặc cần xử bị cáo theo tội danh nặng hơn thì phải trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung và thay đổi cáo trạng. Do hạn chế của Điều 170, vướng mắc giữa VKS và Tòa án về giới hạn xét xử không được giải quyết triệt để nên nhiều vụ án bị kéo dài do phải xin ý kiến cấp trên, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo, trong khi họ là nhân vật trung tâm của TTHS.
Điều 196 BLTTHS năm 2003 tuy đã khắc phục được một số hạn chế của Điều 170 BLTTHS năm 1988 nhưng cũng chỉ có điểm mới là Tòa được xét xử theo khoản khác với khoản mà VKS truy tố trong cùng điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố. Như vậy, việc Tòa án có được xét xử về tội danh nặng hơn tội danh mà VKS truy tố hay không thì các điều luật trên chưa quy định.
Vấn đề ở đây là cần phải có quy định đảm bảo được nguyên tắc của Tòa án trong xét xử được độc lập và có thể xét xử bị cáo về tội nặng hơn và
quyền lợi của bị cáo cũng được đảm bảo, đó chính là cơ chế kháng cáo và kháng nghị phúc thẩm. Trong phạm vi cáo trạng truy tố về hành vi và con người cụ thể, Tòa án có thể xét xử và tuyên họ không phạm tội hoặc phạm tội với khung hình phạt nặng hơn, tội danh nặng hơn; Nếu không đồng ý với phán quyết của Tòa án, bị cáo có quyền kháng cáo, VKS có quyền kháng nghị lên cấp phúc thẩm.
Đảm bảo được quyền bào chữa của bị cáo phải trên cơ sở pháp luật; đồng thời, nếu pháp luật TTHS không qui định Tòa án chỉ được xét xử những bị cáo và những hành vi mà VKS đã truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử thì Tòa án có thể xét xử cả những bị cáo và những hành vi mà VKS không truy tố. Điều này sẽ làm cho bị can, bị cáo không có điều kiện để chuẩn bị cho việc bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng có nghĩa là không đảm bảo quyền công dân mà Hiến pháp đã ghi nhận và BLTTHS đã ghi nhận bằng nguyên tắc "Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo". Điều này cho thấy sự cần thiết phải có qui định về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.