5. Bố cục của luận văn
4.2.3. Đẩy mạnh đầu tư cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin
Đầu tư cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin là hoạt động hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc thành công hay thất bại của ứng dụng công nghệ thông tin ở địa phương. Đầu tư cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở Quảng Ninh hiện nay nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm điều kiện cho mọi người sử dụng thông tin như một nguồn tài nguyên quan trọng nhằm nâng cao tri thức và cải thiện chất lượng sống; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo; nâng cao dân trí; nâng cao chất lượng của các hoạt động y tế, văn hóa, thể thao,... Để đạt được các mục tiêu trên, Quảng Ninh cần phải thực hiện đẩy mạnh việc đầu tư cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin thông qua ba giải pháp cụ thể sau:
- Mở rộng, đa dạng hóa và khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp, cơ quan, cá nhân cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Các nguồn vốn huy động ở đây bao gồm các nguồn vốn từ ngân sách, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước... Tỉnh cần có chính sách ưu đãi trong việc vay vốn cho mục đích này như áp dụng mức lãi suất ưu đãi, bảo lãnh tín dụng cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin...
- Tập trung hỗ trợ đầu tư cho một số dự án trọng điểm có tính đột phá và tạo nền móng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin như: hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống thông tin bảo đảm đồng bộ, hiện đại và hiệu quả. Theo đó, Quảng Ninh cần tập trung đầu tư vào các dự án sau:
* Xây dựng nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại như: hệ thống đường truyền tốc độ cao; hệ thống cáp quang truyền dữ liệu; hệ thống mạng nội bộ cho các cơ quan, ban ngành và địa phương; xây dựng các chương trình, đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin...
* Đẩy mạnh đầu tư ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hệ thống thông tin trong quản lý nhà nước là sự ghép nối liên hoàn giữa nhiều thành viên trong bộ máy quả lý. Việc xây dựng toàn hệ thống cần phải chia thành nhiều giai đoạn thực hiện theo các mốc thời gian khác nhau, như vậy vừa bảo đảm tính khả thi, vừa đáp ứng khả năng tiếp thu hệ thống của người sử dụng.
Tuy nhiên, trong đầu tư ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin cần chú ý các bài học kinh nghiệm đầu tư không hiệu quả trong quá khứ. Việc xây dựng hệ thống thông tin cần xác định những nội dung thông tin quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến quá trình cải cách hành chính để tiến hành thực hiện trước. Theo đó, trước hết cần chú trọng đầu tư vào các dự án như: hệ thống một cửa điện tử liên thông; hệ thống quản lý hồ sơ công việc liên cơ quan; hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa văn bản;... Việc xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nhà nước phải phù hợp với đặc điểm của từng ngành, từng địa phương.
* Đầu tư hệ thống đường truyền internet và máy tính cho các trường học, trung tâm đào tạo của tỉnh, trung tâm thông tin văn hóa, bưu điện văn hóa xã. Phải đầu tư phát triển hệ thống các phần mềm ứng dụng cho từng ngành, từng địa phương và từng đối tượng tiếp cận. Phấn đấu đạt mục tiêu phổ cập kiến thức công nghệ thông tin cho toàn bộ học sinh từ cấp tiểu học trở lên; mọi xã, phường đều có thể truy cập hệ thống thông tin quốc gia và internet, phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội (sản xuất, kinh doanh, đào tạo từ xa, khám chữa bệnh,...).
- Sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Đây là một yêu cầu hết sức quan trọng trong vấn đề sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Để sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, Quảng Ninh cần làm tốt một số việc sau:
* Lựa chọn các dự án đầu tư một cách chính xác, khoa học và thực tiễn. Các dự án được lựa chọn phải dựa trên các tiêu chí như: dự án phải có tính thiết thực, tạo ra sự chuyển biến về kinh tế - xã hội của địa phương; các dự án này phải phù hợp với điều kiện về hạ tầng thông tin và trình độ của đội ngũ cán bộ ứng dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ của những người tiếp cận.
* Tăng cường sự giám sát của cơ quan nhà nước, của các đoàn thể chính trị - xã hội và của người dân trong việc sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm các nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Để thực hiện sự giám sát này một cách có hiệu quả, tỉnh cần xây dựng quy chế, cơ chế giám sát. Theo đó, Ban chỉ đạo công nghệ thông tin, các sở, ban, ngành và địa phương phải tiến hành việc báo cáo định kỳ trước UBND tỉnh, trước cơm quan quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và cơ quan cấp trên về kế hoạch, tiến độ triển khai và hiệu quả của các dự án phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin ở ngành, lĩnh vực, địa phương mà mình phụ trách. Mặt khác, cần tăng cường hơn nữa vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong việc giám sát quá trình triển khai ứng dụng các đề án công nghệ thông tin. Cần xây dựng cơ chế phản hồi của người dân và doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước về tính tiện ích, những hạn chế, tồn tại trong quá trình thụ hưởng các thành tựu ứng dụng công nghệ thông tin.
* Xây dựng quy chế sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Theo đó, tất cả các dự án mua sắm trang thiết bị, phần mềm ứng dụng có mức giá trị phải đấu thầu đều phải thông qua thể thức đấu thầu và hợp đồng. Thể thức này bao gồm cả việc công bố công khai việc đấu thầu và giám sát kết quả đấu thầu, bảo đảm xác định đúng đắn nhu cầu về công nghệ thông tin, lựa chọn đúng đắn các nhà thầu có đủ năng lực thực hiện dự án với chi phí hợp lý.