8. Cấu trúc của luận văn
1.4.1. Phẩm chất, năng lực
Giảng viên là người cán bộ khoa học, nắm vững các phương pháp khoa học về giảng dạy và giáo dục, sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật trong giảng dạy, tham gia tích cực vào công tác nghiên cứu khoa học vào đời sống xã
hội. Giảng viên là những người tiên tiến của xã hội. Nhân cách của người giảng viên là nhân cách của người trí thức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Nhân cách của người giảng viên bao gồm rất nhiều những bản chất như tư tưởng chính trị, đạo đức, năng lực và các phẩm chất tâm lý khác.
Về phẩm chất chính trị người giảng viên trước hết phải hội tụ đầy đủ phẩm chất người công chức, viên chức, đó là: "Trung thành với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; "chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chủ trương của Đảng và chính sách , pháp luật của Nhà nước"; "tận tuỵ phục vụ nhân dân"; "có nếp sống lành mạnh, trung thực, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư"; "có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong công việc"; "thường xuyên học tập nâng cao trình độ"; "chấp hành sự điều động, phân công công tác của cơ quan".
Là người công chức trong lĩnh vực giáo dục, người giảng viên phải có đủ phẩm chất của một nhà giáo, đó là: "phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt, đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ; đủ sức khoẻ theo yêu cầu của nghề nghiệp, lý lịch bản thân rõ ràng". [10, tr56]
Cùng với những phẩm chất chính trị đối với hoạt động giáo dục của người giảng viên là xu hướng nghề nghiệp sư phạm, năng lực sư phạm và năng lực chuyên môn. Xu hướng nghề nghiệp sư phạm của người giảng viên biểu hiện ở lòng yêu nghề, tình thương và trách nhiệm với học sinh, sinh viên, muốn giảng dạy và giáo dục họ, thể hiện ở hứng thú với bộ môn khoa học mình đang giảng dạy. Người giảng viên nắm vững hệ thống tri thức khoa học theo bộ môn, nắm vững lý luận dạy học, thực tiễn sư phạm và kết quả học tập của học sinh, sinh viên. Trình độ nghiệp vụ sư phạm của người giảng viên phụ thuộc vào động cơ lựa chọn nghề nghiệp, thái độ đối với công việc và năng lực sư phạm.
Năng lực là những thuộc tính tâm lý của cá nhân bảo đảm cho việc thực hiện có kết quả một hay một số lĩnh vực hoạt động nhất định. Nói cách khác, năng lực là tập hợp các kỹ năng tác động lên các nội dung trong tình huống có ý nghĩa đối với học sinh.
Năng lực sư phạm là loại năng lực chuyên biệt. Nó được thể hiện rõ ràng ở người giảng viên chủ yếu là các phẩm chất trí tuệ (tính thuyết phục, tính nghiêm túc và tính logic của ngôn ngữ); các phẩm chất tưởng tượng (khả năng đặt mình vào vị trí của sinh viên và hiểu họ, nắm vững các phương pháp khoa học về giảng dạy và giáo dục, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các phương pháp dạy học, các hình thức tổ chức dạy học - giáo dục; sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật dạy học - giáo dục.
Năng lực sư phạm liên quan chặt chẽ đến năng lực chuyên môn. Năng lực chuyên môn xâm nhập vào các cấu trúc hoạt động của người giảng viên, góp phần cho việc sáng tạo sư phạm khi người giảng viên đó có năng lực và xu hướng sư phạm.
Như vậy, yêu cầu người giảng viên phải có tài năng chung biểu hiện trong các năng lực chung cũng như năng lực chuyên biệt, thể hiện ở các đặc tính ngôn ngữ, tư duy, tưởng tượng, biểu hiện trong các nét ý chí, tính cách của họ và bị lôi cuốn bởi các hoạt động chuyên môn khác nhau.
Yêu cầu cụ thể về năng lực chuyên môn người giảng viên CĐ và ĐH cần có: - Trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn từng chức danh giảng dạy.
- Kiến thức cơ bản, hệ thống chuyên sâu về bộ môn mình giảng dạy, thường xuyên cập nhật kiến thức.
- Năng lực nghiên cứu khoa học
- Sự kết hợp tốt hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động giáo dục, ở trường CĐ và ĐH, sự sáng tạo sư phạm đi liền với sự sáng tạo khoa học. Người giảng viên giảng dạy một bộ môn khoa học đồng thời phải là nhà nghiên cứu, tìm tòi, phát hiện cái mới trong đó, mở rộng và làm phong phú, sâu sắc hơn những tri thức khoa học của bộ môn mình giảng dạy.
Tóm lại, yêu cầu đối với mỗi người giảng viên CĐ và ĐH là phải hội tụ đầy đủ ba thành tố đó là kiến thức, kỹ năng, thái độ, trong đó kiến thức là thành tố cơ bản nhất. Kiến thức chuyên môn vững vàng là tiến đề đầu
tiên để đảm bảo hiệu quả hoạt động của giảng viên trong cả giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cùng với kiến thức chuyên môn, người giảng viên cần phải nắm được các kiến thức về môi trường hoạt động của mình là nhà trường CĐ và ĐH, nắm bắt được các chức năng, nhiệm vụ và các quy định của nó, đồng thời người giảng viên cần phải có những hiểu biết về tâm lý, về xã hội, sư phạm... để hoạt động dạy học của mình phù hợp với sinh viên nhằm kích thích nhu cầu, động cơ và khả năng nhận thức của họ.
Kiến thức là cơ sở cho năng lực hoạt động của giảng viên, nhưng bản thân kiến thức không thể mang lại kết quả mong muốn nếu người giảng viên không nắm được các kỹ năng cần thiết. Thông qua kỹ năng, kiến thức và thái độ mới biến thành kết quả hoạt động. Kỹ năng cơ bản nhất của giảng viên là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng thiết bị và kỹ năng cập nhật kiến thức. Các kỹ năng này không phải tự nhiên có được mà phải được trau dồi qua hoạt động thực tiễn, tự học, tự bồi dưỡng, tự nghiên cứu.
Hiệu quả hoạt động của giảng viên không chỉ phụ thuộc vào kiến thức, kỹ năng mà còn phụ thuộc vào giá trị, niềm tin, thái độ và sự tận tuỵ của họ, các phẩm chất cần có một thời gian dài mới được hình thành và củng cố.
Vậy, làm thế nào để người giảng viên có thể trau dồi được các kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ đa dạng của mình trong điều kiện các nhiệm vụ đó thay đổi theo từng giai đoạn phát triển nghề nghiệp của họ và bản thân các kiến thức, kỹ năng, thái độ đó cũng thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của nhà trường, của xã hội. Đó là nhiệm vụ của công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên.