Hiện nay, trên thế giới đang tồn tại một số học thuyết về lãnh đạo [5, 6, 7, 20, 24, 28] đó là:
(1) Học thuyết về lãnh đạo dựa trên cơ sở tố chất. Đây là học thuyết ra đời sớm nhất trên thế giới. Học thuyết này cho rằng lãnh đạo phải là những người có tố chất siêu phàm, phải có những giá trị vượt trội so với đông đảo những người còn lại, và chính những tố chất siêu phàm và giá trị vượt trội vốn có do tạo hóa ban tặng đó đã giúp họ trở nên xuất chúng và trở thành những người đứng đầu một tổ chức, một quốc gia hay một tôn giáo nào đó (Yuki và Van Fleet, 1992)
(2) Học thuyết về lãnh đạo dựa trên cơ sở hành vi. Học thuyết này ra đời từ những năm 1950. Sau khi các học giả, các nhà nghiên cứu cũng như các nhà hoạt
động thực tiễn bắt đầu cảm nhận được những nhược điểm, hạn chế của học thuyết về lãnh đạo dựa trên cơ sở tố chất . Học thuyết về lãnh đạo dựa trên cơ sở hành vi cho rằng bất cứ một ai mà bằng hành động ứng xử của mình làm cho người khác làm theo được ý định của mình thì người đó mới thực sự là lãnh đạo.
(3) Học thuyết về lãnh đạo dựa trên cơ sở quyền lực và sự ảnh hưởng. Gây ảnh hưởng và quyền lực là hai trong số các nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo. Gây ảnh hưởng là một năng lực tối quan trọng và không thể thiếu đối với bất cứ một nhà lãnh đạo nào. Gây ảnh hưởng là quá trình tác động nhằm thu phục cấp dưới trên cơ sở sử dụng một cách hợp lý, đồng bộ các biện pháp kích thích. Vì vậy, gây ảnh hưởng không chỉ giúp các nhà lãnh đạo tại sự gắn kết, tập hợp lực lượng xung quanh mình, mà còn gúp các nhà lãnh đạo tự hoàn thiện hình ảnh của chính bản thân. Để gây được ảnh hưởng đối với cấp dưới thì nhà lãnh đạo phải có quyền lực. Quyền lực chính là khả năng tác động của một cá nhân nào đó vào những người còn lại. Cho nên, quyền lực và khả năng gây ảnh hưởng có mối quan hệ qua lại chặt chẽ, khăng khít với nhau. Các nhà nghiên cứu về quyền lực và gây ảnh hưởng đã chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo đã sử dụng quyền lực để gây ảnh hưởng và ngược lại các nhà lãnh đạo đã kết hợp các biện pháp, kỹ thuật gây ảnh hưởng để nâng tầm quyền uy của mình.