Về mặt thực tiễn xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong luật Tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 43)

Theo qui định hiện hành về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong BLTTHS năm 2003, Tòa án không được xét xử bị cáo theo tội danh khác nặng hơn tội mà VKS truy tố.

Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba "xét xử sơ thẩm" có hướng dẫn về Điều 196 của BLTTHS năm 2003 để Tòa án xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố hoặc xét xử về tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh đã nêu trong cáo trạng. Như vậy, Nghị quyết 04/NQ-HĐTP chỉ hướng dẫn thi hành Đoạn 2 Điều 196 của BLTTHS năm 2003 mà không hướng dẫn về trường hợp Tòa án thấy cần xét xử theo tội danh nặng hơn.

Trong thực tiễn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, các Tòa án vẫn phải nhận thức và thực hiện theo tinh thần hướng dẫn của Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 08/12/1988 của TANDTC, VKSNDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong BLTTHS năm 1988. Nếu qua xét xử, Tòa án phát hiện còn có người khác phạm tội hoặc có tội danh khác chưa bị truy tố thì Tòa án có quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tội phạm mới và giao cho VKS quyết định việc điều tra hoặc yêu cầu VKS khởi tố.

Nếu Tòa án xác định còn có người khác phạm tội có quan hệ trực tiếp đến việc xem xét một cách khách quan, toàn diện về vụ án đang xét xử, liên quan trực tiếp đến việc đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo thì HĐXX hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung, rồi cùng đưa ra xét xử.

Trong trường hợp Tòa án phát hiện bị cáo phạm một tội khác nặng hơn thì Tòa án ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo tội nặng hơn và đề nghị VKS thay đổi tội danh đã truy tố đối với bị cáo.

Nếu VKS không đồng ý thay đổi tội danh và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án vẫn phải xét xử theo tội danh đó. Quy định này buộc Tòa án phụ thuộc vào sự đánh giá của VKS, không đảm bảo nguyên tắc "Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" dẫn đến trên thực tế có những phiên tòa HĐXX nhận định bị cáo phạm một tội nặng hơn nhưng sau đó buộc phải tuyên theo tội mà VKS đã truy tố.

Việc qui định Tòa án phải xét xử theo tội danh VKS truy tố có thể hiểu là thừa nhận bị cáo có tội khi Tòa án chưa xét xử. Trong khi đó, tại thời điểm VKS truy tố và kể cả khi HĐXX đã tuyên án tuyên bố bị cáo phạm tội nhưng bản án đó chưa có hiệu lực pháp luật thì bị cáo vẫn được suy đoán vô tội.

Việc qui định giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự chưa phù hợp như hiện nay rõ ràng là vi phạm nguyên tắc "Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật", thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài làm xấu đi tình trạng của bị cáo, Tòa án phải tuyên một bản án không phù hợp với các chứng cứ, tài liệu đã được xem xét tại phiên tòa.

Đây cũng là một nguyên nhân cho thấy việc tiếp tục hoàn thiện qui định về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là vô cùng cần thiết và cấp bách.

Qui định về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự hiện hành đã góp phần đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo tại phiên tòa và tạo ra sự phối hợp - chế ước giữa VKS và Tòa án trong hoạt động TTHS. Tuy nhiên, qui định này vẫn còn tồn tại những bất cập gây ra những khó khăn trong thực tế áp dụng.

Thực trạng này cho thấy cần được tổng kết, nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp. Khi qui định về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được sửa đổi sẽ giải quyết một số vướng mắc trong hoạt động tố tụng của VKS và Tòa án. Mối quan hệ phối hợp - chế ước giữa Tòa án và VKS được đảm bảo và phát huy hiệu

quả hơn. Đặc biệt, hoạt động xét xử của Tòa án sẽ đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, xóa bỏ tình trạng Tòa án nhận định bị cáo phạm một tội nhưng lại phải tuyên theo một tội khác vì phải tuân theo qui định "không được xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố".

Kết luận chương 1

Việc nghiên cứu một số vấn đề chung về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự giúp chúng ta hiểu rõ hơn và đưa ra một khái niệm tương đối đầy đủ về giới hạn xét xử sơ thẩm hình sự trong TTHS là: Phạm vi mà Tòa án cấp sơ thẩm được xem xét và giải quyết vụ án theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử.

Bên cạnh việc phân tích về khái niệm giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, luận văn còn phân tích và làm rõ hơn về cơ sở lý luận và thực tiễn thi hành giới hạn xét xử; đặc biệt là các nguyên tắc cơ bản của TTHS, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của VKS trong TTHS, mối quan hệ chặt chẽ giữa các giai đoạn trong TTHS, phạm vi xét xử sơ thẩm và giới hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm và vai trò của Tòa án trong tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm nhằm xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong việc giải quyết vụ án hình sự.

Trên cơ sở hiểu rõ khái niệm, cơ sở lý luận và thực tiễn thi hành giới hạn xét xử cũng như qua những ưu điểm, tồn tại cho ta thấy được ý nghĩa của quy định về giới hạn xét xử sơ thẩm hình sự về mặt chính trị - xã hội, về xây dựng pháp luật và góp phần vào việc thực hiện các quy định về giới hạn xét xử trong thực tế đạt kết quả tốt. Đây cũng là cơ sở để nghiên cứu các quy định pháp luật TTHS về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và thực tiễn thi hành tại Chương 2 dưới đây. Đồng thời, cũng là cơ sở xem xét, đề xuất các giải pháp hoàn thiện quy định về giới hạn xét xử sơ thẩm hình sự trong TTHS, để các quy định này thực sự là các quy định pháp luật chuẩn, phát huy hiệu quả trong thực tiễn thi hành pháp luật, tránh được các tranh chấp và vướng mắc không đáng có trong thực tiễn.

Chương 2

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong luật Tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 43)