- Tháng10: Giới thiệu mẫu xe tay ga hoàn toàn mới CLICK ra thị trường Cuối tháng giới thiệu Wave 100S.
3.2.6. Các giải pháp khác
3.2.6.1. Hoàn thiện các hoạt động dịch vụ sau bán hàng
Trong các hoạt động dịch vụ sau bán hàng Honda Việt Nam nên tập trung vào các vấn đề sau đây:
- Đối với dịch vụ bảo hành bảo trì sản phẩm, Honda Việt Nam cần tiếp tục duy trì 6 lần kiểm tra định kỳ miễn phí như hiện nay trong 2 năm hoặc 20000 km, tùy theo điều kiện nào đến trước. Mục đích là đảm bảo được dịch vụ cho khách hàng, đồng thời có điều kiện chăm sóc khách hàng được tốt hơn. Mỗi khách hàng khi mua xe của Honda Việt Nam sẽ được cấp một sổ bảo hành. Với cuốn sổ này khách hàng có thể bảo hành sản phẩm của mình tại bất kỳ Cửa hàng ủy nhiệm nào của Honda trên toàn quốc. Theo yêu cầu của Honda Việt Nam, số lượng khách hàng đến kiểm tra định kỳ lần 1 phải đạt tối thiểu 35% / tổng số lượng xe bán lẻ trong tháng đó thì HEAD mới đạt yêu cầu về hoạt động kiểm tra định kỳ và mới được Honda Việt Nam thanh toán cho HEAD. Chi phí Honda Việt Nam phải thanh toán cho HEAD mỗi lần kiểm tra định kỳ này là 14.000 đồng nhưng được thanh toán gộp một lần là 84.000 đồng ở lần kiểm tra định kỳ lần 1. Như vậy có nghĩa là nếu khách hàng không đến kiểm tra định kỳ lần 2, lần 3,4,5,6 thì Honda Việt Nam vẫn phải thanh toán tổng số tiền 84.000 đồng cho HEAD. Theo ý kiến của tác giả thì việc thanh toán gộp như vậy là chưa được hợp lý vì nó chỉ khuyến khích được hoạt động kiểm tra định kỳ lần 1 mà không khuyến khích được các lần kiểm tra định kỳ lần sau. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng Honda Việt Nam nên nâng cao tỉ lệ tối thiểu số lượng khách hàng đến kiểm tra lần 1 từ 35% lên 50% thì HEAD mới được thanh toán phí dịch vụ. Mặt khác, việc thanh toán này không nên gộp vào một lần mà phải được chia đều cho ba lần kiểm tra đầu tiên. Như vậy, HEAD mới có trách nhiệm cao hơn đối với các khách hàng khi đến kiểm tra định kỳ và quyền lợi của khách hàng khi đó mới thực sự được đảm bảo.
- Đối với dịch vụ cung cấp phụ tùng: Ngoài những lỗi kỹ thuật phải thay thế phụ tùng trong dịch vụ bảo hành, công ty cần đảm bảo cho những phụ tùng thay thế và có phương án tính toán số lượng phụ tùng tồn kho, sẵn sàng
phục vụ nhu cầu của khách hàng. Honda cần có thêm hoạt động bán phụ tùng cho những cửa hàng không phải do Honda ủy nhiệm. Như vậy, một mặt Honda Việt Nam sẽ có thêm lợi nhuận từ hoạt động này, đồng thời mở rộng được thị trường phụ tùng của Honda, nâng cao được uy tín về phụ tùng của Honda trên thị trường.
- Honda Việt Nam nên tăng cường hơn nữa các hoạt động Wing Service – hoạt động sửa chữa di động và thay dầu miễn phí cho khách hàng, đặc biệt là đối những vùng thị trường thứ yếu và thị trường ngách nhằm quảng bá thương hiệu Honda tại những khu vực này. Mặt khác, đối với các HEAD cần phải phát triển các hoạt động sửa chữa nhẹ tại nhà cho khách hàng, đặc biệt là những HEAD đang ở trong tình trạng quá tải dịch vụ tại của hàng.
3.2.6.2. Nghiên cứu thị trường các nước để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu
Hiện tại hoạt động xuất khẩu của Honda Việt Nam sang các nước chưa thực sự được khai thác hết. Nguyên nhân là thị trường trong nước vẫn còn trong giai đoạn phát triển, sản phẩm sản xuất ra cũng chỉ đáp ứng đủ nhu cầu nội địa, thậm chí nhiều sản phẩm sản xuất ra không đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường trong nước. Thị trường xuất khẩu của Honda Việt Nam chỉ là những thị trường nhỏ như Lào, Campuchia và một số nước châu Phi. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là các nhãn hiệu xe số như Dream, Wave S. Nói chung, doanh số xuất khẩu hiện tại chưa phải là lớn và sản phẩm xuất khẩu còn ít chủng loại.
Trong những năm tới, khi thị trường xe máy trong nước bước vào giai đoạn bão hòa thì xuất khẩu sang các nước sẽ là việc phải được coi trọng. Muốn vậy, ngay từ bây giờ Honda Việt Nam phải có những bước chuẩn bị, đặc biệt là phải nghiên cứu kỹ thị trường của các nước cũng như chính sách vĩ mô của nước đó đối với các sản phẩm xe máy. Các sản phẩm hướng xuất khẩu sẽ phải đa dạng hơn về chủng loại, đặc biệt là các sản phẩm xe cao cấp
và xe phân phối lớn. Honda cần phải tính toán kỹ để sắp xếp và nhập dây chuyền sản xuất của những chủng loại xe nào cho phù hợp với các sản phẩm xuất khẩu này.
3.2.6.3. Sắp xếp lại chuyền sản xuất để tận dụng hết công suất của nhà máy
Hiện tại Honda Việt Nam có hai nhà máy sản xuất. Nhà máy thứ nhất chuyên sản xuất các loại xe số và Nhà máy thư hai chuyên sản xuất các loại xe tay ga và loại xe số nhãn hiệu Future.
Để thời gian tới các nhãn hiệu xe ga cao cấp như SH hoặc PS đi vào sản xuất để cạnh tranh với các dòng xe cao cấp khác, đặc biệt là cạnh tranh với xe Vespa LX 125 và Vespa LX 150 của Piaggo Việt Nam như những phần trên tác giả đã đề xuất. Honda Việt Nam phải nhanh chóng sắp xếp lại một số dây chuyền sản xuất. Cụ thể là, sẽ đưa dây chuyền sản xuất xe Future về Nhà máy thứ nhất và lắp đặt dây chuyền mới để sản xuất xe SH hoặc PS tại Nhà máy thứ hai. Việc sắp xếp lại dây chuyền này sẽ làm cho tính chuyên nghiệp trong sản xuất cao hơn. Mặt khác nó cũng thuận lợi hơn trong việc đưa linh kiện của mỗi loại xe xuống từng phân xưởng, thuận lợi hơn trong việc ghép lô giữa các loại xe để giao cho HEAD và giảm được chi phí đáng kể trong sản xuất lẫn trong vận chuyển hàng hóa tới HEAD.
3.2.6.4. Đẩy mạnh các hoạt động trao đổi xe cũ do Honda Việt Nam sản xuất lấy xe mới tại các HEAD
Nhu cầu đổi xe đang dùng của khách hàng sẽ phát sinh nhiều từ năm thứ 4 tính tư ngày mua. Hiện tại số lượng xe do Honda Việt Nam sản xuất đang lưu hành trên 4 năm là rất lớn và trong thời gian tới thì nhu cầu đổi xe cũ để mua xe mới của những người đang sử dụng sẽ rất cao. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu này, Honda Việt Nam cần phải tính toán để đưa ra những giải pháp cùng với các HEAD để thỏa mãn nhu cầu này của khách hàng. Muốn vậy, ngay từ bây giờ cần phải đưa ra một khung tiêu chuẩn về tính khấu hao cho
những loại xe cũ này. Dựa vào tiêu chuẩn này các HEAD sẽ tính toán mức giá của xe cũ và số tiền khách hàng phải trả thêm khi họ mua xe mới. Việc này sẽ phải được tính toán trên từng chi tiết khấu hao của xe để đưa ra mức giá phù hợp và hai bên cùng cảm thấy hài lòng. Việc trao đổi này Honda Việt Nam chỉ đóng vai trò hướng dẫn, các hoạt động để xúc tiến dịch vụ này HEAD sẽ phải tự triển khai nhưng đặt dưới sự giám sát của Honda Việt Nam. Những loại xe cũ các HEAD sẽ tự sửa chữa và thay thế phụ tùng chính hiệu của Honda. Honda Việt Nam sẽ kiểm tra chất lượng của những xe này sau khi được tu bổ trước khi HEAD bán cho những khách hàng có nhu cầu về những loại xe này.
3.2.6.5. Phối hợp tốt với các nhà cung ứng để đảm bảo nguồn linh kiện ổn định
Honda Việt Nam hiện có khoảng 30 nhà cung cấp phụ tùng, nguyên, nhiên vật liệu chính. Ngoài ra còn có hàng chục các công ty cung ứng phụ khác. Các công ty cung ứng phụ tùng này gọi là các Maker của Honda Việt Nam. Các Marker này nằm chủ yếu ở khu công nghiệp Thăng Long và khu công nghiệp Phú Thụy – Gia Lâm – Hà Nội. Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của họ là sản xuất phụ tùng xe máy để cung cấp cho Honda Việt Nam như các công ty: Vietnam Autoparts Company, Ghoshi Thang long Auto- Parts Co..,Ltd, Machino, Stanley electric, Daiwa Plastic, Vietnam Steel Products, Mitsuba, Sumihanel…
Honda Việt Nam và các Maker phải dựa vào nhau để cùng tồn tại, là một hệ thống không thể tách rời. Ngoài ra cần có những chính sách hỗ trợ các Maker về đào tạo nhân lực và tư vấn các trang thiết bị công nghệ để ngày họ cung cấp các phụ tùng chất lượng tốt. Honda Việt Nam cũng nên có chính sách với các Maker về dự trữ tồn kho của họ, để khi có những đơn hàng khẩn cấp từ Honda Việt Nam thì các Maker có thể đáp ứng kịp thời.
3.2.6.6. Hoàn thiện chính sách nhân sự và chính sách đãi ngộ
Hiện tại Honda Việt Nam có 5600 nhân viên, trong đó khối xe máy là 5220 người và ô tô là 380 người. Lực lượng công nhân làm việc dưới nhà máy là 5100 người, còn lại 500 nhân viên làm việc ở 3 văn phòng: Văn phòng nhà máy tại Vĩnh Phúc, Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Như vậy lực lượng lao động bên khối xe máy chiếm phần lớn trong tổng số lực lượng lao động của công ty. Với số lượng lao động lớn như vậy, cho nên việc quản lý nhân sự tương đối phức tạp và phải đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao trong việc sắp xếp, bố trí và quản lý nhân sự. Trong thời gian tới Honda Việt Nam cần phải giải quyết các vấn đề sau về nhân sự:
+ Phối hợp tốt với các trung tâm việc làm, các trường dạy nghề để đảm bảo nguồn cung ứng nhân lực ổn định cho công ty. Với lực lượng hơn 5000 công nhân làm việc liên tục trong 3 ca sản xuất như hiện nay, sẽ phải đòi hỏi các nguồn cung nhân lực luôn phải ổn định và có thể đáp ứng thêm vào những thời điểm tăng sản lượng sản xuất. Đây là lực lương lao động rất quan trọng của Honda Việt Nam, vì lực lượng lao động này ổn định thì Honda Việt Nam mới có thể sản xuất ổn định các sản phẩm để cung cấp và mở rộng thị trường. Thực tế cho thấy có những thời điểm Honda Việt Nam thiếu trầm trọng lực lượng lao động làm việc trực tiếp dưới nhà máy. Bộ phận nhân sự đã phải liên hệ với hầu hết các tỉnh phía bắc, thậm trí đến tận Thanh Hóa, Nghệ An để tuyển công nhân cho nhà máy. Nguyên nhân của hiện tượng thiếu nhân sự này một phần do thị trường lao động Việt Nam thiếu đội ngũ lao động trực tiếp, một phần do công nhân nghỉ việc.
+ Để có được đội ngũ lao động lành nghề, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong sản xuất, Honda Việt Nam nên tăng cường các khóa đào tạo kỹ thuật, các khóa đào tạo về nội quy, an toàn trong sản xuất. Tăng cường tổ
chức các cuộc thi tay nghề giỏi, phong trào thi đua trong sản xuất, khuyến khích các ý tưởng mang tính sáng tạo, đề xuất cải tiến để đem lại hiệu quả trong công việc. Mặt khác, chính sách đãi ngộ nhân sự phải làm cho người lao động cảm thấy hài lòng với môi trường làm việc hiện tại và Honda Việt Nam phải đảm bảo thu nhập ổn định cho người công nhân.
+ Với chính sách lương bổng như hiện nay của Honda Việt Nam dành cho người lao động là chưa thực sự hợp lý. Một công nhân có mức lương khởi điểm 1,33 triệu đồng/tháng sau 3 tháng thử việc, mỗi năm được tăng lương một lần từ 10-20% tùy theo tình hình lạm phát của năm đó. Ngoài ra mỗi năm người công nhân sẽ được bình chọn và đánh giá kết quả làm việc, mức thưởng sẽ từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/một lần đánh giá, được thưởng tháng lương thứ 13 theo quy định của pháp luật, được thưởng đặc biệt nếu công ty hoàn thành tốt doanh số vào cuối năm. Như vậy mức thu nhập bình quân của một công nhân khoảng trên dưới 24 triệu đồng/năm là quá thấp so với yêu cầu của công việc và so với một công ty liên doanh tại Việt Nam. Với mức thu nhập như vậy thì đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng công nhân nghỉ việc tại nhà máy. Theo ý kiến của tác giả, Honda Việt Nam cần xem xét lại chính sách lương bổng để đảm bảo thu nhập cho người lao động được tốt hơn. Như vậy mới giữ được người lao động và để đảm bảo ổn định sản xuất.