Giải pháp nâng cao năng lực ra quyết định

Một phần của tài liệu Phát triển năng lực lãnh đạo tại trường Đại học Đông Á Đà Nẵng (Trang 85)

Việc đưa ra quyết định có hiệu quả là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo, nhưng trên thực tế ít người chú trọng rèn luyện cho mình kỹ năng này. Vì vậy, để trường Đại học Đông Á có thể tồn tại và phát triển lâu dài thì các lãnh đạo phải:

- Tham gia các khóa đào tạo nâng cao năng lực về giải quyết vấn đề và ra quyết định.

- Thực hành các tình huống mô phỏng ra quyết định (decision simulation) để rèn luyện “tay nghề” hoặc kỹ năng ra quyết định.

- Tuân thủ quy trình ra quyết định:

Sau đây là một số gợi ý về quy trình ra quyết định mà một lãnh đạo cần thực hiện để đạt hiệu quả [26]:

1. Xác định vấn đề. Vấn đề chính mà lãnh đạo cần ra quyết định là gì? Nó quan trọng như thế nào? Mức độ ảnh hưởng đối với tổ chức

2. Thu thập thông tin. Lãnh đạo cần thu thập thông tin từ sinh viên, từ cán bộ giảng viên, từ những lãnh đạo đồng nghiệp, từ các nguồn tham khảo…

3. Đưa ra các giải pháp. Hãy tổ chức các cuộc họp, kêu gọi các thành viên cấp dưới của mình đưa ra các giải pháp và phân tích ưu, nhược điểm của giải pháp đó.

4. Chọn giải pháp tối ưu. Sau khi nghe các nhân viên của mình đề xuất giải pháp và phân tích ưu, nhược điểm của các giải pháp đó, thì nhà lãnh đạo cần phải dựa vào kỹ năng, kinh nghiệm lãnh đạo để lựa chọn giải pháp tối ưu (tức là nhược điểm ít nhất) nhằm ra quyết định hiệu quả.

5. Thực thi quyết định. Khi quyết định đã được đưa ra, nhà lãnh đạo buộc phải giao nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm thực hiện, và luôn giám sát công việc đã giao tránh trường hợp quyết định đã được đưa ra mà thực thi không có kết quả hoặc không theo đuổi đến cùng.

6. Đánh giá kết quả. Hết thời hạn của quyết định, thì lãnh đạo cần phải đánh giá kết quả đã thực hiện được để xem quyết định mà mình thực thi có đúng không? có phù hợp không? Có đạt được các tiêu chí như ban đầu đặt ra hay không? Nếu không đạt mục tiêu đặt ra thì nguyên nhân do đâu. Biện pháp khắc phục tiếp theo là gì? Khắc phục mất bao nhiêu thời gian? Ảnh hưởng như thế nào đối với tổ chức?

Những nhà lãnh đạo không nhất quán thường tỏ ra lúng túng ở bước 4 và 5. Thông thường là do họ đã không dành đủ thời gian và nỗ lực cho bước 1 và 2. Vì vậy, để có thể nhất quán khi ra quyết định, các lãnh đạo nhà trường cần phải nắm thật rõ vấn đề, thu thập đúng, đủ thông tin và ý kiến trước khi ra quyết định.

Một phần của tài liệu Phát triển năng lực lãnh đạo tại trường Đại học Đông Á Đà Nẵng (Trang 85)