Mỹ là quốc gia phát triển nhất thế giới và điều này đúng đối với cả ngành ngân hàng của Mỹ. Đây là đất nước sở hữu hầu hết các tập đoàn tài chính ngân hàng lớn hàng đầu thế giới như JP Morgan Chase, Citi group, Wells Fargo, Bank of New York, Bank of America, … Các ngân hàng Mỹ cũng là những ngân hàng tiên phong trong xuất khẩu dịch vụ tài chính trên phạm vi toàn thế giới và thu về giá trị xuất khẩu lớn cho đất nước. Do vậy, kinh nghiệm của nước Mỹ cũng như của bản thân các ngân hàng Mỹ trong xuất khẩu dịch vụ tài chính rất đáng để chúng ta nghiên cứu và học tập những điểm phù hợp với thực tế Việt Nam.
Ngay từ khi mới xuất hiện, ngành công nghiệp ngân hàng đã không ngừng nỗ lực mở rộng phạm vi cung cấp dịch sang các khu vực khác, sang các quốc gia khác, nói cách khác xuất khẩu dịch vụ tài chính đã ra đời từ rất sớm. Những ngân hàng đầu tiên đặt trụ sở tập trung ở các trung tâm thương mại lớn gần biển Địa Trung Hải, như Athens, Cairo, Jeusalem và Rome, với chức năng hỗ trợ cho giới thượng gia trong việc mua bán nguyên liệu, hàng hoá và tiến hành hoạt động chuyển đổi đồng tiền của một quốc gia này sang đồng tiền của quốc gia khác để tạo sự tiện lợi trong quá trình giao dịch cho các nhà buôn đia phương và khác du lịch. Ở Mỹ, trong thời kì thuộc địa và cho đến tận thế kỉ 19, việc tài trợ cho các công ty được đáp ứng chủ yếu bởi một số ngân hàng nước ngoài.
Trong những năm 1950 và 1960, các ngân hàng Mỹ đã nhanh chóng mở rộng hoạt động của mình ra nước ngoài, đặc biệt là thông qua việc thiết lập mạng lưới chi nhánh, thành lập công ty thành viên và liên doanh với các hãng địa phương tại hàng trăm khu vực và thị trường khác nhau. Quá trình bành trướng ra nước ngoài của các ngân hàng Mỹ chủ yếu hướng vào thị trường Tây Âu, Trung Đông, Nam Mỹ và Trung Mỹ. Vào những năm 1970 và 1980, các ngân hàng Mỹ đã có mặt tài vành đai Thái Bình Dương, đặc biệt ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore. Những ngân hàng đa quốc gia này đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đầu tư vào những khoản vốn lớn trong các nước sản xuất dầu lửa bởi vì giá dầu thế giới đã
bị đẩy lên cao vào những năm 70. Bên cạnh đó, chúng cũng có vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho nước Mỹ với mức thâm hụt cán cân thương mại không nhỏ.
Vào những năm 1980, Mỹ đã nhường ánh hào quang trong hoạt động ngân hàng quốc tế cho Nhật Bản. Các ngân hàng Nhật đã thiết lập những mạng lưới cung cấp dịch vụ lớn tại Luân Đôn, New York và tại nhiều trung tâm tài chính tầm cỡ khác. Lúc này, các ngân hàng Mỹ đang phải đối mặt với sự giảm sút về tốc độ tăng trưởng. Cạnh tranh được tăng cường bằng việc bãi bỏ nhiều quy định trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng ở Mỹ, ở Anh và nhiều quốc gia khác.
Cũng vào thời kỳ này, những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ viễn thông đã buộc không ít các ngân hàng quốc tế của Mỹ phải thu hẹp sự hiện diện của mình tại thị trường nước ngoài nhằm cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, kết quả của việc cắt giảm chi phí này đã tạo ra những khởi sắc khác trong hệ thống ngân hàng Mỹ do giảm chi phí hiện diện mà vẫn thu được nguồn lợi từ xuất khẩu dịch vụ tài chính nhờ hệ thống công nghệ. Các ngân hàng của Mỹ, dẫn đầu là những tập đoàn khổng lồ như Citicorp, Bank of America, Chase Manhattan, … đã giành lại được ánh hào quang để vươn lên một đỉnh cao mới.
