Xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, Thẩm phán

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong luật Tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 106 - 108)

Yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng quyết định mọi vấn đề. Qui định của pháp luật dù đúng đắn đến đâu nhưng người tiến hành tố tụng không đủ về số lượng, không đáp ứng yêu cầu về chất lượng thì qui định ấy cũng khó có thể phát huy hiệu quả.

Thực tế, số lượng Kiểm sát viên, Thẩm phán ở nước ta ở nhiều nơi còn thiếu, chất lượng chưa thực sự đảm bảo dẫn đến tình trạng làm sai, một bộ phận cán bộ còn có những biểu hiện tiêu cực, đặc biệt là còn tình trạng có thẩm phán vi phạm pháp luật bị xử lý. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, tinh thần trách nhiệm công tác của một bộ phận cán bộ, công chức Tòa án vẫn còn hạn chế, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác xét xử, chưa theo kịp yêu cầu hội nhập quốc tế, việc thiếu cán bộ thẩm phán ở một số tòa án các tỉnh, huyện và yếu kém trong các hoạt động bổ trợ tư pháp là một thực tế tồn tại nhiều năm nay cần được giải quyết… Để đảm bảo qui định về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nói riêng và các qui định của pháp luật TTHS nói chung được thi hành nghiêm túc cần phải tiếp tục xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên và Thẩm phán đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Theo chúng tôi, cần phải tiến hành đồng thời một số biện pháp sau:

Thứ nhất, phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cử

nhân luật, đào tạo Kiểm sát viên, Thẩm phán; thường xuyên bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, kinh tế, xã hội, công nghệ

và ngoại ngữ. Đặc biệt phải thường xuyên tập huấn, trau dồi và củng cố các kiến thức về pháp luật cho đội ngũ cán bộ để hạn chế đến mức thấp nhất những sai lầm, thiếu sót có thể xảy ra trong quá trình giải quyết vụ án, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp luật XHCN. Từng bước xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên và Thẩm phán có đủ tâm và tài, có trình độ cao, có bản lĩnh, ý chí kiên cường và trung thực, thẳng thắn và khéo léo đấu tranh vì lẽ phải để tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Nhất là xã hội hiện nay xuất hiện một số loại tội phạm mới như: Tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm có yếu tố nước ngoài; tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thông qua các hoạt động tín dụng, vay nợ, hợp đồng kinh tế; các xới bạc hoạt động chuyên nghiệp; hoạt động của các băng nhóm tội phạm hình sự hoặc hành xử theo kiểu "xã hội đen" dũng vũ khí nóng hoặccótổ chức bí mật, khép kín, có mục tiêu hoạt động lâu dài, có cơ cấu tổ chức rõ ràng, chặt chẽ, bền vững với hai hoặc ba cấp. Cầm đầu ở những tổ chức tội phạm này thường là những tay anh chị giang hồ "có sừng có mỏ", có đầu óc tổ chức, có "số má" trong giới giang hồ hoặc các "thế giới ngầm", có hiểu biết khá rộng (về luật pháp, về xã hội…) và mối quan hệ rộng rãi, dùng đồng tiền để đổi trắng thay đen, bẻ cong sự thật.Nếu đội ngũ cán bộ của chúng ta không thường xuyên được củng cố kiến thức, rèn luyện bản lĩnh, ứng xử đúng mực, tuân thủ pháp luật thì rất dễ nản lòng hoặc bị cám dỗ, mua chuộc, sa ngã không hoàn thành nhiệm vụ, không bảo vệ được công lý và lẽ phải. Bên cạnh bản lĩnh và hiểu biết nghề nghiệp, đội ngũ cán bộ còn phải có cái tâm trong sáng, nhân đạo để không dửng dưng, thiếu trách nhiệm trước những đau khổ của con người, đặc biệt là của các nạn nhân và người bị hại. Kết hợp giữa nhiệm vụ "phụng công thủ pháp" với chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước mà xét xử sao cho công minh; Góp phần giáo dục, cải tạo những người phạm pháp trở thành người lương thiện; răn đe và ngăn ngừa tội phạm. Sao cho mục đích của các cơ quan tiến hành tố tụng không phải chỉ đơn giản là xét xử một vụ án, trừng

phạt một tội phạm nào đó mà quan trọng là làm giảm bớt những hoạt động phạm pháp của con người trong xã hội.

Thứ hai, phải có cơ chế thu hút, tuyển chọn những người có tâm huyết,

đủ đức, đủ tài vào làm việc ở VKS và Tòa án. Mở rộng nguồn để bổ nhiệm vào các chức danh Kiểm sát viên, Thẩm phán, không chỉ là các cán bộ trong cơ quan tư pháp mà còn là các luật gia, luật sư. Thực hiện cơ chế thi tuyển công khai để lựa chọn những người phù hợp vào các chức danh tư pháp. Kéo dài thời gian bổ nhiệm các chức danh này góp phần đảm bảo hơn tính độc lập và vị thế của họ trong hoạt động chuyên môn.

Thứ ba, Nhà nước cần phải đảm bảo về cơ sở vật chất, điều kiện làm

việc, chế độ đãi ngộ cho Kiểm sát viên, Thẩm phán để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế thị trường với những mặt trái của nó đã và đang tác động không nhỏ đến đội ngũ cán bộ Nhà nước, trong đó có các Kiểm sát viên và các Thẩm phán. Để họ không bị chi phối bởi tiêu cực xã hội, ngoài các qui định cụ thể, rõ ràng của pháp luật, sự giám sát của nhân dân, Nhà nước cần có sự đãi ngộ đúng mức để họ có thể vô tư, khách quan trong khi làm nhiệm vụ.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong luật Tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 106 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)