7. Bố cục của luận văn
3.5.1. Bản chất ngữ pháp của chu tố tình huống
Trong các công trình nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt, kiểu chu tố này thường được nhắc đến với các tên gọi như: “trạng ngữ tình huống”, “trạng ngữ tình thái”, “trạng ngữ là vị ngữ phụ” hoặc “vị ngữ phụ”.
Thí dụ:
- Hiểu ý nhau, hai người lại cặm cụi đi. (Nguyên Ngọc)
- Thấy mẹ gắt, thằng cu không dám đòi ăn nữa, nhưng mặt nó nhăn nhó bịu xịu
như muốn khóc. (Nam Cao)
- Nghe bố gọi, Tuấn chạy vào trong tay vẫn cầm quyển sách dày cộp gập đôi.
(Nguyễn Minh Châu)
3.5.1.1. Các quan niệm về bản chất ngữ pháp của chu tố tình huống
1) Coi chu tố tình huống là một kiểu trạng ngữ của câu
Đây là quan niệm của các tác giả như: Nguyễn Kim Thản, Diệp Quang Ban, Nguyễn Văn Hiệp, Hoàng Trọng Phiến...
Nguyễn Kim Thản từng cho rằng, loại thành phần câu này là trạng ngữ tình thái. Tác giả nêu các thí dụ:
Bước lên sàn điếm, lí trưởng quăng tạch cuốn sổ xuống sàn. Rất ngạc nhiên, Rô-dơ hỏi ông Nguyễn.
Tác giả cho rằng đây là hiện tượng rút gọn chủ ngữ ở phía trước, làm hình thành các vị ngữ phụ với nội dung ý nghĩa phù hợp với kẻ hoạt động hay kẻ mang đặc trưng được nêu ở chủ ngữ. Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý rằng, trong những trường hợp không có sự phù hợp như vậy thì việc xác định vị ngữ phụ sẽ rất khó khăn, chẳng hạn:
Đến trụ sở thì một cán bộ ra tiếp.
Trông từ xa, con đường trắng leo lên ngoằn ngoèo.
Trong hai ví dụ trên, các chủ ngữ một cán bộ, con đường trắng không phải là chủ ngữ của các tổ hợp đến trụ sở, trông từ xa nên tác giả đã đi đến kết luận rằng thành phần câu này là trạng ngữ tình thái của câu (một khái niệm mà chúng tôi cho là không hợp lí vì nó chẳng liên quan gì đến tình thái cả). Nguyễn Kim Thản nhận xét rằng: “Loại trạng ngữ này là kết quả của sự phát triển mới của tiếng Việt. Có lẽ tiếng Việt đã chịu ảnh hưởng của những kết cấu trạng động từ trong các tiếng Ấn Âu”. [34, 219-221]
Hoàng Trọng Phiến nêu ra loại trạng ngữ bổ sung ý nghĩa về cách thức, tình hình, trạng thái cho cả câu. Trong các ví dụ mà tác giả dẫn ra có cả ví dụ có thành phần được xem là vị ngữ phụ của câu. Chẳng hạn:
Lễ phép, mẹ con chị Dậu cùng cúi chào. (Ngô Tất Tố)
Thành phần vị ngữ phụ lúc này được đồng nhất với thành phần tình huống. Hoàng Trọng Phiến còn cho rằng, ngoài trường hợp đứng đầu câu, thành phần này còn có thể đứng ở giữa và cuối câu có ý muốn nhấn mạnh và dù có ở vị trí nào thì luôn luôn phải có dấu phẩy.
Thí dụ:
Anh Tịch nhìn vợ, ái ngại. (nhấn mạnh)
Ái ngại, anh Tịch nhìn vợ. (bình thường, dạng cơ bản - điển hình) [29, 133-134]
Sách Ngữ pháp tiếng Việt (UBKHXHVN) dùng tên gọi thành phần tình huống
(gồm cả chu tố tình huống là động từ) thay cho trạng ngữ và cho rằng thành phần này có chức năng “bổ sung ý nghĩa về thời gian, nơi chốn, phương tiện, mục đích, hay về cách thức, trạng thái... nói chung là nghĩa “tình huống” [UBKHXHVN1983, 193]
Theo quan niệm này thì chu tố tình huống mà chúng ta đang xem xét được xếp vào thành phần tình huống chỉ trạng thái, tức là một kiểu trạng ngữ.