Ngày nay, Mỹ vẫn là quốc gia tập trung các tập đoàn tài chính - ngân hàng hàng đầu thế giới. Với hệ thống tài chính mạnh cùng nhiều tổ chức ngân hàng có uy tín, thêm vào đó, đồng đô la Mỹ là đồng tiền mạnh, tự do chuyển đổi ở tất cả các thị trường và là đồng tiền giao dịch của phần lớn các giao dịch xuất nhập khẩu trên thế giới nên xuất khẩu dịch vụ tài chính của Mỹ luôn ở mức cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của nước Mỹ.
Trong kim ngạch xuất khẩu dịch vụ chung của Mỹ, dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng khoảng 10%. Biểu đồ sau đây cho biết kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tài chính của Mỹ giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2009.
Xét về kim ngạch, trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2007, mặc dù có những sự sụt giảm nhẹ, xuất khẩu dịch vụ tài chính của Mỹ cũng đã tăng gần gấp 3 lần: từ 102,9 tỷ USD lên 282,3 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2008, và năm 2009 có sự sự suy giảm liên tiếp về kim ngạch xuất khẩu, nhưng giá trị xuất khẩu của 2 năm này vẫn cao hơn các năm trước năm 2007. Sự suy giảm trên là do tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn chính từ nước Mỹ gây nên
suy thoái kinh tế thế giới và bản thân Mỹ. Tính từ năm 2000 đến năm 2009, tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tài chính đạt 10,94%.
Biểu đồ 1.2. Giá trị xuất khẩu dịch vụ tài chính của Mỹ
Nguồn: Tạp chí khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh 27 (2011)
Mỹ có thế mạnh xuất khẩu dịch vụ tài chính trên cả bốn phương thức là: cung cấp dịch vụ qua biên giới (1), tiêu dùng dịch vụ ngoài lãnh thổ (2), hiện diện thương mại (3) và hiện diện thể nhân (4). Biểu đồ sau đây thể hiện tỷ trọng của các phương thức trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tài chính của Mỹ.
Đối với xuất khẩu dịch vụ theo phương thức 1, Mỹ là nước đi đầu về phát triển công nghệ thông tin trong ngành tài chính - ngân hàng và các ứng dụng hàng đầu về công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực này luôn xuất phát từ các tập đoàn Mỹ. Do đó, với hệ thống giao dịch điện tử hiện đại nhất thế giới, các tập đoàn tài chính - ngân hàng Mỹ luôn cung cấp các dịch vụ tài chính như: chuyển tiền nhanh toàn cầu, thanh toán quốc tế… một cách nhanh chóng, chính xác và an toàn cho các khách hàng bên ngoài lãnh thổ.
Đối với xuất khẩu dịch vụ theo phương thức 2, Mỹ là quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, cùng với hệ thống văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục phát triển mạnh. Vì vậy, đây là nơi có nhiều tổ chức quốc tế đặt trụ sở làm việc, cũng như có nhiều cá nhân của các nước khác đến làm việc, học tập và nghiên cứu. Điều đó đã hình thành nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính Mỹ. Đây cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn trên thế giới, đồng thời là nước thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu. Các công ty nước ngoài
kinh doanh tại Mỹ là nguồn khách hàng dồi dào cho các tập đoàn tài chính - ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Đối với xuất khẩu dịch vụ tài chính theo phương thức 3: Hệ thống các công ty con và chi nhánh (hiện diện thương mại) của các tập đoàn tài chính – ngân hàng hùng mạnh và uy tín của Mỹ có mặt khắp các châu lục và hầu hết các nền kinh tế nổi bật của từng châu lục. Chính hệ thống các công ty con và chi nhánh này đã giúp các tập đoàn tài chính - ngân hàng Mỹ thực hiện xuất khẩu dịch vụ tài chính theo phương thức 3 một cách thuận lợi.
Bên cạnh đó, Mỹ được xem như trung tâm tài chính - ngân hàng số một toàn cầu. Các tập đoàn tài chính - ngân hàng có đội ngũ chuyên gia tư vấn tài chính - ngân hàng hàng đầu. Với uy tín, kỹ năng và chuyên môn nổi bật, đội ngũ chuyên gia này đã có mặt hầu như trên khắp thế giới, góp phần đáng kể vào việc tăng doanh thu xuất khẩu dịch vụ tài chính - ngân hàng. Nhìn chung, trong giai đoạn 2000-2009, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tài chính - ngân hàng của cả hai phương thức 3 và 4 chiếm tới 77,5% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tài chính - ngân hàng Mỹ.
