Trước những thay đổi lớn lao của đất nước ta giai đoạn này, việc ban hành Luật HN&GĐ mới là một đòi hỏi tất yếu khách quan. Ngày 29/12/1986, Luật HN&GĐ năm 1986 đã chính thức được Quốc hội khóa VII, kỳ họp thứ 12 thông qua.
Về cơ bản, quan hệ tài sản của vợ chồng trong Luật HN&GĐ năm 1986 kế thừa và tiếp tục phát huy những thành tựu lập pháp, phù hợp với giai đoạn phát triển mới, gồm nội dung cơ bản sau:
Luật HN&GĐ năm 1986 đã ghi nhận chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ cộng đồng tạo sản theo nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập về nghề nghiệp và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được cho chung (Điều 14).
Điểm mới của Luật HN&GĐ năm 1986 là thừa nhận quyền có tài sản riêng và quyền định đoạt tài sản riêng của vợ chồng, quy định việc chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại (Điều 16, Điều 18).
Bên cạnh những điểm tiến bộ vượt bậc, qua 14 năm thi hành, do được ban hành trong thời kỳ đầu của sự nghiệp đổi mới, trước yêu cầu, nhiệm vụ
mới nên Luật HN&GĐ năm 1986 đã bộc lộ một số mặt hạn chế, như: nhiều quy định của Luật còn mang tính khái quát chung, chưa cụ thể nên khó áp dụng trong thực tế, chưa có cơ sở pháp lý thống nhất để giải quyết các tranh chấp về tài sản giữa vợ chồng: việc phân chia tài sản giữa vợ và chồng, nhất là phân chia nhà ở khi ly hôn, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình…; việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các quy định mang tính nguyên tắc của Luật HN&GĐ còn chậm và thiếu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thi hành Luật trong thực tế, đặc biệt là liên quan đến quan hệ HN&GĐ đối với đồng bào dân tộc thiểu số; một loạt các luật khác được ban hành, trong khi các quan hệ tài sản vợ chồng luôn chịu sự tác động của nhiều mối quan hệ khác nhau như dân sự, đất đai, kinh doanh…; những tác động tiêu cực của mặt trái của cơ chế thị trường đã phần nào ảnh hưởng xấu đến lối sống, đạo đức trong gia đình, dẫn đến tình trạng vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật HN&GĐ xảy ra ngày càng phổ biến...
Tình hình đó đòi hỏi Nhà nước phải sửa đổi, bổ sung Luật HN&GĐ năm 1986 một cách toàn diện. Ngày 9/6/2000, Luật HN&GĐ (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Quan hệ tài sản của vợ chồng theo Luật HN&GĐ năm 2000 tiếp tục kế thừa và phát triển cùng với sự phát triển của hệ thống pháp luật HN&GĐ Việt Nam.
So với Luật HN&GĐ năm 1986, Luật HN&GĐ năm 2000 đã bổ sung ba điều mới liên quan đến nghĩa vụ và quyền về tài sản của vợ chồng (Điều 28: Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; Điều 30: Hậu quả chia tài sản chung của vợ chồng; Điều 33: Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng). Bên cạnh đó Điều 27, 29, 31 có bổ sung một số nội dung mới quan trọng như quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng nếu pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận phải ghi tên của cả hai vợ chồng…
Về vấn đề cấp dưỡng: Đây là chương mới được phát triển từ điều 43, 45 Luật HN&GĐ năm 1986, Luật HN&GĐ năm 2000 đã mở rộng phạm vi quan hệ cấp dưỡng. Không chỉ cấp dưỡng khi ly hôn mà cấp dưỡng trong mọi trường hợp của đời sống. Luật cũng quy định những người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và căn cứ chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng.
Về quyền thừa kế tài sản của nhau giữa vợ chồng: Luật HN&GĐ năm 2000 đã bổ sung thêm những trường hợp đặc biệt trong việc thừa kế tài sản của nhau giữa vợ chồng.