Đặc điểm về nghĩa biểu hiện (nghĩa sâu)

Một phần của tài liệu Chu tố được biểu hiện bằng động từ trong Tiếng Việt (Trang 46 - 50)

7. Bố cục của luận văn

2.2.2. Đặc điểm về nghĩa biểu hiện (nghĩa sâu)

Khác với nghĩa cú pháp là loại nghĩa phản ánh mối quan hệ giữa các từ , nghĩa biểu hiện hay nghĩa sâu (còn gọi là nghĩa sự tình, nghĩa miêu tả, nghĩa kinh nghiệm) là loại nghĩa phản ánh trực tiếp mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng trong thực tế. Về mặt nghĩa biểu hiện, các chu tố động từ chỉ sự tình có mối quan hệ logic - ngữ nghĩa nhất định với sự tình nêu ở vị từ - vị ngữ của câu.

Các mối quan hệ logic - ngữ nghĩa này bao gồm: - Quan hệ nguyên nhân - kết quả

Thí dụ:

+ Vì bà mẹ Chi mải chằng nải chuối quá lâu mà Chi trật mất chuyến xe hàng cuối cùng hai giờ chiều. (Nguyễn Minh Châu)

+ Nói được đến đấy thì Long ngập ngừng vì quên khuấy mất.(Vũ Trọng Phụng)

- Quan hệ điều kiện - kết quả Thí dụ:

+ Nếu mày cứ quên lời tôi nào thì tôi sẽ nói với bà lớn không thưởng cho mày nhiều tiền tiêu tết. (Vũ Trọng Phụng)

- Quan hệ mục đích Thí dụ:

+ Anh Vũ xoay người để che gió rồi chêm một mồi thuốc rõ lớn. (Nguyễn Minh Châu)

+ Dì nghiến chặt răng để cho khỏi khóc. (Nam Cao)

- Quan hệ nhượng bộ Thí dụ:

+ Dù cuộc sống có nhiều vất vả, Lê cũng có một cái gia đình. (Nguyễn Minh Châu)

+ Máu ông như ngừng lại, lạnh giá trong huyết quản, tuy mồ hôi ông toát ra đẫm chán. (Nam Cao)

- Quan hệ tình huống Thí dụ:

+ Đọc xong, thiếu niên lấy khăn tay ra lau mấy giọt mồ hôi trên trán. (Vũ Trọng Phụng)

+ Ăn cơm, anh nuốt tro tranh không nghẹn cổ. (Nguyên Ngọc)

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, các kiểu quan hệ về mặt nghĩa biểu hiện (quan hệ logic ngữ nghĩa) chỉ ra trên đây về cơ bản trùng với quan hệ cú pháp (quan hệ cú pháp - ngữ nghĩa) như đã chỉ ra ở mục 2.2.1. Tuy nhiên, không nên vì sự trùng nhau giữa hai loại quan hệ này mà đi đến sự nhầm lẫn, sự đồng nhất chúng với nhau. Cần thấy rằng trên thực tế, có nhiều trường hợp, quan hệ về mặt nghĩa biểu hiện (quan hệ logic - ngữ nghĩa) và quan hệ cú pháp (quan hệ cú pháp - ngữ nghĩa) không trùng nhau.

Chẳng hạn, so sánh những câu sau:

(1) Nghĩ thế làm cho Minh thêm buồn rầu. (Nhất Linh, Khái Hưng) (2) Vì nghĩ thế, Minh thêm buồn rầu.

Trong câu (2), tổ hợp vì nghĩ thế là chu tố, vừa có ý nghĩa cú pháp nguyên nhân (phượng tiện cú pháp chỉ ra ý nghĩa này là quan hệ từ ), vừa có nghĩa biểu hiện nguyên nhân (nghĩ thế chỉ sự tình là nguyên nhân dẫn đến việc Minh buồn rầu). Như vậy, ở câu (2), nghĩa cú pháp và nghĩa biểu hiện (ở tổ hợp nghĩ thế) trùng nhau.

Trong câu (1), nghĩ thế là chủ ngữ (diễn tố chủ thể) và do đó, về nghĩa cú pháp, nó chỉ chủ thể cú pháp (chủ thể hoạt động về mặt ngữ pháp xét trong mối quan hệ cú pháp với động từ - vị ngữ làm). Tuy nhiên, về nghĩa biểu hiện hay nghĩa sâu, tổ hợp từ

này không chỉ chủ thể hoạt động cụ thể nào trong thực tế mà chỉ nguyên nhân dẫn đến sự tình Minh buồn rầu). Như vậy, có thể thấy, không phải trong mọi trường hợp, nghĩa biểu hiện luôn trùng với nghĩa cú pháp.

Khi xác định, phân tích mặt nghĩa biểu hiện hay nghĩa sâu của các chu tố động từ cũng như các chu tố nói chung, cần chú ý phân biệt tính chất của mối quan hệ về mặt nghĩa biểu hiện với tính chất của mối quan hệ cú pháp giữa chu tố và vị từ - vị ngữ.

Về mặt quan hệ cú pháp, như đã khẳng định và chứng minh, chu tố (gồm cả chu tố động từ) chỉ có quan hệ cú pháp với vị từ - vị ngữ của câu chứ không phải có quan hệ với cả cụm chủ vị (cụm vị từ) nòng cốt.