Về thị trường xuất khẩu dịch vụ tài chính - ngân hàng, Mỹ có những tập đoàn tài chính – ngân hàng hùng mạnh nhất trên thế giới, do vậy với dịch vụ tài chính hiện đại, khả năng cung cấp rất lớn, Mỹ đã và đang xuất khẩu dịch vụ tài chính sang hầu hết các nước trên thế giới. Xét về khu vực, châu Âu là thị trường xuất khẩu dịch vụ tài chính lớn nhất của Mỹ. Trong cả giai đoạn 2000-2009, các tập đoàn tài chính - ngân hàng đã xuất sang châu Âu tổng cộng 156,9 tỷ USD, chiếm 39,4% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tài chính. Châu Mỹ và khu vực Tây bán cầu là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với tổng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ tài chính - ngân hàng từ Mỹ đạt 103,7 tỷ USD trong giai đoạn 2000-2009, chiếm 26,1% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tài chính - ngân hàng của Mỹ. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực nhập khẩu lớn thứ ba về dịch vụ tài chính Mỹ, chiếm 14,2% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ này, tương đương 56,3 tỷ USD trong giai đoạn 2000-2009.
Xét về quốc gia, Anh là nước nhập khẩu hàng đầu dịch vụ tài chính - ngân hàng Mỹ. Trong giai đoạn 2000-2009, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tài chính Mỹ sang Anh đạt 65,8 tỷ USD, chiếm tới 16,5% tổng kim ngạch xuất
khẩu dịch vụ tài chính của Mỹ sang các nước. Canada là nước nhập khẩu đứng hàng thứ hai về dịch vụ tài chính Mỹ với tổng kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2000-2009 đạt 21,9 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tài chính - ngân hàng Mỹ.
Như vậy, chúng ta có thể thấy thị trường nhập khẩu chủ yếu các dịch vụ tài chính Mỹ là những thị trường phát triển, nơi mà có thể tiếp nhận và sử dụng những dịch vụ tài chính hiện đại của Mỹ. Thêm vào đó, chúng ta cũng có thể thấy, khả năng cạnh tranh của các Tập đoàn tài chính – ngân hàng Mỹ là vô cùng mạnh mẽ. Sở dĩ vậy vì tại các thị trường phát triển hầu khắp các châu lục thì hệ thống tài chính - ngân hàng của họ hết sức phát triển, cũng có những tập đoàn tài chính – ngân hàng thuộc vào loại hàng đầu thế giới như ở Anh có Tập đoàn HSBC, Barclays Bank, …
Mỹ đã rất thành công trong hoạt động xuất khẩu dịch vụ tài chính, trở thành nước xuất khẩu dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới. Ngoài các nguyên nhân khách quan như sự phát triển của nền kinh tế Mỹ, đồng tiền đô la Mỹ là đồng tiền mạnh hàng đầu thế giới, còn phải kể đến những nguyên nhân sau:
Chính phủ Mỹ và các tập đoàn tài chính – ngân hàng Mỹ hết sức chú trọng việc đầu tư đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực tài chính ngân hàng. Mỹ có một hệ thống giáo dục, đào tạo chất lượng cao từ cấp phổ thông tới đại học và sau đại học, cung cấp nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho lĩnh vực tài chính – ngân hàng với nhiêu tiêu chuẩn định lượng được chuẩn hoá, chẳng hạn phải có những chứng chỉ nhất định mới có thể làm việc tại một số vị trí nhất định trong ngân hàng. Số lượng và chất lượng các trường đại học đào tạo về tài chính - ngân hàng tại Mỹ luôn dẫn đầu thế giới. Số lượng lớn những người tốt nghiệp sau đại học về tài chính - ngân hàng và kinh doanh đã mang lại cho quốc gia này một đội ngũ chuyên gia tư vấn quốc tế hùng mạnh trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Mỹ cũng rất quan tâm thu hút nhân tài trên toàn thế giới bằng những chính sách cạnh tranh bình đẳng, công bằng và minh bạch kết hợp với những ưu đãi về thu nhập, nhà ở, thuế cho những nhân tài nước ngoài muốn làm việc và định cư tại Mỹ. Chính sách lương cao tạo ra lực lượng lao động đắt đỏ nhưng chính điều này lại thúc đẩy các tập đoàn tài chính sử dụng các phương pháp hiện đại, công nghệ tiên tiến, để cắt giảm chi phí. Các doanh nghiệp đã đưa công nghệ mới vào để đương đầu với chi phí cao và giữ chân nhân viên trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan thống kê của chính phủ, cơ cở nghiên cứu tư nhân được khuyến khích phát triển thông qua sự hỗ trợ về ngân sách, chính sách. Đây là nguồn cơ sở quan trọng tạo ra các nghiên cứu khoa học và kinh doanh, các báo cáo và cơ sở dữ liệu nghiên cứu thị trường trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, giúp Mỹ luôn đi đầu trong việc phát triển các sản phẩm mới và không ngừng nâng cao, cải tiến dịch vụ. Đây cũng là nơi nghiên cứu và phát triển những công nghệ tiên tiến, hiện đại có thể ứng dụng trong hệ thống tài chính Mỹ.