2) Coi chu tố tình huống là vị ngữ phụ
Đây là quan niệm của các tác giả như: I.X.Bưxtrov, Nguyễn Tài Cẩn, N.N.Xtankevich và Nguyễn Thị Lương.
3) Coi chu tố tình huống là một vế của câu phức
Chu tố tình huống là thành phần rất quen thuộc trong nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt dùng để chỉ tình huống của câu. Một số tác giả cho rằng câu chứa thành phần trạng ngữ tình huống truyền thống là câu ghép (M.B.Emeneau là người có quan điểm này). Ông cho rằng câu đơn là câu có cấu tạo vị ngữ đơn giản. Cấu tạo vị ngữ đơn giản này thường do một kết cấu C-V đảm nhiệm. Và khi bên cạnh một cấu tạo vị ngữ đơn giản có một thực thể từ (danh từ) hay phức cấu thực thể từ (cụm danh từ), một động từ hay “phức cấu động từ” (cụm động từ) hoặc một “cấu tạo vị ngữ đơn giản” khác thì ta sẽ có một “cấu tạo vị ngữ phức hợp”, tức là câu phức hợp hay là câu ghép. Chẳng hạn:
- Nếu tôi không lầm thì hôm nay chị làm nhiều thức ăn ngon.
Như vậy, có thể thấy ý kiến của các tác giả về thành tố mà chúng ta đang xem xét rất khác nhau (cả về tên gọi lẫn bản chất cú pháp)
3.5.1.2. Chu tố tình huống - thành phần phụ tự do của vị từ - vị ngữ
Theo chúng tôi, chu tố tình huống (hay trạng ngữ tình huống theo cách gọi truyền thống) về bản chất cú pháp, cũng như trạng ngữ nói chung, chính là thành phần phụ tự do của vị từ - vị ngữ hay vị từ nói chung. Cơ sở để khẳng định điều này là:
1) Về nội dung: Chu tố tình huống bổ sung ý nghĩa hoàn cảnh, tình huống cho vị từ - vị ngữ.
Thí dụ:
Kể đến đấy, Quỳ ngừng lại và cứ ấp úng mãi. (Nguyễn Minh Châu) Nghe tin, Núp lặng người đi. (Nguyên Ngọc)
Trong những câu trên đây, chu tố tình huống (kể đến đây, nghe tin) bổ sung cho vị từ hay cụm vị từ đứng sau ý nghĩa hoàn cảnh, tình huống.
2) Về hình thức: Chu tố tình huống luôn có khả năng cùng với vị từ - vị ngũ tạo thành tổ hợp dùng độc lập hoặc dùng với tư cách biến thể rút gọn của câu.
Thí dụ:
Ngó lên trời, thấy nhiều ngôi sao lấp lánh. (Nguyên Ngọc)
Trông người, chạnh nghĩ đến niềm riêng. (Vũ Trọng Phụng)
Nói xong, lại ho sù sụ. (Nam Cao)
3.5.1.3. Chu tố tình huống - biến thể mang đặc tính trung gian của các kiểu chu tố
Cơ sở để khẳng định điều này là:
1) Về nghĩa:
Chu tố tình huống có ý nghĩa tương đối khái quát (chỉ tình huống của sự tình nêu ở nòng cốt câu). Nghĩa của nó chỉ trở nên cụ thể khi được xem xét gắn với ngữ cảnh mà nó xuất hiện.
Đặt trong ngữ cảnh, chu tố tình huống có thể có ý nghĩa tương ứng với một hoặc một vài nghĩa nhất định. Cụ thể:
- Nghĩa thời gian - Nghĩa nguyên nhân - Nghĩa điều kiện - Nghĩa nhượng bộ
- Với cả nghĩa thời gian lẫn nghĩa nguyên nhân.
2) Về hình thức
Trong nhiều trường hợp có thể bổ sung vào trước động từ giữ vai trò chu tố tình huống các từ như: khi (sau khi), vì, nếu, tuy...
Dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích làm rõ nhận định vừa nêu. a) Chu tố tình huống có nghĩa thời gian.
1a- Về đến nhà, y lấy giấy bút viết thư ngay. (Nam Cao) 1b- Khi về đến nhà, y lấy giấy bút viết thư ngay.
2a- Kể đến đấy, Quỳ ngừng lại và cứ ấp úng mãi. (Nguyễn Minh Châu)
2b- Khi kể đến đấy, Quỳ ngừng lại và cứ ấp úng mãi.
3a- Giảng xong, anh đọc lại một lần nữa. (Nguyễn Minh Châu)\
3b- Sau khi giảng xong, anh đọc lại một lần nữa.
Như các thí dụ cho thấy, những câu ở a- có nghĩa tương đương với những câu ở b-. Việc thêm các từ chỉ thời gian (khi, sau khi) vào không hề làm thay đổi bản chất ý nghĩa của câu. Điều này chứng tỏ chu tố tình huống ở những câu a- có ý nghĩa thời gian.
b) Chu tố tình huống có nghĩa nguyên nhân
So sánh các thí dụ:
1a- Vốn là người quê mùa nên việc đồng áng mẹ anh rất thạo. (Kim Lân)
1b- Vì vốn là người quê mùa nên việc đồng áng mẹ anh rất thạo.
2a- Muốn mẹ cất gánh nặng, đã nhiều lần Tư xin làm phó nhỏ cho mấy hiệu thợ
may nhưng họ đều từ chối. (Kim Lân)
2b- Vì muốn mẹ cất gánh nặng, đã nhiều lần Tư xin làm phó nhỏ cho mấy hiệu thợ may nhưng họ đều từ chối.
3a- Sẵn có ít vốn riêng, mẹ em trở lại nghề cũ. (Kim Lân) 3b- Nhờ sẵn có ít vốn riêng, mẹ em trở lại nghề cũ.
Như các thí dụ cho thấy, những câu ở a- và b- có cùng ý nghĩa và điều này chứng tỏ các chu tố tình huống (trong những câu a-) cũng có ý nghĩa nguyên nhân như các chu tố nguyên nhân (trong những câu b-).
c) Chu tố tình huống có nghĩa điều kiện.
So sánh:
1a- Đánh thị, chắc thị sẽ gào lên đến bảy làng nghe thấy. (Nam Cao)
1b- Nếu đánh thị, chắc thị sẽ gào lên đến bảy làng nghe thấy.
2a- Thế mà tôi có đòi xuống, dì cũng nhất định không chịu. (Nam Cao) 2b- Thế mà nếu tôi có đòi xuống, dì cũng nhất định không chịu.
Các thí dụ trên cho thấy, khi đã bổ sung thêm từ nếu vào trước chu tố tình huống, ý nghĩa của câu a- và b- vẫn không khác nhau. Điều này chứng tỏ chu tố tình huống ở những câu a- cũng có ý nghĩa điều kiện như chu tố điều kiện ở những câu b-.
d) Chu tố tình huống có nghĩa nhượng bộ.
So sánh:
1a- Biết không có gì anh vẫn tìm. (Thạch Lam)
1b- Dù biết không có gì anh vẫn tìm.
2a- Vả có giỗ cũng chẳng cần giết chó. (Nam Cao) 2b- Vả dù có giỗ cũng chẳng cần giết chó.
Trong các thí dụ trên, các câu ở a- và b- có cùng ý nghĩa. Các chu tố tình huống (trong những câu a-) cũng có ý nghĩa nhượng bộ như các chu tố nhượng bộ (trong những câu b-).
đ) Chu tố tình huống có cả nghĩa thời gian lẫn nghĩa nguyên nhân.
1a- Biết rằng từ chối không được, tôi bèn tìm cách đánh lừa. ( Nam Cao)
1b- Khi biết rằng từ chối không được, tôi bèn tìm cách đánh lừa. 1c- Vì biết rằng từ chối không được, tôi bèn tìm cách đánh lừa.
Trong trường hợp trên đây, chu tố tình huống vừa có ý nghĩa thời gian vừa có ý nghĩa nguyên nhân. Vì vậy, có thể bổ sung từ khi hoặc từ vì vào trước nó.