Tuy nhiên, về mặt quan hệ ngữ nghĩa (quan hệ về nghĩa biểu hiện) thì vấn đề lại khác.

Kết quả khảo sát (trên cứ liệu thu được) mối quan hệ về mặt nghĩa biểu hiện giữa chu tố và các từ ngữ trong bộ phận còn lại của câu cho phép rút ra hai nhận xét đáng chú ý sau:

1) Thứ nhất:

Xét theo quan hệ về mặt nghĩa biểu hiện (quan hệ logic - ngữ nghĩa), cũng như diễn tố (chủ ngữ, bổ ngữ), chu tố không chỉ có quan hệ với riêng vị từ - vị ngữ mà có quan hệ với cả các thành phần câu khác vốn không có quan hệ cú pháp với nó. Để làm rõ vấn đề này chúng ta sẽ xem xét các câu sau:

1a- Nó học tiếng Anh để thi Toefle.

1b- Nó học toán để thi Toefle. (?)

2a- Sáng hôm sau, tôi dậy sớm để kịp đi chuyến tàu đầu tiên. 2b- Sáng hôm sau, tôi dậy muộn để kịp đi chuyến tàu đầu tiên. (?)

Như các thí dụ cho thấy, việc thay tiếng Anh (ở câu 1a-) bằng toán (ở câu 1b-) và sớm (ở câu 2a-) bằng muộn (ở câu 2b-) đã biến những câu bình thường thành những câu không bình thường về mặt logic - ngữ nghĩa.

Thực tế trên đây cho thấy, chu tố (ở đây là chu tố động từ chỉ mục đích) không phải chỉ có quan hệ về mặt nghĩa biểu hiện với động từ - vị ngữ (học, dậy) của câu mà còn có quan hệ với cả các yếu tố phụ (tiếng Anh, sớm) của các động từ này. Chính sự có mặt của các yếu tố phụ đó đã góp phần tạo nên tính phù hợp về mặt logic - ngữ nghĩa giữa chu tố và tổ hợp gồm động từ - vị ngữ và các yếu tố phụ.

2) Thứ hai:

Cũng xét theo mối quan hệ về mặt nghĩa biểu hiện hay quan hệ logic - ngữ nghĩa, khi chu tố động từ bổ sung ý nghĩa cho vị từ - vị ngữ thì không chỉ riêng động từ là hạt nhân của cụm động từ (cụm chủ vị) làm chu tố có quan hệ ý nghĩa với động từ - vị ngữ của câu mà cả cụm động từ (cụm chủ vị) giữ vai trò chu tố có quan hệ ngữ nghĩa với vị từ - vị ngữ.

Để làm rõ vấn đề này, chúng ta sẽ xem xét những câu sau: 1- Thị cườinghĩ đến đàn con. (Nam Cao)

2- Vì bà mẹ Chi mải chằng nải chuối quá lâu nên Chi trật mất chuyến xe cuối cùng . (Nguyễn Minh Châu)

3- Nếu mưa to thì sẽ lụt.

4- Tuy ngủ ít nhưng tôi không hề thấy mệt.

Trong câu 1- trên đây, nguyên nhân dẫn đến việc thị cười không phải chỉ là hoạt

động nghĩ chung chung mà là hoạt động cụ thể được biểu hiện bằng cả tổ hợp gồm

động từ và bổ ngữ (nghĩ đến đàn con)

Trong câu 2-, nguyên nhân dẫn đến việc Chi trật chuyến xe không chỉ là việc

mẹ Chi chằng nải chuối mà là việc mẹ Chi chằng nải chuối quá lâu.

Trong câu 3-, điều kiện (giả thiết) trong dó diễn ra sự tình lụt không đơn giản là

mưa mà là sự tình được biểu hiện bằng cả cụm từ với mưa là trung tâm và to là thành tố phụ (mưa to).

Trong câu 4-, mối quan hệ nhượng bộ (hay đối lập), một kiểu quan hệ logic - ngữ nghĩa giữa hai sự tình cũng được biểu hiện bằng các tổ hợp từ (các cụm từ mà động từ là trung tâm). Ở đây, sự tình biểu thị ý nhượng bộ không phải là ngủ mà là

ngủ ít trong đó yếu tố bổ sung (ít) tuy có vai trò thứ yếu về cú pháp nhưng dường như lại có vai trò quan trọng hơn về ngữ nghĩa (vì nếu bỏ từ ít đi thì câu sẽ trở nên không bình thường về mặt logic - ngữ nghĩa).

Sự phân tích trên đây cho thấy, khi chu tố động từ tham gia vào mối quan hệ ngữ nghĩa (quan hệ về mặt nghĩa biểu hiện) với vị từ - vị ngữ thì không chỉ riêng động từ hạt nhân của cụm từ làm chu tố tham gia vào mối quan hệ đó mà cả cụm từ giữ vai trò chu tố tham gia vào mối quan hệ trong đó và các yếu tố phụ của cụm từ cũng có vai trò quan trọng về mặt ngữ nghĩa.

Một phần của tài liệu Chu tố được biểu hiện bằng động từ trong Tiếng Việt (Trang 46 - 50)