Cách mạng tháng Tám thành công đã giải phóng dân tộc Việt Nam nói chung và phụ nữ nói riêng ra khỏi ách thống trị hết sức hà khắc và đối xử thậm tệ của chế độ thực dân PK. Tuy nhiên, sau Cách mạng tháng Tám, Nhà nước ta chưa ban hành đạo luật cụ thể mà tiến hành phong trào vận động đời sống mới nhằm vận động nhân dân xoá bỏ những hủ tục PK lạc hậu trong đời sống HN&GĐ, bởi vì giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám, quan hệ sản xuất PK vẫn còn tồn tại và việc xoá bỏ chế độ HN&GĐ PK không phải là việc dễ dàng và nhanh chóng. Vì vậy, Sắc lệnh số 90-SL của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ban hành vào ngày 10/10/1945 cho phép vận dụng những quy định trong pháp luật cũ một cách có chọn lọc, theo nguyên tắc không đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, của Nhà nước.
Năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời đã xác định “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9). Đây chính là sự ghi nhận quyền bình đẳng nam nữ, là lời tuyên ngôn của nước Việt Nam độc lập nhằm giải phóng phụ nữ thoát khỏi ách áp bức hàng ngàn năm trong lịch sử dưới chế độ PK, là cơ sở pháp lý để đấu tranh xoá bỏ chế độ HN&GĐ PK lạc hậu, tạo cơ sở cho việc xây dựng quan hệ tài sản của vợ chồng phù hợp với chế độ dân chủ tiến bộ của một quốc gia độc lập.
Để bảo đảm phát triển xã hội về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hoá trong quá trình đấu tranh cách mạng chống đế quốc và PK, bảo đảm sự phát triển của phong trào giải phóng phụ nữ, cần xoá bỏ một số chế định trong các Bộ dân luật cũ về các quan hệ HN&GĐ cản trở sự phát triển của xã hội mới. Vì thế, trong giai đoạn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành các sắc lệnh đầu tiên về dân luật và HN&GĐ. Đó là Sắc lệnh số 97-SL ngày 22-5-1950 sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật và Sắc lệnh số 159-SL ngày 17-11- 1950 quy định vấn đề ly hôn (gồm có 9 điều chia thành 3 mục: duyên cớ lý hôn, thủ tục ly hôn, hiệu lực của việc ly hôn).
Sắc lệnh số 97-SL gồm có 15 điều, trong đó có 8 điều quy định về HN&GĐ (các điều khác quy định một số nguyên tắc của pháp luật dân sự) với những nội dung về vấn đề quan hệ tài sản của vợ chồng, như: xoá bỏ tính chất phong kiến của quyền gia trưởng ràng buộc và áp bức cá nhân, trái với mục đích giải phóng con người của một nền pháp chế dân chủ. Vì vậy, người thành niên, từ nay có quyền tự chủ và quản lý, định đoạt tài sản riêng. Con đã thành niên lấy vợ, lấy chồng không cần phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc các bậc tôn trưởng trong gia đình (Điều 2); Thực hiện nam nữ bình đẳng trong gia đình: người đàn bà có chồng có đầy đủ năng lực thực hiện mọi hành vi dân sự, không cần được chồng cho phép như trước nữa (Điều 5, Điều 6); Bảo vệ quyền thừa kế của vợ chồng: Trong lúc còn sinh thời, người chồng góa, hay vợ góa có quyền xin chia tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết sau khi đã thanh toán tài sản chung (Điều 11).
Sắc lệnh số 97- SL ngày 22-5-1950 có thể được xem như văn bản pháp luật đầu tiên về gia đình của Nhà nước Việt Nam kiểu mới - Nhà nước dân chủ của nhân dân, là bước đi tiên phong trong quá trình xây dựng và hoàn thiện mô hình gia đình mới. Mặc dù Sắc lệnh không định nghĩa bằng một hệ thống các quy tắc về quan hệ tài sản của vợ chồng, song những nguyên tắc
lớn đã được khẳng định trong Sắc lệnh: đó là nguyên tắc bình đẳng nam nữ, nguyên tắc tự do kết hôn. Những nguyên tắc ấy, cộng với sự thừa nhận cho cá nhân, đặc biệt là thừa nhận năng lực chủ thể của người phụ nữ có chồng đã góp phần thúc đẩy sự hình thành quan hệ tài sản của vợ chồng mới, trong đó có các quan hệ dân chủ tiến bộ đan xen với những quan hệ truyền thống tốt đẹp.