Do sự phát triển của các điều kiện kinh tế xã hộ

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận và thực tiễn điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng theo luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 63)

HN&GĐ là những hiện tượng phát sinh trong quá trình phát triển của loài người. Cũng như những hiện tượng xã hội khác, HN&GĐ, mà trong đó quan hệ tài sản vợ chồng chiếm vai trò quan trọng, chịu sự tác động có tính quyết định của các điều kiện kinh tế - xã hội.

Pháp luật chỉ ra đời khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển đến một trình độ nhất định. Đó là lúc mà lực lượng sản xuất phát triển, năng suất lao động ngày càng cao, sản phẩm lao động của xã hội ngày càng nhiều, trong xã hội xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và sự phân hóa giàu nghèo, các quan hệ xã hội ngày càng trở nên phức tạp. Do đó, các công cụ quản lý xã hội như đạo đức, tôn giáo không thể duy trì trật tự xã hội được nữa, đòi hỏi xã hội phải xuất hiện một công cụ quản lý mới, đó là pháp luật.

Pháp luật là công cụ quản lý xã hội, vì vậy, mỗi hình thái kinh tế xã hội lại có một hệ thống pháp luật riêng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Sự thay đổi, phát triển của kinh tế, xã hội kéo theo sự thay đổi, phát triển của pháp luật. Điều đó cũng thể hiện mối quan hệ giữa kiến trúc thượng tầng với cơ sở hạ tầng. Trong mối quan hệ đó thì cơ sở hạ tầng luôn giữ vai trò quyết định, kiến trúc thượng tầng có vai trò tác động trở lại cơ sở hạ tầng.

Điều kiện kinh tế, xã hội là cơ sở để xây dựng pháp luật nên điều kiện kinh tế của đất nước luôn quyết định đến nội dung của pháp luật.

Ph.Ăngghen đã khẳng định rằng chế độ gia đình trong xã hội phụ thuộc vào quan hệ sở hữu thống trị trong xã hội đó và bước chuyển từ hình thái gia đình này lên một hình thái gia đình khác cao hơn suy cho cùng được quyết định bởi những thay đổi trong điều kiện vật chất của đời sống xã hội. Bởi quan hệ tài sản của vợ chồng là một nội dung mang đậm phạm trù kinh tế, nó là một bộ phận của quan hệ kinh tế. Do đó nó bị chi phối bởi các quy luật kinh tế của một nền kinh tế nhất định và chứa đựng trong đó các đặc trưng của nền kinh tế đó. Đặc trưng, tính chất của nền kinh tế quyết định đến nguyên tắc, phương hướng phát triển của pháp luật.

Nếu như trước đây, dưới chế độ PK, người chồng có quyền tuyệt đối trong gia đình, còn người vợ bị coi là “vô năng lực” thì kể từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Hiến pháp năm 1946 ra đời với tuyên ngôn mới về quyền bình đẳng “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9). Điều này được tiếp tục ghi nhận trong các văn bản pháp luật sau này. Có thể thấy, chính sự phát triển của điều kiện kinh tế xã hội với những đặc trưng của nó đã có tác động đến các mối quan hệ gia đình, đặc biệt là mối quan hệ về tài sản giữa vợ chồng. Khi kinh tế phát triển, sự bình đẳng xã hội, bình đẳng nam nữ được đề cao, người phụ nữ trong gia đình có thể tham gia vào các công việc trong nền kinh tế xã hội, từ đó sẽ không còn phụ thuộc kinh tế vào người chồng nữa, quan hệ tài sản giữa vợ chồng theo đó cũng phải thay đổi để phù hợp với điều kiện kinh tế ấy.

Sự phát triển của các điều kiện kinh tế - xã hội đã dẫn đến sự thay đổi, phát triển các quy định của pháp luật về quan hệ tài sản của vợ chồng, mà một trong những thay đổi lớn có thể thấy rõ đó là việc pháp luật thừa nhận quyền có tài sản riêng của vợ, chồng, quyền định đoạt tài sản riêng của vợ chồng,

quy định việc chia tài sản khi hôn nhân còn tồn tại. Trước năm 1986, kinh tế nước ta phát triển theo chế độ tập trung bao cấp, do đó hình thức sở hữu tư nhân không được chấp nhận nên các quy định về tài sản riêng của vợ, chồng không được ghi nhận trong Luật HN&GĐ năm 1959. Điểm mới này được ghi nhận từ Luật HN&GĐ năm 1986, khi nền kinh tế, xã hội có sự biến chuyển sâu sắc, đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới được gọi là “thời kỳ đổi mới”. Quy định mới này đã đánh dấu sự chuyển mình theo thời đại của các quy định pháp luật về quyền sở hữu tài sản của vợ chồng. Việt Nam trong một thời gian dài tồn tại dựa vào nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu nên tư duy của con người khó lòng thoát khỏi nguyên tắc của xã hội trồng lúa nước - đó là ổn định để tồn tại, đoàn kết để tồn tại, chính vì thế mà người ta thường lạ lẫm với việc rạch ròi về tài sản, nhất lại là tài sản của vợ chồng. Sang thời đại của công nghệ thông tin, của internet, của thẻ tín dụng, của toàn cầu hóa… sự độc lập của mỗi cá nhân không thể bị bó buộc trong lối tư duy cũ đó nữa. Và con người thực sự cần sự độc lập hơn về tài chính để có thể tồn tại trong xã hội hiện đại.

Trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, quan hệ sở hữu tài sản của vợ chồng cũng có những ảnh hưởng nhất định. Do sự hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, đặc biệt là kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, cùng với tính đa dạng của các thành phần kinh tế và các hoạt động kinh tế đã khiến cho việc xác định tài sản, quyền sở hữu tài sản, quyền thừa kế tài sản của nhau giữa vợ và chồng khó khăn, phức tạp hơn, nguồn gốc tài sản của vợ chồng đa dạng, phong phú hơn.

Mọi sự thay đổi trong điều kiện kinh tế xã hội sớm hay muộn đều dẫn đến sự thay đổi tương ứng trong hệ thống pháp luật của đất nước. Nhằm đảm bảo được một trong những chức năng chủ yếu của gia đình (chức năng kinh

tế), chức năng chịu ảnh hưởng quyết định bởi sự phát triển của nền kinh tế, sẽ phải có một hệ thống văn bản pháp luật quy định về quan hệ tài sản của vợ chồng một cách đồng bộ nhất, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế nhất, không chỉ trong pháp luật HN&GĐ mà còn trong pháp luật dân sự, đất đai, kinh doanh… Đó là một trong những cơ sở quan trọng để xây dựng quan hệ tài sản của vợ chồng.

Một phần của tài liệu Cơ sở lý luận và thực tiễn điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng theo luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 (Trang 63)