Yêu cầu từ thực tiễn xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong luật Tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 94)

Sau hơn hai mươi lăm năm tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân ta đã thực hiện công cuộc đổi mới một cách sâu sắc và toàn diện trên tất cả các mặt của đời sống xã hội và đã giành được những thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước đã có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân đã từng bước được cải thiện, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Có nhiều nguyên nhân để đạt được những thành tựu to lớn đó, nhưng trong đó có một nguyên nhân quan trọng là chúng ta đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có BLTTHS.

Các quy định của BLTTHS đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, bảo vệ pháp chế XHCN. Quy định về giới hạn xét xử tuy còn có những hạn chế nhất định nhưng cũng có vai trò rất quan trọng trong việc xét xử vụ án hình sự. Tầm quan trọng lớn nhất của giới hạn xét xử là bảo vệ được quyền lợi của bị cáo, họ được biết trước là mình bị truy tố và xét xử về tội gì để chuẩn bị bào chữa hoặc nhờ người bào chữa.Về phía Tòa án đã chủ động trong việc xem xét đánh giá chứng cứ, điều khiển việc thẩm vấn, tranh luận và xử lý được các tình huống phát sinh tại phiên tòa. Quan điểm xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng về một vụ án cụ thể theo chức năng riêng biệt của từng cơ

quan nhìn chung là thống nhất, tạo được niềm tin không chỉ đối với người phạm tội để họ yên tâm cải tạo, mà dư luận xã hội cũng đồng tình, giúp cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ngày càng đạt hiệu quả cao.

Giới hạn xét xử quy định tại Điều 196 BLTTHS năm 2003 so với Điều 170 BLTTHS năm 1988 đã có sự bổ sung tại đoạn 2 là, không buộc Tòa án xét xử theo tội danh mà VKS truy tố, hay nói một cách khác là Đoạn 2 đã mở ra hướng giải quyết trong trường hợp việc định tội của Tòa án khác với buộc tội của VKS. Tuy nhiên, trong trường hợp quan điểm của VKS và Tòa án là hoàn toàn trái ngược nhau; ví dụ, Tòa có thể ra bản án không kết tội bị cáo về hành vi phạm tội mà VKS đã truy tố. Điều đó càng khẳng định chức năng, quyền hạn của từng cơ quan, đối với VKS là truy tố, buộc tội, còn đối với Tòa án là xét xử và định tội. Chỉ có Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền xác định một người là có tội, là tội gì và theo điều khoản nào của BLHS.

Thực tiễn xét xử cho thấy rằng chỉ định về giới hạn xét xử sơ thẩm như hiện tại vẫn còn những bất cập làm hạn chế nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Toà án, sự ràng buộc chặt chẽ việc định tội của Tòa án trên cơ sở truy tố của VKS cũng làm hạn chế quyền năng xác định sự thật khách quan của vụ án.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, Đoạn 1 Điều 196 BLTTHS cần phải nghiên cứu bỏ cụm từ "theo tội danh" và thay vào đó cụm từ "phạm tội" thì phù hợp hơn; Đồng thời, cần quy định giới hạn xét xử trong trường hợp Tòa có thể xét xử bị cáo về tội nặng hơn tội mà VKS truy tố và đảm bảo cho bị cáo mọi điều kiện để thực hiện quyền bào chữa, phù hợp với nguyên tắc dân chủ trong hoạt động xét xử của Tòa án với yêu cầu xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Thực hiện cải cách tư pháp là soi vào thực tiễn những quy định pháp luật TTHS nào đã phát huy tác dụng thì tiếp tục thực hiện, những quy định nào chưa phù hợp cần nghiên cứu, sửa đổi để công tác xét xử của Tòa án thực sự

là trung tâm của hoạt động tố tụng, là nơi tranh tụng để tìm ra chân lý khách quan, làm cơ sở để Tòa án tuyên một bản án, quyết định đúng pháp luật.

Khi tiến trình hội nhập của nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới là xu thế tất yếu và nằm trong quy luật chung của nhân loại, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đã long trọng tuyên bố với thế giới về việc xây dựng Nhà nước pháp quyền "của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân", thì khi triển khai chiến lược cải cách tư pháp phải đặt trong tiến trình chung của nền chính trị, kinh tế của đất nước và phù hợp với thông lệ và pháp luật quốc tế.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giới hạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong luật Tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)