Chính phủ Mỹ đã sớm hệ thống hóa và tiêu chuẩn hóa quy trình cung cấp và chất lượng dịch vụ tài chính - ngân hàng, đây là điều kiện khai thác tính kinh tế theo quy mô và những lợi thế khác của các tập đoàn tài chính - ngân hàng lớn, có nhiều đơn vị. Điều này khiến việc nhân rộng dịch vụ tài chính - ngân hàng ở các quốc gia khác trở nên dễ dàng đối với các công ty mẹ ở Mỹ. Citigroup, Morgan Stanley, JP Morgan, v.v… có thể dễ dàng duy trì tư tưởng phục vụ chủ đạo của mình ở nước ngoài và có thể đào tạo đội ngũ lao động nước sở tại để thực hiện các quy trình công việc đã được xác định rõ với các tiêu chuẩn rõ ràng.
Mỹ đưa ra những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn dịch vụ tài chính - ngân hàng và các ngành liên quan như kế toán, kiểm toán, do đó tạo nên một lượng khách hàng khó tính, khắt khe và có nhu cầu cao ngay trong nước, đây là điều kiện buộc ngành tài chính - ngân hàng luôn phải vận động, cải tiến và thay đổi. Chính điều này đã làm nên chất lượng dịch tài chính hàng đầu thế giới tại Mỹ.
Mỹ khuyến khích sự cạnh tranh trong nước, khuyến khích sáp nhập và thâu tóm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, áp lực cạnh tranh buộc các ngân hàng Mỹ vận động không ngừng để thắng thế trong cạnh tranh, do đó những ngân hàng tồn tại và phát triển tại thị trường tài chính - ngân hàng là những ngân hàng rất lớn mạnh. Sự hiện diện của một số tập đoàn tài chính – ngân hàng lớn đã đẩy nhanh quá trình bão hòa thị trường nội địa và các tập đoàn tài chính - ngân hàng Mỹ đã sớm chuyển hướng ra thị trường quốc tế, tạo nên lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Mỹ đã sớm ban hành quy định và các chính sách khuyến khích thanh toán điện tử, mua hàng bằng thẻ tín dụng, tạo nên những doanh nghiệp thẻ tín dụng hàng đầu trên thế giới như American Express, MasterCard, VISA và Dinnes Club.
Chính phủ Mỹ đã sớm khuyến khích sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, một ngành bổ trợ đặc biệt quan trọng cho nhiều ngành dịch vụ, đặc biệt với ngành tài chính - ngân hàng. Sự tự động hóa, an toàn bảo mật và truyền dữ liệu điện tử là những yêu cầu không thể thiếu của ngành tài chính - ngân hàng hiện đại. Mỹ đã tạo nên những công ty máy tính đẳng cấp thế giới cùng với sự dư thừa những nhà bán lẻ phần mềm phục vụ khách hàng và phần mềm đóng gói, chính điều này đã giúp các ngành tài chính - ngân hàng có thể truy cập rất nhiều công cụ chuyên biệt để tự động hóa và hiện đại hóa, chuẩn hoá, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra chất lượng ổn định, đồng đều cho dịch vụ, đẩy nhanh tốc độ cung cấp dịch vụ.